(Baothanhhoa.vn) - Dù được ví như khối tài sản vô giá, song các di sản văn hóa không có khả năng tái sinh. Đồng thời, nó luôn đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, thậm chí có thể biến mất hoàn toàn. Các yếu tố gây hại dù đã được “điểm mặt”, thế nhưng, để tìm đúng lời giải cho bài toán bảo tồn di tích lại không hề dễ dàng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Bảo tồn di sản cho phát triển bền vững”: Xâm hại di tích: Bài toán cần lời giải

Dù được ví như khối tài sản vô giá, song các di sản văn hóa không có khả năng tái sinh. Đồng thời, nó luôn đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, thậm chí có thể biến mất hoàn toàn. Các yếu tố gây hại dù đã được “điểm mặt”, thế nhưng, để tìm đúng lời giải cho bài toán bảo tồn di tích lại không hề dễ dàng.

“Bảo tồn di sản cho phát triển bền vững”: Xâm hại di tích: Bài toán cần lời giải

Lối vào đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (huyện Đông Sơn). Ảnh: P.V

Biết rồi, khổ lắm...

Bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp nhằm “cứu” di tích trước nguy cơ trở thành phế tích, đó là nhiệm vụ của hậu thế đối với các khối tài sản tiền nhân lưu lại. Đồng thời, cách ứng xử ấy cũng thể hiện sự trân trọng, đề cao thành quả sáng tạo cha ông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đó là chưa kể, việc trùng tu, tôn tạo di tích cũng góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng tâm linh. Đặc biệt là gìn giữ tinh hoa – bản sắc văn hóa xứ Thanh trong bối cảnh giao lưu văn hóa và hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Nói như vậy cũng có nghĩa, câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa mang nhiều hàm ý tốt đẹp và có tính tất yếu. Tuy nhiên, trong thực tế, đi liền với vấn đề này vẫn còn không ít sự việc dở khóc dở cười.

Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh núi Nưa - địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (xã Tân Ninh - nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn), gồm núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên. Đây là di tích cấp quốc gia (được công nhận năm 2009), nơi thờ phụng và tôn vinh công lao của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Đồng thời, là nơi hội tụ đa dạng sắc màu tôn giáo, tín ngưỡng Phật – Đạo – Mẫu, gắn liền với các truyền thuyết dân gian đặc sắc của Thanh Hóa. Đặc biệt, quần thể di tích danh thắng này hiện hữu một loạt công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, như chùa cổ Am Tiên, đền Chúa Thượng Ngàn (hóa thân của Bà Triệu), miếu Tu Nưa và đền Nưa (dưới chân núi Nưa, nơi thờ Bà Triệu). Tuy nhiên, các công trình kiến trúc cũng không chống đỡ được sức tàn phá của mưa nắng, chiến tranh và sự mài mòn bởi thời gian. Do vậy, để làm “sống dậy” một vùng danh sơn kỳ tú và đặc biệt linh thiêng, bằng nhiều nguồn kinh phí đầu tư, đến nay phần đa các công trình kiến trúc trong khu di tích đã được phục hồi, tôn tạo.

Tuy nhiên, phía sau câu chuyện trùng tu di tích trọng điểm và giàu giá trị này, đã phát sinh một loạt vấn đề. Đó là việc xây dựng lầu hóa vàng, lầu Lục giác, tiếp nhận tượng phật Địa Mẫu, tượng voi, quản tượng, tượng hổ vào di tích không tuân thủ các quy định. Đặc biệt, việc tu bổ cổng Tam Quan (hay Nghinh Môn trước đền Nưa) không đảm bảo yếu tố nguyên gốc, đã gây dư luận không tốt suốt một thời gian dài. Theo một số tư liệu còn ghi chép lại, thì Nghinh Môn là một trong số ít những công trình kiến trúc nghệ thuật điển hình thời Nguyễn, còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Công trình này có kiểu dáng kiến trúc giống với Nghinh Môn trong các khu đền đài, lăng tẩm cố đô Huế; gồm 4 tầng bề thế và 2 mặt trước, sau được trang trí bằng các bức phù điêu đắp nổi. Thế nhưng, sau khi được trùng tu, công trình bị “biến dạng” nhờ được sơn thếp màu sắc tươi mới và kiểu dáng kiến trúc, họa tiết, hoa văn trang trí cũng được “làm mới” không ít. Vấn đề là, dù các sai phạm đã được chỉ rõ, nhưng việc khắc phục lại là câu chuyện khác. Với lý do, đây là công trình tín ngưỡng – tâm linh đặc biệt linh thiêng, cho nên việc xử lý của ngành chức năng và chính quyền địa phương, dường như cũng khá thận trọng. Do vậy mà đến nay, những công trình xây dựng trái phép và không tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt, vẫn “cát cứ” an ổn trong di tích và chưa có dấu hiệu được di dời.

Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Bia và Đền thờ Trịnh Khả (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, thỏa thuận tại Văn bản số 4547/BVHTTDL-DSVH ngày 30-12-2009. Đồng thời, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án tại Quyết định 2376/QĐ-UBND ngày 8-7-2010, với tổng mức đầu tư 9,874 tỷ đồng. Đến ngày 10-12-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 5182/QĐ-UBND, về phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 12,043 tỷ đồng. Theo các căn cứ trên, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành Quyết định 73/QĐ-UBND, ngày 17-1-2011 về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Bia và Đền thờ Trịnh Khả. Theo đó, chỉ định thầu xây lắp các công trình cổng chính, công trình phụ trợ và một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công này chưa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, thỏa thuận theo quy định hiện hành. Đồng thời, việc triển khai xây dựng hạng mục tường rào không tuân thủ đúng thiết kế cơ sở của dự án đã được phê duyệt. Do đó, ngày 5-5-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản 4398/UBND-VX giao UBND huyện Vĩnh Lộc lập điều chỉnh dự án và trình duyệt theo quy định, để làm cơ sở triển khai dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Bia và Đền thờ Trịnh Khả. Đây là một trong những dự án tu bổ, tôn tạo di tích kéo dài và qua nhiều lần điều chỉnh. Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là địa phương đã sử dụng kinh phí được hỗ trợ để xây dựng tường rào. Trong khi đó, di tích gốc đã xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ, tôn tạo thì không được thực hiện, dẫn đến đầu tư không hiệu quả.

Dẫn chứng nêu trên chỉ là một vài ví dụ dễ thấy nhất, phản ánh những bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích hiện nay. Theo quy định tại Điều 34, Luật Di sản văn hóa, thì “Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích”. Đồng thời, Điều 35 nêu rõ “Khi phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin”. Như vậy, các quy định về tu bổ, tôn tạo di tích đã được luật hóa. Cho nên, với các di tích đã được xếp hạng, thì dù chỉ đặt một viên gạch thôi, cũng phải bảo đảm quy định và được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, gồm nhiều bước, nhiều thủ tục liên quan. Nếu thực hiện đúng theo quy định, thì hẳn sẽ không có việc di tích vừa được trùng tu nhưng cũng đồng thời bị xâm hại. Song thực tế cho thấy, có lúc có nơi, dường như các quy định chưa được một số địa phương, đơn vị liên quan nắm vững? Hoặc biết đâu, người ta cố tình lờ đi các quy định, để tự ý tu bổ, tôn tạo, tiếp nhận các công trình, đồ thờ, linh vật được cung tiến không đúng theo quy hoạch và thiết kế?

Nguy cơ “phế tích hóa” di tích

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa, hiện toàn tỉnh có khoảng 470 di tích (70 di tích quốc gia và khoảng 400 di tích cấp tỉnh) đã xuống cấp và nằm trong diện cần tu bổ, phục hồi. Trong đó, nhiều di tích có giá trị cao về lịch sử, văn hóa đứng trước nguy cơ trở thành phế tích và cũng có không ít đã trở thành phế tích. Điển hình như di tích Lê Thì Hiến và các bia tướng họ Lê Thì (huyện Triệu Sơn), đền thờ Phúc khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (huyện Đông Sơn), đền thờ Đào Cam Mộc (huyện Yên Định), chùa Báo Ân (TP Thanh Hóa)... Thực trạng này có nguyên nhân chủ yếu nguồn kinh phí đầu tư quá hạn hẹp so với số lượng di tích cần được bảo tồn. Trong khi kinh phí từ ngân sách ít, thì kinh phí xã hội hóa đang trở thành “cứu cánh”, góp phần làm “sống lại” nhiều di sản. Thực tế, nguồn vốn huy động từ các lực lượng xã hội hàng năm ước tính gấp 5 đến 7 lần nguồn vốn Nhà nước cấp. Qua đó, số di tích được đầu tư tôn tạo từ các nguồn xã hội hóa chiếm khoảng 80% tổng di tích cần tu bổ, chống xuống cấp.

Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại, đó là có tiền nhưng chưa hẳn việc tu bổ đã nhanh. Thậm chí, càng có tiền thì di tích càng nhanh biến mất! Điều 32, Luật Di sản văn hóa quy định “Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng”. Thế nhưng, cuộc đua “làm mới” diện mạo đang xâm hại nghiêm trọng đến giá trị di sản. Đặc biệt, có không ít di tích tôn giáo, tín ngưỡng (đền, chùa), sau khi tu bổ đã không còn giữ được yếu tố gốc. Có ý kiến cho rằng, nếu đánh mất đi yếu tố gốc cấu thành di tích, thì công trình kiến trúc ấy sẽ mất đi giá trị của một di sản văn hóa. Để rồi, sự tồn tại của nó chỉ giống như một công trình kiến trúc mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng mà thôi. Trong khi, việc xây dựng các công trình văn hóa - tôn giáo, tín ngưỡng yêu cầu cao về trình độ thẩm mỹ, nghệ thuật, tính lịch sử, tính khoa học và tính xã hội. Cho nên, việc tu bổ, tôn tạo đòi hỏi sự thận trọng, nghiêm cẩn nếu không muốn “bò lành thành bò què” hay “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Có thể khẳng định, chính sự “chuyên nghiệp nửa vời” của đơn vị thi công; sự yếu kém trong khâu giám sát và sự lơi lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước, là những nguyên nhân cơ bản khiến cho công tác bảo tồn di sản đôi khi trở thành câu chuyện dở khóc dở cười. Bởi mỗi một công trình kiến trúc nghệ thuật vốn là một kỳ công sáng tạo của tiền nhân. Đồng thời, ẩn chứa quan niệm của con người về tôn giáo, tín ngưỡng, về nhân sinh và thế giới. Do đó, cùng với những yếu tố riêng mang tính thời đại, mỗi công trình tự thân nó là một tác phẩm nghệ thuật với những yếu tố riêng và vẻ đẹp riêng độc đáo. Thế nhưng, thay vì làm nổi bật các giá trị ấy, việc trùng tu, tôn tạo một cách vô ý thức, thiếu trách nhiệm đang lấy đi cái phần “quá khứ” – tinh hoa của di sản. Do vậy mới nói, chính sự thiếu hiểu biết lịch sử và chiều sâu văn hóa; cộng thêm sự “nhiệt tình”, “hăm hở” và “tha thiết” được nâng cấp diện mạo, vô hình chung đã khiến việc tôn tạo không phải gìn giữ mà là góp phần phá hoại không gian di sản.

Công tác bảo tồn, tôn tạo di sản nếu không được thực hiện một cách bài bản và đúng quy định; đồng thời với sự “bất lực” trong quản lý, tất yếu dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, mạnh ai nấy làm. Thực tế, không chỉ có Am Tiên mà còn không ít di tích đang trong tình trạng “mời thần thì dễ, tiễn thần mới khó”. Linh vật vốn khoác lên mình giá trị của tính thiêng - yếu tố tâm linh và truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về tư tưởng, tình cảm của cả một cộng đồng hay một dân tộc. Thậm chí, sự hiện diện của nhiều linh vật trong di tích là hình thức phản ánh khát vọng thái bình, thịnh trị của quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các linh vật ngoại lai và đồ thờ lạ, có yếu tố nước ngoài (sư tử đá, lục bình, chóe, đèn điện kiểu dáng cành hoa, đèn chùm, tượng phật Quan Âm cầm bình nước Cam Lộ, đèn lồng, đèn kéo quân hoa văn Trung Quốc...) lại là câu chuyện khác. Bên cạnh tính nguyên gốc, thì tính chân xác lịch sử là nhân tố quyết định giá trị của di sản. Với các linh vật ngoại lai hay đồ thờ không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa, thì rõ ràng là nó không có được tính chân xác lịch sử. Điều đó đồng nghĩa với việc, sự hiện hữu của các hiện vật này không những không khẳng định giá trị di sản; ngược lại, nó còn khiến cho di sản trở nên méo mó, phản cảm. Trong khi, việc xử lý sai phạm dạng này, có lúc có nơi vẫn “dậm chân tại chỗ”, hoặc xử lý kiểu “nửa vời”.

Dưới góc nhìn của những người am hiểu văn hóa, thì hành vi xâm hại di sản không khác nào một cuộc “xâm lấn” văn hóa. Cuộc “xâm lấn” này có thể công khai hay âm thầm và dù cố ý hay vô tình, thì cũng sẽ gây nên những hệ lụy khó lường. Bởi nó đã và đang làm phương hại đến giá trị di sản, đặc biệt là các yếu tố gốc – phần bản sắc thể hiện tầm cao và chiều sâu tinh hoa sáng tạo của người xưa. Đồng thời, khi những giá trị lệch chuẩn dần được cộng đồng thừa nhận, thì sức ảnh hưởng sẽ càng ghê gớm. Bởi, nhìn sâu hơn, văn hóa cũng chính là biểu hiện của tư tưởng, đạo đức, lối sống... Cho nên, một sự tồn tại lệch chuẩn nào đó của văn hóa, sẽ dẫn đến sự lệch lạc của tâm hồn, tình cảm con người. Thậm chí, nó có thể ảnh hưởng và dẫn dắt nhận thức và hành vi đi lệch ra ngoài quỹ đạo của đạo đức và luật pháp.

Ví như “Hiệu ứng cánh bướm”, khi năng lượng từ cái đập cánh của con bướm ngày hôm nay, rất có thể là một nguyên nhân của cơn bão trong tương lai gần. Chính như vậy, bất kỳ một sai lầm, thờ ơ, phó mặc trong quản lý, bảo tồn di sản văn hóa ngày hôm nay, có thể sẽ là “nhân” gây “quả” cho thế hệ sau gánh vác.

Nhóm PV Văn hóa - xã hội


Nhóm PV Văn Hóa - Xã Hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]