(Baothanhhoa.vn) - Hình ảnh người thầy từ xưa đã được ví như người đưa đò, nhiều người cả đời chỉ thực hiện công việc ấy trên một dòng sông. Khách đi đò cứ lướt qua, nhưng người chèo đò thì vẫn thế, ở lại với dòng sông, chờ những người khách mới.

Phụng sự để nghề thêm cao quý

Hình ảnh người thầy từ xưa đã được ví như người đưa đò, nhiều người cả đời chỉ thực hiện công việc ấy trên một dòng sông. Khách đi đò cứ lướt qua, nhưng người chèo đò thì vẫn thế, ở lại với dòng sông, chờ những người khách mới.

Phụng sự để nghề thêm cao quý

Cô giáo Sung Thị Tông ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn ngày ngày miệt mài với lũ trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn nơi vùng cao xứ Thanh (Ảnh: Hoàng Đông)

Xã hội càng phát triển thì nghề dạy học càng trở nên quan trọng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

Còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì nói rằng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là dịp để cả xã hội cảm nhận đầy đủ nhất sự cao quý ấy, thêm biết ơn những người thầy lặng thầm “chở chữ” trên những dòng sông bất tận.

Khi tốt nghiệp ra trường hành nghề, mỗi bác sỹ đều phải có lời tuyên thệ Hippocrates. Một lời thề về sự trung thực, tận tâm và cống hiến.

Không bắt buộc như thế, nhưng nghề sư phạm lại có lời thề lớn hơn từ sâu thẳm tâm hồn nhà giáo, trách nhiệm lớn lao trước xã hội và cam kết lương tâm về những “sản phẩm” mà mình tạo ra.

Hơn cả lời thề từ miệng, là lời thề từ tâm, theo suốt hành trình, đòi hỏi người thầy giáo phải biết chọn lời để nói, nhất là những lời nói ra trên bục giảng, chọn con đường để đi, để nghề luôn cao quý, được tôn trọng mãi.

Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đã chứng kiến, đã nghe kể về những tấm gương nhà giáo và sự cao đẹp của nghề “trồng người” đầy xúc động. Nghe những bài hát hay, hết sức cảm động về người giáo viên Nhân dân được lấy cảm hứng từ biết bao tấm gương thực tế đang hàng ngày, hàng giờ tận tâm truyền thụ kiến thức cho học trò...

Phụng sự để nghề thêm cao quý

“Thầy giáo” quân hàm xanh - Đại úy Hoàng Ngọc Trung - Đồn biên phòng Tam Chung, Mường Lát (Ảnh tư liệu Báo Thanh Hóa)

Nhà giáo được đào tạo từ trường sư phạm, nhưng cũng có người không có bằng cấp sư phạm, nhưng vẫn xung phong làm nghề bằng khả năng thực tế của mình. Họ là những thầy giáo quân hàm xanh, là những người dân bình thường mở lớp học truyền thụ kiến thức mình có một cách tự nguyện, là những nhà giáo đã rời nhà trường nhưng vẫn say mê bảng đen, phấn trắng.

Trong những ngày thiên tai ập vào Miền Trung vừa qua qua chúng ta biết thêm những người thầy vùng lũ quên mình vì học sinh. Rồi những nhà giáo ở rẻo cao quên cả tuổi thanh xuân để nuôi ước mơ cho lũ trẻ vùng đồng bào dân tộc. Có lên những nơi ấy, chứng kiến việc họ làm, nhìn vào ánh mắt của họ mới thấy được một sự khát khao đến mức phi thường.

Tôi nhớ có lần gặp bà giáo Thông ở vùng biển Ngư Lộc, Hậu Lộc, nhìn vào sâu thẳm ánh mắt của một nhà giáo lão thành, mới thấy được sự khát khao cống hiên lớn đến thế nào. Ở nơi sóng biển vỗ vào lớp học ngày nọ nối ngày kia, bà cũng thế, như những cơn sóng bất tận, không ngưng nghỉ, vì một niềm đam mê đau đáu trong lòng.

Mới đấy, trên VTV phát đi phát lại hình ảnh một người thầy tật nguyền nhưng tâm hồn không hề “tật nguyền”, ngày ngày dạy lũ trẻ không mưu cầu lợi ích riêng tư. Công việc của thầy cứ thế, ngày ngày vất vả di chuyển trên đội nạng, nhưng thầy không lấy đó làm phiền phức. Thầy cũng như biết bao nhà giáo khác, đang mải miết hy sinh mình để con chữ ngày càng ngấm sâu hơn vào người học.

Phụng sự để nghề thêm cao quý

Bà giáo Thông trong một buổi dạy học (Ảnh tư liệu Báo Thanh Hóa)

Trong buổi gặp mặt giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với 62 giáo viên tiêu biểu đại diện cho lực lượng giáo viên là người dân tộc thiểu số toàn quốc mới đây, nghe tâm sự của những thầy giáo ở vùng biên viễn xa xôi, địa bàn khó khăn, mới thấu cảm việc họ làm vì cái gì. Tất cả không ngoài sự phụng sự cho nghề mà họ đã chọn.

Hình ảnh người thầy từ xưa đã được ví như người đưa đò, nhiều người cả đời chỉ thực hiện công việc ấy trên một dòng sông, nhưng không nhàm chán. Khách đi đò cứ lướt qua, nhưng người chèo đò thì vẫn thế, ở lại với dòng sông, chờ những người khách mới.

Sự cao quý và đẹp đẽ của nghề dạy học vẫn từng phút, từng giây được người thầy “thắp lửa” tìm đường đưa con chữ đến với người học. Chúng ta, cả xã hội nay, hãy nhìn vào điều cao quý ấy, để xua đi sự vẩn đục, những góc khuất học đường đang lẫn khuất đâu đó, để nghề dạy học mãi thiêng liêng và cao quý.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]