(Baothanhhoa.vn) - Khởi nghĩa Lam Sơn có giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng thời đại sâu sắc, bởi thắng lợi của nó đã mở ra thời kỳ trung hưng đất nước rạng rỡ và hùng cường bậc nhất cho quốc gia Đại Việt thời phong kiến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn xứ Thanh trong khởi nghĩa Lam Sơn

Khởi nghĩa Lam Sơn có giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng thời đại sâu sắc, bởi thắng lợi của nó đã mở ra thời kỳ trung hưng đất nước rạng rỡ và hùng cường bậc nhất cho quốc gia Đại Việt thời phong kiến.

Núi Chí Linh (huyện Lang Chánh) địa điểm gắn chặt với khởi nghĩa Lam Sơn.

Trong thành quả lớn lao ấy, vai trò và đóng góp của xứ Thanh là nổi bật và hết sức quan trọng.

Sự thất bại đau đớn của nhà Hồ trong việc phòng thủ đất nước tránh họa ngoại bang xâm lăng, cùng các cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Minh bị đàn áp dã man, đã đưa đất nước vào thời kỳ đau thương và tăm tối. Trong 20 năm (1407-1427) áp đặt ách đô hộ tàn bạo, hà khắc, nhà Minh ra sức thực hiện dã tâm hủy diệt mọi khả năng phục hồi nền độc lập và đồng hóa dân tộc ta bằng nhiều thủ đoạn thâm độc “bại nhân nghĩa nát cả đất trời”. Câu hỏi về sự sinh tồn - diệt vong của quốc gia - dân tộc, cũng là tìm lại các giá trị con người được đặt ra khẩn thiết hơn bao giờ hết. Cơ đồ cha ông để lại sau 5 thế kỷ tự cường có nguy cơ tiêu biến và cái tên Đại Việt từng rạng rỡ suốt mấy trăm năm, cơ hồ bị xóa vĩnh viễn nếu không có người đứng ra chống đỡ thế cuộc. Và rồi, như là quy luật tất yếu, khi “trời sắp dấy lên một cuộc thịnh vượng phi thường, nhất định phải mở ra một vận hội phi thường; sắp gieo xuống một nhiệm vụ phi thường nhất định phải sinh ra một con người phi thường”. Lê Lợi, vị phụ đạo lộ Khả Lam đã đứng ra gánh vác lấy trọng trách nặng nề và vẻ vang ấy, hay sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc được đặt vào tay Lê Lợi trong bối cảnh cam go nhất.

Sau quá trình dày công chuẩn bị về con người, lương thảo, vũ khí, địa bàn... ngày mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ngay trên mảnh đất Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương và truyền hịch kêu gọi nhân dân đứng lên giết giặc. Về sự kiện này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn ghi lại lời của Đức Thái Tổ Cao hoàng đế: “Ta sở dĩ cất quân đánh giặc không phải là có lòng tham phú quý, chỉ là muốn cho người ngàn năm về sau biết ta không chịu làm tôi giặc tàn ngược thôi”; đồng thời, thể hiện khí khái của bậc trượng phu “sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công lớn, để tiếng thơm ngàn năm, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?”! Có lẽ, cũng bởi chí hướng lớn lao và một quyết tâm mạnh mẽ cho mục tiêu cuối cùng ấy đã giúp Lê Lợi cùng nghĩa quân duy trì cuộc chiến trong sự chênh lệch tương quan lực lượng ta – địch.

Theo sách “Lam Sơn thực lục” thì trong buổi đầu khởi sự, nghĩa quân Lam Sơn chỉ có 35 võ tướng, 200 quân thiết đột, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, 14 con voi... tất cả không quá 2.000 người. Trong khi đó, quân Minh có hơn 4,5 vạn người và hàng trăm voi ngựa. Nếu đem so sánh thật chẳng khác châu chấu đá voi, lấy trứng chọi đá. Cờ nghĩa dấy lên “đúng lúc quân thù đang mạnh” đã vấp phải sự đàn áp, càn quét điên cuồng của nhà Minh. Để thoát sự truy đuổi ráo riết của kẻ thù, nghĩa quân của Lê Lợi đã phải rút về núi Chí Linh (tức núi Pù Rinh, thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh). Đây cũng là nơi diễn ra tích “Lê Lai cứu chúa” được người đời lưu truyền suốt mấy trăm năm qua. Tinh thần xả thân cho nghiệp lớn và vì nghĩa lớn của Lê Lai cùng đội quân cảm tử 500 người là tấm gương sáng ngời về lòng trung nghĩa và là một dấu mốc đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa. Cũng nhờ thoát được “ải tử” này đã tạo tiền đề để nghĩa quân Lam Sơn có chiến thắng đầu tiên ở Lạc Thủy (huyện Cẩm Thủy), chém được hơn 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới và buộc tướng giặc là Mã Kỳ phải rút lui.

Cuộc khởi nghĩa kéo dài 10 năm (1418-1427) thì có tới hơn 6 năm, vùng rừng núi Thanh Hóa được chọn làm căn cứ địa. Bởi lực lượng yếu, mỏng nên giai đoạn đầu khởi nghĩa cũng là “thời kỳ dài và gian khổ nhất”. Vậy, làm thế nào nghĩa quân Lam Sơn có thể từng bước vượt qua sự gian khó này? Câu trả lời đã được Nguyễn Trãi đúc kết trong bài cáo thắng trận: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Đó là sức mạnh của tình đoàn kết, đồng lòng, cùng chung mục tiêu, chí hướng của tướng sĩ và hơn hết là sự ủng hộ, đùm bọc, chở che, giúp đỡ của nhân dân, trong đó, đóng góp của nhân dân Thanh Hóa được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là “nổi bật và toàn diện nhất”. Trong bài viết “Lam Sơn, căn cứ hậu cần đầu tiên của kháng chiến chống Minh”, các tác giả Đinh Xuân Lâm - Trần Quang Vinh đã nhận định: “Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Lợi đặc biệt chú trọng đến việc huy động tài vật, lương thực trong nhân dân, nhất là trong các dân tộc thiểu số vùng núi phía Tây Thanh Hóa, liền kề sau lưng căn cứ Lam Sơn mà nghĩa quân vốn có mối quan hệ rất chặt chẽ”. Còn các tác giả Phan Huy Lê – Phan Đại Doãn trong cuốn “Khởi nghĩa Lam Sơn 1418-1427”, đã chỉ rõ: “Hầu như không có làng nào thuộc hai huyện Lương Giang và Cổ Lôi dọc theo sông Chu không có người gia nhập nghĩa quân vào những năm tháng chuẩn bị này”.

Giữa vô số cuộc vây khốn, truy quét gắt gao của quân thù, Bình Định Vương cùng nghĩa quân đã dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở dọc từ Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành... để vừa công, vừa thủ duy trì chiến đấu. Có những thời điểm nghĩa quân bị bao vây nguy khốn, phải 3 lần rút lên núi Chí Linh và ròng rã hàng tháng không có lương ăn. Sự khốn đốn ở buổi đầu ấy được tác giả của “Bình Ngô đại cáo” ghi lại: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một đội”. Giữa tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, sự đùm bọc, ủng hộ hết lòng của đồng bào các dân tộc vùng rừng núi Chí Linh đã trở thành chỗ dựa để Lê Lợi và nghĩa quân “cùng nhau ngày đêm trải lòng trải dạ, vỗ về quân lính, sắp xếp đội ngũ, chỉnh đốn khí giới... nguyện tử chiến, thề không đội trời chung với giặc”.

Từ căn cứ địa Thanh Hóa, hàng chục trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra khắp Mường Yên, Lạc Thủy, Mường Một, Mường Khao, Mường Nanh, bến Bổng, Mường Thôi, Bồ Mộng, Thi Lang, Quan Du, Kình Lộng, Úng Ải... Thắng lợi của nghĩa quân trong nhiều trận đánh quan trọng đã đưa khởi nghĩa Lam Sơn trở thành trung tâm lớn của cả nước trong cuộc đấu tranh chống ách đô hộ nhà Minh hồi đầu thế kỷ XV. Quá trình tôi luyện và từng bước lớn mạnh của nghĩa quân trong giai đoạn này đã tạo tiền đề để năm 1424, cuộc khởi nghĩa chuyển hướng vào đất Nghệ An. Cũng từ đây, khởi nghĩa Lam Sơn có bước ngoặt mới, với nhiều thắng lợi lớn mang tính quyết định đến cục diện cuộc chiến. Những địa danh Tốt Động, Chúc Động, Bồ Đằng, Trà Lân, Xương Giang, Chi Lăng, Mã Yên... gắn với vô số chiến công rực rỡ đã đi vào lịch sử, trở thành cái tên của chủ nghĩa anh hùng và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn mà “tính chất nhân dân rộng rãi”, hay “lòng dân quyết định mọi thành bại của các cuộc kháng chiến” trong khởi nghĩa Lam Sơn được thể hiện một cách sâu sắc và toàn diện như nhận định của nhiều học giả, nhà nghiên cứu lịch sử.

Xứ Thanh ghi dấu ấn đậm nét trong khởi nghĩa Lam Sơn không chỉ bởi đây là căn cứ đầu tiên giúp gây dựng lực lượng, tập hợp anh hùng hào kiệt bốn phương, cũng vừa là chiến trường, vừa là “thao trường” giúp nghĩa quân tôi luyện ý chí, nghị lực, tinh thần, quyết tâm và tích luỹ năng lực, kinh nghiệm chiến đấu. Quan trọng hơn, xứ Thanh đã “góp” cho cuộc khởi nghĩa nhiều hào kiệt, mãnh tướng, khai quốc công thần xuất thân từ “chốn hoang dã”. Trong đó, đại diện xuất sắc và vĩ đại hơn cả là anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, chủ soái tối cao và là linh hồn cuộc khởi nghĩa. Bằng trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất cao thượng và nhất là tài năng cầm quân, thu phục lòng người, Lê Lợi đã “kinh dinh thiên hạ trong khoảng 10 năm, dẹp yên loạn lớn mà nên nghiệp đế”. Như chính Bình Định Vương đã chỉ ra: “Ta bày kế đánh vào lòng người, không xông trận mà vẫn lấy được thành. Chủ yếu dùng quân mai phục, xuất kỳ bất ý, tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy lòng dân làm thành lũy, lấy thương thảo mềm mại kết hợp với tiến công dũng mãnh. Thắng không kiêu bại không nản”. Cuộc khởi nghĩa “trên vâng mệnh trời, dưới hợp lòng người” và được lãnh đạo bởi “người có nhân, thiên hạ không ai địch nổi” ấy, đã kết thúc bằng hội thề Đông Quan, quân Minh rút về nước, non sông sạch bóng quân thù.

Tròn 600 năm diễn ra một trong những cuộc khởi nghĩa có quy mô rộng khắp và kéo dài nhất trong lịch sử đấu tranh giành, giữ nền độc lập. Khởi nghĩa Lam Sơn có giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng thời đại sâu sắc, bởi thắng lợi của nó đã mở ra thời kỳ trung hưng đất nước rạng rỡ và hùng cường bậc nhất cho quốc gia Đại Việt thời phong kiến. Trong thành quả lớn lao ấy, vai trò và đóng góp của xứ Thanh là nổi bật và hết sức quan trọng.

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu trong Hội thảo khoa học “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”).


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]