(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt quá trình phát triển, xứ Thanh đã sản sinh và đóng góp cho dân tộc biết bao nhân tài, góp phần làm vượng cho “nguyên khí quốc gia”, làm nên một xứ Thanh trăm năm đất học, nổi tiếng sánh ngang với nhiều vùng đất cổ văn hiến trong cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứng danh đất học xứ Thanh

Bài 1: Truyền thống hiếu học và khoa cử

Bài 1: Truyền thống hiếu học và khoa cử

Giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn cùng các em học sinh đạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2019. Ảnh: PS

Trong suốt quá trình phát triển, xứ Thanh đã sản sinh và đóng góp cho dân tộc biết bao nhân tài, góp phần làm vượng cho “nguyên khí quốc gia”, làm nên một xứ Thanh trăm năm đất học, nổi tiếng sánh ngang với nhiều vùng đất cổ văn hiến trong cả nước.

Truyền thống cha ông

Từ xưa, Thanh Hóa nổi tiếng là vùng đất có tinh thần hiếu học, trân trọng đào tạo nhân tài và khuyến khích việc học hành, thi cử. Vì lẽ đó, người Thanh Hóa có quyền tự hào là nơi đã sinh ra nhiều vị đại khoa, nhân tài cho đất nước. Lịch sử đã ghi, hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục người làng Cổ Hiểm, phường Sơn Ôi, Ái Châu, nay là thôn Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, Thanh Hóa đã sang tận kinh đô nhà Đường để ứng thí. Và rất tự hào, Khương Công Phụ đỗ Trạng nguyên nơi đất khách quê người. Khương Công Phụ là trường hợp “có một không hai” trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam, khi là người Việt đầu tiên thi đỗ Trạng nguyên ở xứ người, giữ vị trí cao trong triều đình nhà Đường lúc bấy giờ. Giới nho sĩ qua nhiều thế hệ đều ca ngợi Khương Công Phụ không chỉ tài năng văn chương, mà còn có phẩm chất, tư cách của một “kẻ sĩ” xuất chúng.

Từ vị Trạng nguyên đầu tiên ở xứ người, trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam, xứ Thanh còn có hàng trăm tiến sĩ và một số trạng nguyên, mỗi người, mỗi tính cách, tài năng, đức độ, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc. Suốt các triều Lê Trung hưng, Mạc, Nguyễn, Thanh Hóa có 1.690 cử nhân. Chưa kể những người đỗ đầu các kỳ thi Đình triều Nguyễn (lúc này triều Nguyễn bỏ học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn), như: Mai Anh Tuấn quê ở Thạch Giản, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn đỗ đầu thi đình thời Vua Thiệu Trị; Phạm Thanh, người thôn Nội, xã Trương Xá, tổng Đăng Trường, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung (nay là xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đỗ đầu thi đình thời Vua Tự Đức; Nguyễn Phong Di người làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung (nay là làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) đỗ đầu kỳ thi cuối cùng, thời Vua Khải Định - năm 1919.

Nói về danh hiệu Trạng nguyên, Trịnh Tuệ, quê ở Biện Thượng (nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc), trú quán tại xã Bất Quần (nay là xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) là vị Trạng nguyên cuối cùng của khoa cử phong kiến Việt Nam. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Văn Thịnh là Trạng nguyên đầu tiên trong khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam dưới thời nhà Lý. Đến thời nhà Nguyễn, không lấy danh hiệu Trạng nguyên (danh hiệu đỗ đạt cao nhất thời bấy giờ là Đình nguyên). Do đó, Trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng nước nhà là Trịnh Tuệ đỗ khoa Bính Thìn (1736), thời Vua Lê Ý tông.

Thanh Hóa cũng là nơi sinh ra những bậc thầy nổi tiếng như Hoàng giáp Nguyễn Văn Nghi, Đốc học Nhữ Bá Sĩ, Tiến sĩ Trần Ân Chiêm, Thám hoa Đỗ Huy Kỳ, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng... Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là một trong những người đã dựng trường dạy học ngay trên mảnh đất Hoằng Hóa (khoảng đầu thế kỷ XVI). Khi tìm hiểu về trường học này thông qua sử liệu, một số nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra nhiều điểm thú vị của nó. Đó là ngôi trường đã thu hút được nhiều người từ ngoài Bắc vào theo học, mà nổi tiếng hơn cả là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và 2 Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưu, Bùi Doãn Đốc. Trường không chỉ dạy sách Nho giáo, mà còn truyền thụ cho người học cuốn Thái Ất Thần Kinh, mà nhờ đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là người đứng đầu cả nước về lý học. Riêng thầy Lương Đắc Bằng còn có con và cháu đỗ Tiến sĩ và trở thành bề tôi lương đống của nhà Lê Trung hưng... Bên cạnh người thầy đức cao vọng trọng này, ở vùng đất Yên Định xưa cũng từng có một trường học ở Châu Bối (thuộc thị trấn Quán Lào ngày nay), do cụ Nghè Bón (Trần Ân Chiêm) thành lập khoảng đầu thế kỷ XVIII. Ngôi trường đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc, với một quan điểm giáo dục tiến bộ.

Rạng danh quê hương

Khi nói đến các yếu tố tạo nên các thiên tài, nhân tài, người ta thường nói tới yếu tố thiên phú. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng yếu tố thiên phú ấy chỉ trở thành hiện thực khi con người được sự quan tâm chăm lo bồi dưỡng, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân người đó có sự nỗ lực, sự phấn đấu cao trong tu dưỡng, trong học hành... Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, mỗi người con xứ Thanh hôm nay luôn nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách thi đua lao động, học tập, rèn luyện, cống hiến hết mình khẳng định thành tích học hành, khoa bảng làm rạng danh quê hương, đất nước. Đặc biệt là thành tích trên “đấu trường tri thức” quốc tế. Đóng góp vào thành tích đáng tự hào của “đất học” xứ Thanh trong những năm qua có thể kể đến những gương mặt xuất sắc như, em Lê Huy Quang, đạt HCV Olympic Vật lý Khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đạt HCB Olympic Vật lý quốc tế năm 2012; em Mỵ Duy Hoàng Long, đạt HCB Olympic Vật lý quốc tế năm 2013; em Nguyễn Khánh Duy, đạt HCV Olympic Hóa học quốc tế năm 2016; em Lê Quang Dũng, đạt HCV Olympic Toán học quốc tế năm 2017; em Nguyễn Văn Chí Nguyên đạt HCB và HCV Olympic Hóa học quốc tế năm 2018 và 2019... Mỗi học sinh (HS) có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung một ý chí vượt qua mọi khó khăn, thách thức vươn lên chiếm lĩnh tri thức và phát huy truyền thống hiếu học của quê hương.

Chúng ta còn nhớ “chàng trai vàng” của xứ Thanh trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) năm 2017 được tổ chức tại Brazil - đó là em Lê Quang Dũng. Sinh ra ở vùng quê thuần nông xã Hoằng Minh, nay là xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa), từ lúc 4 tháng tuổi Dũng đã thiếu vắng bàn tay che chở của người cha. Cũng từ đó, hai mẹ con Dũng cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn, thử thách vươn lên trong cuộc sống. Tuy khó khăn, thiếu thốn về vật chất, song nhận được sự yêu thương, chăm sóc của người mẹ, Dũng luôn cố gắng vươn lên và thể hiện là một người bản lĩnh, đầy nghị lực trong học tập, rèn luyện. Theo thời gian Lê Quang Dũng đã khẳng định được năng lực với bảng thành tích học tập đáng tự hào. Ngoài những thành tích trong các kỳ thi HS giỏi tỉnh, quốc gia, năm 2017 Dũng xuất sắc giành HCV tại kỳ thi IMO với 28 điểm, đứng thứ 2 trong số 4 HS cả nước giành HCV năm ấy. Dũng từng chia sẻ: “Điều ý nghĩa nhất với em khi tham gia kỳ thi IMO là được sát cánh cùng các bạn trong đội tuyển Việt Nam để mang lại niềm tự hào cho quê hương, đất nước. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những người có chung đam mê Toán học của các nước khác trên thế giới. Những cố gắng của em trong kỳ thi là để đạt được ước mơ, để được nhìn thấy mẹ hạnh phúc, để phần nào đền đáp tâm sức của thầy, cô dành cho em”. Hay như trường hợp của em Nguyễn Khánh Duy (con trai của một người thợ cắt tóc ở xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn) đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để giành HCV tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2016. Với người nông dân, kiêm thợ cắt tóc Nguyễn Đình Bảng, tấm HCV Olympic Hóa học quốc tế mà con trai Nguyễn Khánh Duy đạt được không chỉ đem lại niềm vui cho gia đình, dòng họ mà còn là kết quả thiết thực báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục đối với cha, mẹ, ông, bà và các thầy, cô giáo. Đây cũng là kết quả của tinh thần hiếu học, sự say mê trong tìm kiếm, lĩnh hội tri thức và vượt khó vươn lên của chính bản thân Duy...

Ở bất cứ thời kỳ nào cũng vậy, thành tích của một HS phụ thuộc nhiều vào tài năng, sự nỗ lực của chính bản thân, nhưng nếu thiếu đi tình yêu thương của gia đình, truyền thống hiếu học của quê hương và không có những người thầy tận tâm “truyền lửa” đam mê thì các em sẽ không thể phát huy hết khả năng của mình. Nhắc đến những tấm huy chương quốc tế và khu vực của HS xứ Thanh trong những năm qua không thể không nhắc đến những người thầy đã dìu dắt, dạy dỗ, hướng dẫn các em, những người thầy đã cống hiến hết mình vì HS thân yêu, vì niềm đam mê cũng như truyền thống “đất học” xứ Thanh như, cô giáo Mai Châu Phương, các thầy giáo Ngô Xuân Ái, Lê Văn Hoành, Lê Hồng Điệp...

13 năm công tác ở Trường THPT chuyên Lam Sơn, những HS do cô giáo Mai Châu Phương dìu dắt, dạy dỗ đã đạt 4 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế, 36 giải HS giỏi quốc gia và nhiều HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh môn Hóa học. Có được thành tích đó, trong suốt những năm tháng gắn bó với sự nghiệp “trồng người” cô Phương luôn nỗ lực hết mình để “truyền lửa” đam mê cho học trò. Cô giáo Mai Châu Phương chia sẻ: “Trường chuyên là môi trường tốt để giáo viên tôi luyện. HS của nhà trường là những em có học lực tốt, đòi hỏi giáo viên phải là tấm gương sáng về đạo đức, phấn đấu tự học tập và sáng tạo để HS noi theo. Luôn yêu thương và có trách nhiệm với HS, thường xuyên khích lệ, động viên, bồi dưỡng cho HS những tri thức, tình cảm tốt đẹp và là người bạn đồng hành trên mọi chặng đường của các em. Đặc biệt, mỗi giáo viên phải là người “truyền lửa” cho HS để trong mọi khó khăn các em không từ bỏ niềm đam mê”. Theo cô Phương, nhân tài cần phải được phát hiện và đào tạo bài bản từ sớm. Vì vậy, ngay từ khi các em vào lớp 10, cô đã sàng lọc, phát hiện những HS có tố chất và xây dựng chiến lược đào tạo với phương châm “4 riêng” - giờ học riêng, vị trí ngồi trong lớp riêng, giáo án riêng và bài kiểm tra riêng. Để có những HS đạt thành tích trong kỳ thi quốc tế, mỗi giáo viên và HS phải thực sự gắn bó mật thiết ở cả 3 phương diện “cùng ăn, cùng ở, cùng đi học”.

Cũng như cô Phương, từ khi gắn bó giảng dạy tại trường chuyên, nơi quy tụ những “hạt giống tài năng” của toàn tỉnh, thầy giáo Lê Văn Hoành không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm, để mỗi khi đứng trên bục giảng có thể đem hết kiến thức truyền đạt cho các em HS. “Tôi có thể quên ăn, quên thời gian khi dạy các em HS hoặc nghiên cứu tài liệu phục vụ giảng dạy” - thầy Hoành chia sẻ. Cống hiến hết sức mình, tận tâm, tận lực với HS, vì thế khóa học nào thầy Hoành chủ nhiệm, HS cũng đạt kết quả thi tốt nghiệp và đại học xuất sắc, giành các giải cao trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, dưới sự phát hiện, dìu dắt của thầy, nhiều HS đã được vinh danh trong kỳ thi HS giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực. Đến nay, 38 năm công tác, chủ nhiệm 13 khóa học, thầy Hoành đã mang về cho Trường THPT chuyên Lam Sơn và bản thân rất nhiều thành tích đáng tự hào với 95 HS do thầy bồi dưỡng đạt giải quốc gia, 11 lượt HS đạt huy chương tại “đấu trường tri thức” quốc tế và khu vực môn Vật lý, trong đó có 4 HCV, 2 HCB và 5 HCĐ.

Sự nỗ lực của mỗi HS, niềm đam mê cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”, tận tâm, tận lực vì học trò của mỗi thầy, cô giáo khiến cho mạch nguồn truyền thống hiếu học cứ chảy mãi không ngừng. Mỗi thế hệ sau lại nối tiếp thế hệ trước ghi tên mình lên bảng vàng truyền thống, làm rạng danh quê hương xứ Thanh - trăm năm đất học.

Phong Sắc

Bài 2: Khẳng định vị thế.


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]