(Baothanhhoa.vn) - Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân; chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) không chỉ là nhiệm vụ của những người làm công tác giáo dục mà còn là của các cấp ủy đảng, chính quyền và các lực lượng xã hội... Vì lẽ đó, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân cũng như sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, trong nhiều năm qua, công tác xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: “Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân; chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) không chỉ là nhiệm vụ của những người làm công tác giáo dục mà còn là của các cấp ủy đảng, chính quyền và các lực lượng xã hội... Vì lẽ đó, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân cũng như sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, trong nhiều năm qua, công tác xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: “Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dụcKhuôn viên trường, lớp Trường Tiểu học Thạch Long (Thạch Thành) được xây dựng khang trang, sạch, đẹp đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia.

Phong trào xây dựng trường đạt CQG được phát động từ nhiều năm qua. Tiêu chí xây dựng trường CQG ở các bậc học là những yếu tố thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, như: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Ở tỉnh ta, phong trào xây dựng trường đạt CQG được phát động, triển khai trong điều kiện cơ sở vật chất giáo dục gặp không ít khó khăn, nhất là khu vực miền núi. Tuy nhiên, xác định tầm quan trọng của phong trào này, ngành giáo dục đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung, xây dựng trường đạt CQG nói riêng bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Là huyện miền núi, đời sống người dân cũng như việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở vật chất trường học theo hướng đạt CQG nói riêng trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, đến nay, huyện Thạch Thành đã có 64/89 trường đạt CQG, chiếm tỷ lệ 71,9%. Được biết, để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng trường chuẩn, huyện Thạch Thành thực hiện phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, chọn những trường cận chuẩn trích từ 300 đến 500 triệu đồng từ ngân sách huyện hỗ trợ kích cầu các trường xây dựng chuẩn. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh huy động xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đặc biệt khó khăn; đưa ra phương án cụ thể đối với từng trường, đồng thời, ban chỉ đạo xây dựng trường CQG huyện luôn sâu sát kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giao trách nhiệm cho người đứng đầu mỗi đơn vị... Từ đó, việc xây dựng trường CQG trên địa bàn huyện trở thành động lực để các nhà trường chỉnh trang cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Thầy giáo Lê Xuân Cảnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Long cho biết: “Được sự quan tâm của ngành giáo dục, chính quyền địa phương cũng như sự nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường trong xây dựng cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, tháng 6-2020, nhà trường vinh dự được công nhận trường đạt CQG. Đây vừa là động lực và cũng là tiền đề quan trọng để mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nhà trường; huy động học sinh ra lớp, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học trên địa bàn xã”.

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành giáo dục huyện Hoằng Hóa đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt CQG hướng tới mục tiêu chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Theo đó, ngành giáo dục huyện đã lập kế hoạch chi tiết về lộ trình thực hiện, nắm bắt thực lực của các đơn vị trường để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục trong quá trình xây dựng trường CQG. Ban chỉ đạo xây dựng trường CQG huyện thường xuyên được kiện toàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng các nhà trường theo tiêu chuẩn trường đạt CQG. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã tích cực vào cuộc, huy động nguồn lực; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm tập trung làm tốt nhiệm vụ xây dựng trường đạt CQG theo chỉ tiêu kế hoạch năm. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoằng Hóa, cho biết: Việc xây dựng trường học đạt CQG đã được huyện đưa vào Nghị quyết Đảng bộ huyện và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp quản lý và các nhà trường, là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong trường học trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện Hoằng Hóa đã có 126 trường đạt CQG, đạt tỷ lệ 97,4%. Trong đó, mầm non có 40/43 trường, tiểu học có 40/40 trường, THCS 38/39 trường và 4/4 trường tiểu học và THCS đạt chuẩn. Trong số đó nhiều trường đã đạt chuẩn ở mức độ 2 với 100% giáo viên được xếp loại chuyên môn tốt, tỷ lệ học sinh lên lớp luôn đạt 100%, học sinh có học lực khá, giỏi đạt trên 80%...

Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng trường đạt CQG không chỉ là nhiệm vụ của các nhà trường, ngành giáo dục mà đã được cả hệ thống chính trị và Nhân dân các địa phương quan tâm thực hiện, ủng hộ. Nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã quan tâm, mở rộng khuôn viên, tăng quỹ đất cho các nhà trường, đáp ứng yêu cầu của trường đạt CQG. Theo thống kê của ngành giáo dục, trung bình mỗi năm học, toàn tỉnh có từ 80 đến gần 100 trường đạt CQG ở các bậc học. Hiện, tỷ lệ trường đạt CQG trong toàn tỉnh đạt 72,69% với 1.525/2.064 trường đạt chuẩn. Trong đó, cấp mầm non có 482/684 trường (đạt 70,36%), tiểu học, 554/642 trường (đạt 86,29%); tiểu học và THCS, 25/51 trường (đạt 49,02%), THCS, 426/591 trường (đạt 72,08%) và THPT có 38/96 trường (đạt 39,58%). Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng trường đạt CQG của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là việc thiếu giáo viên dạy 2 buổi trên ngày đối với cấp tiểu học theo quy định; ngân sách đầu tư cơ sở vật chất của nhiều địa phương còn hạn chế, trong khi đó công tác xã hội hóa gặp không ít khó khăn. Bên cạnh những trường giữ vững kết quả đạt chuẩn, một số trường do thiếu nguồn kinh phí nên chưa chú trọng củng cố cơ sở vật chất hay chất lượng giáo dục để duy trì chuẩn... Điều này đòi hỏi các nhà trường cần tiếp tục quan tâm duy trì, củng cố, bổ sung, nâng cấp các tiêu chí một cách vững chắc, nhất là về chất lượng giáo dục. Đặc biệt, các địa phương, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng xã hội cần tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm tiêu chí trường CQG, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]