Khi nghiệp của Huy Trụ đã thăng hoa. Con đường thơ của anh bắt nguồn từ khi vào lính. Cậu thanh niên khi ấy tâm hồn như tờ giấy trắng. Vào chiến trường đánh giặc, làm nghĩa vụ người trai đối với Tổ quốc, nhưng cái chiến trường nóng bỏng lửa khói ấy cũng in đậm vào tâm hồn anh bao ký ức. Anh như người thợ mỏ đi tìm những vỉa quặng vô cùng quý giá làm vốn đầu đời. Để rồi cái kho tàng “quặng quý” ấy cứ vật vã tinh luyện để cho ra những thỏi vàng thỏi ngọc, để những đứa con tinh thần ấy óng mượt, tinh khôi. Các nhà khoa học đã nói: Giá trị của sản phẩm là sự kết tinh của lao động, lao động càng lớn, càng công phu thì giá trị sản phẩm nó tạo ra càng quý giá, càng to lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà thơ Huy Trụ "Góp nhặt mà yêu"

Khi nghiệp của Huy Trụ đã thăng hoa. Con đường thơ của anh bắt nguồn từ khi vào lính. Cậu thanh niên khi ấy tâm hồn như tờ giấy trắng. Vào chiến trường đánh giặc, làm nghĩa vụ người trai đối với Tổ quốc, nhưng cái chiến trường nóng bỏng lửa khói ấy cũng in đậm vào tâm hồn anh bao ký ức. Anh như người thợ mỏ đi tìm những vỉa quặng vô cùng quý giá làm vốn đầu đời. Để rồi cái kho tàng “quặng quý” ấy cứ vật vã tinh luyện để cho ra những thỏi vàng thỏi ngọc, để những đứa con tinh thần ấy óng mượt, tinh khôi. Các nhà khoa học đã nói: Giá trị của sản phẩm là sự kết tinh của lao động, lao động càng lớn, càng công phu thì giá trị sản phẩm nó tạo ra càng quý giá, càng to lớn.

Nhà thơ Huy Trụ “Góp nhặt mà yêu”

Giá trị lao động nghệ thuật của Huy Trụ là ở những tập thơ “Đò ơi” (1972), “Chùm quả đầu mùa” (1982), “Nếu em không đến” (1990), “Lời của gió” (1993), “Miền riêng tôi” (1998), “Góp nhặt mà yêu” (2003) và đỉnh điểm là “Thơ lục bát Huy Trụ” (2007) đã khẳng định một Huy Trụ có chỗ đứng trên thi đàn Việt Nam.

Mười năm đi tìm quặng thơ và gần 40 năm Huy Trụ đã lần lượt cho ra đời hơn chục tập thơ quý giá.

Huy Trụ có lối đi riêng, sự cảm quan riêng để hòa nhập vào cái chung thời đại để có một nghiệp thơ Huy Trụ không lẫn với ai. Thế giới quan của ông khái quát:

Thơ là rượu của thế gian,

Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau.

Cho đời nhớ được một câu,

Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành.

Đối tượng mô tả trong thơ ông là cuộc sống của người dân, nói hộ nỗi đau của họ, những khát khao, mơ ước của họ tới một chân trời mới, lấy một người để nói lên tấm lòng của muôn người; lấy dòng sông để mô tả một xã hội con người: “Đã sống đất này dám chấp nhận cùng nhau/ Một câu nói nửa rừng nửa biển/ Khúc nông sâu bồi lở thường tình” . Và khẳng định: “Riêng một điều em nhận ở đất Thanh/ Cái giàu có ẩn trong từng con sóng/ Nên dòng sông trước khi ra biển rộng/ Hắt lên tay người, bão lũ với phù sa...”.

Huy Trụ thương mẹ mình thân cò lặn lội nuôi con khôn lớn. Mẹ nghèo lại mất vào tháng ba. Tháng ba ngày tám xưa kia là tháng ngày đói kém, không có gì để giỗ mẹ. Cho nên:

“Giữa ngày tiền hết gạo đong

Con lên núi, cháu ra đồng bắt cua

Góp lo cái giỗ gọi là

Bát cơm canh với quả cà mặn trơ”.

Và anh ước mơ: “Chúng con thầm ước như nhau,

Giá mà mẹ mất đừng vào tháng ba”.

Khi ấy, đọc những dòng thơ này tôi đã khóc, khóc vì cái sự đói nghèo của mẹ anh, của anh cũng là cái bi ai của tôi, của người mẹ tôi, của bao người khi đó. Cái riêng của Huy Trụ đã đánh thức cái chung của công chúng, làm cho công chúng thấy Huy Trụ và họ là một. Tình yêu của Huy Trụ dành cho mẹ trong rất nhiều bài thơ như: Mẹ ơi, Với mẹ, Mẹ như giọt nắng, Dáng mẹ chiều nay, Mẹ ru con mẹ, Mẹ là cây lúa, Trường ca sông Mã... Nhưng ám ảnh tôi là những câu thơ:

“Chưa từng chiếu rộng giường đôi,

Niềm vui mẹ cứ giăng phơi khắp nhà”.

Hay: “Con thèm một tiếng gọi “Cha”,

Thì con đừng trách mẹ là... con ơi”.

Trong đời làm báo, tôi đã viết câu chuyện “Làng không chồng” ở Lâm trường Mường Lát, gần ba trăm thiếu nữ ở miền xuôi lên làm công nhân lâm trường, trong những ngày chiến tranh ác liệt, dồn sức lực cống hiến cho Tổ quốc mà quên đi việc lập hạnh phúc gia đình. Khi quá lứa họ tìm cách để làm mẹ, những người mẹ ấy sinh ra những đứa con không cha nhưng vô cùng hạnh phúc. Bài thơ “Mẹ ru con mẹ” của Huy Trụ và bài phóng sự “Làng không chồng” của tôi đều là những cảm xúc thương cảm thân phận người phụ nữ, muốn người đời nhìn nhận họ với con mắt nhân văn. Ngôn ngữ thơ Huy Trụ biểu đạt cao đẹp hơn hiện thực, gợi và tình hơn hiện thực nên bài thơ sống và ám ảnh. Anh khai thác một khía cạnh khác của người mẹ cũng làm ta nhức nhối, cảm thương, đó là những người mẹ không may mắn, đã sinh ra những đứa con thất đức. Người mẹ bán cốt lột xương nuôi con ăn học thành tài, nhưng khi có chức sắc, có nhiều tiền của lại để người mẹ của mình sống heo hút, gieo neo. Cái cực khổ trăm bề về thể xác của mẹ nuôi con không đau đớn bằng nỗi đau tinh thần khi nhìn thấy đứa con bất hiếu:

“Với thực tại mẹ trầm luân bể khổ

Sao có kẻ đã từng làm mẹ,

Lại phũ phàng xua đuổi mẹ đi...

Bài thơ như một tiếng chuông cảnh tỉnh, để cuộc đời ai đã có mẹ, có cha thì hãy biết thương yêu kính trọng. Các nhà thơ không ai lại không có một vài bài thơ viết về mẹ. Huy Trụ không ca ngợi người mẹ chung chung mà anh vắt ruột gan đi tìm những người mẹ cụ thể, những mảnh đời người mẹ bất hạnh để chia sẻ, để đánh thức đạo đức sống của người đời. Đó cũng là cảm quan riêng làm nên thơ Huy Trụ. Đọc Huy Trụ viết về mẹ, tôi nhặt ra rất nhiều câu thơ ám ảnh vì lạ, vì riêng mà lại rất chung:

“Mẹ như giọt nắng cuối trời,

Để con ngửa mặt suốt đời trông theo”.

Hoặc như: “Quanh năm nốt lạt buộc người,

Buộc cây mạ, buộc một đời đa mang”.

Và thật ám ảnh: “Góc vườn vàng lá trầu rơi,

Nghe lăn lóc tiếng bình vôi gọi người.

Người ơi cơ cực một đời,

Như cây lúa nước ngập ngoi giữa đồng.

Kết mưa kết nắng làm bông,

Tìm đi khắp nẻo nuôi chồng nuôi con”.

Một sự ví von, so sánh kỳ diệu ít thấy: Mẹ như vàng lá trầu rơi, như lăn lóc tiếng bình vôi, như cây lúa nước ngập ngoi giữa đồng. Ngôn ngữ biểu đạt rất gần gũi với nhà quê nên người quê đọc là ngấm, là hiểu, là say. Người ta say Huy Trụ chính là nhân duyên đó.

Nói đến thơ Huy Trụ, tôi nghĩ ngay đến đề tài “Mùa xuân” và “Em” của ông. Số lượng về đề tài này nhiều và ruột gan hơn cả.

“Anh nấp vườn em rung trái cấm

Đào mai tròn mắt đợi giao thừa

Nâng chén đất trời nghiêng ngả múa

Mắt đằm trong mắt mặc thoi đưa”.

Hay: “Không có em, biển đẹp để làm gì?

Biển sẽ chết vì cô đơn lặng lẽ,

Nhưng có em biển đẹp rồi cũng thế

Trước nõn nà con sóng vỗ ngu ngơ”.

Người ta nói đọc thơ Huy Trụ mới biết anh là người si tình, luôn dõi theo những bóng hình đẹp: “Ào xuống nước thả vai trần em tắm/ Thịt da nào sánh với thịt da em”. Khi thì viết: “Tóc em thả xuống con đường/ Để anh toàn nhặt nỗi buồn vu vơ/ Em về như bóng mây trôi/ Quờ tay chiếc lá đã rơi về chiều”, “Chỉ có em một lần rực rỡ/ Để một đời hương sắc thấm vào anh”. Rồi lại “Tơ trời ai mắc ở đâu/ Để tôi một bước vương vào một dây/ Tránh sợi đắng gặp sợi cay/ Bao nhiêu sợi đứt lại đầy sợi dăng”. Hoặc mơ ước “Em đẹp quá để ta thành ngơ ngẩn/ Cúc mùa thu vàng tím cả sang đông”. Huy Trụ tìm bắt ảo ảnh đến mê muội: “Em suốt đời bắt giọt nắng trên tay/ Ngỡ bắt được mà không bắt được/ Giọt nắng phía sau em lại tìm phía trước/ Em quay đầu giọt nắng đã tàn phai”.

Tình yêu chân thành là sự đau đớn, vật vã vô cùng, nó là sự mềm yếu, cao thượng của con người. Không có vẻ đẹp nào bằng vẻ đẹp của tâm hồn người đang yêu. Huy Trụ luôn đặt mình là đối tượng để thể hiện, là nhân vật trung tâm, nhân vật trữ tình để biểu đạt:

“Một lần em, một lần anh/ Cái vu vơ nhất cũng thành câu thơ/ Nửa đời đi ngẩn vào ngơ/ Anh như hoa dại vật vờ tay em/ Nhớ nhau chẳng thể đi tìm/ Chỉ mơ mộng đến hão huyền về nhau/ Cây không sắc, nắng không màu/ Thôi thì thách tự lá trầu ngày xưa”.

...

Nhớ thương sao chẳng có màu.

Cứ hun hút quãng đường trưa một mình.

Huy Trụ đánh giặc, viết báo, làm thơ với trái tim người lính. Cây bút luôn trung thực với cuộc sống, thủy chung vợ chồng, tình yêu bạn bè đồng đội. Thơ ca như một dòng sông chở nặng phù sa bồi đắp cho cuộc sống tốt tươi. Đó cũng là mạch nguồn chảy dài suốt chặng đường thi ca của Huy Trụ.

Giữa dòng trong đục ngổn ngang/ Bao nhiêu phẩm giá bày sàng bán mua/ Trong tôi còn một ngôi chùa/ Linh thiêng từ thuở đến giờ vẫn thiêng/ Ngôi chùa những bút cùng nghiên/ Mỗi câu chữ vắt kiệt lên cuộc đời/ Cái danh đâu để mà chơi/ Càng không thể để tiếng cười điêu toa/ Chả chi cũng gọi là nhà/ Cái hương phải thật cái hoa phải nồng/ Muôn đời con cháu ước mong/ Nén hương thắp tự trong lòng thắp ra”.

Huy Trụ viết nhiều, viết hay, tìm tòi cách biểu đạt phong phú, tinh luyện trong thể thơ lục bát. Nhưng chính trong thể thơ lục bát ấy dễ dẫn tác giả đến sự mòn cũ, phảng phất lập lại mình, nhất là đề tài “yêu”. Người đời mong đợi cây bút Huy Trụ sắc hơn, mới hơn, tung tẩy hơn để cho “cái hương phải thật, cái hoa phải nồng”.

Tháng 2-2019

Trần Đàm


Trần Đàm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]