(Baothanhhoa.vn) - Chuyện của Lài

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện của Lài

Lài dựng xe trước cái quán nhỏ, hỏi mua ly nước cam rồi kéo ghế ra một góc ngồi. Lài không khát, nhưng chỉ bằng cách này Lài mới có thể nhìn cái cơ ngơi bề thế của nhà nghỉ Hồng Tân bên kia đường. Nơi Lài đang ngồi là địa phận thị trấn Mai Sơn, nhưng khu đất nhà nghỉ tọa lạc lại là đất hai lúa của xã Thọ Tâm. Nhà mẹ chồng Lài cũng có hai sào nằm trong quy hoạch của dự án, năm ngoái địa phương đã thu hồi để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Lài không ngờ chính cái dự án xây dựng nhà nghỉ ấy đã làm cho cuộc sống của Lài vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Mấy sào đất ven thị trấn vốn là đất bờ xôi ruộng mật, một năm hai vụ lúa, một vụ màu canh tác rất thuận lợi bị thu hồi, mẹ chồng Lài chỉ còn ba sào ở Đồng Xương. Đất Đồng Xương vừa xa lại cuối nguồn nước, chủ yếu chỉ để trồng màu và năng suất rất thấp. Lúc Lài nghỉ việc ở công ty về, mẹ Lài đã giao ba sào đất ở Đồng Xương cho Lài để canh tác.

Chuyện của Lài

Ảnh minh họa.

Bây giờ khi mấy sào đất hai lúa bị thu hồi mẹ chồng Lài lại yêu cầu Lài trả lại để bà và cô út làm. Lài lâm vào cảnh trắng tay vì nghề nghiệp không có, ruộng đất cũng không. Cuộc sống của hai mẹ con trông nhờ cả vào khoản tiền chồng Lài gửi về từ thành phố. Nhưng mấy tháng nay việc làm của công ty cũng không ổn định, thu nhập bấp bênh nên khoản tiền chồng Lài gửi về rất thất thường. Lài đã phải gửi con nhờ ông bà ngoại chăm sóc để có thời gian theo mấy bà nạ dòng trong xóm lên nông trường mua ngan gà về chợ thị trấn bán. Vất vả là vậy nhưng nào mẹ chồng Lài có thông cảm cho đâu. Bà luôn để mắt đến mọi cử chỉ, hành động của Lài. Nhiều hôm quá mệt, Lài đã lên giường nằm bà vẫn còn sang gọi cửa, hỏi vu vơ mấy chuyện chợ búa rồi mới về nhà. Lài biết mẹ chồng theo dõi mình vì mấy chị cùng đi chợ đón hàng cho Lài biết bà rất lo con dâu xa chồng sẽ cặp bồ cặp bịch dễ mang tiếng cả họ. Khổ nỗi Lài lại có nước da rất khó bắt nắng. Dù vất vả mấy, kể cả những khi mùa vụ bận rộn phải phơi nắng cả ngày ngoài đồng mà nước da của Lài vẫn cứ trắng như da con gái thành phố.

+

Cô nhân viên bộ phận lễ tân vốn biết Lài vì là người cùng xã nên khi nghe Lài nói nguyện vọng muốn xin vào làm việc trong nhà nghỉ thì không khỏi ngạc nhiên: “Em nghe nói vợ chồng chị đang làm việc ở một công ty dưới thành phố kia mà. Sao chị lại bỏ nghề?”. Lài đáp “Chỗ chị làm công việc bấp bênh, thu nhập thấp lại vướng con nhỏ nên chị phải đưa cháu về quê để làm ruộng. Nhưng ruộng đất bây giờ không còn, chợ búa thì phập phù mà thu nhập thấp quá”. Cô gái trẻ nhìn Lài ái ngại: “Em nghe giám đốc nói đã tuyển đủ người rồi, chỉ thiếu một hai nhân viên làm vệ sinh phòng nghỉ! Sao chị đến muộn thế?”. “Mãi hôm qua chị mới biết thông tin nhà nghỉ tuyển lao động...”. “Hay để em hỏi giám đốc thử xem nhé”. Cô gái trẻ ngắt lời Lài “Chị đẹp gái thế, lại đã tốt nghiệp trung học biết đâu giám đốc vẫn nhận thêm”. Cô nhấc máy, gọi lên phòng giám đốc. Lúc sau cô vui vẻ: “Giám đốc đồng ý phỏng vấn trực tiếp chị đấy. Chị lên ngay đi. Anh ấy ở phòng ba linh sáu, tầng ba”.

Lài cảm ơn cô gái trẻ rồi hối hả bước lên cầu thang. Đến trước phòng ba linh sáu, Lài hồi hộp giơ tay khẽ gõ vào cánh cửa màu cánh dán. Bên trong một giọng nam trầm cất lên: “Mời vào!”. Lài nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào. Chị sững người dừng lại, không tin vào mắt mình khi thấy trước mặt, người ngồi trên ghế giám đốc lại là Hồng Tân. Giám đốc nhà nghỉ cũng đã nhận ra bạn học cũ, vội đứng dậy, vồn vã: “Kìa Lài! Là em à?”. Hồng Tân chỉ xuống sa lông bảo: “Em ngồi đi”. Rồi mở tủ lạnh lấy mấy lon nước ngọt, vừa rót ra ly vừa cười nói: “Lâu ngày đến thăm nhau thì cứ báo lễ tân nó gọi để tôi xuống đón. Sao lại đóng vai người đi tìm việc làm thế? Nào, Lài uống nước đi! Bây giờ làm việc gì? Nam có khỏe không? Hai người được mấy “nhóc” rồi?”.

Lài biết Tân thực sự không biết gì về gia cảnh của mình nên cứ để Tân thao thao hỏi han và trách móc chán rồi mới nhỏ nhẹ nói: “Em nghỉ việc ở công ty rồi! Ruộng cũng không còn để mà làm. Mấy tháng nay đang phải theo mấy chị trong làng lên nông trường mua ngan, gà về chợ thị trấn bán. Công việc không phù hợp, thu nhập lại bấp bênh nên mới tính chuyện lên đây xin một việc làm. Không ngờ giám đốc lại là anh”. Hồng Tân trố mắt nhìn Lài: “Em không đùa đấy chứ?”. Lài lắc đầu, hai khóe mắt rưng rưng: “Em nói thật đấy! Vợ chồng em bây giờ khó khăn lắm. Chỗ anh ấy làm mấy tháng nay không có việc, thu nhập rất thấp. Em đã phải gửi con về bên ngoại để nhờ ông bà chăm nom và lo giúp việc học hành”.

Hồng Tân nhìn Lài, thở dài thông cảm, rồi lại mở két sắt, lấy ra một sấp tiền bỏ phong bì, đặt trước mặt Lài: “Tôi thật vô tâm! Mải lo kiếm tiền, quên cả việc thăm hỏi đời sống của bạn bè. Không ngờ hoàn cảnh của Lài lại khó khăn thế. Chỗ này Lài cầm về để ông bà đóng tiền học và tiền ăn cho cháu”. Lài đẩy cái phong bì về phía Tân: “Em cảm ơn anh! Nhưng tiền thì em không nhận đâu. Bố mẹ em ai cũng có lương hưu, chắc ông bà sẽ nuôi cháu đỡ vợ chồng em lúc khó khăn này. Chỉ mong anh giúp em có một việc làm trong nhà nghỉ...”. Hồng Tân phảy tay: “Chuyện nhỏ! Lài có thể đi làm, bắt đầu từ hôm nay!”. Mắt Lài sáng lên: “Cụ thể là em sẽ làm việc gì anh?”. “Trợ lý giám đốc! Lài sẽ giúp tôi trông nom, quán xuyến công việc của tất cả nhân viên trong nhà nghỉ. Lúc rỗi thì lên phòng giám đốc uống nước, nói chuyện ngày xưa...”. “Anh này! Em nói chuyện nghiêm túc thế mà anh lại cứ đùa”. “Ơ kìa! Thì tôi cũng đang rất nghiêm túc đấy chứ! Nhưng để tránh dư luận dị nghị ta thống nhất cắt việc trợ lý lên phòng giám đốc ngồi uống nước nói chuyện ngày xưa đi. Dù sao thì em cũng đã có chồng con rồi”. Lài biết Tân nói thật lòng: “Em cảm ơn anh! Nhưng mà em chỉ muốn một công việc cụ thể thôi. Làm gì cũng được!”. Tân suy nghĩ rồi nói: “Anh nói thật là tất cả các vị trí trong nhà nghỉ đều đã tuyển đủ người rồi. Cũng có thể rút một nhân viên lễ tân sang làm việc khác. Nhưng vị trí này không mấy thích hợp với Lài. Bây giờ đã là nhân viên lễ tân thì đều phải thật trẻ, mặc váy ngắn, son phấn cầu kỳ và đôi khi còn phải chấp nhận những lời bông đùa khiếm nhã của đám khách trẻ và giới thượng lưu...”. Lài ngắt lời Tân: “Em nghe lễ tân nói vẫn còn thiếu một hai nhân viên vệ sinh phòng nghỉ. Anh cho em làm việc này cũng được”. Tân xua xua tay: “Lài nghĩ tôi là người thế nào mà lại để Lài làm cái công việc vất vả ấy?”. “Anh đừng bận tâm! Em làm được mà”. Thấy thái độ của Lài tỏ ra rất cương quyết, không còn cách nào khác Tân đành phải chấp nhận. “Nhưng chỉ tạm một thời gian ngắn thôi đấy nhé! Để rồi tôi sẽ bố trí một công việc phù hợp cho Lài. Bây giờ thì Lài uống nước đi”.

Lài nâng ly nước ngọt, nhấp một ngụm rồi hỏi: “Anh Tân này, em thấy các doanh nghiệp khi thiết kế biển hiệu họ thường viết tên cả hai vợ chồng. Nhưng nhà nghỉ Hồng Tân lại chỉ có mình tên anh là sao?”. Hồng Tân cười: “Chuyện là thế này. Lúc đầu Tân định lấy tên một danh nhân hay tên một ngọn núi, dòng sông nào đó để đặt tên cho nhà nghỉ, nhưng thấy như thế thật không ổn, đến lúc gấp quá đành làm một nhát cắt quách cái họ Quách phía trước, chỉ để lại chữ đệm và tên thế là có cái tên nhà nghỉ Hồng Tân. Đơn giản thế thôi mà. Bao năm phiêu dạt nơi đất khách quê người đến bây giờ Tân đã có mảnh tình nào vắt vai đâu!”. “Anh nói đùa hay nói thật?”. “Kìa Lài! Chuyện nghiêm túc thế làm sao mà đùa được! Nói thật là cũng có nhiều người đến với Tân, nhưng họ đều không để lại ấn tượng gì. Bao giờ tìm được người như Lài ngày xưa tôi mới...”. “Anh Tân! Nói thế là anh vẫn còn hận chuyện em và Nam đến với nhau à?”. Tân xua xua tay thanh minh: “Lài hiểu nhầm ý tôi rồi. Việc Lài đến với Nam là lẽ đương nhiên vì tôi biết Lài chỉ yêu mình cậu ấy. Tình yêu của tôi với Lài chỉ là một thứ tình yêu đơn phương. Lài lên xe hoa tôi rất buồn, nhưng không bao giờ tôi hận Lài đâu. Thôi, không nhắc lại chuyện này nữa. Hôm nào thì Lài đi làm được?”. “Em đi làm luôn ngày mai được không? Giờ giấc thế nào anh?”. Ngày mười tiếng. Nghỉ hai tiếng để ăn cơm trưa. Có mặt lúc bảy giờ sáng, về lúc năm giờ chiều”. “Vậy thì tốt quá. Em chỉ lo phải đi về muộn...”. Tân ngạc nhiên: “Sao cơ? Lài cũng sợ ma à?”. Lài đỏ mặt, lắc đầu: “Không! Nhưng mẹ chồng em kỹ tính lắm. Nếu em đi làm về muộn thế nào cũng bị xét nét”. “Ồ! Tôi hiểu! Có một người mẹ tuyệt vời như vậy thì dù phải đi làm ăn xa ở tận đâu cũng không lo lắng gì nữa. Nhất Nam rồi đấy!”. “Anh lúc nào cũng đùa được!”. Lài đứng dậy “Thôi, em về đây!”. Hồng Tân cũng đứng dậy: “Lài về nhé! Mà em lên đây bằng phương tiện gì vậy?”. “Em đi bằng xe đạp!”. “Xe đạp?”. “Vâng! Vốn liếng hai vợ chồng chỉ đủ mua một cái xe máy. Phải ưu tiên để anh ấy mang đi làm vì từ chỗ trọ đến công ty khá xa”. “Thôi được! Việc này để rồi tôi sẽ thu xếp”.

+

Cái điều Lài lo lắng thực ra không phải là không có cơ sở. Mẹ chồng Lài mấy hôm nay như ngồi trên lửa. Hôm nghe Lài báo tin đã xin được việc làm ở nhà nghỉ Hồng Tân, bà rất mừng. Nhưng chỉ mấy hôm sau khi con gái cho biết chủ nhà nghỉ là bạn học cũ của Lài, lại thấy Lài không đi làm bằng xe đạp mà đi bằng xe máy thì bà lo lắng thực sự. Bà sang nhà Lài hỏi: “Cái xe máy con đang đi là của ai thế?”. Lài thật thà đáp: “Đó là xe công vụ của nhà nghỉ, giám đốc tạm cho con mượn để có phương tiện đi làm”.

Mẹ chồng Lài không nói gì, lẳng lặng ra về. Đợi cô út đi làm đồng về, bà gọi con lại nói: “Mẹ lo lắm con ạ! Nghe người ta bảo hồi học cấp ba hình như thằng ấy cũng theo đuổi chị dâu mày thì phải. Tình cũ không rủ cũng đến. Huống chi bây giờ nó đã là chủ một nhà nghỉ, lại chưa lấy vợ. Chị dâu mày vào làm việc trong ấy liệu có giữ được mình không? Nhỡ xảy ra chuyện gì thì mang tiếng với thiên hạ. Hôm nào mẹ con mình phải bất ngờ lên xem hư thực ra sao”.

Vốn đồng tình với suy nghĩ của mẹ, cô út hăng hái bỏ việc đồng lên thị trấn để tìm hiểu việc làm và mối quan hệ của chị dâu với giám đốc nhà nghỉ. Lúc về cô khẳng định: “Chắc chắn là có vấn đề mẹ ạ! Con nghĩ cái công việc chị ấy đang làm có thể chỉ là cái cớ thôi. Ông ấy ở tầng ba, một mình một phòng, tối lại ngủ luôn ở đấy, điều kiện rất thuận lợi”. Mẹ chồng Lài nghe con gái nói vậy thì nóng máu lên: “Vậy thì phải lên kế hoạch hành động ngay thôi!”.

Hôm sau, chờ Lài đi làm được hai tiếng, mẹ chồng Lài và cô út mới đèo nhau lên nhà nghỉ. Hai người đi thẳng đến bàn lễ tân. Cô út mau miệng: “Chị cho mẹ con em gặp chị Lài một tí”. Cô nhân viên lễ tân lễ phép: “Chị Lài đang làm việc trên tầng ba, để em điện cho chị ấy xuống...”. “Không cần đâu. Để mẹ con em lên cũng được. Chị ấy làm ở phòng nào chị?”. “Phòng ba linh hai”.

Chẳng mấy chốc hai mẹ con đã đứng trước căn phòng mang số hiệu 302. Cô út khẽ chạm tay vào cánh cửa, cánh cửa hé ra. Cô mừng rỡ rỉ tai mẹ: “Cửa không khóa, mẹ ạ!”. Mẹ chồng Lài lập tức ra lệnh: “Ập vào! Nhanh!”.

Hai mẹ con đẩy cửa, xô vào. Căn phòng trống hoang. Chỉ có hai chiếc giường kê song song vừa được thay ga trắng muốt, dưới chân là một cái chậu nhựa đựng mấy cái ga vừa mới thay ra. Mẹ chồng Lài lên tiếng: “Lài ơi!”.

Cánh cửa phòng vệ sinh hé mở, Lài trong bộ áo quần bảo hộ lao động, mồ hôi nhễ nhại, tay xách cái xô nhựa đầy những vỏ hộp xà phòng, bàn chải răng và dầu gội bước ra, ngạc nhiên hỏi: “Kìa, mẹ! Tìm con có việc gì thế?”.

Mẹ chồng Lài và cô em chồng nhìn Lài rồi quay lại nhìn nhau, ngượng ngịu.

Cô út lúng búng: “Mẹ... mẹ bảo em đưa mẹ lên xem chị làm việc thế nào...”. Mẹ chồng Lài tiếp lời: “Con làm có một mình à? Có vất vả không?”.

Lài tháo khẩu trang, rút khăn lau những giọt mồ hôi trên trán cười nói: “Bọn con mỗi người phụ trách mấy phòng. Công việc cũng không vất vả lắm. Còn hơn đi buôn ngan, gà và làm ruộng mẹ ạ!”.

Mẹ chồng Lài kéo tay con gái: “Thôi thế cũng được. Mẹ về đây!”.

Truyện ngắn của Đào Hữu Phương


Truyện Ngắn Của Đào Hữu Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]