(Baothanhhoa.vn) - Với mong muốn khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ, những năm qua ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các di tích lịch sử, văn hóa

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các di tích lịch sử, văn hóa

Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các buổi triển lãm, tham quan, nói chuyện... là những hoạt động bổ ích, thiết thực.

Với mong muốn khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ, những năm qua ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn.

Thanh Hóa hội tụ và tồn tại đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, các điều kiện tự nhiên để trở thành một vùng miền di sản đặc sắc. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có hơn 800 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Đây là nguồn “tư liệu” vô giá để khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Vệ 2, TP Thanh Hóa cho biết: Những năm qua, cùng với việc dạy văn hóa, để học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, hàng năm nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tiếp lửa truyền thống”... Hay vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc như Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12)... công tác này được nhà trường đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Tham gia các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, thắp nến tri ân, viếng lăng Bác, thăm Khu di tích Lam Kinh... Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động giúp các bạn trẻ tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương của mình để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, TP Thanh Hóa chia sẻ: Việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh không chỉ được nhà trường thực hiện dạy lồng ghép trong các môn học mà còn được thực hiện trong các buổi ngoại khóa của học sinh. Khách mời là những cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân ngay tại địa phương, họ là những người từng đi qua bão lửa chiến tranh, trực tiếp sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Đây là những “bằng chứng sống”, có sức thuyết phục và lan tỏa lớn đối với học sinh. Cùng với những kiến thức được thầy cô giáo giảng dạy trên lớp, những câu chuyện thời chiến do các bác cựu chiến binh kể lại càng khiến các em ghi nhớ được lâu.

“Trong những năm qua, nhà trường luôn có kế hoạch cụ thể về việc lồng ghép trong các tiết dạy các nội dung liên quan đến di sản, di tích lịch sử, văn hóa. Tích cực cho học sinh đi thăm quan các di sản trong và ngoài địa phương để tạo hứng thú học tập cho các em, từ đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà bộc bạch.

Nói về vấn đề này, ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa cho biết: Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn. Việc làm này là cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử. Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp. Tình yêu đất nước của mỗi người đều phải bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương...

Theo ông Lựu, trong các tiết học, giáo viên lồng ghép kiến thức, sáng tạo phương pháp chuyển tải để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá của địa phương. Vào các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương, các nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, giúp gia đình chính sách bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc... Qua mỗi lần tham quan, một số trường học cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, bởi thông qua đó, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Là một trong những người đã có nhiều năm tham gia nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ ở địa phương vào những ngày kỷ niệm của dân tộc, ông Trần Quang Khải, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa bộc bạch: “Tôi rất vui khi được kể về những tấm gương kiên trung, bất khuất, dũng cảm hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bằng những câu chuyện người thật, việc thật mà bản thân mình đã trải qua cho thế hệ trẻ nghe. Thậm chí, có những câu chuyện tôi kể đã khiến các cháu học sinh phải bật khóc. Tôi thấy, việc giáo dục học sinh thông qua những câu chuyện có thật như thế này vô cùng hữu ích”.

Em Đặng Uyển Chi, học sinh Trường Tiểu học Điện Biên 2 cho biết: “Thông qua những bài giảng của cô giáo, được đi thăm bảo tàng lịch sử, được xem những bộ phim về chiến tranh..., chúng em thấy rất tự hào về ý chí kiên cường của quân và dân ta trước “mưa bom bão đạn” của kẻ thù. Em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này có những việc làm đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước”.

Là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, Thanh Hóa có nhiều di tích lịch sử, văn hóa... đây sẽ là minh chứng, là tư liệu “sống” để truyền thụ, bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho các thế hệ học sinh. Từ đó, các em cảm thấy phải có trách nhiệm hơn trong phấn đấu học tập, lao động để gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống của quê hương mình.

Có thể nói, công tác giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương đã thực sự tạo động lực, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động, biết vượt qua khó khăn, có ý chí và khát vọng phấn đấu để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước, làm rạng danh thêm truyền thống đất và người xứ Thanh.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]