(Baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 trọng điểm đê được xếp vào tình trạng nguy hiểm khi có thiên tai, bão lũ, được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) tỉnh cùng các địa phương xây dựng phương án PCTT riêng nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, hàng chục đoạn đê, điểm đê xung yếu khác cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi tình trạng thẩm lậu, sạt lở, hư hỏng cống trên đê... nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mối lo từ những trọng điểm đê trong phòng chống thiên tai

Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 trọng điểm đê được xếp vào tình trạng nguy hiểm khi có thiên tai, bão lũ, được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) tỉnh cùng các địa phương xây dựng phương án PCTT riêng nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, hàng chục đoạn đê, điểm đê xung yếu khác cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi tình trạng thẩm lậu, sạt lở, hư hỏng cống trên đê... nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời.

Cống Hón Trúc nằm trên đê bao sông Hoàng - đoạn qua xã Quảng Vọng (Quảng Xương) bị hư hỏng nhiều bộ phận, không bảo đảm an toàn.

Chỉ cách ranh giới với tỉnh Nghệ An chưa đầy 1 km, từ nhiều đời nay, tuyến đê Nam qua các xã Hải Hà và Hải Thượng có nhiệm vụ quan trọng trong việc ngăn sóng biển tràn vào các khu dân cư và đồng ruộng. Thế nhưng, từ đợt lũ lịch sử hồi tháng 10-2017, tuyến đê biển dài hơn 400 m này đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lớn nhỏ. Nhiều vết sạt rộng từ 3 đến 5m, “ăn” vào nửa thân đê, đe dọa nguy cơ vỡ đê khi có sóng to gió lớn. Nếu đoạn đê này vỡ, nước biển sẽ tràn vào gây ngập lụt khoảng 50 ha, gồm cánh đồng và các khu dân cư với khoảng 1.000 hộ dân của các thôn: Nam Hải xã Hải Thượng và Hà Bắc, Hà Tân, xã Hải Hà bị ảnh hưởng. Phát biểu tại một hội nghị phòng chống lụt bão của tỉnh tổ chức vào giữa tháng 8-2018, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, cho biết: Huyện Tĩnh Gia và xã Hải Hà đã cho đóng cọc, che bạt để tránh nước mưa và sóng biển xối vào trực tiếp làm các điểm sạt lớn dần. Mỗi lần mưa lớn, áp thấp nhiệt đới hay có bão, xã Hải Hà đều phải cử người tuần tra để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.

Sông Mã, đoạn qua các xã Cẩm Vân và Cẩm Tân (Cẩm Thủy), mỗi năm bãi bồi ven sông lại sạt thêm, khiến dòng nước ngày càng gần các hộ dân sinh sống gần bờ sông. Đáng nói nhất là tại các thôn Quan Bằng và Vân Trai của xã Cẩm Vân, nhiều điểm sạt đang khiến các hộ dân không khỏi lo lắng. Có điểm sạt đã vào gần đến công trình của hộ dân, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm mỗi khi mưa bão, nước sông dâng cao. Tương tự, tại bờ tả của dòng sông lớn nhất của tỉnh này, đoạn qua xã Hoằng Khánh (Hoằng Hóa) cũng đang sạt bãi bồi, làm mất đất sản xuất, gây nguy hiểm cho nhân dân. Các thôn Trà Sơn, Trà La, thôn 6 của xã đã mất hàng chục héc-ta đất sản xuất trong gần chục năm qua. Những điểm sạt hiện nay chính là những vị trí xung yếu, dễ gây sạt lở, nước tràn vào phía đồng và các khu dân cư khi có mưa bão.

Huyện Nga Sơn - địa phương có nhiều tuyến đê yếu nhất trong tỉnh, luôn có nhiều mối lo mỗi khi mùa mưa bão đến. Ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết: Toàn huyện có hàng chục km đê yếu, trong đó có những tuyến đê từ thời phong kiến đến nay chưa hề được đầu tư xây dựng kiên cố, sửa chữa. Đoạn đê tả sông Hoạt từ cầu Điền Hộ (giáp tỉnh Ninh Bình) đến xã Nga Phú vẫn mong manh chưa kêu gọi được dự án đầu tư kè kiên cố. Hiện tại, cao độ của đoạn đê này chỉ 3,5 m, thấp hơn cả mét so với yêu cầu phòng chống lụt bão hằng năm. Tuyến đê biển Nga Thủy còn 2,5 km xây dựng dở dang bởi mới đắp đến cao trình hơn 2m thì dự án hết vốn nên tạm ngừng thi công đến nay, trong khi yêu cầu thiết kế của đoạn đê này phải cao hơn 5m mới bảo vệ được một vùng ven biển, gồm các xã Nga Tân, Nga Thủy... Mỗi lần bão lớn, nước sông Lèn đổ về, nếu gặp thủy triều lên cao, vùng này lại ngập sâu trong nước. Chính quyền và nhân dân các địa phương liên quan không khỏi lo âu, song theo phân cấp, đây là dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Trung ương nên huyện Nga Sơn cũng chưa thể có kế hoạch để xử lý được. Nhiều đoạn đê tả sông Hoạt qua các xã Nga Vịnh và Nga Trường hiện là đê đất, vừa nhỏ, cao trình thấp, lại khá yếu. Hiện đoạn qua thôn Vĩnh An, xã Nga Vịnh và thôn 16, xã Nga Trường đều bị sạt lở sâu vào thân đê, ngày càng tiến sát mặt đê, đe dọa sự an toàn cho nhiều hộ dân mỗi khi có mưa bão, nước sông dâng cao. Huyện Nga Sơn cũng đã có các kiến nghị lên Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng vẫn chưa cân đối được nguồn vốn để tu sửa đoạn đê xung yếu này.

Tại xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, có tới 2 dòng sông là sông Hoàng và sông Yên chạy qua địa bàn. Trên các tuyến đê của các sông này, đều có các cống xung yếu, nhiều hư hỏng không bảo đảm an toàn, nhất là yêu cầu phòng chống lụt bão. Theo chân các cán bộ xã Quảng Vọng, chúng tôi có mặt tại cống Hón Trúc nằm trên đê bao sông Hoàng - nơi tiêu nước cho các xã Quảng Phúc, Quảng Vọng mỗi đợt mưa lũ lớn. Do được xây dựng cách đây hàng chục năm, cống bị hư hỏng nặng, hiện bị lồng mang, sạt sân cống. Hệ thống đóng mở cửa cống để thoát lũ mới được tu sửa bổ sung cách đây vài năm, song do không đồng bộ nên đóng không khít. Cách đó vài km, cống Ba Cửa thuộc thôn 7 của xã nằm trên đê tả sông Hoàng cũng bị hư hỏng hệ thống đóng mở. Khi nước sông Hoàng dâng cao trong mùa mưa bão, hệ thống ngăn nước chảy tràn vào các khu dân cư không triệt để khiến người dân địa phương lo lắng. Theo phân cấp, trách nhiệm sửa chữa 2 cống này thuộc huyện Quảng Xương và xã Quảng Vọng, song phía địa phương chưa thể cân đối được nguồn vốn sửa chữa các cống có tuổi đời nhiều chục năm tuổi này.

Trong cơn bão số 3 hồi đầu tháng 8 vừa qua cũng xuất hiện nhiều điểm đê không an toàn bởi những sự cố phát sinh. Đê tả sông Bưởi qua thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) xuất hiện điểm sủi khiến nước rò rỉ, thẩm lậu ngay phía sau chợ Kim Tân. Tuy tuyến đê này đã được kiên cố, song xuất hiện vị trí rò đã dấy lên lo ngại, bởi mỗi khi lũ, nước thượng nguồn từ tỉnh Hòa Bình đổ về, đoạn sông này nước dâng cao. Tương tự, trên bờ tả sông Hoàng, đoạn qua thôn 11, xã Đông Ninh (Đông Sơn), gần đây cũng xuất hiện điểm sủi mỗi khi mưa lớn, nước sông dâng cao. Vị trí điểm sủi rất khó phát hiện bởi nằm sát bờ của 2 gia đình ông Lê Văn Đại và bà Trịnh Thị Yên, thôn 11 của xã. Theo người dân địa phương, vị trí này trước đây là 1 cái cống cũ, có tên Cồn Ròng. Từ năm 2017, đoạn đê này được kiên cố, đơn vị thi công đã lấp cống cũ nên đoạn rỗng ống cống phía trong lòng đê gây rò rỉ.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]