(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” (gọi tắt là Quyết định 1747), trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), mang lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi

Thực hiện Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” (gọi tắt là Quyết định 1747), trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), mang lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núiHội thảo khoa học “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chương trình triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Thông qua việc triển khai thực hiện các dự án nông thôn miền núi, người dân vùng đồng bào DTTS, nông thôn tại huyện Ngọc Lặc đã tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất cây nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến như: sắn gần 2.000ha, mía gần 2.000ha, vùng cây ăn quả gần 1.000ha, vùng sản xuất lâm nghiệp (keo nuôi cấy mô hơn 200ha)... Bên cạnh đó, tại các xã được chọn tổ chức thực hiện dự án đã được tiếp nhận và ứng dụng công nghệ để chủ động sản xuất tại hộ gia đình. Thông qua chương trình đã huy động lực lượng cán bộ KH&CN của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống mới, góp phần nâng cao năng suất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Xuất phát từ đòi hỏi phát triển kinh tế bền vững gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã thực hiện thành công 2 dự án: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng các mô hình trồng cam V2 (Valencia-2), bưởi Diễn, mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò sinh sản nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội tại Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân” và “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng thâm canh giống cam CS1 theo VietGAP tại huyện miền núi Như Xuân”. Việc triển khai thực hiện dự án là hết sức cần thiết và đúng đắn, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch tổng thể nông nghiệp của tỉnh và các yêu cầu về nội dung của Quyết định số 1747. Mặt khác, dự án thực hiện thành công đã góp phần đưa được tiến bộ kỹ thuật đến với bà con nông dân vùng nông thôn, miền núi đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, chương trình đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết 4 nhà, góp phần lan tỏa và nhân rộng tại các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hàng chục mô hình khác cũng đã được triển khai như: mô hình sản xuất giống và trồng dược liệu ở huyện Bá Thước; mô hình trồng hoa tươi chất lượng cao tại TP Thanh Hóa; mô hình phát triển kinh tế theo hướng sinh thái tổng hợp cho người dân tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; mô hình nuôi nhím, nhân giống cây lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh và phát triển kinh tế theo hướng sinh thái tổng hợp phục vụ phát triển, ổn định kinh tế - xã hội vùng đệm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm tại 6 xã đặc biệt khó khăn huyện Thạch Thành, mô hình trồng xoan và nuôi vịt Cổ Lũng tại Bá Thước... Đặc biệt, các đề án, dự án do Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai như: Nghiên cứu thử nghiệm một số giống diêm mạch (nhập nội trên vùng đất khô hạn, nghèo dinh dưỡng); Nghiên cứu giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch XDNTM trên địa bàn huyện Thọ Xuân; Đánh giá rủi ro ô nhiễm nước mặt trên sông Mã giai đoạn 2010-2020; Mô hình sản xuất thử nghiệm giống ngô nếp lai thương phẩm VNUA69...; Phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu (đang thực hiện)... Các mô hình đã và đang góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình nông thôn miền núi tại Thanh Hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: thiếu các chính sách, giải pháp mạnh mẽ về KH&CN để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà khu vực DTTS và miền núi có lợi thế, chưa hình thành được các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn; chưa có chính sách về thu hút nguồn lực, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đặc biệt là chính sách về vốn, thuế, hỗ trợ phát triển. Việc huy động nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư phát triển KH&CN cho đồng bào DTTS còn khó khăn, liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn rất hạn chế. Các dự án sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khép kín từ khâu sản xuất - sơ chế - chế biến - thương mại chưa nhiều...

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tại Hội thảo khoa học “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chương trình triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” tổ chức tháng 12/2023, GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp như: cần đổi mới cơ chế tài chính theo hướng khoán đến sản phẩm cuối cùng; nghiên cứu chính sách thương mại hóa các sản phẩm hình thành từ đề tài dự án sử dụng ngân sách Nhà nước, để từ đó tạo điều kiện cho công tác chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Sớm ban hành các chính sách tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cùng với đó, bên cạnh tạo các sản phẩm OCOP, tỉnh cũng cần tổ chức các nghiên cứu có tính liên vùng trong sản xuất hàng hóa. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp. Nghiên cứu các cơ chế ủy quyền, phân cấp, phân quyền khi triển khai các nhiệm vụ.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]