(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đến hết tháng 9 năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 89 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 11 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 29 trung tâm dạy nghề, 31 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đến hết tháng 9 năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 89 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 11 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 29 trung tâm dạy nghề, 31 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Lao động nông thôn tham gia học nghề may tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nông Cống.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức đào tạo theo hướng hiện đại và hội nhập nhằm thu hút học sinh, sinh viên.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2017 tỉnh ta đã tổ chức sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật - hướng nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố thành trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên và bàn giao về UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ, trong đó chủ yếu là dạy nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về GDNN đối với các trường chuyên nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Cùng với đó, chủ động rà soát và đề xuất sáp nhập, giải thể một số cơ sở GDNN trước khi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai. Công tác truyền thông, tuyển sinh được đặc biệt quan tâm, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, của thanh niên trong lựa chọn ngành học, nghề nghiệp cho lập thân, lập nghiệp, khắc phục dần tình trạng thất nghiệp sau đào tạo; việc liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, giai đoạn 2012-2017 các cơ sở GDNN trên địa bàn toàn tỉnh đã tuyển sinh được 220.450 người, trong đó cao đẳng 6.738 người, trung cấp 27.061 người, sơ cấp 140.517 người, đào tạo dưới 3 tháng 46.134 người, kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề là 184.535 lượt người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt khoảng 90-95%, trình độ trung cấp đạt khoảng 85-90%, trình độ sơ cấp đạt khoảng 75%, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 43% năm 2011 lên 61,07% năm 2017.

Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, các trường đã liên tục rà soát lại hệ thống các ngành nghề đào tạo, chú trọng tới các lĩnh vực đang được thị trường quan tâm, phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ... Số người được đào tạo nghề ngày càng tăng nhanh, do đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm sau cao hơn năm trước. Ở các nhà trường, cơ sở dạy nghề, các chương trình đào tạo được bổ sung, xây dựng mới theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng, hàng trăm giáo trình được biên soạn sử dụng nội bộ trong trường và hàng nghìn đầu sách được các nhà trường đầu tư mua sắm phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Hoạt động dự giờ, tổ chức hội giảng cấp khoa, cấp trường và cấp tỉnh được duy trì thường xuyên đã giúp giáo viên các trường cập nhật, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đồng thời giúp cho công tác quản lý điều chỉnh kịp thời, sát thực tế chương trình nhiệm vụ công tác. Để học sinh khi tốt nghiệp ra trường nhanh chóng tiếp cận với thực tế, các trường luôn quan tâm đến các điều kiện thực hành, thực tập của học sinh. Thời gian học thực hành, thực tập được điều chỉnh từ 30 đến 50%, thậm chí có trường, tới 65% thời gian dành cho học sinh thực hành, thực tập, tùy từng môn học, giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp cận với các trang thiết bị, máy móc cũng như được rèn luyện kỹ năng, kiến thức cần thiết khi ra thực tế sản xuất.

Tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa, những năm qua đã tổ chức đào tạo cả 3 bậc: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề với 27 ngành nghề: Hằng năm, nhà trường luôn duy trì quy mô đào tạo trên 1.500 học sinh, sinh viên, thường xuyên mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người lao động và tham gia chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thông qua hợp tác, liên kết đào tạo, nhà trường đã sử dụng hiệu quả lao động kỹ thuật, trang thiết bị của các doanh nghiệp, tạo địa bàn và cơ sở cho học sinh đi thực tập và tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Với việc “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lấy thực hành kỹ năng nghề là chính, nhà trường đã thực hiện đa dạng hóa các phương thức đào tạo chính quy tập trung, đào tạo ngắn hạn tại trường hoặc tại doanh nghiệp; đào tạo theo địa chỉ; liên kết với các cơ sở đào tạo khác trong và ngoài tỉnh... Vì vậy, những năm qua, học sinh của nhà trường tốt nghiệp ra trường đã có trên 80% được các cơ quan, doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, với thu nhập ổn định.

Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa hằng năm có số lượng tuyển sinh từ 800-1.000 học sinh, sinh viên. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã liên hệ và đăng ký địa điểm thực tập cho học sinh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế dự phòng tỉnh, bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn trong tỉnh. Học sinh thực tập tại các bệnh viện, trung tâm, trạm y tế với thời gian từ 60-75% chương trình học. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với bệnh viện, công ty, mời bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia giảng dạy, bố trí phòng học, giao ban cho giáo viên, học sinh, sinh viên ngay tại bệnh viện; phối hợp tổ chức hội nghị viện - trường, hoặc liên hệ trực tiếp, thường xuyên để trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các phương thức điều trị mới, cải tiến phương pháp quản lý, giảng dạy, học tập. Học sinh sau khi ra trường đều đạt yêu cầu tay nghề của cơ sở sử dụng lao động và hầu hết đều có việc làm tại các bệnh viện, trung tâm, trạm y tế, doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì các cơ sở GDNN cũng gặp phải không ít khó khăn, một số trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề tỷ lệ học sinh đăng ký học ngày càng giảm. Nguyên nhân do các trường, các cơ sở dạy nghề còn thiếu thông tin dự báo về nhu cầu phục vụ phát triển đào tạo nhân lực, về thị trường lao động. Nội dung đào tạo và nhu cầu thực tiễn công việc còn có khoảng cách. Thực tế ấy đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường, học viên và doanh nghiệp. Để việc đào tạo của các trường thực sự sát với nhu cầu thực tế, rất cần sự tham gia hơn nữa từ phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc “đặt hàng”, liên kết đào tạo, có như vậy mới tạo nên sức hút học sinh tới các cơ sở GDNN.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]