(Baothanhhoa.vn) - Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp, mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Tại Thanh Hóa, sau 7 năm thực hiện, đề án đã bước đầu giúp phụ nữ phá vỡ những rào cản về mặt tâm lý cũng như trở ngại từ bên ngoài để phát huy tiềm năng của bản thân.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 1): Khởi nghiệp để nâng cao vị thế

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp, mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Tại Thanh Hóa, sau 7 năm thực hiện, đề án đã bước đầu giúp phụ nữ phá vỡ những rào cản về mặt tâm lý cũng như trở ngại từ bên ngoài để phát huy tiềm năng của bản thân.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 1): Khởi nghiệp để nâng cao vị thếSản phẩm măng treo 4 mùa của chị Phạm Thị Hằng ở Sơn Thủy (Quan Sơn).

Hỗ trợ phụ nữ làm chủ cuộc sống

Trong 7 năm, từ Đề án 939, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai. Có trên 15 ngàn phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; hơn 800 doanh nghiệp nữ, 72 HTX, 96 tổ hợp tác được thành lập; hơn 800 sản phẩm của hội viên, phụ nữ được giới thiệu trên không gian mạng; 114 ý tưởng xuất sắc được vinh danh, trong đó có 6 dự án, ý tưởng xuất sắc được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ nguồn lực để phát triển. Đây là những con số minh chứng rõ nét nhất cho sự lan tỏa tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ. Tất cả đã và đang góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, XDNTM và đô thị văn minh của địa phương.

Về xã Nga Hải (Nga Sơn), chúng tôi thực sự bất ngờ khi đến thăm các gia đình có hội viên phụ nữ. Ai nấy đều thoăn thoắt hai bàn tay vừa bện, vừa đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, từ cụ bà 82 tuổi cho đến các chị vừa sinh con.

Dẫn chúng tôi đi, chị Mai Thị Hiển, tổ trưởng tổ hợp tác (THT) sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ giới thiệu. Năm 2018, Hội LHPN xã Nga Hải đã thành lập THT sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với 30 thành viên. Đến nay, THT đã phát triển lên là 70 thành viên. Ngoài tạo việc làm cho các thành viên, THT còn liên kết, mở rộng đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho 300 phụ nữ trong xã với thu nhập trung bình đạt từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Còn khi về xã Thanh Tân (Như Thanh) thực sự chúng tôi rất bất ngờ về cách khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Từ năm 2021, được Hội LHPN huyện Như Thanh phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng mở lớp dạy nghề, phụ nữ xã Thanh Tân đã từng bước thay đổi từ việc thêu dệt phục vụ nhu cầu cá nhân sang sản phẩm hàng hóa. Đến nay, riêng xã Thanh Tân có 5 nhóm dệt với gần 50 chị em tham gia. Là người trực tiếp làm nghề, bà Lô Thị Khăm, thôn Thành Vinh, cho biết: “Khách hàng có nhu cầu mẫu, hoa văn khác nhau, chị em đều học hỏi thêm để làm, đáp ứng nhu cầu của khách”. Nhờ có nghề này mà chị em dần có nguồn thu ổn định, phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Được biết, huyện Như Thanh đã ban hành Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc được gắn liền với mô hình phát triển du lịch cộng đồng của huyện.

Bà Lương Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Tân, thông tin: "Sau khi thành lập, các nhóm, tổ của hội được nhiều nơi biết, sản phẩm của chị em đã được trưng bày, quảng bá và bán các sản phẩm thêu, dệt thủ công truyền thống của người dân phục vụ khách du lịch ở Vườn Quốc gia Bến En và đã bán sang cả Nghệ An. Chính những mô hình này đã và đang góp phần tạo việc làm cho lao động nữ tại nông thôn. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân".

Không chỉ làm chủ cuộc sống, chính nhờ những mô hình, những cách làm của các cấp hội phụ nữ đã đưa phụ nữ nông thôn “Không chỉ làm chủ cuộc sống mà chị em đã nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội”, chị Mai Thị San, Chủ tịch Hội LHPN xã Nga Hải khẳng định.

Khởi nghiệp để thành công

Cùng với thực hiện Đề án 939, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách giúp nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả. Trong đó đáng chú ý là cuộc thi ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 và diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp - kết nối kinh doanh”.

Sinh ra ở huyện Thường Xuân, chị Quách Thị Anh, tổ trưởng THT thảo dược Hương Quê của huyện Thường Xuân, cho biết: Để sinh tồn người Mường xưa đã sáng tạo ra những bài thuốc nam từ những cây cỏ tự nhiên rất hiệu quả và ít tốn kém chi phí. Là người con sinh ra từ đất Mường, bản thân tôi luôn trăn trở với những câu hỏi: Làm thế nào để bà con dân bản bớt khổ? Làm thế nào để bảo tồn những bài thuốc dân gian, những cây dược liệu quý của người Mường? Bằng sự đam mê học hỏi kinh nghiệm từ các già làng và các chuyên gia về tác dụng của các loại cây dược liệu mà địa phương đang có thế mạnh, tôi và các thành viên THT đã mạnh dạn tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp có nguồn gốc từ thiên nhiên: dầu gội thảo dược, dầu xả thảo dược, cao tía tô, siro húng chanh... từ nguồn nguyên dược liệu của địa phương.

Tốt nghiệp sư phạm Toán, Đại học Hồng Đức, chị Quách Thị Anh không theo đuổi nghề được đào tạo, chị quyết định “khởi nghiệp” bằng cách dựa vào cây thuốc nam. Bắt đầu từ tháng 5/2021, sau 2,5 năm, nếm đủ mùi thất bại, nhưng chị không nản chí, tiếp tục học hỏi và đổi mới. THT thảo dược Hương Quê gồm 7 thành viên trực tiếp làm tại cơ sở và 20 hộ dân liên kết. Chỉ tính trong 9 tháng của năm 2023 đã cho doanh thu hơn 1 tỉ đồng. Chị Quách Thị Anh cho biết: Với phụ nữ như tôi thiếu nhất là thời gian. Thời gian có thể khiến người ta dần từ bỏ mọi đam mê của mình. Riêng với tôi, tôi nghĩ rằng, nếu có đam mê, sự chủ động học hỏi và sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ chắc chắn phụ nữ sẽ “khởi nghiệp” thành công.

Sinh ra và lớn lên trên địa bàn xã Sơn Thủy (Quan Sơn), chị Phạm Thị Hằng hiểu hơn ai hết lợi thế lớn nhất ở đây là cây măng. Vì thế mà được sự động viên, hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn xã Sơn Thủy và huyện Quan Sơn chị đã cùng các thành viên khác “khởi nghiệp” với sản phẩm măng treo 4 mùa. Nhưng từ ý tưởng đến thực tế là một hành trình mà chị Hằng mỗi lần nhắc lại đều e dè. Khó khăn từ cách làm theo kinh nghiệm của ông cha, đến cải tiến bằng cách hút chân không, rồi tìm nguồn túi, tem, mác... “Vì mùa măng chỉ diễn ra trong tháng 8 và 9, nên công việc của chúng tôi còn manh mún. Tuy nhiên ngay năm đầu tiên làm nhưng đã cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/thành viên. Không có khởi nghiệp nào là dễ dàng. Xác định điều đó, nên chúng tôi vẫn phải động viên nhau tiếp tục tìm hiểu về kinh nghiệm, quy trình sản xuất, tìm đầu ra để tăng thu nhập”, chị Hằng cho biết.

“Không có khởi nghiệp thì như một vận động viên mà chỉ đứng ở vạch xuất phát rồi tìm đủ mọi lý do để không phải chạy đua. Quá trình khởi nghiệp ở chị em phụ nữ nông thôn bắt đầu từ các mô hình THT rồi dần vươn lên HTX, doanh nghiệp”, chị Trịnh Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nga Sơn đã khẳng định.

Để phụ nữ vươn lên thoát nghèo, khẳng định vị thế của mình, đồng thời khởi nghiệp thành công ngoài sự nỗ lực của các cá nhân có vai trò không nhỏ của các cấp hội phụ nữ. Chỉ nhìn vào con số của 27 hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố với 330 sản phẩm, trong đó có 125 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 8 sản phẩm đạt OCOP 4 sao; 12 sản phẩm của 8 mô hình HTX, THT do các cấp hội LHPN hỗ trợ thành lập chúng ta đã thấy vai trò quan trọng của hội LHPN các cấp. Sự động viên về tinh thần, hỗ trợ đào tạo, nguồn vốn, kết nối, tiêu thụ sản phẩm đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]