(Baothanhhoa.vn) - Cuộc cách mạng “nông nghiệp 4.0” không còn xa lạ khi nó ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Với sự chủ động tiếp thu, học hỏi, ứng dụng một cách linh hoạt, nông dân trong tỉnh đang vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh, canh tác tự động hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nông dân thời hội nhập: Khi nông dân đổi mới tư duy sản xuất

Cuộc cách mạng “nông nghiệp 4.0” không còn xa lạ khi nó ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Với sự chủ động tiếp thu, học hỏi, ứng dụng một cách linh hoạt, nông dân trong tỉnh đang vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh, canh tác tự động hóa.

Nông dân thời hội nhập: Khi nông dân đổi mới tư duy sản xuất

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hội viên nông dân huyện Hà Trung đưa các cây, con giống mới vào gieo trồng đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quốc Hương

Tích tụ ruộng đất sản xuất lớn

Những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia tích tụ, tập trung đất đai, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Là một xã ngoại thành đang chịu tác động mạnh của quá trình đô thị hóa, những năm gần đây, quỹ đất sản xuất nông nghiệp của xã Quảng Phú (TP Thanh Hóa) liên tục bị thu hẹp. Nhất là đối với các hộ chăn nuôi đại gia súc, những cánh đồng chăn thả bị mất dần, gây cho họ không ít khó khăn. Từ thực tế trên, năm 2019, Hội Nông dân xã Quảng Phú đã vận động các hộ nông dân chuyển đổi, tích tụ được 3 ha đất sản xuất không hiệu quả để trồng cỏ, chăn thả gia súc. Bên cạnh đó, hội nông dân xã cũng vận động những hộ thiếu lao động chuyển nhượng, góp đất cho các hộ có điều kiện để đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển gia trại chăn nuôi dê, lợn rừng với quy mô hàng hóa. Bước đầu, các mô hình này đã cho thấy triển vọng đem lại thu nhập cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản xuất manh mún, tự phát như trước đây.

Triển khai thực hiện việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, Hội Nông dân huyện Nga Sơn đã rà soát, định hướng vùng sản xuất, xác định diện tích cần chuyển đổi sang mô hình trang trại, vùng chuyên màu, lúa màu sang cây trồng ngắn hạn, vùng cói khó nguồn nước sang nuôi trồng thủy, hải sản. Đến nay, toàn huyện Nga Sơn đã dồn đổi, tích tụ đất đai được trên 500 ha tập trung ở các xã Nga Phượng, Nga Bạch, Nga Thạch, Nga Thắng, Nga Trung... Diện tích đất được dồn đổi, tích tụ được các cá nhân, doanh nghiệp, HTX đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình thâm canh cây dưa hấu tại xã Nga Trung lãi khoảng 120 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản tại xã Nga Tiến lợi nhuận 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm...

Trên địa bàn tỉnh hiện đã có nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đem lại giá trị, hiệu quả cao do hội viên nông dân làm chủ. Kinh nghiệm thực tế cho thấy: muốn tích tụ, tập trung ruộng đất thành công trong điều kiện hành lang pháp lý còn nhiều vướng mắc, thì sự đồng thuận, ủng hộ của những hộ có đất manh mún, nhỏ lẻ là yếu tố quyết định. Do vậy, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hội Nông dân là một trong những tổ chức đoàn thể tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến nghị quyết đến với các hội viên; đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết và tổ chức triển khai trong thực tế. Các đối tượng tham gia tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp, gồm: doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân. Thực tế sau khi tích tụ, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn đã giảm chi phí lao động, giống, phân bón..., tạo thuận lợi cho việc sử dụng máy móc, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới; tăng hiệu quả sử dụng đất và tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Quan trọng hơn là có sự phân công lao động và làm thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, phân tán truyền thống sang hướng sản xuất quy mô lớn, gắn kết với thị trường.

Bắt nhịp cách mạng “nông nghiệp 4.0”

Trên diện tích đất trồng mía hiệu quả thấp, năm 2019, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Hoàng Thị Lài, ở thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) đã đầu tư gần 500 triệu đồng, xây dựng 2.000m2 nhà lưới trồng dưa ứng dụng công nghệ cao. Cũng như hầu hết các hộ trồng dưa công nghệ cao, ban đầu, chị Lài phải mua giá thể sản xuất dưa ngoài thị trường với giá cao, chi phí sản xuất bị nâng lên. Về sau, nhận thấy nguồn nguyên liệu là các phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn khá dồi dào, như phân gà, rơm, rạ... chị Lài đã mua về ủ cùng chế phẩm vi sinh, tạo ra giá thể để sử dụng trồng dưa. Nhờ đó, từ vụ dưa thứ 2 trở đi, gia đình chị giảm đáng kể chi phí trong sản xuất, trong khi chất lượng, sản lượng không thay đổi. Trong quá trình trồng dưa, qua tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm thực tế, chị Hoàng Thị Lài đã cải tiến cách thụ phấn cho cây dưa, bằng cách sử dụng đàn ong mật để thụ phấn, vừa rút ngắn thời gian, lại tiết kiệm được chi phí thuê lao động. Theo chị Lài, với 2.000m2 nhà lưới, 1 năm chị trồng được 3 lứa dưa, mỗi lứa thu hoạch được 4,5 đến 5 tấn quả. Với giá đã được ký kết với doanh nghiệp thu mua tại vườn từ 30-35 nghìn đồng/1 kg tùy loại, trừ mọi chi phí, lợi nhuận hàng năm đạt 250-300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động trên địa bàn. Chị Lài dự kiến, trong thời gian tới sẽ đầu tư thêm 2.000m2 nhà lưới, mở rộng diện tích trồng dưa nhằm tăng thu nhập cho gia đình và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Được “mục sở thị” trang trại tổng hợp của gia đình anh Lê Đình Trúc, ở xã Yên Thọ (Như Thanh) chúng tôi không khỏi “choáng ngợp” bởi quy mô, diện tích, sự chuyên nghiệp từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất. Bằng giọng từ tốn, anh Trúc kể: Với khát khao làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, cuối năm 2015, anh rời TP Hồ Chí Minh về quê để tìm hướng lập nghiệp mới. Ý tưởng về mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp làm dịch vụ nông nghiệp cũng bắt đầu hình thành. Được sự khích lệ của người thân trong gia đình, Trúc bắt tay vào xây dựng đề án thành lập HTX nông sản hữu cơ. Sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận cho thành lập HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng, Trúc đã phải vất vả huy động vốn để đầu tư sản xuất, xây dựng nhà xưởng. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên Trúc làm là trồng nấm với quy mô nhà xưởng khoảng 100m2. Đồng thời Trúc đầu tư 1,5 tỷ đồng để mua sắm máy cày, máy cấy, máy gặt làm thêm nông nghiệp, mỗi năm cho doanh thu hơn 200 triệu đồng. Từ những thành công ban đầu, năm 2016, Trúc đã có thêm nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng sản xuất nấm lên quy mô 3.000m2 và đầu tư dây chuyền đóng bịch nấm tự động. Đặc biệt, trong quy trình trồng nấm Trúc đã tận dụng nguồn phế phẩm để sản xuất mạ khay. Mỗi năm HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng sản xuất khoảng 2 tấn nấm, với doanh thu từ 500 đến 600 triệu đồng. Đồng thời, cung cấp khoảng 30.000 khay mạ cho người dân trên địa bàn xã, doanh thu gần 300 triệu đồng. Trong những năm tới, HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng còn có kế hoạch đưa một số giống cây ăn quả, rau màu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, liên kết với người nông dân địa phương đưa vào gieo cấy thí nghiệm từ 20 đến 30 ha lúa hữu cơ.

Nông dân thời hội nhập: Khi nông dân đổi mới tư duy sản xuất

Mô hình trồng bưởi ở xã Bắc Lương (Thọ Xuân) hàng năm cho thu nhập cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình đang áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nga Sơn, Hoằng Hóa..., với diện tích vài trăm ha. Cũng như thực trạng chung của ngành nông nghiệp cả nước, việc ứng dụng công nghệ cao đang diễn ra ở một số khâu, chủ yếu chăm sóc, bảo quản. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng rất giỏi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao khi thuần thục các biện pháp kỹ thuật điều chỉnh thời vụ quả chín sớm, chín muộn, nhất là trên các loại cây ăn quả cam, nhãn, vải... để bán được giá hơn.

Nhà nông còn tích cực ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Quy trình sản xuất chăn nuôi an toàn sinh học hiện đã được nhiều trang trại bò, lợn, gia cầm áp dụng. Việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng đạt được kết quả tốt. Các doanh nghiệp và nhiều nông dân nuôi trồng thủy sản đã thực hiện quy trình nuôi trồng VietGAP, nhằm bảo đảm môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Đồng chí Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hiện nay, hầu hết các mô hình thí điểm và những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng đều đang phát huy hiệu quả cả về kinh tế và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất. Điều đáng nói là có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại cũng có thị trường ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng. Các mô hình này đã tạo ra nông sản có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân.

Bài và ảnh: Quốc Hương


Bài Và Ảnh: Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]