(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (SXNNTT) được xem là một trong những giải pháp quan trọng để ngành nông nghiệp bắt kịp được với xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại. Bởi, nó tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để nông nghiệp bắt kịp xu hướng hiện đại: Hình thành các vùng sản xuất tập trung

Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (SXNNTT) được xem là một trong những giải pháp quan trọng để ngành nông nghiệp bắt kịp được với xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại. Bởi, nó tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao.

Để nông nghiệp bắt kịp xu hướng hiện đại: Hình thành các vùng sản xuất tập trung

Phát triển trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao tại khu trang trại tập trung đồng Ngâu, xã Nam Giang (Thọ Xuân). Ảnh: Lê Ngọc

Với quyết tâm xây dựng được các vùng SXNNTT theo hướng chuyên canh, ngành nông nghiệp, các địa phương đã và đang rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất để tích hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch chung của tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai; đồng thời, lựa chọn đối tượng, cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế và lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp, kêu gọi doanh nghiệp, HTX hoặc hộ nông dân có khả năng đầu tư để thực hiện, nhân rộng các mô hình. Xây dựng các tổ hợp liên kết nông nghiệp, chế biến nông sản, các cơ sở cung cấp dịch vụ nghiên cứu, đào tạo, tư vấn phát triển sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách cho vùng SXNNTT, hình thành chuỗi sản xuất bền vững.

Thọ Xuân là một trong những địa phương đi đầu trong công tác tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng SXNNTT. Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện, chúng tôi được mục sở thị khu trang trại tập trung khu đồng Ngâu, xã Nam Giang, với tổng diện tích hơn 35 ha. Được biết, trước đây, vùng đồng chiêm trũng này thường xuyên bị ngập lụt, người dân canh tác lúa thường xảy ra rủi ro, thu nhập bấp bênh. Anh Lê Viết Quân, một trong những hộ dân mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp tại đây cho biết: Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, từ năm 2012 xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong xã dồn đổi ruộng đất; cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp thuê đất phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được cán bộ nông nghiệp xã hỗ trợ trong việc lựa chọn giống cây, con phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao”. Theo đó, anh Quân đã thuê lại 10 ha đất của người dân để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; đồng thời, kết hợp nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc. Đến nay, trang trại đã đi vào hoạt động ổn định, có doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Không chỉ ở xã Nam Giang, việc tích tụ, tập trung đất đai đã được hầu hết các xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân thực hiện. Tính đến nay, toàn huyện đã tích tụ được hơn 1.498 ha và hình thành một số vùng sản xuất có diện tích tập trung lớn, như: Vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; vùng trồng cây xuất khẩu; sản xuất rau, củ, quả an toàn trong nhà lưới; vùng trồng cây ăn quả... Từ đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ; nhất là đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động trong sản xuất cây ăn quả, mía, sản xuất rau, hoa, quả trong nhà lưới với quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ các vùng SXNNTT đã và đang hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đi vào chiều sâu, phát triển rõ nét và bền vững; trong đó, doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã ký hợp đồng sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nguyên liệu mía trên địa bàn huyện với tổng sản lượng trên 150.000 tấn/năm; Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương,... ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống 1.000-1.200 ha/năm, tăng thu nhập gấp 1,3 lần cho người sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã thu hút và triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi quy mô lớn, như: Công ty Happy Farm đầu tư liên kết chăn nuôi gà lông màu tại các xã với quy mô 30.000 con/lứa; Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) xây dựng trang trại bò tại xã Xuân Phú, quy mô 1.600 con; Công ty CP Nông sản Phú Gia xây dựng trang trại gà tại xã Xuân Phú, quy mô 80.000 con gà...

Nói về những yếu tố giúp huyện xây dựng được nhiều vùng SXNNTT, ông Lê Thọ Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, chia sẻ: Những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và cơ sở hạ tầng đã tạo nền tảng cơ bản để huyện phát triển SXNNTT, quy mô lớn ở nhiều đối tượng, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ đã phần nào giảm lao động trực tiếp sản xuất trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp và dịch vụ, tạo ra sự phân công lao động hợp lý ở các địa phương; từ đó, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, HTX quan tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, với mục tiêu tạo ra sản phẩm có số lượng lớn; tạo ra liên kết trong sản xuất, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đến năm 2025, huyện Thọ Xuân phấn đấu sẽ có gần 900 ha đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ để sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Ở huyện Vĩnh Lộc, việc xây dựng vùng SXNNTT lại được huyện gắn chặt với thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bởi vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện không những đang phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn mà còn có tính bền vững cao. Theo đó, hiện huyện không những hình thành được 12 vùng sản xuất tập trung, với các sản phẩm chủ lực, như: Vùng lúa năng suất, chất lượng cao; vùng sản xuất chuối tiêu hồng, vùng trồng cây ăn quả có múi, vùng sản xuất mía, vùng sản xuất rau an toàn tập trung,... mà còn thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, với tổng diện tích cây trồng tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị không ngừng tăng qua các năm là hơn 2.700 ha, trong đó đã hình thành vùng sản xuất bao tiêu sản phẩm ổn định với diện tích 611,1 ha.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Vĩnh Lộc: Việc xây dựng được các vùng SXNNTT gắn với bao tiêu sản phẩm đã giúp nâng bình quân giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác của huyện đạt 145 triệu đồng/năm, cao hơn 40 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Nỗ lực thực hiện các giải pháp tích tụ đất đai, xây dựng vùng SXNNTT, nên đến hết quý II-2020, toàn tỉnh đã tích tụ được 15.891 ha tại 25 huyện, thị xã, thành phố. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 17 vùng trồng cây tập trung, chuyên canh cấp tỉnh, như: Vùng sản xuất lúa thâm canh, tổng diện tích 158.158 ha/vụ; vùng ngô thâm canh 20.000 ha; vùng mía thâm canh 15.000 ha; vùng nguyên liệu sắn 11.000 ha; vùng sản xuất giống lúa lai F1 700 ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung gần 7.000 ha; vùng rau an toàn tập trung 12.560 ha; vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi 12.700 ha... Xây dựng được 55 vùng SXNNTT cấp cơ sở. Việc hình thành các vùng SXNNTT đã giúp cơ cấu, chủng loại giống cây trồng tiếp tục chuyển đổi phù hợp với điều kiện sinh thái, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và từng bước thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, như: Vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương; vùng sản xuất chuyên canh các loại cây rau màu, như: Ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa; vùng trồng cây ăn quả tại các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Như Thanh; vùng chăn nuôi bò thịt tại các huyện miền núi, trung du... Đồng thời, hình thành các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao... áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP... Lĩnh vực lâm nghiệp cũng đã bắt đầu hình thành nhiều vùng nguyên liệu gỗ, luồng ở nhiều huyện miền núi: Như Xuân, Thạch Thành, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, việc xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung đã và đang góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người dân, tạo sức lan tỏa lớn trong việc thay đổi tư duy sản xuất của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, giúp hiệu quả kinh tế được nâng lên từ 15 đến 20%. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, từ việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất; thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch; áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 807 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 280 doanh nghiệp so với năm 2015), như: Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Đồng Xanh, Công ty CP Thương mại Cảnh Long, Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa, Tập đoàn TH True Milk,... Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất đạt 89,7%, gieo trồng 15,4%, thu hoạch 55,7%, vận chuyển 78,2%, chế biến 50%. Trong chăn nuôi, đã áp dụng 100% máy vắt sữa bò; trang trại chăn nuôi lợn và nuôi gà có hệ thống chuồng kín, chuồng mát, điều hòa độ ẩm, máng ăn, máng uống tự động đạt 55%.

Tích tụ đất đai, hình thành vùng SXNNTT là điều kiện cần để nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, để nông nghiệp tỉnh nhà tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững, bắt kịp với xu thế nông nghiệp hiện đại, cần chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, gắn chặt quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân.

Bài 3: Liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhóm PV Kinh tế


Nhóm PV Kinh Tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]