(Baothanhhoa.vn) - Giáo viên chủ nhiệm(GVCN) lớp là người chịu trách nhiệm thực hiện mọi quyết định quản lý của hiệu trưởng đối với lớp học và các thành viên trong lớp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp tại các trường Chính trị tỉnh

Giáo viên chủ nhiệm(GVCN) lớp là người chịu trách nhiệm thực hiện mọi quyết định quản lý của hiệu trưởng đối với lớp học và các thành viên trong lớp.

Vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp tại các trường Chính trị tỉnh

Hình ảnh tại hội thảo Xây dựng Trường Chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) chính trị và nghiên cứu khoa học (NCKH) trong giai đoạn hiện nay.

GVCN lớp là người vạch kế hoạch, tổ chức, định hướng, dẫn dắt cho lớp mình thực hiện các công việc theo đúng tiến độ mà mình đề ra; theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện kế hoạch đó của học viên. GVCN lớp phải biết phối hợp với giảng viên các khoa chuyên môn, chỉ huy quản lý người học trong suốt khóa học. Giáo viên chủ nhiệm cũng là người phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong trường, trong đó quan hệ với nhiều thầy cô các khoa chuyên môn, các phòng chức năng, với các địa phương cơ sở để làm tốt công tác quản lý dạy và học.

Tuy nhiên trong thực tế có những quan niệm sai lầm trong nhận thức về chức vụ giáo viên chủ nhiệm lớp chưa tương xứng với tầm quan trọng của chức vụ này, chưa đúng với các văn bản luật cũng như các văn bản quản lí giáo dục quy định và thậm chí có cả những cách nhìn đã lạc hậu, lỗi thời… Vì vậy, để người giáo viên chủ nhiệm lớp phát huy vai trò của mình cần nhận thức đúng tầm quan trọng về vị trí, vai trò của người họ.

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp

Giáo viên chủ nhiệm cần hội tụ đủ các tiêu chuẩn và điều kiện đứng ra làm chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện nhiệm vụ quản lí lớp học và là nhân vật chủ chốt, là linh hồn của lớp, người tập hợp, định hướng, chia sẻ với học viên mọi công việc để học viên hoàn thành khóa học và xây dựng tập thể lớp vững mạnh, đoàn kết. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm lớp cần có những vai trò sau đây:

Thay mặt hiệu trưởng quản lí một lớp học

Giáo viên chủ nhiệm lớp do hiệu trưởng phân công và thay mặt hiệu trưởng để quản lí, định hướng, gắn kết, chia sẻ với học viên trong cả khóa học.

Vai trò quản lí của giáo viên chủ nhiệm lớp thể hiện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch chủ nhiệm lớp, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và đánh giá, xếp loại kết quả học tập và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người học viên trong lớp.

Giáo viên chủ nhiệm phải trả lời các câu hỏi về chất lượng học tập và kết quả rèn luyện của học viên trong lớp trước hiệu trưởng, trước BGH nhà trường.

Xây dựng tập thể học viên thành một khối đoàn kết

Giáo viên chủ nhiệm lớp là linh hồn của lớp, bằng các biện pháp tổ chức, giáo dục, bằng sự gương mẫu và quan hệ tình cảm, giáo viên chủ nhiệm xây dựng khối đoàn kết trong tập thể, định hướng, khích lệ người học nhằm xây dựng tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh.

Học viên kính trọng, gắn bó, chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm như một gia đình để xây dựng tập thể lớp vững mạnh. Tình cảm của lớp càng bền chặt, tinh thần trách nhiệm và uy tín của giáo viên chủ nhiệm càng cao thì chất lượng giảng dạy giáo dục càng đạt kết quả.

Một khóa học có rất nhiều giảng viên lên lớp, nhưng giáo viên chủ nhiệm bao giờ cũng để lại những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp đối với từng người học trong suốt cuộc đời họ. Làm được điều đó là một thành công lớn của người giáo viên chủ nhiệm.

Tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa, hoạt động nghiên cứu thực tế …

Vai trò tổ chức của giáo viên chủ nhiệm thể hiện trong việc thành lập Ban cán sự lớp, bộ máy tự quản của lớp, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, các tổ, nhóm, đồng thời tổ chức thực hiện các mặt hoạt động theo kế hoạch chủ nhiệm lớp được xây dựng cho từng lớp.

Các hoạt động của lớp được tổ chức đa dạng và toàn diện, giáo viên chủ nhiệm lớp quán xuyến tất cả các hoạt động một cách cụ thể, chặt chẽ.

Các phong trào thi đua học tập đi vào thực chất, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động nghiên cứu thực tế cần định hướng phù hợp với công việc của đại đa số học viên đang công tác… Chất lượng học tập và kết quả rèn luyện tu dưỡng đạo đức của học viên phụ thuộc rất nhiều vào trật tự, kỉ luật, vào tinh thần đoàn kết, vào sự sẻ chia đôn đốc của giáo viên chủ nhiệm lớp.

Giữ vai trò chủ đạo trong các mối quan hệ phối hợp

Nhà trường, địa phương, cơ quan công tác, cá nhân người học và xã hội là những thành tố, những lực lượng cơ bản góp phần tạo nên sự bền vững và phát triển tốt đẹp của một lớp học. Vì vậy giáo viên chủ nhiệm phải là người chủ đạo trong điều phối các hoạt động giáo dục cùng với các lực lượng giáo dục đó xây dựng một cách có hiệu quả nhất.

Năng lực, uy tín chuyên môn, kinh nghiệm công tác của giáo viên chủ nhiệm lớp là điều kiện quan trọng để tập hợp lực lượng, phối hợp thành công các hoạt động giáo dục cho học viên trong lớp.

Hạn chế của giáo viên chủ nhiệm

Thông qua lý luận và thực tiễn, thì hiệu quả của công tác chủ nhiệm phụ thuộc rất lớn vào năng lực của người làm công tác chủ nhiệm. Thế nhưng, không ít giáo viên làm công tác chủ nhiệm vẫn còn thụ động, chạy theo các vụ việc, việc quản lý còn buông lỏng, chưa thực sự sâu sát với lớp học. Nhiều giáo viên chủ nhiệm chưa chủ động trong công việc, còn lệ thuộc quá nhiều ở sự nhắc nhở của ban giám hiệu nhà trường, làm theo kế hoạch của phòng chức năng. Họ còn trông chờ, ỷ lại, chưa thể hiện sự chủ động của mình trong công tác chủ nhiệm. Ban giám hiệu nhà trường không thể làm thay phần việc của giáo viên chủ nhiệm, và cũng không thể lúc nào cũng nắm bắt kịp thời tình hình cụ thể của từng lớp, của từng đối tượng người học. Thực trạng đó đã dẫn đến một số tồn tại, khuyết điểm phổ biến như: Học viên chưa thực hiện tốt “3 không, 3 có” mà nhà trường đặt ra. Việc đi muộn về sớm chưa nghiêm túc chấp hành nội qui, qui chế của lớp học còn diễn ra ở nhiều lớp, nhiều hệ… Không ít giáo viên chủ nhiệm lớp chưa thực sự đầu tư thời gian gần gũi nắm bắt tâm tư người học, chưa đầu tư tìm hiểu truyền thống phong tục vùng miền của học viên các huyện…; dẫn đến công tác phối hợp có nhiều trở ngại, hiệu quả không cao. Trong quá trình chủ nhiệm, khả năng dự báo của một số giáo viên chưa tốt, chưa cụ thể hóa các nhiệm vụ, quy định trong kế hoạch chủ nhiệm lớp thành chương trình hành động cụ thể, vì thế công tác chủ nhiệm kém phần phong phú.

Phải khẳng định rằng, thực trạng công tác chủ nhiệm những năm qua chưa linh hoạt, sáng tạo, thiếu đầu tư. Công tác chủ nhiệm của giáo viên chưa xứng tầm với vai trò của nó đối với việc hình thành nhân cách người học trong bối cảnh đổi mới của nền giáo dục hiện nay.

Một số giải pháp

Trước hết, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của GVCN lớp. Thực tế nhiều người đã coi nhẹ công tác chủ nhiệm lớp. Trong nhà trường vẫn có rất nhiều những GVCN chưa thực sự làm tốt vai trò của mình. Có thể nói, vì GVCN là cán bộ quản lý lớp cho nên người dạy giỏi và người giáo viên chủ nhiệm giỏi không đồng nghĩa là một. Tố chất cơ bản quyết định sự thành công của giáo viên chủ nhiệm là tố chất của một con người hành động; chủ nhiệm lớp phải nghiêm túc và làm việc một cách có kế hoạch, phải là người dám nghĩ , dám làm và dám chịu trách nhiệm. Việc quản lý trường học, lớp học không thể có một chương trình cài đặt sẵn, không dập khuôn lớp này giống lớp kia, người học viên này giống người học viên kia… Nên đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải luôn linh hoạt, chủ động với từng công việc thực tiễn cụ thể. Qua đó điều chỉnh kế hoạch kịp thời hoặc huỷ bỏ theo quy trình: xây dựng kế hoạch - thực hiện kế hoạch - kiểm tra kế hoạch - tổng kết và vạch kế hoạch mới. Rất cần ở chủ nhiệm lớp các phẩm chất nhiệt tình, sâu sát, quan sát đa chiều, nắm bắt tâm lí học viên, có khả năng xây dựng, hội tụ đội ngũ ban cán sự lớp tốt. Làm được điều đó GVCN phải vừa là thầy của người học, vừa là bạn của người học.

Bên cạnh đó, GVCN cần biết thông cảm và chia sẻ những khó khăn của người học; luôn khích lệ, động viên, tạo động lực thúc đẩy để người học thi đua học tập, rèn luyện, xây dựng tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh. Làm được như vậy chủ nhiệm lớp sẽ có được nhiều kinh nghiệm, vốn sống, năng lực chủ nhiệm sẽ nâng cao.

Có thể nói GVCN là người quyết định mọi sự phát triển và tiến bộ của lớp, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất về mọi hoạt động của học viên. Không những thế, đội ngũ GVCN còn là một lực lượng hỗ trợ đắc lực cho hiệu trưởng, sẽ “nối thêm đầu, gắn thêm mắt, nối dài tay…” bao quát mọi hoạt động của nhà trường, giúp cho uy tín, vị thế của nhà trường ngày càng nâng cao hơn nữa./.

Ths. Nguyễn Thị Quy - Trường Chính trị Tỉnh Thanh Hóa


Ths. Nguyễn Thị Quy - Trường Chính trị Tỉnh Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]