(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ những đề tài, dự án do Liên hiệp hội (LHH) và các hội thành viên chủ trì thực hiện đã góp phần xây dựng thành công nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế, có tác động xã hội cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả nghiên cứu khoa học trong tổ chức Liên hiệp hội

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ những đề tài, dự án do Liên hiệp hội (LHH) và các hội thành viên chủ trì thực hiện đã góp phần xây dựng thành công nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế, có tác động xã hội cao.

Hiệu quả nghiên cứu khoa học trong tổ chức Liên hiệp hội

Bế giảng lớp học nâng cao chữ Nôm Dao cho người Dao huyện Ngọc Lặc, do Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức.

Năm 2015, bộ chữ Nôm Dao Thanh Hóa do Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh – hội thành viên của LHH chủ trì thực hiện đã được Hội đồng Khoa học tỉnh thẩm định và được UBND tỉnh phê chuẩn. Bộ chữ Nôm Dao có 4 phần, gồm: Khái quát về chữ Nôm Dao; hướng dẫn cách viết, cách đọc; bộ chữ Nôm Dao 17 nét; luyện viết, luyện đọc 1.140 chữ. Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh cho hay: “Đây là bộ chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước được sưu tầm và biên soạn để dạy cho người dân tộc Dao trong tỉnh. Để hoàn thành được bộ chữ này, các thành viên của Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh phải mất hơn 2 năm sưu tầm tài liệu, thành lập đoàn khảo sát, nghiên cứu về chữ Nôm Dao. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học xin ý kiến các chuyên gia, các nghệ nhân là người Dao thông thạo chữ Nôm Dao về việc xây dựng bộ chữ”. Được biết, ngay sau khi bộ chữ Nôm Dao được UBND tỉnh phê chuẩn, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Vì sự tiến bộ phát triển bền vững miền núi Việt Nam tổ chức hội thảo về “Bộ tài liệu hướng dẫn dạy và học chữ Nôm Dao” cho cộng đồng người Dao. Cùng với đó, hội chủ trì phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức các lớp học cho người Dao thuộc các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy và Mường Lát. Đến nay, đã tổ chức được 14 lớp với hơn 500 học viên tham gia. Sự ra đời của bộ chữ Nôm Dao sau nhiều năm sưu tầm và biên soạn đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Không chỉ thực hiện thành công việc sưu tầm, xây dựng bộ chữ Nôm Dao, thời gian qua, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh còn triển khai thực hiện hiệu quả 2 đề án cấp tỉnh, gồm, Đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa” và Đề án “Xây dựng Từ điển Thái – Việt Thanh Hóa”. Với Đề án “Xây dựng Từ điển Thái – Việt Thanh Hóa”, năm 2017, Từ điển Thái – Việt Thanh Hóa đã được xuất bản phục vụ công tác nghiên cứu, học chữ Thái, tiếng Thái.

Cùng với Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh, Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa cũng có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học hữu ích. Trong đó, đáng chú ý là việc nghiên cứu các dữ liệu, xây dựng nội dung thuyết minh, đề xuất UBND tỉnh xây dựng đập thủy lợi, thủy điện Cẩm Hoàng trên sông Mã, đáp ứng nhu cầu cấp nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề xuất đã được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao. Theo đại diện lãnh đạo Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa, nếu dự án được triển khai thực hiện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giảm chi phí quản lý vận hành các công trình đầu mối trạm bơm. Dự án sẽ cung cấp nước tưới tự chảy cho trên 38.000 ha vùng đồng bằng tả ngạn sông Mã, gồm các huyện, thị xã: Vĩnh Lộc, Hà Trung, Bỉm Sơn, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, một phần các huyện Cẩm Thủy và Thạch Thành; đồng thời, phát điện với công suất là 16MW; cấp nước cho công nghiệp và dân sinh; đảm bảo dòng chảy cho hạ du. Cùng với đề xuất trên, hội đã tham mưu, tư vấn cho tỉnh nhiều chương trình dự án, như, dự án cung cấp nước sinh hoạt cho TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn từ hồ chứa nước Cửa Đạt. Hiện, dự án đã được UBND tỉnh giáo cho Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn làm công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, hội còn đề xuất thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, như: Đề tài “Giải pháp thu trữ nước ngọt cho hộ dân cư vùng thường xuyên bị ngập lụt và hạn hán thiếu nước trước bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”; đề tài “Nghiên cứu đánh giá các rủi ro tiềm năng, đề xuất các giải pháp tối ưu trong quản lý vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh”...

Qua thống kê của LHH, từ năm 2013 đến nay, các hội thành viên và cơ quan thường trực LHH đã thực hiện 714 đề tài, dự án KH&CN. Trong đó, có 98 đề tài, dự án cấp bộ và cấp tỉnh, chiếm 13,7%; 616 đề tài, dự án cấp ngành, cơ sở, chiếm 86,3%. Trong 30 hội thành viên có 22 hội, tích cực đẩy mạnh hoạt động KH&CN, có 15 hội tổ chức thực hiện từ 3 đề tài, dự án KH&CN trở lên, như: Hội Khoa học thủy lợi, Hội Khoa học lâm nghiệp, Hội Nghề cá, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Luật gia... Các đề tài, dự án được triển khai thực hiện đều bám sát nhu cầu nhiệm vụ KH&CN của cơ sở và của ngành, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tham gia thực hiện các dự án xây dựng cầu đường, góp phần không nhỏ trong việc phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh. Hội Khoa học kinh tế tham gia xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Hội Bảo vệ môi trường Thanh Hóa tham gia 15 hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường cấp bộ, 230 hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường cấp ngành và cơ sở; trực tiếp thực hiện giám sát thi công “Dự án cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất kho thuốc bảo vệ thực vật của HTX Phú Yên, huyện Thọ Xuân”...

Có thể thấy, từ những kết quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học, LHH Thanh Hóa đã và đang làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của trí thức KH&CN, hướng kết quả, thành tựu khoa học kỹ thuật về cơ sở. Các hội thành viên và cơ quan thường trực LHH cũng như đội ngũ tri thức của tỉnh đã tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm, đề xuất và triển khai thực hiện nhiều sáng kiến khoa học, xác đáng, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài Và Ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]