(Baothanhhoa.vn) - Một buổi chiều xuân muộn, chúng tôi gặp nhà văn Kiều Vượng trên chiếc xe lăn trong khu vườn nhỏ ở Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ khu vực Bắc miền Trung giữa những bóng nắng hắt ánh sáng trắng lên vòm cây tùng xanh biếc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ám ảnh nỗi đau chiến tranh trong tác phẩm của nhà văn Kiều Vượng

Một buổi chiều xuân muộn, chúng tôi gặp nhà văn Kiều Vượng trên chiếc xe lăn trong khu vườn nhỏ ở Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ khu vực Bắc miền Trung giữa những bóng nắng hắt ánh sáng trắng lên vòm cây tùng xanh biếc.

Nhà văn Kiều Vượng tặng chúng tôi tuyển tập dầy dặn “Một đời văn” rồi chậm chạp nhâm nhi chén trà nóng. Trong không gian yên tĩnh, những chú gà túc con đi tìm mồi lướt qua chỗ chúng tôi ngồi cũng chẳng khiến ông quan tâm, ông đang nhìn ra khoảng không rất xa, như đang đối thoại với nội tâm hoặc trò chuyện cùng ký ức chứ không phải với những người xung quanh. Người trai từng xông pha ở công ty có 2.000 con thuyền nan chở quân lương trên dòng kênh nhà Lê, kênh Than, phà Ghép phục vụ chiến trường hơn 50 năm trước đó, giờ ngồi trên chiếc xe lăn nghe chúng tôi đọc lại trích đoạn trong bút ký “Bến phà Ghép”... Những tưởng lòng ông đã an nhiên tự tại sau quãng đời “bão gió” và hài lòng với bộ tuyển tập “Một đời văn”, với nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Văn học sông Mê Công và trong đó tiểu thuyết “Vùng trời thủng” được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017. Nhưng... khi nghe chúng tôi đọc đến tên Thao... ngực ông bỗng rung lên... và chính tôi cũng đã “sốc” khi đọc đến chi tiết này. Cho dù là đọc đến lần thứ hai. Không ai muốn chiến tranh xảy ra, nhà văn càng không mong có những thảm kịch trong trang văn của mình. Tuy nhiên, với góc nhìn hiện thực và cách trình bày trực diện, những bút ký chiến trường của nhà văn Kiều Vượng đã lay động tâm can bạn đọc và để lại nỗi đau âm ỉ trong trái tim người cầm bút. Đã có lần tôi nghe ai đó trao đổi rằng, lịch sử đã sang trang, nhà văn Kiều Vượng không nên đưa những chi tiết đau đớn kinh hoàng đó vào tác phẩm văn học. Tôi trao đổi lại thì Kiều Vượng nói rằng: “Tôi thà chết chứ không viết sai lịch sử, càng không bất nhẫn lờ đi lịch sử vốn như vậy, không chỉ để nhằm tố cáo tội ác của quân xâm lược mà còn nói lên thân phận của người trong cuộc, nhất là những phụ nữ đã hy sinh cho hòa bình, độc lập dân tộc”. Tôi biết mình đã sai khi lỡ lời hỏi ông như vậy, bởi tôi hiểu, nếu không có những trang bút ký sống động của ông trong cái chiều ngày 26-8-1966, thì tìm trong sổ sách hẳn chúng ta sẽ có một con số 20 người hy sinh trong trận bom hôm đó tại phà Ghép, nhưng làm sao biết chi tiết về số phận của Thao và những cái chết bi tráng của bao chiến sĩ thuyền nan khi thân xác và những mái tóc dài tuổi đôi mươi trộn trong bùn nước của dòng kênh cùng những cảm xúc đau khổ, thương xót của đồng đội?! Cuộc chiến giữ phà Ghép và chở lương của các đơn vị thuyền nan có nhiều cô gái mà Thao là một trong số đó. Bút ký “Bến phà Ghép” có đoạn ông viết: “...Tháng 6 năm 1966... thời điểm ấy, công ty chúng tôi có hơn 2.000 chiếc thuyền nan với gần 5.000 người vận tải trên toàn tuyến, nhận hàng từ bến Voi Thanh Hóa, nhập hàng ở chợ Củi, nay là đền Ông Hoàng Mười, tỉnh Hà Tĩnh... Thời điểm ấy, máy bay Mỹ rà soát suốt ngày khu vực phà Ghép để ném bom phá hoại và lấp sông chặn tuyến giao thông của ta. Đêm đến chúng chong đèn dù thấu sáng ngăn cản việc nạo vét sông và vào khoảng một giờ sáng, chúng tuông đạn rốc két và tên lửa vào uy hiếp tinh thần của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ... Ngày 26-8-1966,... Khoảng 4 giờ chiều,... trong khoảnh khắc, nhiều tốp máy bay AD6 và F105 của Mỹ ném bom phà Ghép dai dẳng chừng một giờ đồng hồ... Chính hôm đó, sáu máy bay chiến đấu của Mỹ bị lực lượng phòng không của ta bắn rơi trên bầu trời Thanh Hóa. Những âm thanh rùng rợn từ máy bay gầm rú, tiếng người gào thét, la hò gọi nhau náo loạn cả một vùng... Dứt tiếng bom, tôi và anh Nguyễn Đức Mậu lao ra khỏi hầm chạy lên phía đê vừa bị tàn phá thì thấy một cảnh tượng rất hãi hùng, người chết và số người bị thương quá đông. Nhân dân làng Ngọc Trà, các lực lượng quân đội, công an và thủy thủ bến phà Ghép khênh, cáng những người bị nạn chạy về phía cồn Lốc để băng bó cứu chữa và chuyển thương binh lên tuyến trên. Phải hơn một giờ đồng hồ mới chuyển hết số người bị thương. Tôi quay lại gặp cô Thịnh ở đoàn Thọ Xuân 3, khi cô đang vật vã bên xác mấy người cùng đơn vị, vừa trông thấy tôi Thịnh đã gào lên... Anh ơi! Con Thao của anh chết rồi, nó nằm đây.

Trời ơi! Sao lại thế này? Tôi hốt hoảng không kìm được nên cũng hét lên. Nó nằm đây nhưng đầu nó bay đi đâu? Cô chạy quanh mấy đống cành cây xem có thấy đầu nó không?

Mấy anh em đang nháo nhác tìm đầu cho Thao thì bỗng Thịnh thét lên một tiếng rùng rợn. Thịnh quỵ chân, mắt nhìn gằm xuống đất nhưng tay phải của nó cứ chỉ thẳng lên ngọn lùm tre. Tôi nhìn theo tay Thịnh chỉ nhận ra mái tóc dài của Thao cùng đầu của cô đang vắt lơ lửng trên một ngọn tre. Làm sao đây? tôi nhận ra bên lùm tre gai có một cây xoan dại mọc chen vào rất cao, tôi lao lại bám vào thân cây xoan leo lên... Khi tôi bê được cái đầu có mái tóc dài của Thao xuống đất thì xác cô đã được đội cứu thương đưa lên cồn Lốc cách chỗ bị nạn chừng 600m. Tôi bê cái đầu em chạy thục mạng về phía cồn Lốc mà trăm điều, ngàn nỗi giày vò... Tôi đặt cái đầu đã thâm bầm của Thao để lắp vào thân cô trong tiếng la hét man dại của đồng đội và anh em. Thịnh thấy tôi vừa lắp đầu Thao vào thân, nó liền rút chiếc khăn sọc dài trên cổ nó để quấn nối đoạn đầu với thân của Thao... Cái ngày khủng khiếp ấy, cùng với Thao ở đơn vị tôi tổng số 20 chiến sĩ vận tải đã hy sinh tại bờ đê sông Yên trên đất làng Ngọc Trà cạnh bến phà Ghép, trong số những người xấu số đó, Công ty Thuyền nan của chúng tôi có 12 người, còn lại là các đơn vị Sông biển, KT66 và Đoàn Vận tải Tổng cục Hậu cần”.

Chẳng những Kiều Vượng mà còn nhiều chiến sĩ thuyền nan ngày ấy sáng tác những vần thơ thấm đẫm nước mắt bảo vệ cầu phà vì độc lập dân tộc hôm nay. Chúng tôi còn được nhà văn Kiều Vượng đọc cho nghe đoạn thơ của anh Bùi Khắc Nữu cùng đơn vị thuyền nan, viết về cô Kiềm cũng đã hy sinh:

“...Lửa bom thù đốt mái tóc em

Lửa thù đốt tuổi thành niên

Đốt thân gái nhỏ em Kiềm của ta

...Cả quê hương một lòng, một dạ

Vững tay chèo tất cả thay em

Thay em cầm lái con thuyền

Trên sông như vẫn có em chở hàng

Kiềm ơi từ dưới suối vàng

Có nghe nhịp sóng kênh Than đều đều...?

Thương em càng vững tay chèo vì em”.

Ông chia sẻ: Chẳng hiểu vì sao sau bao kiếp nạn tôi còn sống đến giờ. So với đồng đội thì tôi may mắn rất nhiều. Ông còn có một nỗi niềm day dứt rằng tới nay, phà Ghép vẫn chưa có một biểu tượng ghi dấu di tích anh hùng để kết nối chuỗi di tích tâm linh Hàm Rồng – Nam Ngạn. Tôi hy vọng chính quyền quan tâm tới điều này càng sớm càng tốt thay vì nói nhiều đến từ “Tri ân các anh hùng liệt sĩ!”.

Ngoài phà Ghép, tìm hiểu ra, nhà văn Kiều Vượng cũng đã có mặt ở Hàm Rồng trong những ngày chiến tranh khốc liệt nhất. Ông đã có những trang viết như bức tranh buồn được dệt bằng những chi tiết sử liệu về các trận ném bom tàn khốc của đế quốc Mỹ, khiến 64 nữ y sinh và sư phạm mãi mãi để lại tuổi hai mươi bên dòng sông Mã: “Ngày 14 tháng 6 năm 1972... có 64 nữ sinh Trường Y Thanh Hóa và Trường Cao đẳng Sư phạm bị bom B52 mỹ vùi lấp... hôm ấy... tôi ngồi trực ở ban đảm bảo giao thông thì nhận được lệnh đưa tám xe tải ra cứu thương và chở các tử thi về nơi chôn cất. Trên một chiếc xe đưa các tử thi về Rừng Thông chờ người nhà đến nhận dạng đem đi chôn cất, tôi phát hiện có một người còn thoi thóp trên chính chiếc xe ben tôi ngồi nên bế lên bệnh viện Đông Sơn cấp cứu ngay. Người đó là Lê Thị Thế, quê xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, học sinh lớp Y46 Thanh Hóa. Thế sau này về công tác tại bệnh viện Đa khoa tỉnh và cô mới nghỉ hưu ít năm nay...”.

Thời gian mãi vẫn là những chứng nhân lịch sử không thể phai mờ cho dù thời gian cứ trôi đi theo vòng quay của tạo hóa và cuốn theo bao cuộc bể dâu của dân tộc, còn văn học của chúng ta vẫn mãi là “vị nhân sinh”, chứ không phải nghệ thuật vị nghệ thuật. Trong truyện ngắn “Trăng sáng”, nhà văn Nam Cao viết: “Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than...”. Trong mỗi tác phẩm tiểu thuyết, phim truyện, bút ký, truyện ngắn, thơ của nhà văn Kiều Vượng đều thấy bóng dáng đời thật của ông gắn với những giai đoạn lịch sử của tỉnh, đặc biệt là những trang bút ký về Hàm Rồng – phà Ghép, mỗi lần đọc lại có những số liệu, người thật, việc thật và chi tiết bi tráng như những dòng nham thạch xối vào tâm can bạn đọc về những nỗi đau do chiến tranh gây ra, buộc lòng căm thù những kẻ mang dã tâm xâm chiếm Việt Nam, gieo bom đạn lên miền quê thanh bình của nhân dân xứ Thanh trỗi dậy, không quản hy sinh xương máu. Cũng từ trong khói lửa chiến trường, ngoài hiện thực nỗi đau chiến tranh, nhiều trang bút ký của nhà văn hiện lên tình yêu thương đồng đội, tình đồng chí đoàn kết và tình quân dân gắn bó.

Thanh Hóa hôm nay đang vươn vai đứng dậy tạo hình, định thế cho một tỉnh lớn hàng đầu cả nước với địa thế đất rộng, người đông. Di tích, danh thắng ở đâu cũng có, những con đường trải rộng vươn đi khắp ngả như những cánh tay khổng lồ của ông Vồm, ông Bùng thuở xưa khai thiên, lập địa. Nhịp sống hiện đại năng động như có tiếng gầm của đoàn voi bà Triệu xuất quân đại thắng. Trong niềm vui chung tràn đầy hy vọng đó, đứng trên cầu Hàm Rồng trông về phà Ghép, lòng chúng ta dâng lên niềm tự hào về một xứ Thanh anh hùng trong chiến đấu. Những dòng nước mắt cùng nỗi nhớ không bao giờ vơi cạn về biết bao liệt sĩ đã anh dũng hy sinh góp phần cho hòa bình và độc lập dân tộc. Nhà văn Kiều Vượng có nhiều trang bút ký nóng hổi hiện thực và ám ảnh nỗi đau chiến tranh từ những trải nghiệm thực tiễn. Ông viết với góc nhìn khách quan, khiến bạn đọc như được sống lại một thời khói lửa chiến trường với những nỗi đau thân phận khốc liệt và bi tráng. Những tác phẩm văn học của ông đã góp phần làm sáng, đẹp và tô thêm bức tranh quê hương Thanh Hóa trong quá trình phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu.


Viên Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]