(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, ngành giáo dục Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) áp dụng vào thực tiễn giảng dạy và đã đạt được những kết quả nhất định.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục: Cần thực chất và hiệu quả hơn

Trong những năm qua, ngành giáo dục Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) áp dụng vào thực tiễn giảng dạy và đã đạt được những kết quả nhất định.

Viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục: Cần thực chất và hiệu quả hơn

Một giờ học của cô, trò Trường Tiểu học Cẩm Sơn (Cẩm Thủy).

Tiến sĩ Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Từ năm học 2016-2017, việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện viết SKKN của ngành đã từng bước được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Ngành đã đưa phần mềm quản lý SKKN vào sử dụng giúp cho cán bộ, giáo viên (CB, GV) và nhân viên trong ngành truy cập kết quả đánh giá, xếp loại, thống kê số lượng SKKN được xếp loại, tham khảo SKKN đạt giải... thuận tiện và kịp thời hơn. Đặc biệt, việc đánh giá xếp loại tại Hội đồng SKKN cấp tỉnh của ngành được thực hiện theo hướng: Giám khảo đánh giá xếp loại phải có SKKN loại B (cấp sở) trở lên; mỗi giám khảo chỉ đánh giá xếp loại không quá 25 SKKN thuộc một môn hoặc một lĩnh vực; thực hiện chấm hai vòng độc lập và chấm thẩm định vòng thứ ba đối với các trường hợp hai vòng đầu lệch nhau quá hai bậc đánh giá... Điều này giúp cho việc đánh giá, xếp loại nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, kết quả đánh giá có sự phân loại rõ rệt, phản ánh giá trị thực của SKKN.

Cũng qua đánh giá của ngành giáo dục, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã quan tâm đến công tác viết SKKN, xem việc tham gia viết SKKN vừa là quá trình tự học, tự bồi dưỡng của mỗi CB, GV, đồng thời tạo căn cứ để xét thi đua, khen thưởng vào cuối mỗi năm học. Trong đó, có nhiều đơn vị làm tốt như các phòng GĐ&ĐT: TP Thanh Hóa, các huyện Nga Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương... Nhiều CB, GV có SKKN hay cũng đã được ngành đánh giá cao như, thầy giáo Lưu Việt Hoàng, Trường THCS Nga Vịnh (Nga Sơn), Nguyễn Thị Hiền, Trường THCS Nhữ Bá Sĩ (Hoằng Hóa), Dương Đình Sỹ, cơ quan Sở GD&ĐT...

Tuy nhiên, trên thực tế, việc viết SKKN vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Theo Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục ngày 28-8-2018 của Bộ GD&ĐT để được xét các danh hiệu thi đua, nhất là danh hiệu “chiến sĩ thi đua”, mỗi CB, GV phải có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc SKKN được áp dụng và mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận. Nhiều GV cho rằng, quy định này đã tạo không ít áp lực cho CB, GV. Bởi lẽ, bên cạnh những CB, GV tâm huyết đã có những SKKN hay, thì cũng có không ít trường hợp làm chỉ để đáp ứng điều kiện xét thi đua và hình thức khen thưởng nên đã sao chép SKKN, hoặc làm cho có. Mặt khác, kể cả người có năng lực, kinh nghiệm thì không phải năm nào cũng có SKKN tốt. Chính vì vậy, dù mỗi năm có không ít SKKN được đánh giá xếp loại, nhưng để áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao hiệu quả quản lý thì không nhiều. Đặc biệt, những năm gần đây, số lượng SKKN gửi Hội đồng SKKN cấp tỉnh của ngành chấm không đạt yêu cầu ngày một tăng. Ví như năm học 2016-2017 toàn tỉnh có 3.163 SKKN tiêu biểu gửi Hội đồng SKKN cấp tỉnh của ngành đánh giá, có 899 SKKN không đạt yêu cầu. Năm học 2018-2019 vừa qua, toàn tỉnh có 2.860 SKKN gửi đánh giá, số SKKN qua đánh giá không đạt yêu cầu lên tới 1.012 sáng kiến. Mà đó là những SKKN tiêu biểu của các nhà trường, địa phương gửi lên chấm cấp tỉnh. Ở cơ sở chắc chắn còn hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn SKKN viết ra không biết để làm gì?!

Để có một SKKN hay, có giá trị thực tiễn, đề xuất được những phương pháp cải tiến mới, đòi hỏi người làm phải trải qua nhiều năm công tác và đã đúc kết được kinh nghiệm giảng dạy. Ngoài kinh nghiệm thực tế, tìm ra phương pháp mới thì khi thực hiện một SKKN đòi hỏi người viết phải biết trình bày đề tài một cách chặt chẽ, lôgic và theo trình tự khoa học với lời văn trong sáng, dễ hiểu. Thế nhưng, không ít cán bộ quản lý và giáo viên chia sẻ, hiện nay, phần lớn các SKKN được ra đời bởi sự thúc ép bằng các mệnh lệnh hành chính, bằng các chỉ tiêu thi đua, đôi khi là lợi ích cá nhân chứ không phải đúc kết từ tâm huyết, kinh nghiệm giảng dạy. Cá biệt, có những trường hợp đăng ký các danh hiệu thi đua nhưng lại không dành thời gian, công sức để làm SKKN mà sử dụng thủ thuật “sao chép” trên mạng, biến SKKN của người khác thành của mình. Thế rồi, hội đồng chấm SKKN vẫn công nhận, thậm chí là được xếp loại cao. Lại có những trường hợp giáo viên tận tâm, tận lực với nghề, đạt kết quả cao trong giảng dạy (có HS đạt giải cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen) nhưng vì không có SKKN nên không được xếp loại thi đua cao (chiến sĩ thi đua các cấp)...

Từ thực tế đó, đã đến lúc ngành giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề để đưa ra những giải pháp tích cực nhằm thay đổi toàn diện hoạt động viết SKKN, đưa hoạt động này đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Ngành cũng cần xác định rõ mục tiêu của việc viết SKKN, tập trung vào những nhóm nội dung cụ thể như, đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục đạo đức cho học sinh... Ngoài ra, cần chủ động phát huy và nhân rộng, tạo sức lan tỏa đối với những sáng kiến hay, kinh nghiệm quý; mỗi SKKN được ngành xếp loại nên có giá trị trong xét thi đua từ 3-5 năm thay vì 1 năm như hiện nay để CB, GV không phải nhọc nhằn đối phó để rồi có những SKKN qua loa, tốn giấy mực, không biết để làm gì. Để SKKN thực sự là những tri thức, kỹ năng, phương pháp điển hình mà người viết tích lũy được trong thực tiễn công tác đưa vào sử dụng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, dạy và học, hoặc để khắc phục được những khó khăn mà những biện pháp thông thường không thể giải quyết được, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]