(Baothanhhoa.vn) - Xác định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là tiền đề quan trọng trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo nghị quyết của Đảng, vì vậy, nhiều năm qua, cùng với việc tạo chuyển biến trong công tác quản lý giáo dục, nền nếp, kỷ cương trường học, ngành giáo dục huyện Thường Xuân đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngành giáo dục Thường Xuân đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Xác định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là tiền đề quan trọng trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo nghị quyết của Đảng, vì vậy, nhiều năm qua, cùng với việc tạo chuyển biến trong công tác quản lý giáo dục, nền nếp, kỷ cương trường học, ngành giáo dục huyện Thường Xuân đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Một giờ học của cô, trò Trường Tiểu học Ngọc Phụng 2.

So với 5 năm về trước, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường trên địa bàn huyện tăng đáng kể; nhận thức về việc đầu tư cho con em mình được học tập ở nhiều gia đình ngày càng sâu sắc hơn, mối quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh ngày càng mật thiết... Đây là tín hiệu đáng mừng để ngành giáo dục huyện Thường Xuân có những bước đi vững chắc trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đặc biệt, với sự sáng tạo, nhạy bén trong triển khai kế hoạch, các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành gắn với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị trường đã đem lại nhiều kết quả trong công tác giáo dục của huyện. Kết thúc năm học 2017-2018, ngành giáo dục huyện đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào với tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi bậc THCS đạt trên 45%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,93%; xét công nhận tốt nghiệp THCS đạt 99,84%... Cũng trong năm học này, toàn huyện có 37 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa lớp 9 và lớp 12, trong đó lớp 9 có 16 em đạt giải, xếp thứ 4/11 huyện khu vực miền núi. Thầy giáo Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân cho biết: Kết quả trên không chỉ thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trong dạy và học, đó còn là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện đối với sự nghiệp GD&ĐT của huyện nhà. Cũng theo thầy Tuấn, phương châm hoạt động của ngành giáo dục Thường Xuân là tăng cường xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện, đồng đều trên tất cả các bậc học, do vậy, ngay từ đầu mỗi năm học, phòng giáo dục huyện đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ vào thực tiễn địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó tập trung vào chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương, đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt”, bảo đảm dạy thực chất và đánh giá thực chất.

Trên cơ sở chỉ đạo của ngành cũng như sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã vượt qua khó khăn vươn lên giành thắng lợi về mọi mặt. Cô giáo Vũ Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Phụng 2 chia sẻ: Để nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu và sự chỉ đạo của ngành, từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể trên cơ sở đánh giá mặt mạnh, mặt hạn chế trong từng lĩnh vực, từng phân môn cũng như mỗi cán bộ, giáo viên... từ đó, tiến hành đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo vững về chuyên môn, nhiệt tình với công việc; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồng thời, tăng cường kỷ cương nền nếp học đường. Với cách làm này, hiệu quả trong dạy và học của nhà trường không ngừng được nâng lên và luôn đứng tốp đầu các trường tiểu học trong huyện. Tại Trường THCS thị trấn Thường Xuân cũng vậy, nhờ phát huy hiệu quả các phong trào thi đua, bám sát từng nhóm đối tượng học sinh, quan tâm hỗ trợ học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, với 4 lớp chất lượng cao của 4 khối học, nhà trường đã lựa chọn những giáo viên có chuyên môn cao, tâm huyết để đứng lớp giảng dạy... vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường luôn được giữ vững. Nhiều năm qua, nhà trường luôn là đơn vị dẫn đầu khối THCS trong huyện khi tham gia các cuộc thi học sinh giỏi các môn văn hóa, thể dục, thể thao cấp huyện; tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm luôn đạt trên 72%, 100% học sinh có hạnh kiểm khá, tốt...

Nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài đổi mới phương pháp giảng dạy, đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng được xem là tiền đề quan trọng. Xác định rõ điều này, trong những năm học qua, ngành giáo dục huyện Thường Xuân đã triển khai nhiều chuyên đề, hội thảo, giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, toàn ngành có 1.798 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 82,5%. Ở bậc học mầm non tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt trên chuẩn là 85,3%, tiểu học 94,2% và THCS là 88,1%. Bên cạnh đó, chủ trương kiên cố hóa trường lớp, xã hội hóa và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay, huyện Thường Xuân đã có 26/36 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 41,3%. Theo kế hoạch, đến năm 2020 toàn huyện có trên 60% số trường đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với những kết quả đạt được, ngành giáo dục huyện Thường Xuân vẫn tồn tại những hạn chế, như: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, ưu tiên nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường. Việc phối hợp giữa các phòng chuyên môn cấp huyện với UBND các xã, thị trấn để quy hoạch mạng lưới trường, lớp học và mở rộng diện tích đất cho các nhà trường còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng trường lớp học và công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Số điểm trường lẻ của các trường mầm non, tiểu học còn nhiều ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn, đến việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho dạy, học và nâng cao chất lượng giáo dục. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên năng lực chuyên môn hạn chế so với yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học, bậc học chưa được khắc phục triệt để... Những hạn chế, yếu kém này đã và đang đặt ra cho ngành giáo dục huyện sớm tìm giải pháp khắc phục để tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà phát triển toàn diện, vững chắc.


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]