(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã giải thể, sáp nhập 13 trường THPT theo đúng kế hoạch, lộ trình. Tuy nhiên, vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là cơ sở vật chất ở những trường thuộc diện giải thể sẽ sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan tâm sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất các trường học sau giải thể, sáp nhập

Thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã giải thể, sáp nhập 13 trường THPT theo đúng kế hoạch, lộ trình. Tuy nhiên, vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là cơ sở vật chất ở những trường thuộc diện giải thể sẽ sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí.

Quan tâm sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất các trường học sau giải thể, sáp nhập

Sau giải thể Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng.

Trong năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan bố trí sắp xếp 56 lớp với 2.122 học sinh, điều chuyển 202 cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc 5 trường THPT giải thể, gồm Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc), THPT Lê Văn Linh (Thọ Xuân), THPT Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), THPT Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc) và Trường THPT Tĩnh Gia 5 (Tĩnh Gia) sáp nhập vào các trường THPT trên địa bàn. Đến năm 2019, Sở GD&ĐT tiếp tục tiến hành giải thể, sáp nhập thêm 8 trường THPT, gồm: Trường THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định), THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa), THPT Triệu Thị Trinh (Nông Cống), THPT Trần Phú (Nga Sơn), THPT Nguyễn Hoàng (Hà Trung), THPT Lê Viết Tạo, THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa) và THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương). Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, các trường sau khi sắp xếp, sáp nhập đã làm tốt công tác tiếp nhận, bố trí học sinh, cán bộ, giáo viên hợp lý, bảo đảm định biên; hoạt động dạy và học của các nhà trường ổn định, nền nếp; chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn không ngừng được nâng lên; công tác quản lý Nhà nước, quản lý giáo dục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nhiều trường sau khi giải thể cơ sở vật chất đầu tư hàng chục tỷ đồng đang bị bỏ không.

Theo phản ánh của người dân thị trấn Hậu Lộc - khu vực Trường THPT Đinh Chương Dương đứng chân, chỉ sau vài tháng giải thể, ngôi trường này đã trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng của một số nhà thầu thi công dự án lát kè bờ sông Trà Giang (thị trấn Hậu Lộc). Qua quan sát của chúng tôi, sau 2 năm giải thể, hiện nhiều phòng học đã xuống cấp, đường vào khuôn viên trường bị “cày xới” do phương tiện chở vật liệu thường xuyên ra vào. Được biết, sau khi giải thể 1 tháng, UBND huyện Hậu Lộc đã có văn bản bàn giao cơ sở vật chất của trường cho UBND thị trấn Hậu Lộc tiếp nhận quản lý. Tuy nhiên, từ khi bàn giao đến nay, hàng chục phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ của ngôi trường không có người trông coi, bảo vệ. Lý giải về vấn đề này, ông Bùi Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hậu Lộc cho hay, do không có nguồn kinh phí nên thị trấn không thể bố trí được người trông coi, quản lý. Một số người dân sinh sống gần trường cho biết, vì bỏ hoang lâu, không người quản lý, trông coi nên có thời điểm ngôi trường này trở thành nơi qua lại của một số đối tượng nghiện hút...

Tương tự, từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Trường THPT Triệu Thị Trinh (Nông Cống) đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Song sau khi giải thể, đặc biệt là khi Trường THPT Nông Cống I trả lại số phòng học mượn tạm để giảng dạy học sinh khối 10 thì toàn bộ cơ sở vật chất phòng, lớp học của Trường THPT Triệu Thị Trinh đã bị bỏ không. Tại thời điểm chúng tôi đến tác nghiệp, cổng trường trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, không có người trông coi, bên trong khuôn viên trường cỏ mọc um tùm, một số phòng học đã có biểu hiện xuống cấp, hư hỏng... Nếu so sánh giữa Trường THPT Đinh Chương Dương hay Trường THPT Triệu Thị Trinh thì Trường THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa) có phần tiếc nuối hơn. Ngôi trường với dãy phòng học 4 tầng được khởi công xây dựng chưa “ráo màu sơn”, nhưng đến nay, sau hơn 6 tháng sau giải thể, sáp nhập, ngành chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa thể chuyển đổi mục đích để sử dụng hợp lý cơ sở vật chất. Nhiều hạng mục bỏ không chưa biết làm gì, gây lãng phí.

Tinh thần xuyên suốt của Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” là nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, ngoài thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp cán bộ, giáo viên, học sinh, ổn định nền nếp dạy và học ở những trường tiếp nhận, ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng sớm tính toán giải pháp để sử dụng, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất ở các trường giải thể, tránh gây lãng phí và thất thoát tài sản Nhà nước. Sự lãng phí cơ sở vật chất là điều đáng buồn, nhưng đáng buồn hơn vẫn là sự buông lỏng quản lý tài sản Nhà nước của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Bài và ảnh: PS



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]