(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra một người con bình thường là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi người và đấng sinh thành. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng niềm hạnh phúc ấy. Thầy Đào Thanh Hương, giáo viên Trường THCS Đa Lộc, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) là một trong những người kém may mắn, nhưng đã vượt lên chính mình để trở thành người thầy “truyền lửa” đam mê, khát khao cống hiến cho học trò, cho xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người thầy khuyết tật “Truyền lửa” đam mê

Người thầy khuyết tật “Truyền lửa” đam mê

Thầy Đào Thanh Hương cùng học sinh tại Di tích cách mạng nhà thờ mẹ Tơm, xã Đa Lộc (Hậu Lộc).

Sinh ra một người con bình thường là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi người và đấng sinh thành. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng niềm hạnh phúc ấy. Thầy Đào Thanh Hương, giáo viên Trường THCS Đa Lộc, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) là một trong những người kém may mắn, nhưng đã vượt lên chính mình để trở thành người thầy “truyền lửa” đam mê, khát khao cống hiến cho học trò, cho xã hội.

Tôi rất xúc động khi gặp một người thầy hơn 40 tuổi đi bằng hai chân giả, tay trái bị teo do dị tật bẩm sinh nhưng vẫn đạp xe đến trường hay đi bất cứ đâu. Gương mặt sáng đầy tự tin của thầy khi gặp tôi nở nụ cười thân thiện khiến tôi cũng như bất kỳ ai mới gặp thầy cũng có thiện cảm.

Sinh ra trong một gia đình công chức nghèo, bố là cựu quân nhân chiến trường B trở về với thương tật mất 61% sức khỏe, mẹ là giáo viên. Ngay từ khi sinh ra cậu bé Hương đã không có được hình hài bình thường như bao con trẻ khác do bị ảnh hưởng di chứng chất độc hóa học của bố. Con đầu, cháu sớm với bao hạnh phúc, hy vọng chờ đợi thì bố mẹ bàng hoàng khi biết con mình “khác biệt”. Hương chỉ có 1 tay phải, tay trái và 2 chân bị teo không có bàn. Bù đắp những thiệt thòi cho cậu bé, bố mẹ và người thân trong gia đình luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm rất lớn. Quê biển nghèo, bản thân sức khỏe yếu và là anh của 4 người em nên Hương càng quyết tâm theo học để làm gương cho các em. Những chuỗi ngày đi học gian nan, cực khổ vì đường xa, sức khỏe yếu, điều kiện đi lại khó khăn nhưng Hương vẫn quyết tâm đến trường mặc cho ngày mưa, ngày nắng. Bạn cùng trang lứa có xe đi học, còn cậu học trò ấy vẫn miệt mài đi bằng cùi chân, không có dép. Đi nhiều khiến chân chai sần, rớm máu, nhiều lần ngã bầm tím nhưng vẫn không vì thế mà bỏ học giữa chừng. Thấy được ước mơ và nghị lực của con, bố mẹ Hương thương quá quấn vải làm đệm dưới chân cho con đi học không bị đau nhưng cũng không cải thiện được là bao. Ấy vậy mà năm học nào Hương cũng đạt thành tích cao trong học tập và chạm tới ước mơ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, khoa Văn - Sử, khóa học 1994-1998.

Tưởng là vượt qua “cửa ải” cuộc đời nhưng bước vào giảng đường lớn là những tháng ngày thử thách nhiều hơn. Ngành sư phạm không tuyển người không đủ điều kiện về sức khỏe, hình thức, nhưng vì đây là ước mơ đèn sách phấn đấu suốt 12 năm ở vùng quê nghèo khó mới có được nên Hương đã làm đơn xin cam kết với ban giám hiệu nhà trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo học tự nguyện 2 năm đại cương. Ngay học kỳ đầu đại cương, Đào Thanh Hương đã có kết quả học tập tốt và đạt học bổng của Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Thanh Hóa và được nhà trường đồng ý cho theo học.

Sau 3 năm nỗ lực học tập và là sinh viên xuất sắc của khoa, thầy giáo trẻ được phân công về công tác tại quê nhà - Trường THCS Đa Lộc. Đây mới chỉ là thành công bước đầu và mới đi được một nửa chặng đường tương lai. Nhiều đêm thầy giáo trẻ trăn trở, tự đặt câu hỏi: Quê mình nghèo, nhưng là vùng quê cách mạng, ý chí, nghị lực có nhưng tiềm lực yếu, chỉ có học mới thay đổi được tư duy. Nghĩ vậy, ngoài giờ lên lớp, thầy Hương còn tự nguyện dạy kèm cho học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, tật nguyền, giúp các em sau này ra đời vươn lên lập thân, lập nghiệp. Hoàn cảnh và ước mơ của bản thân là câu chuyện thầy chọn để tâm sự, chia sẻ và “truyền lửa” tới học trò. Thầy chứng minh cho các em học sinh thấy rằng, dù bản thân bị khuyết tật, gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn cố gắng, nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực. Thầy còn luôn động viên, lắng nghe nguyện vọng, ước mơ của học trò để đưa ra lời khuyên, hỗ trợ các em trong học tập và trong cuộc sống. Từng là bí thư đoàn trường nhiều năm, mỗi lần kết nạp đoàn viên, đội viên, thầy đều đề xuất với huyện đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện được tổ chức ở Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm - địa chỉ đỏ để nhằm giáo dục cho đoàn viên, hội viên, thanh niên có ý thức về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương để phấn đấu rèn luyện bản thân. Với cách làm đó, dần dần, học sinh yêu thích học môn văn học, lịch sử nhiều hơn. Chỉ sau hai năm công tác, thầy Hương được ban giám hiệu cử bồi dưỡng học sinh giỏi và đạt giải. Năm nào thầy cũng có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Cá nhân thầy Hương được nhiều cấp, ngành khen thưởng. Năm 1999 được bầu là 1 trong 21 gương mặt trẻ toàn tỉnh tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Thanh Hóa; là một trong 16 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2007-2012; năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen vì đã có thành tích trong xây dựng và phát triển nhà trường, giai đoạn 2006-2016; đạt giải ba thi tìm hiểu 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2019...

Cảm mến người thầy có nhiều nỗ lực, nhân cách đáng quý, cô Trần Thị Hương giáo viên cùng tổ xã hội đã kết duyên cùng thầy và có hai người con ngoan, học giỏi. Năm 2004, vợ chồng thầy Hương thành lập quỹ khuyến học “Song Hương”, quỹ hoạt động từ chính nguồn thu nhập của hai vợ chồng được trích ra mỗi tháng dùng để tặng quà, khen thưởng cho hơn 20 học sinh có nhiều nỗ lực trong năm học, tổng trị giá từ 5 đến 7 triệu đồng/năm. Rất nhiều em đã đậu đại học ở các chuyên ngành y, kinh tế, khoa học, an ninh... ra trường công tác và cảm kích trước những việc làm của vợ chồng thầy Hương đã góp một phần thu nhập của mình vào quỹ khuyến học. Việc làm của vợ chồng thầy được ban giám hiệu và đồng nghiệp ủng hộ, một số thầy, cô cũng dạy học miễn phí cùng với vợ chồng thầy tạo sức lan tỏa phong trào hiếu học ở địa phương.

Thầy Hương tâm sự: “Bỏ qua mặc cảm bản thân, tôi luôn gần gũi với bạn bè, đồng nghiệp và học trò để tự tin hơn và được mọi người thông cảm, chia sẻ. Nhiều thế hệ học sinh ra trường thành đạt, làm việc có ích cho xã hội là điều tôi mong mỏi nhất.

Tạm biệt thầy sau buổi gặp gỡ, tôi nghĩ phần thưởng lớn nhất dành cho thầy chính là tình cảm thương yêu, trìu mến, sự khâm phục, kính trọng trước một con người. Dù chỉ có một cánh tay lành lặn, nhưng với ý chí kiên cường, cần mẫn bám trường, bám lớp, thắp sáng ước mơ và “truyền lửa” cho học trò nghèo miền biển còn nhiều gian khó, thầy Hương đang góp sức mình vì sự phát triển của ngành giáo dục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lê Hà


Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]