(Baothanhhoa.vn) - Bảo đảm giảm, giãn cách học sinh (HS) trong lớp, bố trí học lệch giờ theo yêu cầu của ngành chức năng cũng như chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ tại Chị thị số 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện yêu cầu này, các trường học trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện giảm, giãn học sinh trong lớp học: Cần thiết nhưng khó thực thi

Bảo đảm giảm, giãn cách học sinh (HS) trong lớp, bố trí học lệch giờ theo yêu cầu của ngành chức năng cũng như chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ tại Chị thị số 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện yêu cầu này, các trường học trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn.

Thực hiện giảm, giãn học sinh trong lớp học: Cần thiết nhưng khó thực thi

Do khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nên việc thực hiện giảm, giãn học sinh trong một lớp của Trường THCS Đông Hải khó thực thi.

Trường THCS Đông Hải (TP Thanh Hóa) có gần 490 HS, nhưng toàn trường chỉ có 12 phòng học. Tính ra, mỗi lớp có sĩ số HS từ 42 đến 45 em, thậm chí có lớp lên tới 49 em. Trong khi đó, tại thời điểm này, nhà trường chỉ dạy học 1 buổi/ngày nên việc thực hiện giảm và giãn HS trong lớp bảo đảm theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của ngành chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn. Thầy Nguyễn Trung Tình, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hải cho hay: “Việc giảm, giãn HS trong lớp là cần thiết nhằm bảo đảm sự an toàn cho HS. Tuy nhiên, việc làm này sẽ khó khả thi đối với Trường THCS Đông Hải. Bởi, với số lượng HS hiện có, nếu thực hiện giảm, giãn HS trong một lớp theo yêu cầu, nhà trường cần thêm ít nhất 8 phòng học nữa, điều này là không thể vào lúc này. Nhà trường cũng đã tính đến phương án tách lớp, chia 2 buổi cho HS học, song cũng rất khó thực thi vì liên quan đến bố trí chuyên môn, phân công giáo viên giảng dạy, chi trả phụ cấp cho giáo viên khi tăng tiết, tăng giờ dạy...”. Được biết, từ khi HS quay trở lại trường học, Trường THCS Đông Hải đã thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Tất cả HS đến trường đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp học...

Không chỉ Trường THCS Đông Hải, hầu hết các trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa đang gặp phải khó khăn chung này. Bởi, nếu chia lớp thành những nhóm nhỏ hơn thì chẳng những không đủ phòng học mà giáo viên cũng không có đủ để thực hiện công tác giảng dạy. Ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho biết: Do điều kiện cơ sở vật chất về phòng học, sĩ số HS/lớp học cao, cùng với số lượng giáo viên không bảo đảm, nên các trường học trên địa bàn chưa thể thực hiện giãn và giảm số HS trong một lớp như mong muốn. Tại thời điểm này, nhiệm vụ đang được ngành giáo dục thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện là các nhà trường phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường, quản lý tốt sức khỏe HS; không tổ chức các hoạt động ngoại khóa, không tập trung quá đông HS vào cùng một thời điểm như ra chơi, lúc tan học; rút ngắn thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết học...

Từ khi HS quay trở lại trường học tập, Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa) đã làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong nhà trường mà ngành chức năng đã đưa ra. Song, trước yêu cầu giảm, giãn HS trong một lớp học, nhà trường vẫn chưa thể triển khai thực hiện được. Giải pháp mà nhà trường đưa ra là sắp xếp giãn bàn ghế trong phòng học đến mức có thể và vẫn duy trì sĩ số HS/lớp từ 42 em trở lên. Theo thầy Lê Viết Thế, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Đắc Bằng, khó khăn mà nhà trường gặp phải khi điều chỉnh giãn cách HS trong lớp là kích thước phòng học hạn chế so với sĩ số 42 HS/lớp hiện có. Nếu theo yêu cầu mỗi HS ngồi cách nhau ít nhất 1m thì một phòng học của nhà trường chỉ có thể ngồi được từ 25-30 em. Điều này cũng đồng nghĩa khi giãn HS nhà trường cần có thêm phòng học để đáp ứng yêu cầu dạy và học. Thế nhưng, hiện tại, Trường THPT Lương Đắc Bằng lại không có phòng học dự phòng để có thể tách lớp, do đó, rất khó thực hiện theo tiêu chí trên. Mặt khác, nếu chia tách lớp, giáo viên phải tăng số tiết, tăng giờ dạy, lúc này, nguồn kinh phí để chi trả thù lao cho giáo viên lại là vấn đề phải tính toán... Vì những lý do trên, hiện Trường THPT Lương Đắc Bằng vẫn chưa thể giảm, giãn HS theo yêu cầu của ngành chức năng.

Đa số giáo viên khi được hỏi về việc thực hiện giảm, giãn HS trong lớp học, bố trí học lệch giờ theo yêu cầu của ngành chức năng đều tỏ ra lo lắng. Bởi, chắc chắn khi giảm, giãn cách HS, cường độ làm việc của các thầy, cô giáo sẽ phải tăng lên và “mỗi người phải làm việc bằng 2”. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, hiệu quả công việc của mỗi giáo viên. Cô Hoàng Minh Hạnh, giáo viên Trường THCS Đông Hải chia sẻ: “Với điều kiện hiện nay, nếu giảm, giãn HS, giáo viên chúng tôi sẽ gặp khó khăn và áp lực trong giảng dạy. Bình thường 1 tiết giảng dạy cho hơn 40 em/lớp, nhưng nếu chia tách lớp, cùng nội dung tiết học đó phải thực hiện 2 lần. Như vậy, trung bình 1 giáo viên dạy 19 tiết/tuần, khi thực hiện giãn HS sẽ phải dạy lên tới 38 tiết/tuần. Nếu thực hiện 1, 2 tuần có thể cố gắng được, nhưng kéo dài cả tháng sẽ khó bảo đảm được sức khỏe. Rồi vấn đề sắp xếp thời gian như thế nào để thực hiện trọn vẹn mọi công việc cũng là một khó khăn”. Đối với các em HS, vẫn biết giãn cách trong lớp sẽ tốt cho bản thân, nhưng hầu hết các em lại không mấy “mặn mà” với chủ trương này, nhất là những bạn HS cuối cấp. Em Nguyễn Thị Ngân, HS lớp 12 A1, Trường THPT Lương Đắc Bằng cho hay: “Chủ trương giảm, giãn HS trong lớp là hoàn toàn đúng, nhưng nếu thực hiện em cảm thấy không yên tâm và có phần lo lắng. Lớp em có hơn 40 bạn nếu chia đôi lớp để học 2 buổi rất nhiều bạn sẽ không đồng tình. Hiện, chúng em đang tập trung ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi năm nay lại có nhiều thay đổi. Do đó, khi việc học thiếu tập trung, bị xáo trộn, thầy cô mệt mỏi vì phải dạy 2 buổi thì việc truyền đạt của giáo viên và tiếp thu kiến thức của các em sẽ không được hiệu quả”.

Nhiều người cho rằng, do phần lớn các trường đều có sĩ số HS đông nên phương án khả thi vẫn là cho các em ngồi học theo mô hình cũ và thực hiện giãn cách bàn ghế HS ở mức tối đa để bảo đảm thông thoáng phòng, lớp học. Khi không thực hiện được giảm, giãn HS, cách tốt nhất vẫn là khâu tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh và HS cùng chung tay nâng cao ý thức phòng, chống dịch, như: Trang bị đủ khẩu trang cho các em hằng ngày đến trường, nếu thấy sức khỏe không tốt thì không nên đến trường. Khi đến trường, các em phải được đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe trong quá trình ở trường, hạn chế các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt đông người. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng Phòng Chính trị, tư tưởng, Sở GD&ĐT cho biết: “Để có thể thực hiện được giảm, giãn HS, các trường phải tận dụng không gian phòng học, lúc này không quan trọng thẩm mỹ, có thể kê bàn học so le, lệch nhau bảo đảm khoảng cách. Những trường có điều kiện có thể bố trí một số lớp học buổi sáng, một số lớp học buổi chiều. Nếu sĩ số HS đông có thể chuyển vào lớp có không gian rộng hoặc bố trí văn phòng hội đồng nhà trường làm phòng học... Đó là giải pháp mà ngành đưa ra, nhưng trên thực tế, hiện nay, phần lớn các trường khối THPT và THCS đều khó khăn cả về cơ sở vật chất phòng, lớp học và đội ngũ giáo viên, trong khi đó số HS lại đông nên việc thực hiện giảm và giãn HS là hết sức khó khăn”.

An toàn thì mới đến trường và đến trường thì phải an toàn. Tuy việc thực hiện giảm, giãn HS trong lớp gặp nhiều khó khăn và kết quả chưa được như mong muốn, nhưng tin rằng các trường sẽ chủ động, linh hoạt thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm sự an toàn cho cả HS và giáo viên trong thời gian vừa dạy học, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]