(Baothanhhoa.vn) - Ông cha ta đã có câu “Cho bạc, cho tiền không bằng cho nghiên, cho bút”. Tiếp nối truyền thống đó, những người con xứ Thanh hôm nay luôn ra sức thi đua xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT), góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khuyến học, khuyến tài vì tương lai tươi sáng

Ông cha ta đã có câu “Cho bạc, cho tiền không bằng cho nghiên, cho bút”. Tiếp nối truyền thống đó, những người con xứ Thanh hôm nay luôn ra sức thi đua xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT), góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Khuyến học, khuyến tài vì tương lai tươi sáng

Đại diện Hội Khuyến học tỉnh và quỹ khuyến học, khuyến tài Nguyễn Đan Quế trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.

Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực của các cấp hội khuyến học (HKH), phong trào KHKT trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, HKH các cấp đã tạo chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng xã hội học tập (XHHT), đẩy mạnh phong trào KHKT. Theo thống kê của HKH tỉnh, hiện nay, các cấp HKH đã thu hút gần 930.000 hội viên tham gia công tác KHKT, chiếm trên 25,5% dân số toàn tỉnh. Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân đã đưa phong trào KHKT của tỉnh phát triển sâu rộng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, các cấp HKH đã tích cực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các mặt hoạt động của khuyến học. Đặc biệt, các cấp hội đã dành nhiều thời gian tâm huyết, kiên trì, nỗ lực và sáng tạo nhiều mô hình, biện pháp hỗ trợ ngành giáo dục và các nhà trường. Hội cơ sở và các chi HKH ở khu dân cư đã sáng tạo trong quản lý học sinh bằng tiếng trống, tiếng kẻng, loa phát thanh khuyến học; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, xây dựng góc học tập, xây dựng tủ sách khuyến học; tổ chức các lớp học tình thương và dạy thêm cho học sinh yếu kém không thu tiền. Vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để ngăn chặn học sinh có nguy cơ bỏ học, vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp... Nhờ đó, đã xác lập được mối quan hệ thực chất giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội.

Đặc biệt, để công tác KHKT mang lại hiệu quả thiết thực, cùng với những hoạt động trên, các cấp HKH đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành nghị quyết về phát triển, xây dựng quỹ khuyến học (QKH). Đến nay, QKH trong toàn tỉnh đã đạt hơn 355 tỷ đồng. Trong đó, nhiều huyện có số quỹ từ 5 đến trên 10 tỷ đồng, như: Hoằng Hóa, Yên Định, Nông Cống, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, TP Thanh Hóa... QKH cấp xã cũng tăng nhanh, trong đó nhiều xã có số QKH lớn, như: Định Tân (Yên Định) 2,8 tỷ đồng; Ngư Lộc (Hậu Lộc) trên 2 tỷ đồng, thị trấn Nông Cống (Nông Cống) 1,2 tỷ đồng; Tân Ninh (Triệu Sơn) 1,3 tỷ đồng... Cùng với các đơn vị, đoàn thể, QKH Thanh Hóa còn ghi nhận sự đóng góp của con em xa quê có tấm lòng hảo tâm, luôn hướng về quê hương. Trong đó, phải kể đến QKH Doãn Tới, do doanh nhân Doãn Tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất khẩu thủy sản Nam Việt dành 1 triệu USD xây dựng quỹ. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động (năm 2008) đến nay, ban điều hành qũy đã trao học bổng và thưởng cho trên 21.000 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi; học sinh, sinh viên có thành tích cao đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, khu vực và cán bộ quản lý giỏi, giáo viên dạy giỏi làm khuyến học xuất sắc với tổng số tiền 21,6 tỷ đồng. Gia đình Giáo sư Lê Viết Ly mỗi năm dành 1 tỷ đồng trao thưởng cho sinh viên, học sinh nghèo, đặc biệt khó khăn vươn lên học giỏi. QKH Nguyễn Đan Quế do Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Công ty CP Him Lam và Công ty TNHH Tin học và Thương mại Hồng Cơ đồng sáng lập cũng có chân quỹ 6,6 tỷ đồng... Từ các nguồn quỹ trên, mỗi năm, các cấp HKH trong tỉnh đã khen thưởng, cấp học bổng cho hàng trăm nghìn lượt học sinh, sinh viên có thành tích trong học tập; trao thưởng cho hàng nghìn lượt giáo viên, cán bộ làm công tác khuyến học giỏi, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng XHHT không ngừng phát triển.

Sự học xưa nay đều gieo mầm, bám rễ từ mỗi gia đình và mỗi dòng họ, khu dân cư là mảnh đất màu mỡ để tạo điều kiện cho việc học của các gia đình phát triển. Xác định rõ điều này, từ khi được thành lập đến nay, HKH tỉnh liên tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, khu dân cư học tập. Theo đó, những gia đình, dòng họ, làng, bản vốn nghèo khó ít được học thì nay đã vượt lên chính mình, biến những điều không thể thành có thể bằng chính nghị lực và quyết tâm không chịu dốt, chịu nghèo. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 460.000 gia đình được công nhận gia đình học tập, gần 5.000 dòng họ được công nhận dòng họ học tập, trên 3.200 cộng đồng được công nhận cộng đồng học tập, 1.620 đơn vị được công nhận đơn vị học tập. Cùng với đó, mô hình trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) do HKH làm nòng cốt không ngừng được củng cố, đa dạng các nội dung hoạt động, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của người dân. Trung bình mỗi năm các TTHTCĐ trong toàn tỉnh mở được từ 30.000 đến gần 40.000 lớp, thu hút 1,2 đến trên 1,6 triệu lượt người tham gia học. Nội dung hoạt động của các trung tâm đã góp phần nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho người dân, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, dạy nghề ngắn hạn và dài hạn... tạo tiền đề để xây dựng XHHT cơ sở.

Hiếu học, KHKT là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống đó đã và đang được các thế hệ người con xứ Thanh gìn giữ và phát triển. Đặc biệt, từ khi HKH ra đời, phong trào KHKT đã chuyển sang thời kỳ mới, trở thành phong trào tự giác của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, quản lý của Nhà nước. Tự hào với những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi tổ chức, đơn vị, mỗi người dân cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình để phong trào KHKT, học tập suốt đời, xây dựng XHHT ngày càng có sức lan tỏa, vươn xa vì một tương lai tươi sáng, vì nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, góp sức làm cho “Dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái” như ý nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài Và Ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]