(Baothanhhoa.vn) - Hồ Quý Ly không hẳn là một nhà giáo mặc dầu ông từng đảm nhận việc dạy các hoàng tử và người trong cung. Ông là nhà cầm quyền chính trị, và trước cũng như sau ngày lên ngôi, về mặt giáo dục, ông là người có nhiều ý kiến và biện pháp cải cách táo bạo và sắc sảo. Bài viết này nhằm góp phần trình bày về nhận thức và biện pháp của ông trong lĩnh vực giáo dục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồ Quý Ly và vấn đề cải cách giáo dục

Hồ Quý Ly không hẳn là một nhà giáo mặc dầu ông từng đảm nhận việc dạy các hoàng tử và người trong cung. Ông là nhà cầm quyền chính trị, và trước cũng như sau ngày lên ngôi, về mặt giáo dục, ông là người có nhiều ý kiến và biện pháp cải cách táo bạo và sắc sảo. Bài viết này nhằm góp phần trình bày về nhận thức và biện pháp của ông trong lĩnh vực giáo dục.

Hồ Quý Ly và vấn đề cải cách giáo dục

Thành Nhà Hồ. (Ảnh: Hoàng Cao Đại)

Đặt lại hoàn cảnh cụ thể của việc giáo dục ở cuối thời Trần

Cuối thời Trần, xã hội Việt Nam thật hỗn độn. Điều đó có thể tóm lược trong mấy dòng: Trên thì vua mất cả chính lệnh, trong triều thì các bè đảng đua nịnh, ngoài nội thì dân tình đói khát, khổ sở. Các bậc thầy của Nho, Phật trước đó xem như đã được đưa vào bảo tàng (Chu Văn An được thờ ở Văn Miếu; những đại biểu của Phật giáo như Trúc Lâm Tam tổ cũng chỉ là những ánh hào quang ở một số vùng chùa chiền v.v..) Một vài vị như Lê Quát muốn đề cao Nho học nhưng ảnh hưởng chẳng bao lăm. Một số vị khác thì bi quan – như Trần Nguyên Đán cáo lão bỏ về, hoặc tiêu cực ăn lễ lạt như hạng Đỗ Tử Bình. Đạo Lão, đạo Phật còn sút kém hơn. Rất nhiều tráng đinh bỏ việc quan đi ở chùa nhằm trốn tránh đóng góp. Phạm Sư Ôn, một đệ tử Thích Ca ở Quốc Oai còn xưng hoàng đế, đem quân định chiếm Thăng Long. Bên ngoài, giặc Chiêm Thành thường xuyên gây rối và cướp phá. Sách vở tan nát, sĩ phu xiêu dạt. Quý Ly bấy giờ là Khu mật viện đại sứ, dạy dỗ trong cung. Ông đã có một cách nhìn và những ý đồ cải cách giáo dục.

Ý đồ cải cách giáo dục của Hồ Quý Ly: Nhận thức và tổ chức thực hiện

Những nhận thức độc đáo của riêng Hồ Quý Ly.

Nguyễn Đổng Chi, trong sách “VN cổ văn học sử” khẳng định: Họ Hồ chịu mạnh cái tinh thần của Vương An Thạch (1021-1086), một tể tướng nhà Tống. Vương An Thạch “có một độ bài xích những lối học huấn hỗ và chủ sở của tiên nho cùng những vấn đề cải lương Trung Quốc. Hồ còn hơn Vương về chỗ chiếm lấy chiếc ngai vàng cho tiện bề hành động” (“VN Cổ văn học sử” trang 373 – Hàn Thuyên xuất bản, 1943).

Trên tạp chí “Nam Phong” số 100 cũng ghi lời Lê Thúc Thông trong Nam sứ liệt truyện khảo cứu nói: “Xem Quý Ly đương buổi Tây lịch 1411 khi ấy các nước Âu châu chưa đến trình độ bản khai mà nước ta đã có Quý Ly bày đặt các việc, trước đã khêu đèn văn minh, phỏng Bá Kỳ không đưa quân Minh về trở ngạnh để cho Quý Ly hết sức kinh lý giang sơn, trùng tân nhật nguyệt, nước ta hẳn kéo cờ văn minh, thủ xuất trước các nước ở bên Đông á”.

Các học giả trên đều khẳng định Hồ Quý Ly có hoài bão và tư tưởng khác đời. Chúng tôi muốn tìm hiểu cụ thể hơn.

Trước hết là thái độ của Hồ Quý Ly với Khổng Tử và Tống nho. Trong khi Nho học đề cao Không Tử thì Quý Ly đưa ra 14 thiên Minh Đạo dâng Trần Nghệ Tông, trong đó đại lược khen Chu Công hơn Khổng Tử. Phải xem Chu Công là tiên thánh, thờ ở giữa Văn miếu, còn Khổng Tử thì chỉ là thầy (tiên sư) thờ bên cạnh.

Ông cũng nêu những điều ngờ vực trong Luận ngữ. Ta không đánh giá đúng, sai về những ngờ vực này mà chỉ đánh giá phương pháp nhận thức của Hồ Quý Ly. Có lẽ ở Á Đông trừ Mặc Tử là người ngoại đạo chỉ có Hồ Quý Ly là dám phơi bày một suy nghĩ độc lập, không giống cách hiểu truyền thống của người xưa. Như vậy có thể khẳng định về cách nghĩ của Hồ Quý Ly là thiết thực. Thiết thực đến độ tàn bạo và độc đoán. Chẳng hạn chế nhóm học giả Trình Di. Chu Hi chỉ biết học rộng mà không biết làm việc, cho đó là bọn “ăn trộm”. Gặp phải ý kiến phản bác của Đoàn Xuân Lôi, Đào Sư Tích, ông cách chức họ, bắt đi dày. Đặc biệt Hồ Quý Ly ghét hạng nhà nho nô lệ người xưa, hay viện cổ chứng kim. Năm 1402, Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa dâng thư xin theo giống Hán Đường cũ cho dân gian nộp lúa để chứa ở chỗ ven cõi rồi ban tước hoặc tha tội cho họ tuỳ theo thứ bậc. Hồ Quý Ly đã phê: “biết chữ được bao lăm mà cũng hay nội việc nhà Hán, Đường, ấy cho nên gọi là người câm hay nói, chỉ để mua cười thôi”.

Thái độ của Hồ Quý Ly đã đi đến chỗ “độc kiêu” – chữ dùng của cụ Huỳnh Thúc Kháng – song như thế đủ chứng tỏ ông giàu phán đoán, có sức sáng tạo và can đảm.

Từ nhận thức này mà Hồ Quý Ly có thái độ quan tâm đến văn hoá nước nhà, quan tâm đến lối học thực dụng, chẳng hạn ông quan tâm đến chữ Nôm, thơ Nôm, ông chú ý đến môn toán. Kỳ thi năm 1393 gọi là thi lại viên, ông cho tổ chức cả thi chữ nghĩa lẫn thi sự vụ hành chính. Sử còn chép Hồ Quý Ly làm sách Thi nghĩa bằng quốc âm (có lẽ là sách dạy về ca dao) để dạy hậu phi và cung nhân. Bài tựa sách, Hồ Quý Ly viết theo ý mình, không theo lối hiểu của Chu Hi – người có công trong việc giảng Kinh thi của Khổng Tử.

Việc tổ chức giáo dục dưới thời Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương.

Hồ Quý Ly bắt tay vào cải cách giáo dục có lẽ từ các cuốn sách như “Thi nghĩa” (dùng dạy hậu phi và cung nhân), dịch thiên Vô Dật ra quốc âm để dạy vua và Hoàng tử, ấy là khi ông chưa chính thức nắm quyền điều hành quốc gia. Có một điểm khiến chúng tôi ngờ rằng Hồ Quý Ly không dạy đúng như thiên Vô Dật trình bày. Sách này dạy những phép tắc, yêu cầu, cách thức làm vua. Nếu ông dạy đúng tinh thần sách ấy thì tại sao sau đó ông còn dám chiếm ngôi của cháu ngoại?

Những nội dung cải cách giáo dục của Hồ Quý Ly tiến hành trong thời gian ông cầm quyền rất đáng kể. Từ năm 1393 ông đã có lập một thư viện trên núi Lạn Kha và dùng Trần Tôn làm viện trưởng để dạy học trò. Năm 1396 ông định lại phép thi, bãi bỏ những gì thiếu sáng tạo. Đến năm 1402 lại thay đổi một lần nữa. Trước đó, lệ thi chỉ 3 đến 4 kỳ, nay thêm kỳ thứ 5 phải viết tập và làm toán. Sự mở đường cho toán học bắt đầu từ đây. Việc tổ chức các kỳ thi như vậy là khá toàn diện, có thi Thái học sinh (chữ nghĩa), có thi lại viên (sự vụ hành chính) chứ không thiên về lý thuyết như xưa.

Ông cũng rất chú ý yêu cầu mở rộng giáo dục cơ sở. Năm 1397 đã xuống chiếu: “Các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông mỗi phủ đều đặt một học quan, ban cho ruộng công cho phủ, châu lớn 15 mẫu, vừa 12 mẫu và nhỏ 10 mẫu để chỉ dụng dạy học ở lộ, phải đốc thúc học quan dạy dỗ học trò để cho thành tài nghề. Mỗi cuối năm phải chọn kẻ học giỏi tiến vào triều. Trẫm sẽ thân ra thi và cất vào dùng làm quan”. Các mặt hoạt động giáo dục khác, như dạy võ, dạy nghề thuốc cổ truyền cũng triệt để chống mê tín và hành động này được chứng minh bằng sự kiện giết phù thuỷ Trần Đức Huy năm 1403.

Mặc dù triều Hồ không mấy dài, nhưng một lớp nhân tài của đất nước cũng đã được xuất hiện. Có những nhân vật mà lịch sử không thể nào quên: Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Hồ Nguyên Trừng… Giáo dục thời Hồ Quý Ly, riêng những thành quả trên cũng đáng được ghi công trong lịch sử.

Những cải cách giáo dục của Hồ Quý Ly nằm trong một chương trình cải cách cực kỳ lớn của ông và có thể khẳng định là mang nhiều nội dung tích cực, tiến bộ. Tiếc thay, triều Hồ ngắn ngủi không đủ để cho những cải cách của ông thực thi và kiêm nghiệm qua thực tế.

Nếu được phép nhìn nhận tổng quát về Hồ Quý Ly, chúng tôi mạnh dạn cho rằng ông không thuần tuý là một nhà chính trị cầm quyền. Ông nghiêng về phía là một học giả, một lý thuyết gia có tầm xây dựng những đề án chiến lược mang tính cách mạng. Ở thế kỷ XIV - XV. Việt Nam có một con người như vậy cũng đáng xếp vào hàng ngũ nhân vật nổi tiếng.

Hoàng Khôi


Hoàng Khôi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]