(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu năm mới 2023, chúng tôi có dịp về một số xã vùng giáp biên và cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất nơi đây. Đặc biệt, nhiều mô hình kinh tế được hình thành với sự thay đổi tư duy sản xuất đã mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào vùng giáp biên.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ vùng giáp biên

Những ngày đầu năm mới 2023, chúng tôi có dịp về một số xã vùng giáp biên và cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất nơi đây. Đặc biệt, nhiều mô hình kinh tế được hình thành với sự thay đổi tư duy sản xuất đã mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào vùng giáp biên.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ vùng giáp biên

Đàn bò xã Bát Mọt (Thường Xuân) đang phát triển tốt để tiếp tục trao con F2 cho hộ nghèo khác nuôi nhân đàn.

Nói về sự hỗ trợ để phát triển mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ, chị Lương Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Chanh (Mường Lát) phấn khởi cho biết: Cái được nhất của hội viên, phụ nữ xã khi được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ đàn bò sinh sản để nhân đàn là chị em đã thay đổi tư duy sản xuất từ thụ động sang chủ động, tích cực tăng gia sản xuất và đặc biệt là xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau để có thêm nhiều kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi.

Niềm vui mà chị Hà chia sẻ chính là hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ làm chủ (25 thành viên) ở bản Chai được Trung ương Hội LHPN Việt Nam và cá nhân chị Nguyễn Thị Kim Thúy, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội hỗ trợ vốn mua bò sinh sản (năm 2014). Chỉ sau 2 năm, 25 thành viên THT đã thực hành tiết kiệm hoàn trả lại vốn hỗ trợ ban đầu cho chị Nguyễn Thị Kim Thúy. Điều đáng mừng là đàn bò không ngừng sinh sôi và tiếp tục nhân rộng trao cho 10 thành viên của THT chăn nuôi bò bản Na Hin. Đến nay, tổng đàn bò của 2 bản Chai và Na Hin đã tăng lên 182 con.

Chị Vi Thị Mồn, bản Chai cho biết: Từ ngày được hỗ trợ con giống, chị em trong THT ai cũng hào hứng chăm sóc tốt để có nguồn thu nhập. Chị em còn giúp nhau chăn thả, làm chuồng và biết dành dụm mua thêm con giống nuôi. Nhiều hộ trong THT có hơn 10 con bò và đã bán một số con để trang trải cuộc sống.

Xã Yên Khương (Lang Chánh) là một trong những địa phương vùng giáp biên còn nhiều khó khăn và được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 4 mô hình sinh kế (giai đoạn 2019-2022), gồm 2 mô hình chăn nuôi dê, 1 mô hình chăn nuôi bò và 1 mô hình nuôi lợn lai sinh sản cho phụ nữ nghèo. Đến nay, các mô hình đều phát huy hiệu quả và có hộ thoát nghèo. Cụ thể, 2 THT chăn nuôi dê được hỗ trợ 60 con/30 hộ, đến nay đã lên hơn 100 con. Mô hình này có 5 chị đã thoát nghèo.

Chị Lò Thị Tương, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Khương chia sẻ: Trong quá trình phát triển các mô hình, Hội LHPN huyện và xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo duy trì và nhân rộng mô hình, giúp các thành viên trong THT phát triển mô hình hiệu quả, hướng tới thoát nghèo.

Tìm hiểu tại xã Bát Mọt (Thường Xuân) khi thấy các mô hình hỗ trợ sinh kế cho hội viên phụ nữ đều đang phát huy hiệu quả từ con giống hỗ trợ ban đầu. Nhiều hội viên đã thoát nghèo, mua sắm thêm phương tiện sản xuất, sinh hoạt, có điều kiện nuôi các con ăn học. Ở đây có 5 mô hình sinh kế, gồm 3 mô hình nuôi bò, nuôi lợn nái đen sinh sản và mô hình nuôi vịt do Hội LHPN tỉnh, huyện, Đồn Biên phòng Bát Mọt và nhà hảo tâm hỗ trợ. Đối với mô hình bò được hỗ trợ 32 con giống được các hộ chăm sóc và đã sinh sản thêm 27 con giống để trao cho 27 hộ khác.

Hiệu quả của các mô hình sinh kế hỗ trợ hội viên, phụ nữ vùng biên chính là phương thức “trao cần câu” thay vì cho “con cá” để hội viên, phụ nữ từng bước thay đổi tư duy sản xuất. Tham gia các mô hình, các hộ cam kết không bán, không giết thịt, nếu bán gia đình phải có trách nhiệm thay thế con đã bán; chăm sóc tốt để tái đàn; thực hành tiết kiệm để chia sẻ khó khăn với nhau; thực hiện nghiêm các quy định của hội phụ nữ, UBND xã và quy chế hoạt động của THT... Đây là cách làm mới đã phát huy hiệu quả bền vững các mô hình.

Thanh Hóa hiện có 16 xã giáp biên của 5 huyện miền núi gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân. Hầu hết đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 và 2021-2025, các cấp hội LHPN trong tỉnh và các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã luôn đồng hành trao tặng quà, hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hội viên, phụ nữ vùng biên. Giai đoạn 1 (2018-2020) chủ yếu hỗ trợ tặng quà, nhu yếu phẩm, thăm khám bệnh...; giai đoạn 2 (2021-2025) hỗ trợ mô hình sinh kế, mái ấm tình thương, hỗ trợ xi măng làm đường giao thông... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, phụ nữ tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Tính đến đầu năm 2023, 16/16 xã vùng giáp biên đã được Hội LHPN tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành tổ chức nhiều hoạt động mang lại lợi ích cho hội viên và người dân. Trong đó có 18 mô hình kinh tế tập thể với sự tham gia của 351 thành viên (trong đó có 17 THT chăn nuôi và 1 THT vệ sinh môi trường); trao 2.370 con giống cho các THT chăn nuôi và xe chở rác cho THT vệ sinh môi trường, trị giá hơn 2,9 tỷ đồng. Hiện nay các mô hình đang hoạt động hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao bởi tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống hội viên, phụ nữ. Điểm nổi bật nhất là chị em được tham gia nhiều lớp tập huấn kiến thức sản xuất, xây dựng hạnh phúc gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội...; mức sống nhiều hộ gia đình hội viên được nâng lên, chị em chủ động tham gia các phong trào thi đua và tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình và phát triển.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]