(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa phát triển trường ngoài công lập, tuy nhiên, hàng năm, nhiều trường vẫn phải bù lỗ do không tuyển được học sinh. Bên cạnh đó, các chính sách vẫn chưa thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trường ngoài công lập ở vùng nông thôn, miền núi, mà chủ yếu phát triển ở thành phố.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo dục ngoài công lập: Có chính sách hỗ trợ, trường vẫn bù lỗ

Mặc dù UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa phát triển trường ngoài công lập, tuy nhiên, hàng năm, nhiều trường vẫn phải bù lỗ do không tuyển được học sinh. Bên cạnh đó, các chính sách vẫn chưa thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trường ngoài công lập ở vùng nông thôn, miền núi, mà chủ yếu phát triển ở thành phố.

Trường Mầm non Ngôi nhà hạnh phúc - một trong 6 trường mầm non ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia.

Giảm tải ngân sách Nhà nước

Hiện nay, nhiều trường công lập trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng quá tải, số lượng học sinh/lớp vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và của tỉnh. Đặc biệt là ở bậc học mầm non, do nhiều trường quá tải học sinh, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu giáo viên dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định, khiến chất lượng giáo dục thấp.

Theo Sở GD&ĐT: Giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ các cháu trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi ra lớp tiếp tục tăng, dự kiến mỗi năm tăng từ 0,5% - 1% (tương đương tăng 10.000 cháu mỗi năm). Trong khi đó khả năng ngân sách các cấp còn nhiều khó khăn chưa có điều kiện đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp và chưa đáp ứng được nhu cầu bổ sung giáo viên, nhân viên cho các trường mầm non công lập theo nhu cầu phát triển hàng năm. Nhiều trường không có khả năng tiếp nhận thêm các cháu nhà trẻ, mẫu giáo đến trường do quá tải về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên. Nhiều địa phương do thiếu phòng học nên định mức trẻ/lớp quá cao, khó khăn cho giáo viên thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu, như: TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn và các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Hậu Lộc... Cũng từ thực trạng trên, cộng với điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu về giáo dục của người dân cũng cao hơn nên nhiều trường ngoài công lập đã được thành lập và đi vào hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 29 trường ngoài công lập, trong đó có 19 trường mầm non, 1 trường tiểu học và THCS, 2 trường tiểu học, 7 trường THPT.

Trước đó, Quyết định số 4294/2011/QĐ-UBND, ngày 21-12-2011, UBND tỉnh đã ban hành quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, dạy nghề... trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh (gọi tắt là nhà đầu tư), đầu tư xây dựng các trường ngoài công lập sẽ được giảm 60% tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư trên địa bàn các phường của TP Thanh Hóa; giảm 80% nếu đầu tư trên địa bàn các xã của TP Thanh Hóa và các phường của thị xã Bỉm Sơn, thị xã (nay là thành phố) Sầm Sơn; miễn 100% nếu đầu tư trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn, các xã, thị trấn còn lại thuộc địa bàn các huyện.

Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng trường ngoài công lập. Từ năm 2011 đến nay, có 12 trường mầm non, 1 trường tiểu học ngoài công lập được xây dựng và đưa vào hoạt động. Các nhà đầu tư đã huy động hàng nghìn tỷ đồng xây dựng trường, với hàng nghìn học sinh theo học mỗi năm. Năm học 2017-2018, các trường mầm non ngoài công lập trong tỉnh đã huy động được 6.232 cháu nhà trẻ, mẫu giáo đi học, trong đó mẫu giáo 4.925 cháu, chiếm tỷ lệ 0,26% tổng số cháu mẫu giáo; nhà trẻ 1.307 cháu, chiếm 0,37% tổng số cháu nhà trẻ toàn tỉnh; các trường tiểu học đến THPT ngoài công lập cũng đào tạo hơn 2.000 học sinh mỗi năm. Hoạt động của các trường ngoài công lập bước đầu đã góp phần giảm quá tải đối với các trường công lập, đáp ứng nhu cầu học ngày càng cao của một bộ phận con em trong tỉnh, nhất là khu vực TP Thanh Hóa. Tại hầu hết các trường ngoài công lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư hiện đại, đáp ứng điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập; có 6/19 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Trường Tiểu học và THCS Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa) được thành lập năm 2010. Với mục tiêu trở thành trường tiểu học và THCS chất lượng cao, nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên đẹp với diện tích 3.500 m2 và có 24 phòng học, khu hiệu bộ và các phòng chức năng; thiết bị dạy học hiện đại; 100% phòng học được lắp máy điều hòa nhiệt độ; đội ngũ giáo viên được tuyển chọn chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu cao về giáo dục và giảng dạy. Ông Lê Bật Liêm, Chủ tịch HĐQT nhà trường, cho biết: Trường Tiểu học và THCS Đông Bắc Ga luôn khẳng định thương hiệu bằng chính chất lượng giáo dục của nhà trường. Cũng chính vì vậy mà mặc dù mức học phí của nhà trường cao hơn nhiều so với trường công lập nhưng nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn đăng ký cho con em học tại trường. Năm học 2017-2018, nhà trường có gần 700 học sinh theo học. Trong quá trình giảng dạy nhà trường cũng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, như: Cấp THCS có 10 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; tiểu học có 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng trong kỳ thi tìm kiếm tài năng toán học trẻ và hàng chục học sinh đạt giải trong kỳ thi Olimpic Tiếng Anh. Năm học 2017 – 2018 nhà trường có 3 học sinh thi đậu vào Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Cũng như Trường Tiểu học và THCS Đông Bắc Ga, các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh cũng đang ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, tạo niềm tin cho nhân dân và góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Chưa được quan tâm đúng mức

Việc đầu tư xây dựng trường ngoài công lập cần có vốn lớn, đặc biệt là xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thời gian thu hồi vốn chậm khiến các nhà đầu tư chủ yếu lựa chọn địa điểm thuận lợi, như: Thành phố, thị xã, thị trấn... Vì vậy mà hệ thống các trường ngoài công lập chủ yếu phát triển ở TP Thanh Hóa, chưa có ở khu vực nông thôn, miền núi. Trong khi đó, nhiều trường công lập (chủ yếu là bậc mầm non) ở khu vực này đều quá tải về số lượng học sinh/lớp, do thiếu phòng học và thiếu giáo viên.

Để khuyến khích các trường mầm non ngoài công lập phát triển, tháng 12-2017, UBND tỉnh đã ban hành “Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” nhằm thu hút khuyến khích nhà đầu tư xây dựng trường mầm non ngoài công lập có chất lượng. Trong đó, bên cạnh việc miễn, giảm tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng còn có chính sách hỗ trợ kinh phí trả lương, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cho cán bộ quản lý và giáo viên) của các trường mầm non ngoài công lập được thành lập và đi vào hoạt động từ 1-1-2018 đến 30-12-2020.

Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập đang hoạt động còn gặp nhiều khó khăn khi không có chính sách hỗ trợ nào ngoài miễn, giảm tiền thuê đất. Mặt khác, trong quá trình hoạt động, các trường ngoài công lập cũng chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành chức năng.

Mặc dù các trường ngoài công lập hàng năm đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh, tuy nhiên, thực tế các trường ngoài công lập vẫn chưa được các cấp, ngành quan tâm. Hiện nay, nhiều trường THPT ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư vốn lớn nhưng không tuyển sinh được học sinh. Riêng địa bàn TP Thanh Hóa có 4/7 trường THPT ngoài công lập. Các trường này cũng đang “lao đao” khi đến kỳ tuyển sinh đầu vào lớp 10.

Là một trong số các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn TP Thanh Hóa, Trường THPT Trường Thi hàng năm tuyển sinh được trên 100 học sinh vào lớp 10. Số học sinh nhà trường còn biến động trong năm do nhiều học sinh nghỉ học giữa chừng. Cô giáo Đào Thị Ngọc Thùy, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường THPT Trường Thi được thành lập hơn 20 năm nay, điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư hàng chục tỷ đồng, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn với 100% đạt chuẩn. Tuy nhiên, hàng năm công tác tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT gặp nhiều khó khăn, số học sinh nộp hồ sơ đăng ký vào học tại trường ít dẫn đến lãng phí về cơ sở vật chất. Một trong những nguyên nhân khiến các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn TP Thanh Hóa gặp khó khăn trong tuyển sinh là do chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường công lập có năm lên tới 90 - 95% tổng số học sinh đăng ký dự thi. Số học sinh còn rớt lại sau khi các trường công lập hoàn thành xét tuyển không đủ theo số chỉ tiêu tỉnh giao cho 4 trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Các trường THPT như: Đào Duy Anh, Nguyễn Huệ, hàng năm chỉ tuyển được vài chục học sinh vào lớp 10. Số lượng học sinh ít, nhà trường phải bù lỗ do không đủ chi phí cho hoạt động của nhà trường. Tình trạng này kéo dài, các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn TP Thanh Hóa sẽ khó tồn tại.

“Vất vả trong tuyển sinh, hoạt động dạy học của nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn khi không được hỗ trợ. Trong quá trình dạy học, có một số bộ môn cần những trang thiết bị dạy học chuyên biệt dành cho môn Giáo dục Quốc phòng; các hóa chất thí nghiệm... do không được bán rộng rãi, nên nhà trường đặt mua cũng rất khó khăn” – cô Thùy cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Văn Cương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT, cho biết: Để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, bên cạnh việc xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường ngoài công lập chất lượng cao với chính sách miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ cơ sở vật chất, chế độ cho người lao động... UBND tỉnh cũng đang giao cho Sở GD&ĐT xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các trường công lập sang tự chủ theo hướng tự thu, tự chi. Sẽ lựa chọn các trường công lập hiện có chất lượng giáo dục cao, uy tín, có điều kiện cơ sở vật chất tốt ở các vùng kinh tế phát triển như: Thành phố, thị xã, thị trấn... để xây dựng trường tự chủ. Ví dụ, tại TP Thanh Hóa có các trường như: Tiểu học Điện Biên 1, tiểu học Điện Biên 2, THCS Trần Mai Ninh, THPT Hàm Rồng, THPT Đào Duy Từ; các trường điểm của các huyện như: THCS Nguyễn Du (Quảng Xương), THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa)... Với lộ trình từ tự chủ từng phần đến tự chủ hoàn toàn. Còn đối với các trường ngoài công lập, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia với chính sách hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất, chế độ lương cho cán bộ, giáo viên... Dự kiến tháng 10-2018, Sở GD&ĐT sẽ trình đề án lên UBND tỉnh phê duyệt.


Bài và ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]