(Baothanhhoa.vn) - Tại bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát), điều kiện kinh tế của người dân còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng những đứa trẻ nơi đây vẫn đang từng ngày cố gắng đến trường tìm cái chữ, mong một tương lai tươi sáng hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm chữ nơi cổng trời

Tại bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát), điều kiện kinh tế của người dân còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng những đứa trẻ nơi đây vẫn đang từng ngày cố gắng đến trường tìm cái chữ, mong một tương lai tươi sáng hơn.

Học sinh điểm trường bản Ón, Trường Tiểu học xã Tam Chung (Mường Lát).

Khi trường về bản

Bản Ón, xã Tam Chung là một trong những bản vùng biên khó khăn nhất của huyện Mường Lát. Từ trung tâm xã vào đến bản Ón 22 km, nhưng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới vào đến bản. Vừa đến bản Ón, bí thư chi bộ Giàng A Chống đã chỉ cho chúng tôi dãy phòng học mới của điểm trường mầm non bản Ón đang được xây dựng phía chân đồi. Màu trắng tường vôi nổi bật giữa nền xanh của ngút ngàn núi rừng.

Trong niềm vui chuẩn bị có phòng học mới cho trẻ em trong bản, anh Chống cho biết: Sau đợt áp thấp nhiệt đới tháng 10-2017, dãy phòng học bằng tranh tre, nứa lá của học sinh mầm non nằm ngay khu vực bị sạt lở. Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư xây dựng một khu phòng học mới kiên cố ở vị trí an toàn hơn với 6 phòng học. Do mưa kéo dài nên đầu năm học mới 2018 -2019, dãy phòng học mới chưa hoàn thiện. Khoảng 2, 3 tháng nữa là trẻ em trong bản có thể được học ở trường học mới. Người dân bản Ón vui mừng lắm vì con em sẽ được học ở môi trường tốt hơn, an toàn hơn. Hiện nay, các cháu học sinh mầm non bản Ón vẫn đang học tạm ở dãy phòng học cũ được bà con lợp tạm bằng tre, nứa. Phòng học này được người dân tu bổ hàng năm nhưng vẫn hở tứ bề.

Cô giáo Phạm Thị Đợi, giáo viên điểm trường bản Ón, Trường Mầm non Tam Chung, cho biết: Học sinh bản Ón vô cùng khó khăn do người dân nơi đây còn nghèo. Học sinh còn không có dép để đi, không đủ quần áo để mặc... Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học nơi đây cũng vô cùng thiếu thốn. Hiện điểm trường mầm non bản Ón có 54 cháu, phòng học vẫn đang tạm bợ. Gặp những hôm trời mưa, lớp học lầy lội, cả cô trò đều bị ướt, quần áo dính đầy bùn đất. “Vất vả là vậy nhưng những năm gần đây, học sinh bản Ón đã ra lớp nhiều hơn. Đặc biệt là lớp mẫu giáo, dưới sự vận động của các cô giáo, bí thư chi bộ, trưởng bản, hầu hết các em học sinh trong độ tuổi này đều đã đến lớp. Chúng tôi mong sớm hoàn thành dãy phòng học mới để các em học sinh đến trường đỡ vất vả” – cô Đợi nói.

Tiếp tục dẫn chúng tôi ghé thăm điểm trường bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung, anh Giàng A Chống phấn khởi giới thiệu: Đây là dãy phòng học lắp ghép được một tổ chức từ thiện ủng hộ xây dựng, vừa đưa vào sử dụng năm học 2017-2018. Dãy phòng học được lắp đặt trên vùng đất cao, không còn lo sợ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Từ ngày có trường, lớp mới, các thầy, cô giáo, học sinh học tập cũng đỡ vất vả hơn; học sinh đi học cũng đông đủ hơn. Bản Ón có 3 khu gồm: Ón 1, Ón 2, Ón 3. Từ khu Ón 1 đến khu Ón 3, cách nhau 8 km. Học sinh đi học xa cũng rất vất vả, nhất là những ngày mưa. Nhiều học sinh do bố mẹ bận đi làm không thể đưa đến trường phải tự đi bộ đi học. Khó khăn còn nhiều, nhưng chúng tôi luôn vận động các gia đình tạo điều kiện cho con em được đến trường; động viên các cháu cố gắng học tập, để thoát đói, nghèo.

Anh Giàng A Dũng, khu Ón 3, bản Ón, có con học lớp 3, điểm trường bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung, vui vẻ chia sẻ: Trước kia, dãy phòng học cũ của khu lẻ tiểu học được người dân làm bằng tre nứa, nền đất, học sinh ngồi học rất vất vả, các thầy, cô giáo dạy học cũng khó khăn. Những hôm trời mưa to là học sinh phải nghỉ học do phòng học bị dột, lớp học bị ngập nước; mùa đông thì gió lùa vào lạnh cóng... Trường học mới được xây dựng như một sự kiện lớn của bản Ón, dân bản vô cùng phấn khởi, học sinh cũng thích đến trường hơn.

Giấc mơ thoát nghèo

Những năm trước đây, bản Ón chưa có điểm trường, trẻ em nơi đây phải đi học ở bản khác, rất xa nhà, đường đi lại khó khăn nên số người được đi học ít, số người có thể tốt nghiệp THPT rất hiếm.

Là người đầu tiên có bằng tốt nghiệp THPT ở bản Ón, anh Giàng A Chống chia sẻ: Điều kiện khó khăn, đi học lại xa nhà hàng chục km, phải đi bộ qua suối, đồi... Bên cạnh đó, theo quan niệm trước đây của người dân, trẻ em lớn lên khoảng 13, 14 tuổi là dựng vợ, gả chồng. Vì vậy, trẻ em trong bản theo học được đã ít, việc có người theo học lên THPT lại càng hiếm. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học, tôi cố gắng học hết THPT rồi theo học tiếp lớp y tế thôn, bản tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát. Sau khi học xong, tôi tiếp tục tham gia nghĩa vụ quân sự. Với mong muốn được làm việc gì đó giúp ích cho người dân bản Ón, ra quân, tôi trở về bản làm nhân viên y tế thôn, bản, rồi được bầu làm bí thư chi bộ bản Ón.

Sau này, được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, điểm trường được xây dựng tại bản Ón. Trẻ em bản Ón đều đã được đến trường, có điều kiện học cái chữ. Bậc mầm non, tiểu học được học ngay tại bản, còn học THCS thì phải ra trung tâm xã. Được tuyên truyền, vận động, đến nay, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, nhiều gia đình đã cố gắng cho con tiếp tục theo học.

Là một gia đình tiêu biểu trong bản bởi có cả 4 người con đang theo học từ THCS đến THPT, anh Giàng A Chìa, khu Ón 1 cho biết: Gia đình có 4 người con (3 trai, 1 gái) đều đang đi học xa, gồm: Con gái học lớp 10 tại Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa; con trai học lớp 12, Trường Hữu nghị Việt Lào; 1 con trai học lớp 11, Trường THPT Mường Lát và 1 con trai học Trường THCS Tam Chung. “Điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn mong muốn các con được học hành đầy đủ. Cuộc sống của người dân nơi đây còn đói, nghèo, tôi động viên các con cố gắng học để thay đổi cuộc sống, hoặc học để có kiến thức về giúp dân bản thoát nghèo” – anh Chìa tâm sự.

Giàng A Chùa, con trai anh Giàng A Chìa, cũng chia sẻ: Trước đây, trong bản chưa có trường, em phải đi học ở bản Pom Khuông, xã Tam Chung, cách nhà khoảng 25 km. Để đến trường, em phải đi bộ, lội qua suối, trèo đèo. Vì đường xa nên mãi đến năm lên 8 tuổi em mới bắt đầu đi học lớp 1. Năm em học lớp 3, thì được chuyển về học tại bản. Đến nay, mặc dù em đã lập gia đình, nhưng được bố mẹ động viên, em vẫn tiếp tục theo học tại Trường Hữu nghị Việt Lào, hiện em đang học lớp 12. Năm học này, em sẽ tốt nghiệp THPT. Em đang cố gắng học thật tốt để hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia và sẽ đăng ký vào học tại trường đại học hoặc cao đẳng nào đó. Mong muốn của em là được về quê phục vụ cho dân bản. Vì vậy, em muốn tiếp tục học, có thể mang về những kiến thức mới để áp dụng vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bản Ón hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân đã bắt đầu quan tâm đến việc học tập của con em mình. Trẻ con bản Ón không còn bị “đói chữ” khi trường lớp đã khang trang, học sinh muốn được đến trường. Năm 2011, bản Ón mới có người tốt nghiệp THPT đầu tiên, đến nay đã có 10 người tốt nghiệp THPT, 14 học sinh đang học THPT, có 1 người học trường trung cấp nghề. Được đi học, các thế hệ trẻ bản Ón đang từng bước giúp người dân thoát nghèo với việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, sản xuất, chăn nuôi. Từ chỗ người dân chỉ sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, đến nay đồng bào bản Ón đã biết chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại. Các tập tục lạc hậu cũng đã dần thay đổi, như tập tục cưới hỏi, ma chay, cúng bái... Hiện nay, mong muốn của người dân bản Ón là con đường từ trung tâm xã Tam Chung vào bản sớm được hoàn thành, tạo điều kiện để bản Ón phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân và để hành trình tìm chữ của trẻ em bản Ón bớt gian nan.


Bài và ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]