(Baothanhhoa.vn) - Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường về quy trình sản xuất an toàn và chất lượng của các sản phẩm nông sản, việc đẩy mạnh nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên các giống cây trồng bản địa tại Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân), thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, là hướng mới nhằm tạo ra hàng hóa nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện nghiên cứu, khảo nghiệm, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác một số cây trồng bản địa theo hướng hữu cơ

Chuyện nghiên cứu, khảo nghiệm, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác một số cây trồng bản địa theo hướng hữu cơ

Mô hình khảo nghiệm cơ bản dưa leo sử dụng phân bón hữu cơ Phúc Thịnh của Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng. Ảnh: Hương Thảo

Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường về quy trình sản xuất an toàn và chất lượng của các sản phẩm nông sản, việc đẩy mạnh nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên các giống cây trồng bản địa tại Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân), thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, là hướng mới nhằm tạo ra hàng hóa nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Chúng tôi tới thăm khu nghiên cứu, khảo nghiệm của trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ (sau đây viết tắt là TT) cây trồng vào một ngày thời tiết diễn biến thất thường do chịu ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Nền trời xám xịt, mưa ngày càng nặng hạt nhưng nhìn giàn dưa leo xanh mướt, lúc lỉu quả núp mình trong kẽ lá; những luống cà chua bi vàng ươm sắc hoa, những cây cà ta căng tràn nhựa sống, ai ai cũng cảm thấy khoan khoái, dễ chịu...

Chị Lê Thị Vân Anh (41 tuổi), cán bộ kỹ thuật của TT tỉ mỉ quan sát, đánh giá, ghi chép về quá trình sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng. Vóc dáng nhỏ nhắn với nụ cười hiền ấy như hòa vào khoảng xanh tươi, mơn mởn của cây lá. Tốt nghiệp Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Hồng Đức, tính đến nay, chị Vân Anh đã có hơn 15 năm gắn bó với TT và ngành nông nghiệp. Trước đây, TT chủ yếu làm công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất trên các loại cây lúa, đậu, lạc. Bắt đầu từ năm 2015, TT có bước tìm tòi, phát triển khi chuyển đổi sang một số cây trồng mới (rau, củ, quả) phù hợp hơn với xu hướng phát triển của ngành, thị hiếu người tiêu dùng. Bởi những kinh nghiệm dày dặn được tích lũy trong quá trình công tác và sự tận tậm với công việc, năm 2019, chị Vân Anh được TT giao tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất các loại cây rau, củ, quả theo hướng hữu cơ.

Từ thuở sơ khai, người nông dân đã có tập quán sản xuất theo hướng hữu cơ. Minh chứng sinh động và thuyết phục nhất chính là việc người nông dân ưa chuộng sử dụng các loại phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh và phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất trồng trọt. Tuy nhiên, các loại phân hữu cơ này, nếu không được “xử lý” đúng quy trình, đảm bảo thời gian thì sẽ là “con dao hai lưỡi” gây hại đến cây trồng và sức khỏe người tiêu dùng vì chứa đựng nhiều mầm bệnh như: Hạt cỏ dại, trứng giun, trứng sán, nhiễm khuẩn... Mặt khác, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, phương thức sản xuất nông nghiệp và đòi hỏi khắt khe của thị trường, các loại phân hữu cơ nêu trên mất dần ưu thế. Người nông dân tìm đến các loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... Chính tác dụng nhanh chóng, hiệu quả, tiện ích, giá thành rẻ của các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, khiến người nông dân dần dần lệ thuộc, thậm chí lạm dụng chúng trong sản xuất nông nghiệp. Song, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất đang khiến cho môi trường sinh thái, đất đai, ruộng đồng bị tàn phá nghiêm trọng. Mặt khác, việc tồn dư lượng phân bón, thuốc hóa học vượt mức giới hạn cho phép khiến các mặt hàng nông sản không đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đe dọa sức khỏe con người và tương lai giống nòi. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, tiêu dùng, môi trường sinh thái.

Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, nhằm phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng trong những năm qua, TT đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đóng góp vào những thành tích chung của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất theo hướng hữu cơ trên một số giống cây nông nghiệp bản địa là hướng mới nhằm tạo ra hàng hóa nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho nền nông nghiệp phát triển bền vững. Chị Vân Anh chân thành chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất trồng trọt việc sử dụng phân vô cơ và hữu cơ mỗi loại thường có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng loại phân nào, quy trình, cách thức ra làm sao để vừa đạt hiệu quả sản xuất mà đảm bảo an toàn cho người sản xuất, chất lượng sản phẩm và môi trường tự nhiên chính là một trong những nhiệm vụ cơ bản của TT”.

Điều đó có nghĩa là, nền nông nghiệp hữu cơ mà nông nghiệp nước ta cần hướng tới không phải là nền nông nghiệp hữu cơ sơ khai với việc sử dụng phân chuồng, phân xanh, phế phụ phẩm, dựa vào kinh nghiệm dân gian mà được nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá, ứng dụng dựa trên quy trình khoa học nghiêm ngặt, chặt chẽ. Đối với các loại phân bón hữu cơ TT sử dụng (phân bón hữu cơ Phúc Thịnh) cần tuân thủ liều lượng bón vừa đủ và thời điểm sử dụng thích hợp. Đối với phòng trừ sâu bệnh hại, TT lựa chọn các sản phẩm thuốc sinh học và kéo dài thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Ngoài ra, TT còn sử dụng thêm các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật do cán bộ kỹ thuật của TT tự pha chế từ các nguyên liệu tự nhiên như: chanh – tỏi - ớt (dùng chủ yếu trên các cây rau). Chị Vân Anh giải thích thêm: “So với sản xuất lúa thì quy trình kỹ thuật sản xuất rau chặt chẽ. Bởi lẽ, các loại rau có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết thấp hơn. Một số loại cây rau ăn lá có thời gian sinh trưởng rất ngắn ngày, nhưng lại là nguồn thức ăn yêu thích, khoái khẩu của côn trùng, sâu bệnh, nhất là vào những thời điểm diễn biến phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cán bộ kỹ thuật của TT đã tự chế sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật từ các nguyên liệu tự nhiên nhằm xua đuổi côn trùng, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng”.

Theo đó, từ khảo nghiệm sinh thái giống mới hay sản phẩm phân bón mới, TT đều tiến hành dựa trên quy trình: Tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình khuyến cáo của nhà sản xuất – TT xây dựng các thí nghiệm, khảo nghiệm nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật tại các vùng sinh thái. Qua theo dõi, cán bộ kỹ thuật của TT sẽ đưa ra nhận định, đánh giá về độ tương thích, phù hợp. Nếu phù hợp sẽ cho nhân rộng thành các mô hình dưới sự cho phép của các cơ quan chức năng có liên quan; nếu không phù hợp sẽ khuyến cáo người dân không sử dụng.

Với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, nỗ lực và đầy trách nhiệm, từ kết quả khảo nghiệm tuyển chọn giống rau, năm 2020, TT đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất giống rau bí đỏ Golstar 888 theo hướng sản xuất hữu cơ, trồng trong vụ xuân, quy mô 0,1 ha, triển khai tại TT làm cơ sở để chuyển giao mở rộng kết quả mô hình sản xuất ra các địa phương trồng rau trong tỉnh. Mô hình trồng giống bí đỏ Golstar 888 ở vụ xuân 2020 đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn giống đối chứng Plato 757 là 27,6 triệu đồng/ha, chất lượng quả tốt. Vụ thu đông 2020, TT tiếp tục thực hiện một số mô hình sản xuất giống cà chua bi T147, dưa leo, mướp đắng với quy mô 0,1 ha tại khu nghiên cứu, khảo nghiệm của TT theo hướng sản xuất hữu cơ và khai thác nguồn gen bản địa.

Những kết quả bước đầu đạt được trong hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất theo hướng hữu cơ trên các giống cây trồng bản địa đã góp phần khẳng định hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của ngành, thị hiếu người tiêu dùng. Hướng đi này không chỉ tạo ra các sản phẩm đặc sản vùng miền thơm ngon mà còn nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường trong và ngoài nước; tạo dựng thương hiệu, niềm tin cho nông sản của tỉnh, từ đó tác động, thay đổi tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng... Ông Nguyễn Trọng Quyền, giám đốc TT nhận định: Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi tuân thủ các quy định khắt khe, như: Đất trồng phải được xử lý đảm bảo không có độc hại, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nguồn nước đảm bảo sạch, khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly với sản xuất thông thường, không sử dụng các loại giống cây chuyển đổi gen, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các loại phân bón vô cơ... Do đó, tuy chất lượng sản phẩm cao hơn nhưng năng suất cây trồng thường thấp hơn so với phương thức sản xuất thông thường. Canh tác nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi phải thay đổi hoàn toàn tư duy, phương thức, tập quán sản xuất. Đây thực sự là khó khăn, thách thức rất lớn đối với người nông dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp, HTX tổ chức sản xuất hữu cơ nhưng chủ yếu sử dụng giống mới là chính, chưa quan tâm nhiều giống bản địa. Do vậy, TT tập trung hướng nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc ra những giống cây trồng bản địa để cung ứng nhu cầu sản xuất của người dân, doanh nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc sản vùng miền cho tỉnh. Ông Quyền cho biết: “Bước đầu, các sản phẩm hữu cơ của TT sản xuất định hướng nhắm đến nhu cầu phục vụ du lịch, một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao, dần thay đổi thói quen sử dụng hàng hóa nông sản ngoại nhập, tạo ra những sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị”.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]