(Baothanhhoa.vn) - Đã 8 năm kể từ ngày về công tác tại Trường Trung cấp nghề Thanh, Thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa, thầy Lê Thanh Tùng, giáo viên bộ môn công nghệ thông tin (CNTT) đã làm được những điều tưởng chừng vô cùng khó đối với một người mang trong mình nỗi đau vì khuyết tật.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt

Đã 8 năm kể từ ngày về công tác tại Trường Trung cấp nghề Thanh, Thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa, thầy Lê Thanh Tùng, giáo viên bộ môn công nghệ thông tin (CNTT) đã làm được những điều tưởng chừng vô cùng khó đối với một người mang trong mình nỗi đau vì khuyết tật.

Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt

Đón chúng tôi bằng những bước đi tập tễnh, khó nhọc, nở nụ cười hiền hậu xen lẫn chút e dè len lỏi trong ánh mắt, người thầy trẻ tuổi nói: Mời chị vào thăm lớp học. Hôm nay trời trở lạnh nên có một số bạn nghỉ học chứ bình thường lớp cũng đông và rôm rả lắm.

Vừa bước chân tới cửa phòng học, chưa kịp quan sát xung quanh, tôi ngỡ ngàng bởi tiếng chào hỏi hồn nhiên, liên tiếp từ phía các em học sinh: “Cháu chào cô”, “Cô là cô giáo mới ạ?”... Rồi thì các em trò chuyện rôm rả mà chủ đề xoay quanh là sự có mặt của “cô giáo mới”. Những câu hỏi có phần ngây ngô, ánh mắt tươi vui thấy rõ cho tôi cảm nhận sự thân thiện, thơ ngây của các bạn nhỏ. Phải sau 1 hồi nhắc nhở và ổn định trật tự thì thầy Tùng mới giới thiệu được với chúng tôi cụ thể hơn về từng em học sinh của mình.

Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt

Lớp sơ cấp (CNTT) có 25 học sinh với nhiều dạng khuyết tật khác nhau từ khuyết tật vận động đến trí não. Với những em bị khuyết tật vận động (chân, tay) thì phần lớn tiếp thu tốt và chỉ gặp khó khăn trong những tiết học về lắp đặt, bảo trì và sửa chữa máy tính mà thôi. Còn khó khăn nhất là dạy những em bị thiểu năng trí tuệ và những học sinh khiếm thính. Do đặc thù của môn tin học đòi hỏi phải dùng đến trí não để ghi nhớ mới có thể thao tác trên máy tính nên chỉ những em bị thiểu năng trí tuệ dạng nhẹ mới có thể theo học. Tuy nhiên để các em nhận biết và tiến bộ từng ngày thì đó là cả một quá trình gian nan. Một bài học cơ bản nếu giảng cho những đối tượng học sinh bình thường thì chỉ cần 1 đến 2 buổi thì với những học trò đặc biệt này, thầy Tùng phải kiên trì tới cả tuần, thậm chí nhiều hơn nữa.

Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt

Dừng chân bên cạnh một cậu học trò đang loay hoay tìm phím dấu để đánh cho chữ “tốt” đang hiện trên màn hình, thầy Tùng hỏi: “Muốn đánh dấu “sắc”, em phải bấm phím nào nhỉ?”. “Là...phím... F...”, cậu học trò đáp một cách khó khăn. “Không, phím S mới là ký hiệu của dấu “sắc” chứ, phím F là dấu “huyền”, em nhớ nhé?”. Nói rồi, thầy chăm chú nhìn theo những ngón tay đơ cứng đang rà trên bàn phím một cách khó nhọc và xoa đầu động viên cậu bé. Bài học cứ thế tiếp tục thầy nhắc trò quên. Đọc đi đọc lại, những ngón tay thao tác hàng chục lần vẫn chưa thể nhớ.

Để đạt được hiệu quả cao trong mỗi giờ lên lớp, thầy Tùng thường xuyên tổ chức dạy theo hình thức một thầy - một trò. Thầy luôn chủ động tìm hiểu rõ đặc điểm tính cách, thể trạng sức khỏe của mỗi học sinh để từ đó đưa ra mỗi phương pháp giảng dạy linh hoạt, phù hợp với mỗi bạn nhằm tạo hứng thú cho học sinh.

Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt

“Vất vả lắm, sau mỗi giờ dạy tôi cũng mệt nhoài vì phải nói và đi lại nhiều. Ngoài việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức đơn thuần, nhiều lúc mình còn trở thành bảo mẫu thường xuyên dỗ dành, tâm sự để các em ngoan ngoãn ngồi học, rồi làm cả việc của nhân viên y tế khi gặp những tình huống có em bị lên cơn động kinh, co giật ngay trong lớp học. Những lúc ấy mình phải bình tĩnh xử lý giúp học sinh của mình qua cơn nguy kịch”, thầy Tùng chia sẻ.

Nói với tôi về cơ duyên đưa thầy đến với ngôi trường đặc biệt này, thầy Tùng tâm sự: Bản thân tôi cũng là người khuyết tật bẩm sinh. Ngay từ khi chào đời, đôi chân tôi đã không được lành lặn như những đưa trẻ khác. Đi lại khó khăn, những cơn đau hành hạ sau những lần trượt ngã nhưng niềm khát khao được học tập, được hòa mình với các bạn cùng trang lứa và trên hết là có thể làm chủ cuộc sống của bản thân khiến tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT , muốn chia sẻ một phần công sức của mình đến với những bạn trẻ không may mắn, tôi đã nộp đơn xin vào trường công tác mặc dù biết điều kiện làm việc ở đây còn rất nhiều khó khăn. Tôi muốn bằng nhiệt huyết của mình cùng với sự đồng cảm của người có cùng hoàn cảnh không may mắn, tôi sẽ giúp cho các em có vốn kiến thức cơ bản về tin học để sau này có thể tự mình tìm việc làm, kiếm sống bằng chính khả năng của mình.

Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt

Nói với chúng tôi về cán bộ giáo viên của mình, thầy giáo Hoàng Đình Tưởng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thầy giáo Lê Thanh Tùng là người có năng lực và lòng nhiệt, say mê với công việc. Mặc dù bản thân cũng là người khuyết tật nhưng thầy Tùng luôn cố gắng hết mình, kiên trì nhẫn nại để dìu dắt từng học sinh trong lớp. Đây chính là tấm gương sáng, là động lực lớn nhất để mỗi học sinh của chúng tôi nhìn vào để có thêm quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên số phận.

Đã 8 năm trôi qua, dù vất vả nhưng chưa bao giờ thầy Tùng có ý định từ bỏ hay thấy hối hận về lựa chọn của mình. “Những đứa trẻ dạy tôi sự kiên trì, nhẫn nại, cho tôi niềm hạnh phúc từ sự tiến bộ nhỏ như lời chào hỏi hay những thao tác thuần thục trên máy tính... Đó là cả nguồn động viên lớn cho tôi thêm yêu nghề, yêu những đứa trẻ của mình. Tôi mong mọi người có cái nhìn cởi mở hơn, thân thiện hơn để các em có thể trở thành người bình thường, được sống cuộc sống như bao người khác trong xã hội”, thầy Tùng tâm sự.

Kiên trì và yêu thương, đồng cảm với học sinh chính là phương pháp tốt nhất để người thầy giáo trẻ đang từng ngày, từng giờ đồng hành với những cô cậu học trò của mình. Giờ đây, với các em, thầy Tùng không chỉ là thầy giáo mà còn là người bạn, người thân giúp các em hòa nhập cuộc sống và có thể bước đi trên con đường tương lai một cách tự tin, vững vàng hơn.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]