(Baothanhhoa.vn) - Đã 3 mùa khai giảng trôi qua, các em học sinh ở bản Phá chưa được nghe tiếng trống “tùng tùng” ở trường.

Lớp học ở bản Phá

Đã 3 mùa khai giảng trôi qua, các em học sinh ở bản Phá chưa được nghe tiếng trống “tùng tùng” ở trường.

Lớp học ở bản Phá

Điểm trường bản Phá.

Những ngày cận kề ngày Nhà giáo Việt Nam (20 -11) chúng tôi có dịp ghé thăm điểm trường khu Phá (bản Phá, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh). Cách thị trấn Lang Chánh chỉ chừng 18km, thế nhưng, để đến được đây, chúng tôi phải mất gần 1 giờ. Bởi lẽ, con đường dẫn lối vào bản Phá quanh co, uốn lượn, dốc cao thăm thẳm...

Lớp học ở bản Phá

Thấy có người lạ đến thăm, những em nhỏ bản Phá chạy lại xúm lấy chúng tôi. “Nói thật với các bạn, đã lâu lắm chúng mới được thấy người lạ, ở đây xa xôi lại cuối bản nên ít người ghé thăm. Cách đây 3 năm ở bản mới có điện, mới biết đến tivi, thấy các bạn nên chúng mừng, lạ lẫm là phải rồi”. Thầy Lữ Văn Dậu, trưởng khu điểm trường tiểu học bản Phá hồ hởi chia sẻ.

Lớp học ở bản Phá

Nằm nép mình bên con suối Phá, điểm trường bản Phá đơn sơ vỏn vẹn 4 lớp học chung được ngăn bằng vách gỗ. Để đến lớp dạy con chữ cho học sinh nơi đây, thầy Dậu và các cô giáo phải dậy từ sớm tinh mơ, vượt hàng chục khúc cua đồi núi.

Lớp học ở bản Phá

Theo chia sẻ từ thầy Dậu, điểm trường này đã có từ rất lâu, 100% người dân sinh sống ở đây đều là người dân tộc Thái. Sau khi có con đường bê tông dẫn từ UBND xã đến bản, cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Lớp học ở bản Phá

Thầy Dậu kể: “Trước đây khi chưa có đường bê tông vào bản, điện chưa kéo về tận nơi, người dạy chữ ở đây đều là các thầy. Bởi ngày đó nơi đây còn rất khó khăn, đường đất đỏ lầy lội heo hút, phải đi bộ mấy tiếng mới vào được bản khiến nhiều cô giáo không thể đến được. Giờ các thầy cũng đã về hưu, nhưng rất may đã có đường bê tông vào bản nên 4 cô giáo ở đây yên tâm nhận đứng lớp”.

Lớp học ở bản Phá

Nói là thế, nhưng sau một hồi dạo quanh điểm trường, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. 1 căn nhà gỗ ọp ẹp, chật chội vỏn vẹn chỉ chừng 20m2 là nơi học của hơn 20 em học sinh lớp 4, lớp 5. Hai lớp học được ngăn nhau bằng tấm phên gỗ, bên này đọc bên kia nghe rõ đến từng tiếng.

Lớp học ở bản Phá

Ghé thăm một lớp học tiếng Anh lớp 4, cô Hà Thị Dung đang cố gắng truyền tải đến các em học sinh một cách dễ hiểu nhất. “Các anh thấy đấy, lớp có 10 em nhưng các em không có lấy 1 cuốn sách giáo khoa, chỉ có chiếc bảng để các em nhìn rồi ghi theo thôi”. Cô Dung tâm sự.

Lớp học ở bản Phá

“Bục, bục, bục” 3 tiếng kêu vang lên sau lưng, tôi ngoảnh lại thấy thầy Dậu vừa đặt chiếc gậy lên chiếc trống thủng 2 mặt. Hỏi ra mới hay, đã lâu rồi trường chưa thay trống mới, đây là chiếc trống cũ của làng cho mượn để các cháu tập thể dục. Đã 3 mùa khai giảng trôi qua, các em học sinh ở đây chưa được nghe rõ âm thanh “tùng, tùng” của chiếc trống.

Lớp học ở bản Phá

Lớp học ở bản Phá

Chia sẻ về những khó khăn, thầy Dậu cho biết: “Các em nhỏ hầu hết được phụ huynh phó mặc hết cho thầy cô. Đa số phụ huynh các em ở nơi đây đều đi làm ăn xa, để các con ở nhà với ông bà, bởi lẽ đó mà việc học con chữ cũng trở nên khó khăn với các cháu. Căn nhà gỗ kia được làm từ khá lâu rồi, để có được ngôi nhà đó làm lớp học cho các cháu thì chủ yếu là các phụ huynh tự quyên góp gỗ, hô hào nhau dựng lên cho các cháu học tạm”.“May mắn hơn các anh học lớp lớn, các em nhỏ học lớp 1, 2 và 3 được chia ra làm 3 lớp học ở căn nhà gạch xây cách đây gần 20 năm. Thế nhưng, mùa mưa thì cũng dột nhiều lắm. Chúng tôi mong muốn có 1 phòng học kiên cố cho các cháu lắm”. Thầy Dậu chia sẻ thêm.

Lớp học ở bản Phá

Ánh mặt trời dần khuất sau núi, chúng tôi chia tay thầy Dậu và những đứa trẻ ở bản Phá mà lòng nặng trĩu. Đâu đó vẫn còn những bản nghèo, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn, những lớp học tạm...

Tuấn Kiệt


Tuấn Kiệt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]