(Baothanhhoa.vn) - Trong hoạt động dạy và học tại trường đại học, phòng thí nghiệm đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy vai trò của các phòng thí nghiệm trong Trường Đại học Hồng Đức

Phát huy vai trò của các phòng thí nghiệm trong Trường Đại học Hồng Đức

Thí nghiệm thực hành tại Phòng thí nghiệm Hóa sinh của Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Hồng Đức.

Trong hoạt động dạy và học tại trường đại học, phòng thí nghiệm đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Xác định được điều này, ngay từ khi được thành lập, Trường Đại học Hồng Đức luôn quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, bảo đảm môi trường làm việc và học tập tốt nhất cho giảng viên và sinh viên. Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Khoa Khoa học Tự nhiên là một trong những khoa được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm khá đồng bộ. Hiện khoa có tới 16 phòng thí nghiệm các chuyên ngành khác nhau, trong đó có 4 phòng thí nghiệm Vật lý, 4 phòng thí nghiệm Hóa học, 3 phòng thí nghiệm Sinh học... Các phòng thí nghiệm, trang thiết bị trong phòng thí nghiệm sau khi được đầu tư đều được cán bộ, giảng viên, sinh viên sử dụng, bảo quản tốt và mang lại nhiều kết quả. Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Xuân Lương, Trưởng Khoa Khoa học Tự nhiên, cho hay: Vai trò, hiệu quả mà các phòng thí nghiệm trong trường đại học mang lại là rất lớn. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả nghiên cứu khoa học trong nhà trường nhất thiết phải đầu tư phòng thí nghiệm với những trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Đối với Khoa Khoa học Tự nhiên, việc đầu tư các phòng thí nghiệm không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mà còn là điều kiện để cán bộ, giảng viên của khoa thực hiện hiệu quả nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp Nhà nước. Minh chứng là trong 3 năm gần đây, từ việc sử dụng những trang thiết bị của phòng thí nghiệm, cán bộ, giảng viên của khoa đã nghiên cứu, thực hiện thành công 2 đề tài khoa học cấp Nhà nước, gồm: Đề tài “Bảo tồn nguồn gen vịt Cổ Lũng” và Đề tài “Bảo tồn nguồn gen cây khôi tía”; đã và đang thực hiện 4 đề tài khoa học cấp tỉnh như Đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học của các loài thực vật cho tinh dầu và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cho vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En”...

Tại Khoa Kỹ thuật – Công nghệ để phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học nhiều phòng thí nghiệm và trang thiết bị hiện đại có giá trị hàng chục tỷ đồng cũng được đầu tư xây dựng như, phòng thí nghiệm vật liệu điện tử, phòng thí nghiệm kỹ thuật điện tử, phòng thí nghiệm kỹ thuật công trình... Trong các phòng thí nghiệm của khoa có những thiết bị thí nghiệm được đầu tư lên tới gần 8 tỷ đồng, như máy hiển vi điện tử quét (SEM)... Hiện Khoa Kỹ thuật – Công nghệ đang đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nhiều hệ đào tạo khác nhau, như: Đại học kỹ thuật công trình; đại học công nghệ kỹ thuật môi trường; đại học kỹ thuật điện - điện tử; cao đẳng công nghệ kỹ thuật điện - điện tử; cao đẳng nghề... Ngoài chức năng đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của khoa cũng đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhờ đầu tư và sử dụng hiệu quả trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm. Thời gian qua, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ đã chủ trì và tham gia không ít đề tài, khoa học các cấp. Đơn cử như, Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình lọc sinh học sục khí luân phiên để xử lý nước thải chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh”. Kết quả nghiên cứu của đề tài này đã được áp dụng thực tiễn tại nhiều trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Yên Định.

Thực tế cho thấy, sức mạnh của trường đại học là gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, muốn phát triển nghiên cứu khoa học ngoài nguồn nhân lực cần phải đầu tư và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị, các phòng thí nghiệm... Theo thống kê, 5 năm gần đây, cán bộ, giảng viên nhà trường đã thực hiện 2 dự án quốc tế, 12 đề tài cấp Nhà nước và Quỹ Nafosted, 31 đề tài cấp bộ, 41 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, hàng trăm đề tài cấp cơ sở và nhiều bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu ISI, SCOPUS. Tính riêng trong năm học 2018-2019, nhà trường được phê duyệt mới 2 đề tài thuộc Quỹ Nafosted; 8 đề tài cấp tỉnh; 43 đề tài cấp cơ sở. Cũng trong năm học này, toàn trường có 104 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trên các lĩnh vực đào tạo của nhà trường được triển khai thực hiện, trong đó có 54 đề tài cấp khoa, 50 đề tài dự thi cấp trường và cấp bộ.

Mục tiêu chiến lược phát triển Trường Đại học Hồng Đức đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định rõ: Đào tạo sinh viên thành nguồn nhân lực có chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia, có khả năng thích ứng với sự đa dạng và sự phát triển không ngừng của thị trường lao động; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước. Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong dạy, học của tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, nhà trường tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất nói chung, các phòng thí nghiệm thuộc các chuyên ngành đào tạo nói riêng, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giảng viên, sinh viên phát huy hết năng lực của mình trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]