(Baothanhhoa.vn) - Nhằm đáp ứng nhu cầu trong công tác điều trị các bệnh về mắt và hướng đến “một thế giới không mù lòa”, nhiều năm qua, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, đầu tư trang thiết bị máy móc, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong công tác khám và điều trị các bệnh về mắt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa

Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa

Phẫu thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa.

Nhằm đáp ứng nhu cầu trong công tác điều trị các bệnh về mắt và hướng đến “một thế giới không mù lòa”, nhiều năm qua, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, đầu tư trang thiết bị máy móc, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong công tác khám và điều trị các bệnh về mắt.

Theo bác sĩ CKII Lê Viết Tâm, phó giám đốc bệnh viện, để nâng cao chất lượng khám và điều trị các bệnh về mắt cho người dân, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa vào trong quy trình tiếp nhận khám bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án... bệnh viện còn tăng cường ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác khám, tư vấn điều trị bệnh, như: Kỹ thuật cắt dịch kính điều trị bệnh lý bán phần sau; chụp mạch ký huỳnh quang không thuốc bằng phần mềm OCT- A; kỹ thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc... Riêng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc là kết quả của việc thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa” do Bệnh viên Mắt Thanh Hóa chủ trì thực hiện. Đề tài này được triển khai thực hiện từ tháng 6-2016 đến tháng 6-2018 với mục tiêu cơ bản là ứng dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại bệnh viện. Thông qua việc thực hiện đề tài, nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên của bệnh viện được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Trong đó có 4 bác sĩ được đào tạo là phẫu thuật viên ghép giác mạc, 1 bác sĩ đào tạo gây mê hồi sức và 3 điều dưỡng viên phục vụ nhiệm vụ phẫu thuật. Cả 8 bác sĩ, điều dưỡng viên sau khi được đào tạo đều nắm vững các kỹ thuật, có khả năng độc lập giải quyết tốt mọi việc từ khám sàng lọc, chẩn đoán, phẫu thuật, theo dõi và điều trị bệnh nhân sau phẫu thuật. Đặc biệt, sau khi học tập chuyển giao kỹ thuật các phẫu thuật viên đã thực hiện phẫu thuật và điều trị thành công cho 32 trường hợp bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc do các nguyên nhân khác nhau tại bệnh viện. Với kết quả này, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa là bệnh viện chuyên khoa mắt tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc.

Đánh giá về kết quả phẫu thuật ghép giác mạc, bác sĩ CKII Lê Viết Tâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa” cho biết: Đối với kết quả bảo tồn nhãn cầu, trong nghiên cứu có 1 trường hợp viêm loét giác mạc đã thủng được chỉ định ghép giác mạc bảo tồn nhãn cầu. Kết quả, sau ghép bệnh nhân không những bảo tồn được nhãn cầu mà còn tăng thị lực đáng kể, từ ánh sáng + trước mổ lên đếm ngón tay (ĐNT) 4m sau 3 tháng. Đối với kết quả độ trong mảnh ghép, trong số 32 mắt được ghép giác mạc và theo dõi ít nhất 3 tháng, tỷ lệ mảnh ghép trong đạt 90,6%. Về thị lực, sau mổ 1 tuần thị lực đa số còn ở mức thấp với 22 mắt có thị lực dưới ĐNT 3m (chiếm 68,8%), chỉ có 8 bệnh nhân đạt mức thị lực từ ĐNT 3m đến dưới 1/10 (chiếm 25%) và 2 bệnh nhân có thị lực từ 1/10 đến dưới 3/10. Sau mổ 1 tháng, tỷ lệ mắt có thị lực ở mức mù lòa giảm xuống còn 36,7% (so với 100% trước phẫu thuật). Tỷ lệ mắt có thị lực từ ĐNT 3m đến dưới 1/10 là 43,3%. Có 6 mắt đạt mức thị lực từ 1/10 đến dưới 3/10 (chiếm tỷ lệ 20%). Sau mổ 2 tháng tỷ lệ mắt có thị lực ở mức mù lòa tiếp tục giảm còn 31%. Có 9 mắt đạt thị lực từ ĐNT 3m đến dưới 1/10 và 7 mắt đạt thị lực từ 1/10 đến dưới 3/10. Đặc biệt, có 4 mắt có thị lực từ 3/10 trở lên, trong đó có 1 mắt đạt thị lực cao nhất 5/10. Sau mổ 3 tháng số mắt có thị lực ở mức mù lòa giảm còn 13,8% (so với 100% trước phẫu thuật). Số mắt có thị lực thấp thuộc nhóm từ ĐNT 3m đến dưới 1/10 cũng giảm còn 6 mắt và đã có 6 mắt đạt mức thị lực trên 3/10, trong đó mắt đạt thị lực cao nhất là 6/10. Như vậy, tỷ lệ thành công của phẫu thuật tính tại thời điểm 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng lần lượt là 93,8%, 90,6% và 90,6%. Cũng theo bác sĩ Tâm, toàn bộ 32 trường hợp ghép giác mạc trong nghiên cứu đều được mổ gây mê và không có tai biến gây mê. Trong quá trình phẫu thuật chỉ có 3 trường hợp xuất huyết mống mắt do cần tách dính mống mắt khỏi giác mạc và mắt trước thủy tinh thể (chiếm 9,4%). Các biến chứng khác như vở thủy tinh thể, thoát dịch kính không xảy ra.

Từ thành công trên, hiện nay Bệnh viên Mắt Thanh Hóa đang phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương thành lập chi nhánh ngân hàng mắt tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa; tuyên truyền rộng rãi nhằm tăng cường hiểu biết của người dân về bệnh lý giác mạc, phương pháp điều trị ghép giác mạc; huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho các bệnh nhân ghép giác mạc để có thêm nhiều bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc được chữa trị. Thực tế cho thấy, bệnh lý giác mạc xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em và những người đang trong độ tuổi lao động. Phẫu thuật ghép giác mạc là giải pháp duy nhất để giảm tỷ lệ mù lòa do bệnh lý giác mạc gây ra. Song, ghép giác mạc là một kỹ thuật cao đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu của đội ngũ nhân viên y tế cùng trang thiết bị hiện đại, không phải cơ sở y tế nào cũng đáp ứng được. Tuy nhiên, với sự quan tâm của ngành chức năng cùng sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa đã thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc. Kết quả này đã góp phần nâng cao vị thế của bệnh viện, xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ uy tín về chăm sóc mắt cho nhân dân trong tỉnh, giúp người dân được tiếp cận công nghệ điều trị hiện đại ngay tại địa phương, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh và giảm áp lực cho tuyến trên.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]