(Baothanhhoa.vn) - Làng Chòm hay còn gọi là làng Minh Châu, ở xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa) được người dân biết đến với nghề làm bánh đa. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề đổi thay nhiều nhưng nét độc đáo của bánh đa làng Chòm thì vẫn còn được gìn giữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bánh đa làng Chòm

Làng Chòm hay còn gọi là làng Minh Châu, ở xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa) được người dân biết đến với nghề làm bánh đa. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề đổi thay nhiều nhưng nét độc đáo của bánh đa làng Chòm thì vẫn còn được gìn giữ.

Chị Nguyễn Thị Hương, thôn 7, xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa) đang thực hiện công đoạn nướng bánh đa.

Người dân trong làng không ai biết nghề làm bánh đa có từ khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra, cái tên làng Chòm đã gắn liền với nghề làm bánh đa. Không chỉ là nghề kiếm kế sinh nhai, làm bánh đa còn là một cách giữ gìn nghề. Chúng tôi được chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ nông nghiệp của xã dẫn đường đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, ở thôn 7. Theo chị Hằng, gia đình bà Phượng là một trong những gia đình có truyền thống làm bánh đa lâu đời ở làng. Đôi tay bà thoăn thoắt tráng bánh, nhưng vẫn tươi cười tiếp chuyện chúng tôi: “Người dân làng Chòm ai cũng biết làm nghề, phụ nữ thì tráng bánh, đàn ông thì xay bột, người già thì quạt bánh, trẻ nhỏ trong làng cũng giúp bố mẹ xếp bánh. Tôi làm nghề này ngót cũng gần 50 năm”. Bánh đa làng Chòm chỉ dùng nguyên liệu duy nhất là bột gạo với vừng. Theo những người làm bánh lâu năm ở làng cho biết: Bánh làm bằng bột gạo giòn và thơm lâu. Nguyên liệu chính để làm bánh đa là gạo nhưng không phải loại gạo nào cũng có thể làm được mà phải là loại gạo 203 hoặc Q5 vì đây là loại gạo ít nhựa, khi làm bánh mới mịn và nhất là khi quạt trên than hồng bánh sẽ nở đều mà không bị vỡ nứt. Người ta vo gạo rồi mang ngâm vào nước cho đến khi hạt gạo nở căng tròn, rồi vớt ra, để ráo và xay. Vừng làm bánh cũng được người dân lựa chọn kỹ càng và phải là loại vừng có màu vàng ruộm, hạt tròn mẩy, vị thơm, bùi. Thông thường, những công đoạn này phải được làm từ tối hôm trước. Tờ mờ sáng, trong làng nhà nào cũng sáng đèn, người ta nhanh tay tráng những mẻ bánh mới để kịp phơi khi mặt trời lên. Người làng Chòm luôn pha vào bột làm bánh một chút muối và mật mía để giúp bánh có vị đậm và màu vàng. Người tráng bánh phải dàn bột đều tay để bánh có độ dày vừa phải, rồi rắc lớp vừng đều trên mặt bánh. Để phù hợp với số lượng người ăn nhiều hay ít mà bánh đa cũng được làm nhiều loại có kích thước to nhỏ, hình dạng khác nhau. Sau khi bánh chín, người ta nhẹ nhàng nhấc lên phên tre. Tất cả các công đoạn được thực hiện nhịp nhàng, khéo léo. Bà Phượng tiếp lời: “Mẻ bánh ngon là nhờ người phơi bánh. Người phơi bánh phải liên tục trở để bánh khô đều, thời gian phơi phụ thuộc vào thời tiết nắng hay mưa”. Thời xưa, để làm ra một mẻ bánh vô cùng vất vả bởi phải dùng tay điều khiển cối xay cồng kềnh và phải điều chỉnh lửa tráng bánh vừa phải. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, người dân làng Chòm đã đầu tư máy xay điện, nồi hơi để tiết kiệm thời gian và công sức. Từ một món ăn dân giã, bánh đa làng Chòm đã đi vào đời sống của người dân như một sản phẩm truyền thống, chứa đựng sự khéo léo, tinh tế của người làm bánh. Không những thế, nghề này còn đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Là người thạo nghề, mỗi ngày trung bình bà Phượng tráng hơn 1.000 cái bánh, trừ chi phí, bà thu lãi 15 triệu đồng/tháng. Hiện nay, theo thị hiếu của thị trường, người dân làng Chòm còn sáng tạo thêm nhiều loại bánh đa, như: Bánh đa gừng, bánh đa gấc...

Đêm khuya, những gia đình làm bánh trong làng vẫn chong đèn, những thành viên trong nhà quây quần bên chậu than hồng để quạt bánh. Mùi thơm béo ngậy của vừng quyện cùng tiếng nổ lép bép của than hoa đang đỏ trong chậu. Đôi tay người thợ quạt bánh nhanh thoăn thoắt, một tay cầm quạt, tay còn lại liên tục lật chiếc bánh đa trên lửa để chín đều, không bị cháy. Chị Nguyễn Thị Hương, một người có thâm niên trong công đoạn nướng bánh cho biết: Khi quạt bánh phải đều tay, để giữ cho lửa vừa độ, như vậy bánh mới chín đều, không bị cháy hoặc sống”. Bánh đa làng Chòm trước chỉ bán ở chợ xã, chợ huyện, giờ đây “tiếng lành đồn xa”, sản phẩm bánh đa làng Chòm đã được thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến mua, như: Sơn La, Bắc Ninh, Hải Phòng... và bước đầu xuất khẩu sang Lào, Thái Lan.

Ông Phan Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Châu, cho biết: “Hiện nay, nghề làm bánh đa là nghề chính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân làng Chòm. Toàn xã hiện có hơn 300 hộ phát triển nghề, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Để phát triển nghề bền vững, UBND xã có định hướng quy hoạch phát triển làng nghề xa khu dân cư để kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường. Đồng thời, đăng ký nhãn hiệu tập thể để phát triển thương hiệu riêng của quê hương”.


Bài và ảnh: Kim Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

2 bình luận

 Nguyễn Thị ánh - 15:25 31/03/20

 Trả lời

Cho em xin số điện thoại ạ

 Truc - 15:52 10/05/19

 Trả lời

E muon mua ban da cho xin sdt dc k a

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]