(Baothanhhoa.vn) - Nhà thơ Thành Chung sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên bờ sông Mã, thuộc xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa (nay là phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa). Ông tên thật là Nguyễn Xuân Trưởng, người con của một dòng tộc, một gia đình có truyền thống khoa bảng, yêu nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tình quê và ký ức người lính trong hồn thơ Thành Chung

Nhà thơ Thành Chung sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên bờ sông Mã, thuộc xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa (nay là phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa). Ông tên thật là Nguyễn Xuân Trưởng, người con của một dòng tộc, một gia đình có truyền thống khoa bảng, yêu nước.

Cụ tổ Chi tộc của ông là Tiến sĩ thời Hậu Lê, có bia ghi danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Người cha của ông là bộ đội Nam tiến, sau khi ra quân lại làm xã đội trưởng ở địa phương và mất do bom Mỹ, mẹ ông từng là dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Gia đình ông có 6 anh chị em, bốn người con trai đều tham gia kháng chiến, hai chị em gái tham gia công tác ở địa phương.

Được sống trong truyền thống gia phong ấy, từ thuở học trò, Nguyễn Xuân Trưởng đã có năng khiếu văn chương, ông từng là một trong những gương mặt xuất sắc tham gia thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Lớn lên, do điều kiện đất nước chiến tranh, ông sớm bước vào quân ngũ. Khi đã hoàn thành nghĩa vụ của người lính, ông lại lăn lộn thương trường để mưu sinh, lo cho gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mãi khi đến tuổi hưu, ông mới có điều kiện để trở về với tình yêu văn chương, vốn là niềm đam mê vẫn ủ sâu trong tâm hồn ông từ thuở thiếu thời.

Với bút danh Thành Chung, Nguyễn Xuân Trưởng bắt đầu đến với thơ khá muộn, nhưng thành quả lao động sáng tạo của ông trong lĩnh vực này đã rất dày dặn. Chỉ từ năm 2012 đến nay, ông đã cho ra đời tới 6 tập thơ. Có lẽ trong con người Thành Chung, thơ đã được gieo hạt, ươm mầm từ rất lâu rồi, chỉ chờ có dịp là bung hoa kết trái. Đến lúc này, khi đã hoàn thành trách nhiệm của một công dân với Tổ quốc, không còn bận rộn với mưu sinh, ông mới có đủ thời gian để toàn tâm, toàn ý với thơ.

Cũng như bao lớp người Việt Nam yêu nước, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, người lính Nguyễn Xuân Trưởng vào mặt trận phía Nam. Ông là chỉ huy đại đội xe vận tải dọc Trường Sơn, tham gia chiến dịch ở những chiến trường khốc liệt như Đường 9 – Nam Lào, Thành Cổ Quảng Trị, Tây Nguyên... Ông từng có mặt trong đoàn quân thần tốc tiến về Sài Gòn hơn 40 năm trước, một đoàn quân “Đi ra từ lòng dân/ Đi ra từ lịch sử ngàn năm/ Nhọn như mũi Bạch Đằng/ Ào ào như Tây Sơn bão lốc”. Ông đã cùng đồng đội hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, góp phần cùng toàn dân tộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau này rời quân ngũ, ông kinh qua nhiều ngành công tác ở Thanh Hóa, rồi lại được điều động làm chuyên viên quốc phòng ở Binh đoàn 75. Cho mãi đến năm 1995, ông mới có cơ hội vào đại học. Sau khi tốt nghiệp, ông lại “vào đời” với một sự nghiệp mới: Kinh doanh. Ông mở công ty kinh doanh dược phẩm và cùng gia đình định cư tại thành phố mang tên Bác.

Những năm tháng sống trong khói lửa chiến tranh và lăn lộn giữa trường đời đã cho người lính Nguyễn Xuân Trưởng - nhà thơ Thành Chung rất nhiều trải nghiệm để có “vốn” sáng tác. Đặc biệt, ký ức chiến tranh là một mảng đề tài đậm đặc trong thơ ông. Bởi vậy trong số 6 tập thơ, đã có 3 tập mang tựa đề liên quan đến người lính: “Hoa và lính”, “Trong màu áo lính”, “Mê ly mắt lính”. Trong 3 tập thơ còn lại cũng có nhiều bài viết về chủ đề chiến tranh. Sự tàn khốc của chiến tranh ám ảnh trong thơ Thành Chung “Cây số 0, nát bươm/ Cây số 0/ Rất nhiều hố bom/Rất nhiều máu chảy/ Ngày còn trẻ vợ tôi cũng ở đấy/ Đội đá vá đường”. Dù trong “bom rơi, chớp lửa”, cái tình của người lính luôn nồng ấm trong thơ Thành Chung. Tình đồng đội trong thơ ông đẹp cả trong quân ngũ lẫn đời thường: “Đói cơm chia gạo là đời - Chiến tranh chia lửa là người lính xưa”. Ông thương tiếc người bạn lính vừa qua đời, nhìn di ảnh bạn mà ngẫm ngợi, xót xa: “Cuộc sống chẳng khá gì/ Huy chương vàng trên ngực”...

Dẫu đã là doanh nhân sống giữa thương trường, nhưng ông vẫn luôn khẳng định chất thép của người lính: “Chút phai màu trên áo lính/ Trong thời buổi thị trường đa màu sắc/ Bão tố, nắng mưa, sắt vẫn là sắt/ Vẫn lõi bê tông cốt thép dựng nhà”.

Mỗi lần về quê, Thành Chung lại có cơ duyên được gặp những người bạn thuở thiếu thời. Trong số họ, có những người cũng là lính chiến đi khắp nẻo chiến trường, có những người cầm súng bảo vệ quê hương ngay tại trận địa Hàm Rồng. Cây cầu Hàm Rồng lịch sử, huyết mạch giao thông quan trọng nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ, giờ đây lại trở thành “điểm hẹn” của ông và những người bạn. Lớp bạn bè đồng trang lứa của ông, ngoài những người còn sống hôm nay, có nhiều người đã mãi mãi gửi máu xương vào đất đai cây cỏ. Người thì ngã xuống ở chiến trường xa, người thì hy sinh ngay tại quê nhà. Nhưng họ mãi sống trong tâm khảm ông, trong thơ ông. Còn ông, cũng là niềm tự hào của bạn bè, khi không chỉ là người lính - doanh nhân thành đạt, mà còn là một nhà thơ.

Khi người lính Nguyễn Xuân Trưởng đang ở chiến trường xa, có một người con gái nơi quê nhà luôn chờ đợi. Nàng là một “o dân quân” ở làng bên, chiến đấu trong “tâm lửa” của mặt trận bảo vệ cầu Hàm Rồng. Suốt đời này, ông không bao giờ quên bóng hình người con gái ấy, mối tình đầu của tuổi đôi mươi. Giữa hai người có một kỷ vật thiêng liêng là chiếc khăn thêu đôi chim, thay cho lời ước hẹn. Nhưng chiến tranh đã làm họ đôi ngả phân ly: “Chim thêu, một vội lìa cành/ Em đi vào lửa chiến tranh quê mình. Đêm Hàm Rồng sáng lung linh/ Đôi bờ lấp lánh bóng hình đôi chim”... Gần giống như hoàn cảnh và tâm trạng của nhà thơ Hữu Loan, “người trai khói lửa” Thành Chung may mắn trở về quê hương sau cuộc chiến, nhưng “người em gái nhỏ hậu phương” đã mãi mãi ra đi vì bom đạn giặc thù. Dù đau đớn, xót xa, nhưng Thành Chung luôn tự hào, cảm phục và biết ơn vì “người em gái nhỏ” ấy đã ra đi trong tư thế một người anh hùng, cô hy sinh tuổi xuân tươi đẹp cho quê hương đất nước, cho những người còn sống hôm nay. Giấu nỗi đau riêng vào đáy tim, Thành Chung luôn cảm thấy hạnh phúc trong mỗi chuyến trở về, được trùng phùng với bạn bè, những người còn sống, lẫn những người mà linh hồn đã phiêu du trong mây gió. “Lòng thành thay vạn nén nhang/ Lời quê thay nén bạc vàng dâng lên/ Linh thiêng đã trước cửa thiền/ Tiếng xưa vọng cả bốn miền chuông ngân/ Sông ơi, gợn gió trong ngần/ Vui rơi nước mắt, mỗi lần qua đây!”.

Con sông Mã là ký ức tuổi thơ của Thành Chung, bên sông là ngôi làng sinh ra ông: “Ơi sông Mã/ Từ lòng người ta đi ra/ Từ quặn đau bão lũ/ Từ trong xanh thời chăn trâu cắt cỏ/ Lằn tuổi trẻ/ Sông chảy vào nỗi nhớ/ Nay lớn khôn rồi/ Sông chảy giữa lòng ta”. Trong ông đau đáu nỗi nhớ quê: “Ai gieo vào tận đáy lòng - Hoằng Long, Núi Ngọc, Hàm Rồng trong ta/ Nặng tình cho kẻ đi xa/ Quê ơi kết hạt, nở hoa đời người”.

Trong những lần về quê, nhà thơ Thành Chung luôn tranh thủ đi thăm nhiều địa danh nổi tiếng của xứ Thanh. Bởi chiến tranh và cuộc sống mưu sinh khiến ông phải xa quê hương quá lâu, nên luôn “khát” tình quê. Về quê, ông như đứa trẻ được trở lại thời ấu thơ. Bước chân ông đã đến với nhiều vùng miền tươi đẹp của đất nước, nhưng nơi quê nhà, ngoài Hàm Rồng Sông Mã, thì hầu hết vẫn là những trang sách chưa mở đối với ông. Tiếng vọng quê hương hào sảng trong thơ Thành Chung: “Em nghe không/ Trống đồng Đông Sơn cất tiếng/ Hào khí Lam Sơn/ Sóng cồn nghiêng biển/ Đá nhà Hồ cựa mình rung chuyển/ Tất cả trào dâng giây phút thiêng!” . Bởi vậy, mỗi chuyến về quê, ông hăm hở, nao nức, và luôn muốn đi thật nhiều, mở thật nhiều trang sách mới để hồn thơ của mình thấm đẫm tình quê. Nào Thành nhà Hồ, Nghi Sơn, Am Tiên, Cửa Hà - Suối cá Thần; nào Sầm Sơn- Trường Lệ - Hòn Trống Mái... Ông như một “gã si tình” tìm đến với những cảnh sắc đẹp của quê hương: “Sầm Sơn! Ơi Sầm Sơn/ Đêm trời ai rửa sạch/ Sao trên nền cẩm thạch/ Như đôi mắt em cười”. Thơ ông viết về Sầm Sơn đã được nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc và ca khúc “Hàm Rồng mãi mãi tuổi đôi mươi” đã được Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh lựa chọn là nhạc phẩm tiêu biểu trong chương trình “Hát về những dòng sông”.

Niềm đam mê cảnh sắc thiên nhiên, yêu hương đất tình người xứ sở khiến Thành Chung như phải lòng tất cả, phải lòng rồi tỏ tình bằng thơ, ông xao xuyến trước vẻ đẹp của rộng dài đất nước để có “Đất dậy thì”, ông yêu đến si mê mà “Hôn lên biển cả”, yêu đến ngây ngất “Trăng nghiêng về bên em”... (Tên những tập thơ của Thành Chung).

Niềm yêu quê da diết khiến cho ông dù ở trong ngôi nhà đầm ấm giữa thành phố phồn hoa bậc nhất, mà vẫn thon thót nhớ quê. Nỗi nhớ ấy cứ váng vất, khắc khoải trong những hình ảnh, âm thanh bất chợt gợi nhớ hình bóng quê nhà:“Cúc cu, cu gáy trong nhà/ Bê tông cũng muốn hóa ra tre làng”.

Hồn thơ Thành Chung mênh mang tình quê và chất chứa tâm tình người lính. So với tuổi đời, hành trình thơ của ông có điểm xuất phát hơi muộn. Dù vậy, thơ ông như một dòng chảy cuồn cuộn dâng trào, bởi lòng thương đất mẹ, tình yêu đời trong ông luôn cháy bỏng, mãnh liệt. Cái tình ấy, ông sẽ truyền hết vào từng câu chữ, để dâng cho đời nhiều thi phẩm mới.


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]