Năm 2019 là năm đầu tiên các cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức đi vào cuộc sống đối với 7 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam). 4 thành viên còn lại là Brunei, Malaysia, Chile, Peru cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục phê chuẩn nội bộ để hiệu lực hóa hiệp định này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thêm nhiều nước xem xét tham gia: CPTPP chứng tỏ sức hút

Năm 2019 là năm đầu tiên các cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức đi vào cuộc sống đối với 7 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam). 4 thành viên còn lại là Brunei, Malaysia, Chile, Peru cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục phê chuẩn nội bộ để hiệu lực hóa hiệp định này.

Thêm nhiều nước xem xét tham gia: CPTPP chứng tỏ sức hút

Ảnh minh họa.

Là một hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” đầu tiên của thế kỷ 21 bắt đầu được thực thi, vào ngày 19/01/2019, Hội đồng CPTPP đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất tại Tokyo, Nhật Bản nhằm thảo luận kế hoạch thực thi cam kết và xem xét quy chế tiếp nhận các thành viên mới.

Việc một số nền kinh tế (như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Indonesia…) thể hiện mong muốn gia nhập CPTPP không phải chỉ vừa mới xuất hiện, mà đã được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2018 ngay sau khi hiệp định được ký kết vào tháng 3 tại Chile. Một số nền kinh tế khác còn bày tỏ nguyện vọng tham gia hiệp định khi CPTPP còn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Mỹ còn là một thành viên. Có thể nói, sau khi CPTPP chính thức trở thành hiện thực, danh sách các thành viên tương lai của hiệp định ngày càng trở nên đa dạng, thậm chí ngay cả Mỹ cũng có khả năng quay trở lại và Trung Quốc cũng có thể gia nhập hiệp định này…

Sức hút của CPTPP đối với các nền kinh tế muốn tham gia hiệp định có thể được giải mã bởi một số yếu tố như sau:

Thứ nhất, đây là hiệp định toàn diện nhất và có mức độ tự do hóa tham vọng nhất kể từ trước đến nay. Văn bản hiệp định có 30 chương, bao gồm các lĩnh vực như thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ (IP), quy tắc thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động và môi trường, cơ chế giải quyết tranh chấp và nhiều khía cạnh khác của thương mại toàn cầu. Mục tiêu của CPTPP là thiết lập một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 40% thương mại thế giới, tạo ra một khu vực kinh tế hội nhập đầy đủ và thiết lập các quy tắc nhất quán cho đầu tư toàn cầu.

CPTPP cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác đối với một loạt các hàng hóa, bao gồm nhiều sản phẩm như: Ôtô, dệt may và hàng hóa nông nghiệp như thịt, sữa và ngũ cốc... và các sản phẩm sản xuất khác. Một số ước tính cho thấy, tổng mức giảm thuế giữa các thành viên CPTPP ở mức khoảng 95% đến 98%... Các hạn chế đối với các dịch vụ xuyên biên giới được gỡ bỏ và các quy tắc được thêm vào để đảm bảo rằng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực như bán lẻ, truyền thông, giải trí và tài chính sẽ được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử… Theo cam kết của CPTPP, các thị trường đã được mở cho đầu tư nước ngoài giữa các thành viên, và các quy tắc được thêm vào để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi sự đối xử không công bằng. Điều khoản giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và nhà nước gây tranh cãi (ISDS) được quy định trong hiệp định, sẽ cho phép các nhà đầu tư kiện các chính phủ sở tại sử dụng các hội đồng trọng tài quốc tế… Đây cũng là hiệp định khu vực đầu tiên bao gồm các quy tắc toàn diện về thương mại kỹ thuật số, đảm bảo luồng thông tin tự do xuyên biên giới, bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng… CPTPP cũng đã đi xa hơn các hiệp định thương mại “truyền thống” trước đây trong việc cam kết các vấn đề lao động và tăng cường bảo vệ môi trường, đòi hỏi các nước thành viên phải đẩy mạnh cải cách hệ thống thể chế, luật pháp trong nước… Ngoài ra, CPTPP còn có các quy định quan trọng khác, kể cả về tính minh bạch, hạn chế độc quyền và doanh nghiệp nhà nước…, nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể dễ dàng giao dịch qua biên giới và hưởng lợi từ hiệp định.

Thứ hai, CPTPP đã thay đổi, loại bỏ phần lớn các nội dung khác biệt mà Mỹ đã thúc đẩy trong TPP trước đây, theo hướng phù hợp hơn với đa số các nước để trở nên gần gũi về mặt lợi ích đối với các nền kinh tế mới.

Các thay đổi lớn nhất và thực chất nhất chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong các cuộc đàm phán TPP trước đây, Washington đã thúc đẩy kéo dài thời hạn bản quyền và bảo vệ bí mật công nghệ và thương mại. Điều này bao gồm cả các biện pháp bảo vệ mới gây tranh cãi trong dược phẩm, y tế... Vì bị các nước thành viên khác phản đối nên những điều khoản này đã bị xóa khỏi CPTPP. Chương đầu tư cũng được sửa đổi, theo đó các thành viên đã giữ lại điều khoản ISDS, nhưng giới hạn lại phạm vi của nó. Một số mốc thời gian để thực hiện các biện pháp nhất định cũng bị thay đổi, và một số quy tắc lao động và môi trường được nới lỏng một phần. Các thành viên CPTPP xác định rằng, các điều khoản đã bị bỏ ngỏ hoặc treo lại như một dấu hiệu cho biết các điều khoản đó có thể dễ dàng được phục hồi nếu Mỹ quyết định tham gia lại hiệp định này. Tổng thống Donald Trump cũng đã đưa ra ý tưởng quay trở lại hiệp định. Các nhà phân tích thương mại cho rằng, hiện Mỹ đang ưu tiên các hiệp định thương mại song phương và sẵn sàng áp thuế đối với các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản, đã chứng minh khả năng đó cho tương lai trước mắt.

Thứ ba, CPTPP cam kết tập thể đối với hệ thống thương mại minh bạch, dựa trên các quy tắc luật lệ. Hiệp định sẽ loại bỏ đáng kể thuế quan và hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa. Nó cũng cho phép các nhà cung ứng dịch vụ tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội kinh doanh trong một loạt các lĩnh vực và tăng khả năng tiếp cận các hợp đồng mua sắm chính phủ ở các quốc gia khác…

CPTPP cũng sẽ giúp thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Lợi ích chung của các nước là đảm bảo một hệ thống thương mại mở, dựa trên luật lệ và đảm bảo một cuộc chiến thương mại ở Thái Bình Dương không gây tổn hại cho các hộ gia đình người dân và nền kinh tế. Hiệp định được công nhận rộng rãi là một trong những hiệp định thương mại tự do tiến bộ nhất, với các điều khoản cho thương mại kỹ thuật số, thương mại điện tử, thương mại dịch vụ và bảo vệ sở hữu trí tuệ. CPTPP cũng đặt ra các tiêu chuẩn mới trong các thỏa thuận về tính bền vững, chống tham nhũng và cải thiện quyền của người lao động. Nếu tham gia hiệp định, các nước sẽ có thể hưởng lợi từ các cơ hội thành viên và có thể định hình các quy tắc trong tương lai của hiệp định. Hơn thế nữa, châu Á-Thái Bình dương là một thị trường quan trọng của tất cả các nước và các doanh nghiệp, vì đây là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới hiện nay, đan xen tất cả các xu hướng hợp tác vừa đối đầu vừa đối thoại.

Thứ tư, CPTPP là một nhân tố tốt để thúc đẩy thương mại tự do nên ngay trong quá trình đàm phán TPP (trước đó) và CPTPP (sau này), một số nền kinh tế như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, đã quan tâm đến việc gia nhập hiệp định, dù Mỹ có rút khỏi hiệp định hay không. Đến nay, danh sách các chính phủ xem xét tham gia CPTPP đã trở nên đa dạng hơn so với các chính phủ đã phê chuẩn hiệp định, trong đó, phải kể đến Trung Quốc (có GDP lớn hơn 11 thành viên CPTPP cộng lại), Indonesia, Philippines, Colombia và Anh (thời hậu Brexit). Đặc biệt, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan đã nhất quán trong mối quan tâm của họ đối với CPTPP. Thái Lan nhận thấy rõ nếu không tham gia CPTPP, hiệp định này có nguy cơ gây chuyển hướng đầu tư và thương mại từ Thái Lan sang Việt Nam và có thể cả Malaysia. Đối với Hàn Quốc và Đài Loan, mối đe dọa từ việc nằm ngoài CPTPP chính là các chuỗi sản xuất của Nhật Bản cạnh tranh hơn có thể tiếp cận tốt hơn với các thị trường và địa điểm sản xuất ở các nền kinh tế thành viên khác. Riêng với nước Anh, CPTPP được đánh giá sẽ mang lại cơ hội kinh tế cho hàng trăm triệu người.

Việc tham gia bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào đều được các nền kinh tế cân nhắc kỹ lưỡng các lợi ích kinh tế thương mại riêng của mình.

Sự quan tâm đối với CPTPP của một số nước từ năm 2018 đã thúc đẩy các thành viên của hiệp định thống nhất sẽ bắt đầu đàm phán tiếp nhận thành viên mới ngay từ năm 2019. Điều này mở ra triển vọng có thể có nhiều quốc gia hơn dự kiến sẽ tham gia hiệp định CPTPP trong tương lai.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]