(Baothanhhoa.vn) - Kẻ Giàng - Dương Xá, nay là phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hóa. Tự xa xưa, do điều kiện tự nhiên thuận lợi, nơi đây đã là nơi cư trú của cộng đồng cư dân Việt cổ, nơi sầm uất bán buôn, trấn thành của Thanh Hóa. Đất Kẻ Giàng ghi dấu nhiều sự kiện gắn với cuộc đời và sự nghiệp của một số nhân vật tiêu biểu trong lịch sử đất Việt. Trong đó, Dương Đình Nghệ ghi đậm dấu ấn về một danh tướng đầy bản lĩnh, khí phách.

Khí phách Dương Đình Nghệ trong lịch sử dân tộc

Kẻ Giàng - Dương Xá, nay là phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hóa. Tự xa xưa, do điều kiện tự nhiên thuận lợi, nơi đây đã là nơi cư trú của cộng đồng cư dân Việt cổ, nơi sầm uất bán buôn, trấn thành của Thanh Hóa. Đất Kẻ Giàng ghi dấu nhiều sự kiện gắn với cuộc đời và sự nghiệp của một số nhân vật tiêu biểu trong lịch sử đất Việt. Trong đó, Dương Đình Nghệ ghi đậm dấu ấn về một danh tướng đầy bản lĩnh, khí phách.

Khí phách Dương Đình Nghệ trong lịch sử dân tộc

Đền thờ Dương Đình Nghệ trên quê hương Thiệu Dương, TP Thanh Hóa.

Dương Đình Nghệ vốn là một hào trưởng, người làng Giàng - Dương Xá. Thời Khúc Hạo cầm quyền (907-917), Dương Đình Nghệ từng là một trong những bộ tướng của họ Khúc. Đến năm 930, vua Nam Hán sai tướng là Lương Khắc Chính đem quân sang đánh và bắt được Khúc Thừa Mỹ - con Khúc Hạo, người đã thay cha làm Tiết độ sứ từ năm 917. Với danh nghĩa là thuộc tướng của họ Khúc, Dương Đình Nghệ đã đứng đầu tập hợp 3.000 nghĩa sĩ, tích lũy lương thực, ngày đêm luyện tập võ nghệ chuẩn bị kế hoạch tấn công quân giặc. Chính tinh thần trung quân ái quốc, bản lĩnh, khí phách của Dương Đình Nghệ cùng những đóng góp quan trọng của ông trong giai đoạn lịch sử đầy biến động đã khắc họa chân thực, đậm nét vai trò, vị trí của đất và người Kẻ Giàng - Dương Xá trong tiến trình xây dựng và phát triển quê hương, đất nước: “Ở một lò võ Dương (Dương Xá, Thiệu Dương) đã hình thành một trung tâm kháng chiến khá mạnh, đứng đầu là hào trưởng Dương Đình Nghệ, một tướng cũ của họ Khúc. Ông công khai nuôi 3.000 “con nuôi” ngày đêm luyện tập chuẩn bị tiến ra Giao Châu tiêu diệt quân xâm lược. Dinh cơ họ Dương trở thành nơi tụ nghĩa của hào kiệt khắp nơi trong nước ta". (Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1971).

Mùa thu năm 930, quân Nam Hán xâm lược nước ta, Dương Đình Nghệ lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống giặc. Năm 931, Dương Đình Nghệ bất ngờ mang quân từ Ái Châu ra tiến đánh quân địch, giải phóng thành Đại La. Thứ sử Lý Tiến vội vã cấp báo về Nam Hán xin viện binh. Nhận được tin cấp báo, triều đình Nam Hán vội phái Thừa chỉ Trình Bảo dẫn quân sang tiếp viện nhưng khi quân tiếp viện chưa kịp đến nơi, thành Đại La đã bị nghĩa quân Dương Đình Nghệ chiếm giữ. Lý Tiến cố sức phá vòng vây, đem tàn quân trốn về nước. Dương Đình Nghệ dẫn quân ra ngoài thành đánh tan quân tiếp viện và giết tướng giặc Trình Bảo. Sau khi đánh thắng quân giặc, Dương Đình Nghệ lên cầm quyền và tự xưng Tiết độ sứ, “trông coi việc châu”. “Việc Dương Đình Nghệ đánh thắng quân Nam Hán để tiếp nối họ Khúc định nền tự chủ cho người Việt đã một lần nữa chứng minh rằng, dân tộc Việt hoàn toàn đủ sức đương đầu với các cuộc tấn công của người phương Bắc để khẳng định nền độc lập, tự chủ” (Địa chí Thanh Hóa).

Bậc anh hùng trong thế sự đảo điên, không lâu sau khi lên nắm quyền, Dương Đình Nghệ bị hạ thần hãm hại. Trước tình thế ấy, Ngô Quyền - con rể Dương Đình Nghệ đã đem quân ra Bắc diệt trừ tên phản nghịch, quét sạch giặc Nam Hán. Cũng như người cha vợ đầy bản lĩnh, khí phách của mình, Ngô Quyền đã viết nên trang sử hào hùng vào năm 938 với chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy, kết thúc “đêm trường” tăm tối hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho dân tộc Việt.

Tưởng nhớ công lao to lớn của bậc anh hùng, hào kiệt, người con ưu tú của quê hương, đền thờ Dương Đình Nghệ đã được xây dựng ngay trên đất cũ nhà họ Dương. Theo các cụ cao niên trong làng, ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống “thượng sàng hạ mộ”. Trải qua nhiều lần tu sửa, đền vẫn giữ được kiến trúc cổ, trong đền còn một số hiện vật giá trị như: Tượng voi quỳ, ngựa đá, đôi phỗng đá chầu ngay trước cửa đền, bia đá... Ngay sát bên đền thờ còn có sự hiện diện của ngôi chùa Phúc Hưng được xây dựng khang trang càng khiến cho tổng thể không gian di tích thêm linh thiêng, độc đáo. Đền thờ Dương Đình Nghệ được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1996.

Đền thờ Dương Đình Nghệ là địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa. Vào trung tuần tháng 3 âm lịch hằng năm, lễ hội lớn của làng Dương Xá, phường Thiệu Dương được diễn ra ngay tại đền. Từ trước ngày lễ chính, dân làng tập trung đến đền, làm lễ “mộc dục”, dọn dẹp khuôn viên, lau chùi các đồ tế khí, thần vị, câu đối và chuẩn bị đồ lễ. Chính lễ thường diễn ra vào ngày 12 đến 15-3 (âm lịch) - ngày giỗ cụ với các nghi thức tế lễ trang nghiêm, thành kính. Đội tế gồm 15 người, chủ tế mặc áo vàng, đội mũ tế, chân đi hài đỏ. Phụ tế gồm 2 người (tây xướng, đông xướng), bồi tế 4 người và hành tế 8 người mặc tế phục màu xanh lam. Có người đọc chúc văn nhằm ôn lại tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ. Sau lễ tế nam quan là lễ tế nữ quan. Nếu phần hội được tổ chức trang trọng, thành kính thì phần lễ diễn ra sôi nổi, hào hứng với nhiều trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, kéo co...

Về vùng đất Kẻ Giàng - Dương Xá xưa, Thiệu Dương nay, cảnh sắc, diện mạo làng quê đã dần đổi thay. Duy chỉ có sự hiện diện của ngôi đền và những câu chuyện lịch sử xoay quanh người anh hùng Dương Đình Nghệ vẫn mãi khắc ghi, lưu truyền trong ký ức, tâm hồn người dân nơi đây với tất cả sự trân trọng, tự hào.

Bài và ảnh: Thảo Linh

*Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách: “Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng của Nhân dân xã Thiệu Dương (1930-2011)”; “Địa chí Thanh Hóa”, tập IV - Nhân vật chí.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]