(Baothanhhoa.vn) - Được thành lập từ năm 1999 với “sứ mệnh” đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT), đến nay, Hội Khuyến học (HKH) Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khuyến học xứ Thanh – 20 năm xây dựng và phát triển

Được thành lập từ năm 1999 với “sứ mệnh” đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT), đến nay, Hội Khuyến học (HKH) Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước.

Khuyến học xứ Thanh – 20 năm xây dựng và phát triển

Đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và Viettel Thanh Hóa trao học bổng “Vì em hiếu học” cho học sinh xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa).

Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển với sự khởi đầu muôn vàn khó khăn, thách thức, song, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phối hợp của các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của các cấp HKH và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, phong trào KHKT trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ. Tổ chức HKH từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động, các chi hội ở thôn, khu phố, trường học, doanh nghiệp, ban khuyến học dòng họ... từng bước được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Hiện, tổ chức HKH đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với 868 hội cơ sở; hơn 15.700 chi hội và ban khuyến học trực thuộc, thu hút 927.452 hội viên tham gia, đạt 25,75% dân số toàn tỉnh, tăng gần 15% so với những năm đầu thành lập. Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân đã đưa phong trào KHKT của tỉnh phát triển sâu rộng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ.

Cùng với công tác xây dựng tổ chức hội, trong quá trình hoạt động, HKH tỉnh luôn làm tốt vai trò nòng cốt trong phối hợp với ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách về công tác KHKT, xây dựng XHHT, làm hành lang pháp lý cho các mặt hoạt động của tổ chức hội. Ví như, Nghị quyết số 33/NQ-HĐND, ngày 16-3-2004 của HĐND tỉnh về “Cơ chế chính sách hỗ trợ trung tâm học tập cộng đồng”; Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 28-2-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng XHHT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; Quyết định số 3179/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển Quỹ khuyến học (QKH) Thanh Hóa phục vụ xây dựng XHHT, giai đoạn 2007-2015”... Trên cơ sở đó, các cấp HKH tích cực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các mặt hoạt động của khuyến học. Các cấp hội cũng đã dành nhiều thời gian tâm huyết, kiên trì, nỗ lực và sáng tạo trong việc mô hình hóa, tiêu chuẩn hóa và xã hội hóa các hoạt động khuyến học, như: Mô hình gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học, nay là gia đình, dòng họ, khu dân cư, đơn vị học tập; mô hình xây dựng và phát triển các loại QKH; mô hình trung tâm học tập cộng đồng... tạo tiền đề để xây dựng XHHT. Ngoài ra, hội cơ sở và các chi hội khuyến học ở khu dân cư đã sáng tạo trong quản lý học sinh bằng tiếng trống, tiếng kẻng, loa phát thanh khuyến học; xây dựng góc học tập, tủ sách khuyến học; vận động giáo viên tổ chức các lớp học tình thương và dạy thêm cho học sinh yếu kém không thu tiền. Vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để ngăn chặn học sinh có nguy cơ bỏ học, vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp... Nhờ đó, đã xác lập được mối quan hệ thực chất giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội.

Đặc biệt, để đưa phong trào KHKT không ngừng phát triển, các cấp HKH trong tỉnh luôn quan tâm và tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng QKH. Theo đó, các tổ chức, đơn vị, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, dòng họ, khu dân cư và nhiều gia đình đã xây dựng được QKH. Số QKH trong toàn tỉnh cũng tăng qua từng năm. Nếu như những năm đầu thành lập, QKH toàn tỉnh mới chỉ đạt gần 60 tỷ đồng, đến nay, con số này đã lên trên 360 tỷ đồng. Trong đó, nhiều địa phương có số quỹ từ 5 đến trên 10 tỷ đồng, như: Hoằng Hóa, Yên Định, Nông Cống, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, TP Thanh Hóa... Cùng với các đơn vị, đoàn thể, QKH Thanh Hóa còn ghi nhận sự đóng góp của các nhà hảo tâm, con em xa quê làm ăn thành đạt luôn hướng về quê hương. Trong đó, phải kể đến QKH Doãn Tới, do doanh nhân Doãn Tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuất khẩu thủy sản Nam Việt dành 1 triệu USD xây dựng quỹ. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động (năm 2008) đến nay, ban điều hành quỹ đã trao học bổng và thưởng cho trên 21.000 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi; học sinh, sinh viên có thành tích cao đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, khu vực và cán bộ quản lý giỏi, giáo viên dạy giỏi làm khuyến học xuất sắc với tổng số tiền 21,6 tỷ đồng. Gia đình Giáo sư Lê Viết Ly mỗi năm dành 1 tỷ đồng trao thưởng cho sinh viên, học sinh nghèo, đặc biệt khó khăn vươn lên học giỏi; QKH Nguyễn Đan Quế với chân quỹ 6,6 tỷ đồng, mỗi năm cũng trao hơn 1.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi trong toàn tỉnh...

Qua thống kê, từ các nguồn quỹ trên, mỗi năm, các cấp HKH trong tỉnh đã khen thưởng, cấp học bổng cho hàng trăm nghìn lượt học sinh, sinh viên có thành tích trong học tập; trao thưởng cho hàng nghìn lượt giáo viên, cán bộ làm công tác khuyến học giỏi, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng XHHT không ngừng phát triển. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp HKH đã cấp học bổng cho 74.875 học sinh, sinh viên với số tiền hơn 41,1 tỷ đồng; khen thưởng cho 121.996 lượt học sinh, sinh viên với số tiền gần 40 tỷ đồng; thưởng và hỗ trợ cho 30.216 học sinh, sinh viên và giáo viên với số tiền là trên 19,7 tỷ đồng... Kết quả này đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển cả về quy mô và chất lượng mà bản thân ngành giáo dục không thể tự làm được.

Ông Vương Văn Việt, Chủ tịch HKH tỉnh, cho hay: Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các cấp HKH và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong suốt 20 năm qua, phong trào thi đua KHKT đã bắt đúng mạch nguồn của cuộc sống, ăn sâu bám rễ vào đời sống nhân dân. Điều này cũng cho thấy phong trào không còn là riêng của những người làm khuyến học mà đang trở thành phong trào nhân dân, có sự chung tay góp sức của các lực lượng xã hội. Thực tế đã chứng minh, ở đâu có sự quan tâm đầy đủ của cấp ủy đảng, chính quyền thì ở đó hoạt động KHKT, xây dựng XHHT phát triển toàn diện và hiệu quả.

20 năm chưa phải là dài, thế nhưng, HKH Thanh Hóa từ một tổ chức xã hội còn non trẻ đến nay đã khẳng định được vị thế, vai trò của mình, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin tưởng. Và, với thành tích đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển, HKH Thanh Hóa đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; bằng khen, cờ thi đua...; nhiều tập thể, cá nhân thuộc các cấp HKH được trao tặng bằng khen, giấy khen, cờ thi đua... Đây sẽ là động lực để các cấp HKH trong tỉnh tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tích cực đưa nghị quyết, chính sách về giáo dục vào thực tiễn.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]