(Baothanhhoa.vn) - Dù quy định phải niêm yết giá hàng hóa và bán đúng theo giá đã niêm yết nhưng thực tế hiện nay, nhiều cửa hàng, đại lý vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Tình trạng không niêm yết giá hoặc niêm yết nhưng không bán đúng giá đã khiến cho người tiêu dùng giảm niềm tin vào môi trường kinh doanh tại nhiều chợ truyền thống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần quản lý nghiêm việc niêm yết giá tại các chợ truyền thống

Dù quy định phải niêm yết giá hàng hóa và bán đúng theo giá đã niêm yết nhưng thực tế hiện nay, nhiều cửa hàng, đại lý vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Tình trạng không niêm yết giá hoặc niêm yết nhưng không bán đúng giá đã khiến cho người tiêu dùng giảm niềm tin vào môi trường kinh doanh tại nhiều chợ truyền thống.

Cần quản lý nghiêm việc niêm yết giá tại các chợ truyền thốngNhiều gian hàng trong các chợ truyền thống vẫn chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết giá.

Mặc dù sự xuất hiện và cạnh tranh của nhiều kênh phân phối hiện đại đã khiến các chợ truyền thống giảm sức hút hơn so với trước nhưng đây vẫn là nơi được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bên trong những khu chợ có hoạt động mua bán sầm uất từ nhiều năm nay tại TP Thanh Hóa có nhiều sản phẩm, hàng hóa đa dạng và phong phú về chủng loại, từ quần áo, giầy dép đến hàng thủ công, đồ gia dụng... Mỗi ngày, hàng trăm lượt người đến mua lẻ cũng như nhập sỉ hàng để chuyển đi các huyện. Tuy nhiên, bên trong nhiều gian hàng, các sản phẩm bày bán không được niêm yết giá hoặc có thì lại dán ở vị trí mà khách hàng khó có thể quan sát. Việc niêm yết giá nhiều khi chỉ mang tính hình thức nhằm đối phó với lực lượng chức năng bởi người bán thường niêm yết một đằng và bán giá một nẻo.

Theo quan sát tại một số gian hàng bán quần áo bên trong chợ Tây Thành, sau khi lựa chọn và trả giá, khách hàng có thể mua sản phẩm với số tiền thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 2 phần 3, thậm chí một nửa so với giá niêm yết. Và đặc biệt, trước khi tiễn khách ra khỏi hàng, người chủ không quên dặn “thượng đế” của mình là khi có quản lý hoặc bảo vệ chợ hỏi thì họ hãy nói là đã mua đúng với giá như đã niêm yết trên từng sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Bích, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết: Nhiều mặt hàng không biết rõ giá nên thông thường tôi phải tham khảo những người quen đã dùng để khi ra chợ biết cách mà trả giá. Còn đối với những sản phẩm nào có giá trị thì tôi sẽ đến siêu thị, các trung tâm thương mại chọn mua để không bị “hớ”.

Giải thích cho hành vi không làm đúng quy định về niêm yết giá, nhiều tiểu thương cho biết: Bản thân cũng muốn thực hiện nghiêm túc để góp phần bình ổn giá và tạo môi trường kinh doanh văn minh cũng như không còn bị ban quản lý chợ và lực lượng chức năng nhắc nhở nhưng vì tâm lý người mua đã từ lâu thích kỳ kèo thêm bớt nên nếu niêm yết giá đầy đủ sẽ rất khó bán. Hơn nữa, vì có quá nhiều mặt hàng chủng loại khác nhau, giá nhập hàng cũng thường xuyên thay đổi nên gây khó khăn cho khâu niêm yết. Vì vậy, họ bán theo phương châm “thuận mua vừa bán”, nếu là người quen, khách hàng thân thiết thì bán đúng giá, còn lại với khách lạ họ sẽ đòi thách cao để người mua trả giảm dần xuống là vừa. Với các chợ tại những khu đô thị là vậy, còn ở những khu vực nông thôn, vùng núi cao thì việc thực hiện niêm yết giá lại càng lỏng lẻo. Quá trình mua bán chủ yếu được 2 bên thỏa thuận miệng mà không có niêm yết cụ thể trên từng sản phẩm như quy định.

Tại Khoản 6, Điều 4 Luật Giá năm 2012 quy định: Việc niêm yết giá được thực hiện bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn đã tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật, hay niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Với những trường hợp vi phạm nhiều lần, niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá, cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng.

Quy định rất rõ ràng và thực tế các đơn vị của cơ quan quản lý thị trường hàng năm đã phối hợp với ban quản lý các chợ tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động từng hộ kinh doanh ký cam kết niêm yết giá hàng hóa, bán hàng đúng giá niêm yết. Đồng thời, đơn vị kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các hành vi liên quan đến việc niêm yết giá bán. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về niêm yết và bán đúng giá niêm yết hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tại một số các khu chợ, ban quản lý cũng đã thực hiện giám sát hoạt động này của tiểu thương nhưng việc này thực tế vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.

Bên cạnh những nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, vận động tiểu thương thực hiện đúng quy định thì môi trường kinh doanh tại các chợ truyền thống chỉ thực sự văn minh, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng chỉ thực sự đảm bảo khi cả người bán và người mua phải tự mình thay đổi thói quen đòi thách cao - trả giá thấp. Từ đó mới tăng thêm sức hút cho các chợ truyền thống trong cộng đồng người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài Và Ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]