(Baothanhhoa.vn) - Các chính sách ra đời để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Với ý nghĩa đó, chính sách luân chuyển giáo viên đã và đang được xem như một giải pháp“đinh” nhằm giải quyết vấn đề thừa- thiếu giáo viên. Hiệu quả đã nhìn thấy, nhưng hệ quả do nhiều bất cập phát sinh, đã và đang khiến cho chính sách này ít nhiều đi ngược lại tính nhân văn, tích cực ban đầu của nó!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 2 - Thực thi chính sách, “Bàn cờ” không dễ chơi!

Các chính sách ra đời để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Với ý nghĩa đó, chính sách luân chuyển giáo viên đã và đang được xem như một giải pháp“đinh” nhằm giải quyết vấn đề thừa- thiếu giáo viên. Hiệu quả đã nhìn thấy, nhưng hệ quả do nhiều bất cập phát sinh, đã và đang khiến cho chính sách này ít nhiều đi ngược lại tính nhân văn, tích cực ban đầu của nó!

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 2 - Thực thi chính sách, “Bàn cờ” không dễ chơi!

Học sinh Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát) trong giờ tự học.

“Đũa thần”… không nhiệm màu?

Luân chuyển giáo viên lên công tác ở những “vùng lõm” phát triển hay những khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là chủ trương lớn và hết sức nhân văn của Nhà nước. Đặc biệt, các chính sách này không chỉ phù hợp, sát đúng với điều kiện thực tế, nhằm giải quyết tình trạng thừa- thiếu giáo viên giữa các khu vực, vùng miền; mà còn giúp bảo đảm đời sống cho đội ngũ nhà giáo, làm “bệ đỡ” để họ yên tâm công tác, cống hiến cho giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đây cũng chính là ý nghĩa ra đời các Nghị định 61/2006/NĐ-CP, ngày 20-6-2006 của Chính phủ về thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định 19/2013/NĐ-CP ngày 23-2-2013 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2006/NĐ-CP; Văn bản hợp nhất số 27/VBHN-BGDĐT ngày 23-12-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Trên tinh thần Nghị định 61/2006/NĐ-CP và Nghị định 19/2013/NĐ-CP, Thanh Hoá đã tiến hành nhiều đợt “tổng động viên” để đưa 201.761 lượt giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Cùng với đó là nguồn kinh phí trên 1.000 tỷ đồng đã được “giải ngân” trong quá trình triển khai chính sách thu hút, ưu đãi đặc biệt này. Cũng nhờ vậy mà nhiều huyện miền núi cao như Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh… đã được bổ sung một lượng lớn giáo viên để “vá” lỗ hổng nhân lực suốt nhiều năm. Đồng thời, cùng với việc bổ sung đội ngũ nhà giáo qua từng năm, hệ thống cơ sở vật chất trường học và nhà công vụ giáo viên cũng từng bước được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương.

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 2 - Thực thi chính sách, “Bàn cờ” không dễ chơi!

Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa) được xây dựng khang trang.

“Chiều đi” là vậy, còn “chiều về”? Đặt câu hỏi cho đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục và đào tạo, rằng, đã có bao nhiêu người trong số hàng vạn giáo viên “đi nghĩa vụ” (kể cả trước và sau năm 2006), được trở về đúng “địa chỉ” và theo “nguyện vọng” của họ? Câu trả lời chúng tôi nhận được là chưa thoả đáng. Lý do được đưa ra là những người trực tiếp hay có liên quan đến việc thực thi chính sách, cũng như hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công tác luân chuyển giáo viên thời điểm ấy, cho đến nay, rất khó để tập hợp lại. Thế nhưng, khi tìm hiểu thực tế tại một số huyện như Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn – những địa phương có giáo viên miền xuôi công tác lâu năm chiếm tỷ lệ cao – chúng tôi được biết, mặc dù việc thiếu giáo viên đã không còn gay gắt như trước đây, nhưng số giáo viên miền xuôi hiện vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số giáo viên hiện có. Chẳng hạn huyện Quan Hoá, tỷ lệ này là trên 30% (trong tổng số 924 giáo viên) và cá biệt trong số họ có những người mà thâm niên “cắm bản”, bám lớp đã lên đến vài ba chục năm.

Trở lại với câu chuyện thực thi Nghị định 61, lúc “xách ba lô lên và đi”, hẳn là nhiều giáo viên, giáo sinh khi ấy đều có chung một mục tiêu là đem ánh sáng tri thức để thắp dậy ước mơ “đổi đời” cho nhiều học trò nghèo vùng khó; cũng là hoàn thành nghĩa vụ cao cả đã được xã hội gửi gắm, giao phó. Nguyện vọng của nhiều người trong số họ là sau thời gian công tác, cống hiến theo quy định, sẽ được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển; hoặc được tạo điều kiện để liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng. Thế nhưng, hiện thực vốn không phải lúc nào cũng “chiều lòng người”. Vậy nên mới có cảnh hàng trăm giáo viên – thậm chí là nhiều hơn vì chưa có con số thống kê cụ thể - vẫn đang “mắc kẹt” lại trong nhiều bản làng heo hút. Câu hỏi đặt ra là vì sao các chính sách – dù đã qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tế - nhưng vẫn không phải là “cây đũa thần” giúp những giáo viên này thoả mãn nguyện vọng chính đáng? Phải chăng đây là “lỗi” chính sách hay là lỗi trong cách thức thực thi chính sách?

Chưa biết câu trả lời cuối cùng là gì, chỉ biết, cũng bởi niềm tin bị “đánh cắp”, mà nhiều giáo viên đã “bỏ quên” tuổi trẻ, đánh mất ước mơ, thậm chí là đánh đổi cả hạnh phúc của chính mình. Và rồi, con đường trở về của họ - dù thực tế chỉ dài dăm bảy chục hay vài ba trăm cây số- thế nhưng, họ đã phải mải miết đi suốt mười lăm, hai mươi năm, thậm chí lâu hơn, mà vẫn chưa thể đến đích.

Những nghịch lý …

Nhiều câu chuyện đẫm nước mắt của những giáo viên cắm bản, khiến chúng tôi cứ đau đáu mãi câu hỏi: Vì sao họ khó trở về? Đem băn khoăn này trao đổi với ông Nguyễn Bá Tải, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chúng tôi được lý giải rằng: Những năm đầu, Nghị định 61 được thực hiện rất tốt, do đây là chủ trương lớn được triển khai rộng khắp cả nước. Giáo viên sau khi hết thời hạn luân chuyển (5 năm đối với nam và 3 năm đối với nữ), muốn trở về thì các huyện miền xuôi phải tiếp nhận, sắp xếp và bố trí việc làm. Về sau, khi miền xuôi thừa nhiều giáo viên, nên các địa phương không thể bố trí tiếp nhận số giáo viên luân chuyển. Đặc biệt là khi Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND ra đời, thì “ngày trở về” của họ đã khó lại càng thêm khó. Tuy nhiên, cũng theo ông Tải, thời điểm Nghị định 61 vẫn được thực thi đầy đủ, có thể có người, vì nhiều lý do nên đã không về. Cho nên, phải xem xét lý do đối với từng trường hợp cụ thể, trong từng hoàn cảnh cụ thể, mới biết được vì sao họ không thể về - do khách quan, hay không muốn về - do chủ quan.

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 2 - Thực thi chính sách, “Bàn cờ” không dễ chơi!

Cô giáo Đoàn Thị Hạnh, Trường THCS Pù Nhi (Mường Lát) tận tình chỉ bảo học sinh học tập.

Câu chuyện “đi dễ khó về” của hàng trăm giáo viên đã và đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, có thể có những lý do chủ quan, song, không thể phủ nhận cái nguyên nhân mang tính “lịch sử” của nó. Còn nhớ, cách đây gần 10 năm, giáo dục Thanh Hoá đã lâm vào một cuộc “khủng hoảng thừa” trầm trọng, đặc biệt là thời điểm đầu năm 2009, toàn tỉnh thừa tới 6.356 cán bộ quản lý và giáo viên dạy các môn văn hoá (trong đó, Tiểu học thừa 3.430 người, THCS thừa 2.926 người). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa “vô tội vạ” này, trong đó, có một lý do mà ở thời điểm ấy, dù nhiều người khó thừa nhận, nhưng đó vẫn là một nguyên nhân trực tiếp và cơ bản nhất: lạm dụng phân cấp, phân quyền! Quyết định số 685/2007/QĐ-UBND ngày 2-3-2007 của UBND tỉnh Thanh Hoá, về việc ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, được xem là một “bước tiến” khi trao quyền chủ động cho các huyện trong công tác quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức tại địa phương. Tuy nhiên, như chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Nội Vụ, nhưng cũng chính vì phân cấp quá rộng, thậm chí vượt quá khả năng quản lý và thực thi tại cơ sở, lại gây nên không ít hệ quả trong quá trình triển khai.

Một trong những hệ quả của việc lạm dụng phân cấp, phân quyền theo Quyết định 685 là tình trạng tuyển dụng ồ ạt giáo viên. Chỉ tính riêng giai đoạn 2008-2011, 15 huyện, thị xã đã tuyển dụng tới 1.494 biên chế giáo dục. Giữa thời điểm “trăm nhà đua… tuyển dụng” ấy, huyện Ngọc Lặc là một trong những cái tên “điển hình”, khi chỉ sau 1 năm triển khai Quyết định 685, lãnh đạo huyện này đã ký tuyển dụng hơn 200 giáo viên – con số đã góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng giáo viên dôi dư trên địa bàn. Không kém cạnh là bao, huyện Nga Sơn tuyển vượt 73/199 chỉ tiêu biên chế và việc tuyển dụng cũng không căn cứ theo các điều kiện, tiêu chuẩn. Cùng với đó là quy trình tuyển dụng “khép kín” đối với 27 biên chế trong số lao động hợp đồng đã ký, được tiến hành tại Quan Sơn; hay một số huyện như Nga Sơn, Cẩm Thuỷ, Quảng Xương, dù đang thừa giáo viên, nhưng vẫn tiếp nhận biên chế từ nơi khác chuyển đến hoặc vẫn hợp đồng; một số khác thậm chí còn hợp đồng ngay cả bộ môn đang thừa.

Đến một sự kiện “nổi tiếng” gần đây nhất của Thanh Hoá (năm 2016), với việc gần 1.000 giáo viên các huyện Yên Định và Vĩnh Lộc bị cắt hợp đồng. Đây cũng được xem là một hệ luỵ tất yếu từ việc thực thi quyền “tự quyết” và “tự chịu trách nhiệm” của lãnh đạo các địa phương trên. Giáo viên miền xuôi thừa nhiều khiến cơ hội xuôi khỏi vùng khó của giáo viên luân chuyển ngày càng ít đi. Đến khi Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND ngày 8-11-2011 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc ban hành Quy định về điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên hành chính trong các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập ra đời với mục đích “thắt chặt” hơn việc điều động, tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết tình trạng giáo viên dôi dư, thì “cánh cửa” về xuôi đã hẹp lại càng hẹp.

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 2 - Thực thi chính sách, “Bàn cờ” không dễ chơi!

Giờ chơi của học sinh Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát).

Khi trao đổi với ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng giải quyết của ngành đối với những giáo viên miền xuôi công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn có nguyện vọng trở về, chúng tôi nhận được cái lắc đầu bất lực. Do phân cấp nên ngành Giáo dục và đào tạo không có quyền quản lý trực tiếp nhân lực, bao gồm quyền lập kế hoạch nhân lực cho toàn ngành, cho từng cấp học, ngành học, từng trường học sao cho phù hợp với cơ cấu chủng loại bộ môn. Và do đó, ngành cũng khó “với tay” đến công tác điều động, luân chuyển giáo viên giữa các vùng, trong đó có cả việc điều chuyển giáo viên lên vùng khó và đưa giáo viên từ vùng khó về vùng thuận lợi.

Công tác tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển giáo viên, ví như một bàn cờ có nhiều người chơi, nhiều cách chơi và kéo theo đó là không ít nghịch lý cùng hệ luỵ. Những nghịch lý ấy, nếu không được giải quyết thì tình trạng thừa – thiếu giáo viên triền miên sẽ không được giải quyết một cách căn bản; việc tuyển giáo viên “theo nhu cầu” và chấm dứt hợp đồng do “hết nhu cầu” sẽ còn tiếp diễn… Thực tế là cho đến nay, “di chứng” từ việc lạm dụng phân cấp, phân quyền vẫn còn, mặc dù nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung giải quyết số lượng giáo viên dôi dư, nhằm giảm áp lực và gánh nặng lên ngành giáo dục. Song, con số dôi dư hiện vẫn tồn đọng khá nhiều và tập trung chủ yếu ở khối THCS (gần 1.000 người). Việc giải quyết số giáo viên dôi dư này là không dễ, khi giải pháp bố trí, sắp xếp họ xuống dạy mầm non, tiểu học đang vô kế khả thi, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đồng ý việc bổ sung lại kiến thức cho đối tượng này.

Sau thời gian “tạm đóng”, năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành văn bản số 9656/UBND-VX ngày 26-8-2016, về việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường Mầm non, Tiểu học và THCS công lập, nhằm triển khai hiệu quả hơn Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND. Đồng thời, văn bản này cũng đã mở ra một “con đường về xuôi” cho nhiều giáo viên cắm bản. Thực tế tại các huyện Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn cho thấy, việc trở về của giáo viên đã trở nên thuận lợi hơn. Trao đổi với ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, chúng tôi được biết: “Mặc dù Quan Hoá hiện đang thiếu gần 70 giáo viên, nhưng nếu các thầy cô có nguyện vọng xin về, huyện sẽ giải quyết, với điều kiện phải chuyển trước khi năm học mới bắt đầu hoặc sau khi kết thúc học kỳ I”. Được biết, trong 3 năm trở lại đây, huyện Quan Hoá đã giải quyết cho khoảng 30 trường hợp chuyển công tác về xuôi. Tuy nhiên, đó mới là cái dễ - cái thuận ở “chiều đi”, khi mà mọi “thủ tục” ở “chiều về” – nơi tiếp nhận - giáo viên đã lo hết. Nghĩa là, nếu muốn trở về, giáo viên phải “chạy” và đằng sau câu chuyện “chạy” ấy là những điều biết rồi, khổ lắm, nhưng …vô cùng khó nói!

Và suy cho cùng, bất luận với lý do gì đi nữa, thì việc nhiều giáo viên bị “mắc kẹt” lại các vùng đặc biệt khó khăn suốt nhiều năm không thể trở về, hoặc muốn trở về thì phải “tự lo”, là chưa đúng với quy định được nêu rõ trong Điều 9 Nghị định 61, Nghị định 19 và Văn bản hợp nhất số 27/VBHN-BGDĐT. Để rồi, trong trăm nghìn cái sai có lẽ có một phần nằm ở chính sách và cả việc thực thi chính sách?.

Nhóm PV Phòng VH-XH


Nhóm PV Phòng VH-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]