(Baothanhhoa.vn) - “Học để thay đổi” là một trong những mục đích hướng tới của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Sau nhiều năm ra đời và đi vào hoạt động, các TTHTCĐ ở tỉnh ta đã trở thành “trường học” tiện ích của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các TTHTCĐ vẫn tồn tại không ít khó khăn cần giải pháp tháo gỡ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều khó khăn trong hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng

“Học để thay đổi” là một trong những mục đích hướng tới của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Sau nhiều năm ra đời và đi vào hoạt động, các TTHTCĐ ở tỉnh ta đã trở thành “trường học” tiện ích của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các TTHTCĐ vẫn tồn tại không ít khó khăn cần giải pháp tháo gỡ.

Nhiều khó khăn trong hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng

Các đại biểu cùng đông đảo người dân tham gia lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 của TTHTCĐ xã Đông Hòa (Đông Sơn).

TTHTCĐ ra đời với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, đã đáp ứng được nhu cầu “cần gì học nấy” của mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là ngành giáo dục, hội khuyến học trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc học tập thường xuyên, không phân biệt trình độ hay nghề nghiệp đã đưa phong trào học tập cộng đồng phát triển rộng khắp trong tỉnh với số lượng TTHTCĐ tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2001 mới chỉ có 10 TTHTCĐ thì đến năm 2007 đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hoạt động của các TTHTCĐ ngày càng mở rộng về quy mô và đa dạng các nội dung giáo dục, thu hút được nhiều người dân tham gia. Bình quân mỗi năm các trung tâm mở được từ 15.000 đến gần 30.000 lớp học, thu hút cả triệu lượt người tham gia. Trong năm 2019 mở được 28.669 lớp với hơn 1,5 triệu lượt người tham gia học tập. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, các TTHTCĐ trong tỉnh đã mở được gần 7.000 lớp học, thu hút trên 573.700 lượt người tham gia học tập ở cả 5 nhóm nội dung: Phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; dạy nghề, tạo việc làm; bổ túc văn hóa, xóa mù chữ; nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, các TTHTCĐ đặc biệt coi trọng việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến người dân, trong đó, tập trung vào các lớp kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng... Trong đó phải kể đến TTHTCĐ các xã Phú Lộc, Hoa Lộc (Hậu Lộc) đã phối hợp với hội nông dân, hội phụ nữ, các HTX nông nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện... mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao về giống mới, cây, con mới có năng suất cao vào nuôi trồng và đã cho giá trị kinh tế cao, như, cây ớt kim lai, ngô ngọt, cà chua bi... Đặc biệt là cây ớt kim lai có giá trị kinh tế rất cao, đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Hay như TTHTCĐ xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) đã phối hợp với hội nông dân xã triển khai dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc chăm bón và trồng các loại cây ăn quả, nhất là cây dứa. Được biết, nhiều năm qua, TTHTCĐ xã Lam Sơn đã thu hút tới 80% người dân tham gia học tập ở các lớp học. 5 năm gần đây, trung tâm đã tổ chức được hơn 370 lớp học, thu hút trên 18.700 lượt người tham gia ở cả 5 nhóm nội dung.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của TTHTCĐ còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Theo ông Lý Đình Thịnh, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác quản lý là khâu khó khăn nhất ở các TTHTCĐ hiện nay. Bởi giám đốc trung tâm đều là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn kiêm nhiệm, phần lớn đều bận công tác chính quyền nên chưa dành nhiều thời gian cho việc quản lý trung tâm, thậm chí nhiều địa phương còn “khoán trắng” cho hội khuyến học. Việc kiện toàn bộ máy quản lý của nhiều trung tâm chậm, chưa hiệu quả. Phần lớn các trung tâm thiếu cán bộ quản lý có chuyên môn sâu và am hiểu phương pháp điều hành loại thiết chế giáo dục dành cho người lớn; một số chưa yên tâm công tác do chế độ phụ cấp còn thấp và kiêm nhiệm quá nhiều việc. Cùng với đó, tại một số địa phương, các điều kiện bảo đảm cho trung tâm hoạt động vẫn còn thiếu nhiều. Hầu hết các trung tâm đều sử dụng cơ sở vật chất hiện có của xã như hội trường, nhà văn hóa xã. Trang thiết bị, đặc biệt là máy tính phục vụ cho hoạt động của trung tâm được đầu tư từ năm 2012 nay đã xuống cấp, khai thác kém hiệu quả. Ở nhiều trung tâm ban giám đốc phải sử dụng chung phòng làm việc với các tổ chức đoàn thể trong xã; chưa huy động được nguồn kinh phí khác ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 20 triệu đồng/năm/trung tâm đối với khu vực miền xuôi và 25 triệu đồng đối với khu vực miền núi. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên biệt phái ngày một giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các trung tâm. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có hơn 100/559 trung tâm có giáo viên biệt phái.

Cũng với những hạn chế, khó khăn trên, qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ cũng chưa đồng đều. Nếu như ở vùng cao, các trung tâm gặp khó khăn về cơ sở vật chất, vận động người dân tham gia các lớp học... thì ở đô thị nhiều trung tâm còn lúng túng trong tổ chức hoạt động nên chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dân. Theo đánh giá của ngành chức năng, có khoảng 20% số trung tâm có lượng người tham gia học tập ít, nội dung hoạt động nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, thậm chí có nơi còn tổ chức mang tính hình thức. Nhiều trung tâm mở lớp đào tạo dạy nghề nhưng lại chưa giải quyết được khâu tạo việc làm, nên đã làm hạn chế quy mô đào tạo...

Để các TTHTCĐ thực sự là “trường học” tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thiết nghĩ các tổ chức, ban, ngành liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Từ đó tự giác học tập và tự đề xuất nhu cầu học tập đối với trung tâm. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền để chăm lo việc học cho dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ. Cùng với đó, các trung tâm cần huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện để hoạt động, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ số lượng, chất lượng để thu hút người dân đến học và vận dụng kiến thức vào thực tế sản xuất, đời sống hiệu quả nhất. Mỗi trung tâm cần đổi mới phương pháp, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân, để xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, đáp ứng yêu cầu “cần gì học nấy” của người dân và sát với thực tế của địa phương.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài Và Ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]