(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, là người khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào thi đua ái quốc, tạo nên nguồn xung lực to lớn cho những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhận diện và giải pháp khắc phục những lệch lạc trong phong trào thi đua yêu nước theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, là người khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào thi đua ái quốc, tạo nên nguồn xung lực to lớn cho những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Cách đây tròn 70 năm, giữa những ngày tháng gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhằm huy động sức mạnh vĩ đại toàn dân tộc vào sự nghiệp “kháng chiến và kiến quốc”, ngày 11-6- 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng nhiều bài nói, bài viết của Người đều toát lên những quan điểm, tư tưởng lớn về thi đua yêu nước, bởi tính sâu sắc, thiết thực, toàn diện và hệ thống, sức lôi cuốn, hiệu triệu mạnh mẽ và sức sống trong lòng xã hội. Mỗi chúng ta đều tìm thấy trong di sản tư tưởng của Người những giá trị văn hóa lớn từ mục đích, ý nghĩa của thi đua, bản chất, nội dung và cách thức thi đua, lực lượng thi đua yêu nước... Đồng thời, bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương ngời sáng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta học tập trong phong trào thi đua yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, thi đua ái quốc là nhằm: Chiến thắng giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và còn để “Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”1, làm cho nước nhà mau giành được độc lập, tự do, tiến lên giàu mạnh, phồn vinh, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Người nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” 2. Quan điểm, tư tưởng cốt lõi đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đèn pha, sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta trong phong trào thi đua ái quốc qua các thời kỳ cách mạng.

Thực tiễn lịch sử luôn khẳng định, lực lượng có sức mạnh vô địch trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc đó là nhân dân. Nhưng thi đua yêu nước có trở thành phong trào cách mạng hay không, có mang lại lợi ích thiết thực hay không phụ thuộc vào quần chúng nhân dân. Nếu không có sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, không được nhân dân tự giác, tự nguyện tham gia thì phong trào thi đua yêu nước không thể tồn tại và phát triển.

Thực hiện chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước đã tạo ra sức mạnh to lớn để dân tộc ta bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, làm nên những mốc son trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu to lớn đó, việc tổ chức triển khai phong trào thi đua ái quốc cũng gặp không ít trở lực, khó khăn, bởi còn không ít những biểu hiện lệch lạc, làm suy giảm sức mạnh của phong trào. Hồ Chí Minh đã sớm bắt mạch, chỉ ra những biểu hiện lệch lạc đó, để kịp thời có những giải pháp chữa trị, đưa phong trào thi đua ái quốc phát triển không ngừng và rộng khắp. Có thể tóm lược những biểu hiện lệch lạc đó trên những vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, chưa hiểu sâu sắc mục đích, ý nghĩa của thi đua yêu nước. Do chưa hiểu sâu sắc mục đích, ý nghĩa của thi đua yêu nước nên “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”; “Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ”3. Người cho rằng “Đó là vì tư tưởng thi đua chưa thấm nhuần, thấu suốt mọi người, vì cán bộ giải thích kém”4.

Thứ hai, tổ chức và lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước còn kém. Người cho rằng, lãnh đạo thi đua còn có tính mệnh lệnh hành chính, hình thức chủ nghĩa. “Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng. Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm”5. Trong hướng dẫn thi đua còn thiếu thống nhất, dập khuôn, máy móc. Trung ương gửi chỉ thị thế nào, cấp dưới (khu, tỉnh, huyện, xã) cứ máy móc thực hiện, áp dụng thiếu linh hoạt, sáng tạo, thiết thực.

Thứ ba, chương trình, kế hoạch thi đua thiếu khoa học, chưa phù hợp thực tiễn, thiếu tính liên tục, rộng khắp trong thi đua yêu nước. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chương trình, kế hoạch thi đua còn lủng củng, kém linh hoạt, không cụ thể, thiết thực. Nhiều nơi đặt kế hoạch không sát với hoàn cảnh, thực tiễn. Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi. Nơi thì đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhiều nơi thi đua chưa được thường xuyên, thiếu liên tục, rộng khắp.

Để sớm sửa chữa những khuyết điểm, thúc đẩy phong trào thi đua lên cao và rộng khắp, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn nhiều giải pháp, có thể khái quát như sau:

Một là, coi trọng công tác tư tưởng trong phong trào thi đua. Phong trào thi đua yêu nước có tính nhân dân rộng lớn, nên cần phải tuyên truyền, giải thích kỹ để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi một người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của thi đua và tự giác tham gia. Chỉ khi nào có được sự tham gia tích cực của nhân dân, trở thành phong trào hành động của mọi tầng lớp nhân dân, thì khi đó phong trào thi đua yêu nước mới có gốc rễ để khẳng định sức sống và giá trị. Theo Người, “Muốn thi đua trở nên một phong trào sâu rộng, mọi người đều hăng hái tham gia, thì cần đánh thông tư tưởng của mọi người. Phải làm cho mọi người đều hiểu rõ thi đua là ích nước lợi nhà, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”6.

Hai là, có phương hướng, kế hoạch nội dung thiết thực, toàn diện. Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững chắc. Nội dung của kế hoạch thi đua phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phải tuyệt đối tránh sự sơ suất “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “ Kế hoạch phải thiết thực. Tổ chức phải hẳn hoi. Lãnh đạo phải chặt chẽ. Phân công phải rõ ràng. Mọi việc phải dân chủ. Thi đua phải bền bỉ”7. Đồng thời, kế hoạch, phong trào thi đua phải mang tính toàn dân, toàn diện, “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào,... không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào”8.

Ba là, đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn trong phong trào thi đua. Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (từ giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch...). Trong lúc thi đua, phải đôn đốc, kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu 9.

Bốn là, xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt trong phong trào thi đua. Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Cán bộ nào phong trào nấy. Đối với công tác thi đua, “Trước hết cần có cán bộ. Cán bộ của phong trào thi đua phải giỏi cả lý luận và thực hành”. Từ thực tiễn phong trào, nếu không xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động và sáng tạo thì không thể có những thành công trong phong trào thi đua ái quốc.

Năm là, xây những tấm gương điển hình trong thi đua yêu nước. Phong trào thi đua yêu nước luôn được dẫn đường, thúc đẩy bằng những tấm gương điển hình. Hồ Chí Minh chỉ dạy: Cán bộ, chiến sĩ thi đua phải là người kiểu mẫu, là đầu tàu. “ Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”10.

Sáu là, coi trọng tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương sáng của phong trào thi đua. Trong đó, cần phải chú ý kết hợp “Gom góp sáng kiến. Rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm”, làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Theo Hồ Chí Minh, “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Chính vì vậy, Người vừa khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, vừa trực tiếp theo dõi, động viên, khuyến khích, gửi tặng huy hiệu, tưởng thưởng cho những cá nhân, tập thể có thành tích, nhằm biểu dương và nhân lên nhiều tấm gương thi đua trên toàn quốc.

70 năm đã trôi qua, càng khẳng định giá trị lịch sử to lớn và sức sống mãnh liệt, trường tồn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những chỉ dạy quý báu của Người về thi đua ái quốc khiến mỗi chúng ta suy ngẫm sâu sắc và rất cần vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn phong trào thi đua và công tác thi đua hiện nay, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

PGS,TS Đỗ Xuân Tuất

Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG (Xuất bản lần thứ ba), tập 6, tr.167.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7 tr.402.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.134.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.108.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.134.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.525.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.525.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.145.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.145.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, tập 12, tr. 558.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]