(Baothanhhoa.vn) - Tôi khá lúng túng suốt bao ngày trước khi hạ bút viết loạt bài này. Đó là câu chuyện của hai thập kỷ gần nhất so với hiện tại. Từ những gì được nghe, thấy, tận mắt chứng kiến và nghiền ngẫm, theo suy nghĩ của cá nhân, đúc rút rằng: Chỉ có những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết tâm cao độ, đoàn kết trong toàn đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa mới huy động được tổng lực trí tuệ, tạo nên tiền đề đưa Thanh Hóa bước sang trang mới, sánh vai cùng các địa phương có tốc độ phát triển nằm trong tốp đầu cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mốc son hai thập kỷ: Kỳ I - Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Tôi khá lúng túng suốt bao ngày trước khi hạ bút viết loạt bài này. Đó là câu chuyện của hai thập kỷ gần nhất so với hiện tại. Từ những gì được nghe, thấy, tận mắt chứng kiến và nghiền ngẫm, theo suy nghĩ của cá nhân, đúc rút rằng: Chỉ có những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết tâm cao độ, đoàn kết trong toàn đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa mới huy động được tổng lực trí tuệ, tạo nên tiền đề đưa Thanh Hóa bước sang trang mới, sánh vai cùng các địa phương có tốc độ phát triển nằm trong tốp đầu cả nước.

Mốc son hai thập kỷ: Kỳ I - Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Tràn xả lũ công trình hồ chứa nước Cửa Đạt. Ảnh: Thùy Dương

Có lẽ trong cuộc đời cầm bút của mình sẽ chẳng bao giờ tôi quên được bữa cơm trưa cùng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tai xanh của tỉnh diễn ra vào khoảng giữa tháng 4-2008. Và cũng chẳng thể nào phai mờ trong tâm trí hình ảnh một vị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cởi giày, xắn quần lội thẳng xuống ruộng giữa điều kiện thời tiết rét cắt da, thịt để nhổ một vài bụi lúa kiểm tra sâu bệnh...

Không thể thiếu lương thực

Trong cuộc gặp mặt báo chí vào dịp chuẩn bị đón xuân Mậu Tý 2008, khi đó ông Nguyên Văn Lợi vừa được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2005-2010 đã nói rằng: “Tỉnh ta đất rộng, người đông, tại sao lại để thiếu lương thực được?”. Đây cũng là thời điểm Công trình đầu mối Thủy lợi – Thủy điện hồ chứa nước Cửa Đạt đang trong quá trình thi công, hứa hẹn mở ra tương lai chủ động phục vụ nước tưới cho nền nông nghiệp hiện đại, hình thành những cánh đồng mẫu lớn trên tổng diện tích dự kiến hơn 86 nghìn héc-ta đất ở 10 huyện phía Nam của tỉnh.

Để rồi, công trình nói trên, một trong những công trình thủy lợi - thủy điện lớn nhất cả nước khi đó chính thức được vận hành vào cuối năm 2010, ghi một dấu mốc quan trọng trong việc phát triển canh tác của hàng triệu nông dân. Ngoài ra, công trình này còn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, đẩy mặn cho vùng hạ lưu sông Chu, kết hợp phát điện với công suất 97MW, cung cấp lượng điện mỗi năm trung bình khoảng 430 triệu KWh cho đất nước... Dự kiến, lợi ích của công trình mang lại mỗi năm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Vào thời điểm dự án được cắt băng khánh thành, ông Mai Văn Ninh đã lên giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tôi nhớ như in lời ông phát biểu tại buổi lễ khánh thành Công trình đầu mối Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt được tổ chức ngày 29-11-2010 rằng: “Công trình này rất có ý nghĩa đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, cũng như khu vực miền Trung. Hồ chứa nước thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt sẽ là đòn bẩy nâng cao dân trí, phát triển văn hóa vùng sâu, vùng xa”. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Nếu như trước đây, mỗi khi hạn hán, người dân các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia... phải vật lộn với nắng nóng, chắt chiu từng giọt nước để chăm bẵm cây lúa thì những năm gần đây, hiện tượng này hầu như không còn lặp lại. Dự án hồ chứa nước thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt đã trở thành công trình mang tầm nhìn xuyên thế kỷ.

Cũng từ đó, sản lượng nông nghiệp của Thanh Hóa từng bước tăng cao, hàng năm vượt chỉ tiêu đề ra. Bây giờ, không mấy khi tôi nghe thấy lãnh đạo các ngành chức năng liên quan của tỉnh này nhắc tới câu chuyện sản lượng lương thực nữa. Tôi cho rằng, nền nông nghiệp xứ Thanh đã qua rồi giai đoạn lịch sử khó khăn và bước sang trang mới, được đặt ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TU (NQ13) ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong một lần trò chuyện với ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cách đây chưa lâu về việc khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, ông Giang cho biết: Vấn đề này đã được nêu rõ trong NQ13, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Mục đích đặt ra đó là đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất; nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, hướng tới việc nâng cao giá trị thu nhập cho người sản xuất.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 25 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất với tổng diện tích 10.089,8 ha. Điều đáng mừng là ngoài doanh nghiệp, các HTX... thì ngay cả các hộ gia đình, cá nhân cũng đã thông về mặt tư tưởng trong việc hợp nhất, mở rộng diện tích để thực hiện việc chuyên canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ông Giang nói: “Chúng ta có thể nhận thấy sự thay đổi về ý thức canh tác của nông dân. Tôi lấy một ví dụ cụ thể, ở tận huyện vùng cao Quan Sơn, vốn dĩ truyền thống canh tác manh mún, tự phát tồn tại và ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào từ nhiều đời nay. Nhưng 5 năm qua, mọi việc đã đổi thay nhanh chóng ở huyện này. Trên tinh thần NQ13 của tỉnh và Nghị quyết 07 của huyện Quan Sơn, người dân không chỉ khai thác luồng vầu một cách tự phát mà đã biết trồng, chăm sóc rừng vì sự phát triển bền vững”.

Những nỗ lực thầm lặng

Đôi lúc ngồi lẩn thẩn, bất chợt tôi nhớ tới hình ảnh ông Mai Văn Ninh khi đương chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và ông Trịnh Văn Chiến thời còn giữ cương vị thủ lĩnh ngành nông nghiệp xứ Thanh. Chuyện là thế này, khi đại dịch tai xanh xảy ra trên địa bàn vào khoảng tháng 4-2008, trong một lần tôi tham gia cùng đoàn công tác do ông Trịnh Văn Chiến dẫn đầu mới thấy rõ những nỗ lực không ngừng nghỉ của từng cá nhân, dồn hết tâm sức, quyết liệt trong việc dập dịch. Bữa đó, ngay từ sáng sớm, ông Chiến dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra tình hình tại huyện Thiệu Hóa, rồi ghé qua huyện Đông Sơn, Triệu Sơn để chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các văn bản, ý kiến của tỉnh về việc đối phó với dịch bệnh. Khi công việc ở Triệu Sơn kết thúc cũng là lúc mặt trời đứng bóng, kim giờ đồng hồ trên tay tôi quá Ngọ.

Cứ ngỡ, thời tiết nắng nóng gay gắt, vị trưởng đoàn sẽ cho anh em nghỉ ngơi, ăn cơm rồi chiều làm việc tiếp. Nhưng ông Chiến thông báo: “Thôi anh em chịu khó, đi kiểm tra nốt huyện Nông Cống”. Trước tinh thần làm việc quên giờ giấc của vị thủ lĩnh ngành đang nóng lòng mong muốn đại dịch sớm qua đi để người dân còn khôi phục chăn nuôi, tất cả lại tức tốc lên xe thẳng tiến về Nông Cống. Tôi tin, những ai tham gia trong chuyến công tác đó, chắc chắn sẽ còn nhớ mãi bữa cơm trưa diễn ra vào lúc 14 giờ chiều. Trước khi ngồi vào mâm, ông Chiến nói rằng: “Biết là anh em trong đoàn đói, nhưng chịu khó vất vả chỉ một chút thôi. Bà con nông dân đang mong chờ chúng ta, mong chờ vào sự quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Trước khi đại dịch tai xanh diễn ra không lâu, vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, Thanh Hóa phải đón nhận đợt rét đậm, rét hại vô cùng khắc nghiệt. Thời điểm này, ông Mai Văn Ninh đương nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực nông nghiệp và không lâu sau đó ông Ninh được HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn chính thức giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Giữa điều kiện thời tiết cắt da, cắt thịt, ông Ninh dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình lúa xuân hè tại huyện Thiệu Hóa. Một hình ảnh bất ngờ xảy đến khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh từng giữ cương vị Chủ nhiệm HTX tại huyện Nga Sơn ngày nào đã lặng lẽ cởi giày, xắn quần lội thẳng xuống ruộng nhổ một vài bụi lúa lên kiểm tra tường tận phần gốc rễ đang mắc sâu bệnh để chỉ đạo ngành nông nghiệp tìm hướng khắc phục.

Có lẽ, không riêng gì hai vị lãnh đạo nói trên, tôi tin, chắc chắn còn nhiều việc làm thầm lặng của các cá nhân, tập thể khác nhưng tôi không may mắn được chứng kiến đã đóng góp sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng một nền nông nghiệp của xứ Thanh đạt được những thành công to lớn như ngày hôm nay. Và đó cũng chính là sự gần dân, sâu sát với dân, lắng nghe Nhân dân, vì cuộc sống ấm no của người dân, vì sự phát triển của xã hội. Tôi kể ra những câu chuyện phía sau “hậu trường” với mục đích để chúng ta thấy rằng: Chính từ những nỗ lực thầm lặng đó, sự đoàn kết, tận tâm cống hiến của từng cá nhân, tập thể; sự đồng lòng, đồng sức của Nhân dân đang hứa hẹn sẽ tạo nên thành công lớn lao của một nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao diễn ra ngay trên quê hương mình.

Nguyễn Anh Tuấn

Kỳ II: Tiền đề của tương lai.


Nguyễn Anh Tuấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]