(Baothanhhoa.vn) - Ăn quả nhớ người trồng cây; có danh, có vọng nhớ thầy khi xưa”, vào những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, các thế hệ học sinh đều gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những bông hoa tươi thắm nhất đến các thầy, cô giáo bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã dạy dỗ mình. Đó là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta từ ngàn đời nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghĩ về truyền thống “tôn sư trọng đạo”

Ăn quả nhớ người trồng cây; có danh, có vọng nhớ thầy khi xưa”, vào những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, các thế hệ học sinh đều gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những bông hoa tươi thắm nhất đến các thầy, cô giáo bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã dạy dỗ mình. Đó là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta từ ngàn đời nay.

Cô, trò Trường Đại học Hồng Đức.

“Tôn sư trọng đạo” - một trong những truyền thống đẹp của người Việt đã góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Người xưa thường nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng mang ơn người dạy. Mang ơn thầy là đạo đức của người học, bởi “không thầy đố mày làm nên”. Thế nên, nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất vì sản phẩm đào tạo ra chính là con người. Nhân dân ta trọng đạo chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý ấy, cũng như họ đã tôn vinh người thầy là những “kỹ sư tâm hồn”. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp đó đã được nhân dân ta kế thừa và phát huy trong cuộc sống hiện nay. Trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, từ nơi thuận lợi đến vùng khó khăn, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng người thầy, đều dành cho thầy những tình cảm ưu ái và lòng biết ơn sâu sắc. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu và ngày 20-11 hàng năm trở thành ngày hội lớn để tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý.

Người thầy luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo, ngoài việc có kiến thức thì người thầy phải có đạo đức, lối sống mẫu mực, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái nghĩa tình, trọng đạo lý. Chúng ta đã được biết đến những tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học, về nhân cách ngời sáng như Chu Văn An (thời Trần), người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi. Hay như nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh của cụ Tư đồ Trần Nguyên Đán; Nhà giáo Lương Đắc Bằng nghiêm khắc dạy bảo, truyền kinh lý cho Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ Trạng nguyên. Những tấm gương hiếu học, vượt khó vươn lên như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành thần tượng của nhiều thế hệ học sinh... Trong xã hội học tập và mọi người được học tập suốt đời như hiện nay thì vai trò của thầy giáo lại càng quan trọng. Những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua đã nâng vị thế của nghề thầy lên tầm cao mới. Đó là “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Có thể thấy, dù ở bất cứ thời kỳ nào, quyết định chất lượng giáo dục vẫn là đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên. Thế nhưng, để có được điều này, trên hết vẫn là lòng nhiệt tình và trách nhiệm. Đã có biết bao thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”, vì thế hệ tương lai của đất nước đã vượt qua khó khăn, gian khổ “cõng” chữ lên non. Biết bao nghĩa cử cao đẹp của tổ ấm công đoàn trong việc xây dựng nhà ở vùng cao. Biết bao tấm gương các thầy, cô giúp học sinh mang lại vinh quang cho quê hương, đất nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Tất cả điều đó là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh, tự hào về một miền đất “địa linh nhân kiệt” đã được hun đúc bởi truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Tuy nhiên, những biểu hiện tiêu cực, những cái xấu vẫn còn len lỏi và tồn tại trong trường học, làm phai nhạt mối quan hệ thầy – trò; chuyện học trò xúc phạm đến danh dự, uy tín của thầy, cô giáo và nhà trường... đã, đang làm phương hại đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, người Việt đã xây dựng và vun đắp cho mình nhiều truyền thống quý báu, như truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, hiếu học, tôn sư trọng đạo... Những truyền thống ấy như những sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết dính từng thế hệ người Việt. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” cùng với truyền thống hiếu học của nhân dân ta đã làm nên một nước Việt Nam “ngàn năm văn hiến” và mãi mãi giữ nguyên giá trị ở hiện tại và cả trong tương lai. Vì thế, mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh xứ Thanh hôm nay cần gìn giữ và phát huy truyền thống ấy để sự nghiệp “trồng người” của tỉnh Thanh nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển.


Bài và ảnh: Lê Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]