(Baothanhhoa.vn) - Có người đã ví von rằng, việc gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, cũng chính là nhằm lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, hay thổi luồng sinh khí ấm áp từ chiều sâu truyền thống văn hóa vào đời sống đương đại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Bảo tồn di sản cho phát triển bền vững”: Tiếp lửa văn hóa truyền thống

Có người đã ví von rằng, việc gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, cũng chính là nhằm lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, hay thổi luồng sinh khí ấm áp từ chiều sâu truyền thống văn hóa vào đời sống đương đại.

“Bảo tồn di sản cho phát triển bền vững”: Tiếp lửa văn hóa truyền thống

Di chỉ khảo cổ Đàn tế Nam Giao ở thời điểm được khai quật. Ảnh:P.V

“Cung đường” trắc trở

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là tài sản độc nhất, không thể thay thế và mang giá trị toàn cầu. Chính vì lẽ đó, đặt vấn đề bảo vệ, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản này, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa với UNESCO, trong việc bảo vệ tài sản chung của nhân loại. Kể từ khi bước chân vào “ngôi đền” di sản thế giới đến nay, Thành Nhà Hồ đã nhận được nhiều sự quan tâm từ Chính phủ, địa phương, đến các tổ chức quốc tế, giới chuyên gia, các nhà khoa học. Trong đó phải kể đến những bước tiến dài trong công tác khai quật khảo cổ; chống xuống cấp tường thành, đàn tế; nghiên cứu và lý giải nhiều bí ẩn về kiến trúc nghệ thuật, phương pháp xây dựng, công trường đá cổ... Đặc biệt, ngày 12-8-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1316/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để di sản được bảo vệ nghiêm ngặt, hiệu quả và bền vững.

Một trong những kết quả nổi bật trong bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ những năm trở lại đây, là việc khai quật khảo cổ di chỉ Đàn tế Nam Giao. Với diện tích khai quật lên đến 4,3 ha, đã làm phát lộ nền móng kiến trúc tổng thể và các giá trị nổi bật của công trình. Cụ thể, Đàn tế Nam Giao có quy mô lớn, với 5 cấp nền và hệ thống viên đàn, các vòng tường đàn, thần đạo, cống thoát nước, cối cửa, thần trù, thần khố và Giếng Vua. Đồng thời, một khối lượng hiện vật kiến trúc đồ sộ cũng đã được phát hiện, phục vụ công tác nghiên cứu. Qua đó, các nhà khoa học và các chuyên gia quốc tế đã thống nhất khẳng định, Đàn tế Nam Giao là đàn tế cổ nhất và được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, so với các đàn tế được xây dựng dưới các triều đại quân chủ phong kiến; cũng như, đánh giá cao giá trị độc đáo, mang tầm vóc thế giới của di chỉ Đàn tế Nam Giao.

Vì là di sản văn hóa thế giới, cho nên việc bảo vệ, bảo tồn phải tuân thủ nhiều quy định, quy tắc ngặt nghèo không chỉ của Việt Nam, mà của cả UNESCO. Song thực tế, công tác này đang vấp phải không ít trở ngại. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt và Quy chế quản lý, bảo vệ di sản, thì khu vực I (Thành Nội và La Thành) là “bất khả xâm phạm”. Thế nhưng, trong lòng di sản hiện còn gần 200 hộ dân đang sinh sống và có nhu cầu cải tạo nhà ở, xây dựng các công trình dân sinh. Đồng thời, có 142 ha đất nằm trong khu vực Thành Nội, hiện người dân vẫn canh tác lúa, hoa màu. Tình trạng trên không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ di sản; mà còn ảnh hưởng đến kiến trúc khảo cổ còn nằm trong lòng di sản. Bên cạnh đó, việc phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch còn hết sức hạn chế. Đồng thời, thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể và thiếu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm đời sống cho người dân. Ngoài ra, một điểm nghẽn lớn nhất, đang làm cản trở quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, là thiếu kinh phí đầu tư triển khai các dự án, chương trình có liên quan.

Với một di sản giàu giá trị còn vậy, thì những di sản đang ở cái “tầm” thấp hơn, thiết nghĩ, khó khăn là điều có thể lý giải được. Bên cạnh các yếu tố căn nguyên như hiệu lực, hiệu quả quản lý còn bất cập; nhân lực quản lý, nghiên cứu thiếu và yếu; nguồn kinh phí đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; cách thức và quy trình bảo tồn di sản chưa tuân thủ quy định; nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm của các bên có liên quan vào quy trình còn hạn chế... Thiết nghĩ, không thể không nhấn mạnh đến yếu tố giao lưu văn hóa và sự thay đổi của đời sống xã hội. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại và các giá trị khởi nguyên của di sản nói chung, công tác bảo tồn di sản nói riêng; mà còn tác động và làm thay đổi quan niệm thẩm mỹ, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người. Ngoài ra, quá trình phát triển xã hội gắn với CNH, HĐH và đô thị hóa, cũng đã và đang tác động đến không gian, cảnh quan, môi trường và mặt bằng của không ít di tích.

Có nhận định cho rằng, công tác bảo tồn di sản hiện đang trong “thời kỳ quá độ” chuyển đổi cả nhận thức lẫn cách thức. Đó là chuyển từ tự phát theo kiểu “thánh làng nào làng ấy thờ”, “đền làng nào làng ấy sửa”; sang tự giác là tuân thủ các quy định của pháp luật và dựa trên căn cứ khoa học. Đồng thời, chuyển từ hình thức “tự quản” cộng đồng làng xã trước đây, sang quản lý bằng công cụ pháp lý. Đây quả thực là “cung đường” không ít trắc trở và rào cản từ trong nhận thức, tư duy lẫn hành động, cách làm. Mà minh chứng cho điều đó là thực trạng xâm hại di tích vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, bất chấp quy định. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới (được Đại hội đồng UNESCO thông qua năm 1972), đã nhấn mạnh, việc bảo vệ di sản đòi hỏi rất nhiều phương tiện và nguồn lực kinh tế, khoa học - kỹ thuật. Song, muốn bảo tồn mang lại kết quả mong muốn, trước hết phải xây dựng được chính sách chung và trao cho di sản một chức năng - vai trò nhất định trong đời sống. Đồng thời, áp dụng các biện pháp luật pháp, hành chính, tài chính và khoa học, nhằm bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và sẵn sàng ứng phó với những thách thức, tai họa có thể đe dọa và phá hủy di sản văn hóa.

Vì sự phát triển bền vững

Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, vừa là cơ sở để phát huy giá trị, vừa là nền tảng để sáng tạo nền văn hóa mới. Từ đó, đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống và khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nó đối với mọi sự phát triển. Song, đây cũng là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, trách nhiệm và cách làm phù hợp. Ví như việc ta có thể xây cất ngôi chùa trong một sớm một chiều. Thế nhưng phải mất hàng vài trăm năm, để những rong rêu trầm tích lắng đọng thành các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và tính thiêng. Khi ấy, ngôi chùa mới có thể trở thành di sản văn hóa đích thực. Cho nên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải hài hòa giữa truyền thống với hiện đại; cũng như đòi hỏi ở hậu thế cả sự trân trọng lẫn thận trọng.

Mỗi loại hình di tích hay thậm chí là mỗi một di tích, có nguồn gốc ra đời, quá trình tồn tại, đặc điểm và chứa đựng nhiều giá trị khác nhau. Do đó, cần có cách ứng xử và tiếp cận vừa khoa học, lịch sử, nhân văn; vừa phù hợp với từng loại hình di tích. Đơn cử như việc bảo vệ, bảo quản di chỉ khảo cổ Đàn tế Nam Giao. Đây là di chỉ nằm trong vùng lõi, được bảo vệ nghiêm ngặt của Di sản Thành Nhà Hồ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, thì cách thức bảo tồn tại chỗ hay bảo tồn lộ thiên như hiện nay, là tương đối phù hợp với đặc thù di chỉ. Tuy nhiên, đây là di chỉ có diện tích lớn, các dấu vết kiến trúc đa dạng và số lượng hiện vật được khai quật hết sức phong phú. Do vậy, công tác bảo quản, bảo vệ cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, việc thiếu các điều kiện và cơ sở vật chất bảo quản hiện vật, đã và đang làm giảm đi ý nghĩa và hiệu quả của việc khai quật khảo cổ. Đồng thời, sự tác động của thời tiết, thiên tai và con người, cũng đang đặt di chỉ vào tình trạng dễ bị tổn thương.

Có ý kiến đã chỉ ra rằng, khẳng định được giá trị của di sản là mục tiêu quan trọng của công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản ấy. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu hiểu biết tối thiểu về giá trị di sản của công chúng, sẽ làm cho công tác bảo tồn di sản thực sự mang lại nhiều ý nghĩa. Cũng vì lẽ đó mà cùng với nhiệm vụ bảo tồn, thì khai thác và phát huy giá trị di sản cũng đang được đặt ra. Du lịch được xem là cầu nối của giao lưu văn hóa, hay là phương tiện hàng đầu của trao đổi văn hóa. Đồng thời, du lịch ngày càng được thừa nhận rộng rãi như là một động lực tích cực trong bảo vệ di sản văn hóa. Cho nên, gắn di sản với du lịch đang là xu hướng tất yếu và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Song, ở phương diện nào đó, “kinh doanh văn hóa” cần được tính toán rất kỹ, nếu không muốn việc thương mại hóa sẽ làm xấu hình ảnh, thậm chí hủy hoại các giá trị tốt đẹp của di sản. Nói cách khác, muốn khai thác giá trị di sản, thì cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đồng thời, cần tìm được tiếng nói đồng thuận giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng; cũng như làm gia tăng hiểu biết của họ về tầm quan trọng và tính chất mỏng manh, dễ hỏng của di sản. Từ đó, khẳng định sự cần thiết phải bảo đảm cho di sản một tương lai bền vững khi gắn nó với du lịch.

Rõ ràng là hiện nay, di sản văn hóa đang phải đối mặt với không ít thách thức, đi liền với sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến di sản nói chung, công tác bảo tồn di sản nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề là giải pháp dù có hay đến mấy đi chăng nữa mà không được triển khai nghiêm túc; hoặc thiếu cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm... thì cũng khó mang lại kết quả mong đợi. Thực trạng “tay phải không biết tay trái làm gì”, hay hiệu lực, năng lực và trách nhiệm quản lý yếu kém, thiết nghĩ, là điểm nghẽn lớn cần được khắc phục. Song song với việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa; cũng cần chú trọng đến chất và lượng của đội ngũ làm công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Theo đó, các địa phương phải lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, thi công và giám sát công tác tu bổ, tôn tạo di tích có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực để đảm đương nhiệm vụ khó này.

Công ước quốc tế về du lịch văn hóa của ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế) đã lý giải rằng, xét theo nghĩa rộng lớn nhất, thì di sản thiên nhiên và văn hóa thuộc về mọi con người. Cho nên, mỗi người trong chúng ta có quyền và trách nhiệm phải hiểu biết, thưởng thức và bảo vệ giá trị di sản. Đồng thời, việc quản lý phải bao hàm nghĩa vụ tôn trọng các giá trị của di sản, cũng như quyền lợi hợp tình, hợp lý của cộng đồng bản địa, nơi đã sản sinh ra di sản. Nói cách khác, văn hóa dân tộc ví như một dạng “trầm tích” của tình cảm và ý thức dân tộc. Nền văn hóa ấy luôn nằm trong trái tim và tâm hồn của Nhân dân. Chính vì lẽ đó, mọi vấn đề và mọi giải pháp đặt ra trong bảo tồn di sản, không thể không nhấn mạnh đến vai trò của Nhân dân: Những sứ giả văn hóa cũng chính là người đang sáng tạo, giữ lửa và tiếp lửa văn hóa truyền thống cho tương lai.

Nhóm phóng viên VH-XH


Nhóm Phóng Viên VH-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]