(Baothanhhoa.vn) - Trong khoảng 30 năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu học tập đạt trình độ THPT nên các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) gần như chuyển hẳn sang dạy bổ túc trung học, còn nhiệm vụ dạy nghề lại chưa được quan tâm đầy đủ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời, hướng tới xây dựng xã hội học tập

Trong khoảng 30 năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu học tập đạt trình độ THPT nên các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) gần như chuyển hẳn sang dạy bổ túc trung học, còn nhiệm vụ dạy nghề lại chưa được quan tâm đầy đủ.

Con cháu dòng họ Hoàng Đức, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) tại phòng đọc truyền thống của dòng họ. Ảnh: Phong Sắc

Vấn đề này có trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục và các cấp chính quyền do chưa đặt đúng vai trò, vị trí của GDTX và không dự báo được nhu cầu đào tạo, nhu cầu học tập thường xuyên và suốt đời của người dân, để hoạch định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho các TTGDTX cùng với ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu mới. Cũng vì thế hầu hết các TTGDTX có cơ cấu giáo viên không phù hợp với điều kiện thực tiễn, cơ sở vật chất quá nghèo nàn, vừa thiếu, vừa lạc hậu, tài chính rất hạn chế..., nên khi chuyển đổi nhiệm vụ, các trung tâm gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Việc sáp nhập TTGDTX và trung tâm dạy nghề cấp huyện lại thành TTGDTX - giáo dục nghề nghiệp là một chủ trương đúng và rất cấp thiết. Nhưng không nhất thiết phải đặt một cái tên có mặt tên của cả 2 trung tâm cũ trước đó, theo kiểu “bình mới rượu cũ”.

Để làm rõ vấn đề này trước hết phải thay đổi tư duy, không thể theo lối mòn cũ là trung tâm này chỉ dạy bổ túc văn hóa và dạy nghề, thậm chí nhiều nơi lại còn coi là 2 việc khác nhau, không liên quan với nhau.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng; thế giới đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đất nước ta đang hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, toàn diện và mạnh mẽ hơn. Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, trong đó một bộ phận phải có chất lượng thực sự cao, ngang tầm quốc tế. Trong khi hiện nay vẫn còn quan niệm cứ hễ nói đến “trình độ” là nghĩ ngay đến “trình độ học vấn” và học văn hóa. Yêu cầu học vấn chỉ là khởi đầu, là điều kiện tiên quyết để tiếp thu và nâng cao trình độ các mặt khác. Trình độ ở đây phải hiểu là có kiến thức trên nhiều mặt mà mỗi người cần có để hoàn thiện bản thân, để đáp ứng yêu cầu làm một công dân tốt, để có năng suất và hiệu quả lao động hoặc công việc cao nhất; rồi hướng tới trở thành công dân học tập, công dân toàn cầu. Đồng thời còn phải chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi của kỹ thuật công nghệ, cho chuyển đổi nghề, tiếp cận nghề mới và yêu cầu của cuộc sống hiện đại đòi hỏi... thì bất cứ ai đều phải vượt ra ngoài trình độ đã có, kể cả những người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, các học giả, các nhà nghiên cứu... đều cần trang bị thêm cho mình những tri thức mới, bao gồm cả lý thuyết và những kỹ năng đối với lĩnh vực, công việc hay chuyên môn của mình. Nói cách khác, thời đại mới đòi hỏi mỗi chúng ta phải biết kết hợp chặt chẽ giữa trình độ hiểu biết lý thuyết và kỹ năng nghề nghiệp. Mặt khác, việc học trong các nhà trường (giáo dục ban đầu) cũng chỉ đáp ứng được một khối lượng kiến thức hạn chế và nhanh chóng sẽ lạc hậu nên phải coi việc học suốt đời là cứu cánh để tồn tại. Như vậy nhiệm vụ GDTX (giáo dục tiếp tục) trong thời kỳ mới là góp phần nâng cao trình độ nhiều mặt cho mọi người, trước hết là người lao động về cả trình độ lý thuyết và kỹ năng. Đồng thời phải xác định rõ ràng phương châm học tập trong học tập suốt đời là mỗi người phải tự học, phải tự nghiên cứu, tìm tòi, tích lũy... theo yêu cầu của bản thân là chính chứ không nhất thiết cứ phải đến trường, đến lớp.

Nói cách khác, GDTX phải giúp mọi người chuẩn bị cho cả hiện tại và tương lai. Do đó không cần phải gắn cụm từ “Giáo dục nghề nghiệp” vào cụm từ “Giáo dục thường xuyên” mà chỉ cần gọi “Trung tâm giáo dục thường xuyên” là đủ.

Để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của GDTX trong giai đoạn mới, theo người viết, trước hết cần đổi mới tư duy về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ GDTX trong thời kỳ mới là góp phần chăm lo, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người... để quy hoạch, xác lập hệ thống GDTX và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp.

Giáo dục ban đầu (giáo dục chính quy) chỉ đáp ứng tối đa được 25% dân số, còn GDTX (giáo dục tiếp tục) chăm lo việc học tập suốt đời cho khoảng 70% dân số. Vì vậy Luật Giáo dục sửa đổi sắp tới mà Quốc hội sẽ thông qua rất cấp thiết phải khẳng định rõ ràng GDTX là vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho người lớn và phải được đặt tương xứng, cân bằng với giáo dục ban đầu. Từ đó, GDTX phải được đầu tư tương xứng về cả nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình, tài liệu, học liệu cho các đối tượng khác nhau, tài chính và quản lý Nhà nước... Các TTGDTX phải vươn tới để trở thành cơ sở giáo dục cho người lớn gần như vai trò của các trường cao đẳng cộng đồng ở nhiều nước hoặc ít ra ở nước ta phải xây dựng được những TTGDTX hoạt động tương tự như cao đẳng cộng đồng ở những vùng thuận lợi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành một nghị định về hệ thống GDTX trong chiến lược chăm lo việc học suốt đời cho mọi người phục vụ xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X: “Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân; là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển mới giáo dục ở nước ta” với các chủ trương nhất quán dài hạn và các cơ chế chính sách đầy đủ...

Bên cạnh đó, phải thật sự đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động của các TTGDTX, theo hướng: Các TTGDTX không chỉ bó khuôn dạy bổ túc văn hóa và dạy nghề mà phải nắm bắt nhu cầu học tập của các đối tượng khác nhau trên địa bàn dân cư để xây dựng kế hoạch mở lớp cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập nhiều mặt của người dân.

Việc dạy nghề phải gắn chặt với khởi nghiệp, phục vụ cho xây dựng quốc gia khởi nghiệp, địa phương khởi nghiệp; gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương. Phải chuyển hẳn việc chỉ dạy bổ túc văn hóa (chủ yếu là dạy bổ túc văn hóa cấp 3) cho thanh, thiếu niên sang dạy học văn hóa gắn với đào tạo nghề (nghề trung cấp hoặc sơ cấp) để sau khi học xong THPT phải có một nghề, vừa giải quyết việc làm, lập thân, lập nghiệp vừa bổ sung vào lực lượng lao động có trình độ nghề.

Phải mở rộng việc liên kết chặt chẽ giữa TTGDTX với các trường đại học để họ tham gia và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn, như các lớp chuyên đề, cập nhật kiến thức mới hoặc công nghệ mới... Liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để mở các lớp dạy nghề tại chỗ, vừa giải quyết nguồn tuyển sinh (đầu vào) cho các trường cao đẳng, trung cấp cũng là nguồn đào tạo cho các TTGDTX nhằm cung cấp lao động có bậc nghề và giải quyết việc làm mà người học không phải đi xa, giảm bớt sức ép, nơi ăn ở tập trung của các trường cao đẳng, trung cấp...

Các TTGDTX phải gắn kết với yêu cầu học tập của người dân ở địa phương nên phải liên kết chặt chẽ với các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở xã, phường, thị trấn để mở các lớp ngay tại cơ sở. Đối với người lớn tuổi nhất thiết phải mở lớp ngay tại khu dân cư thì người dân mới có điều kiện đi học. Việc mở lớp như vậy vừa giải quyết được kế hoạch mở lớp, nguồn tuyển sinh cho các TTGDTX lại vừa giải quyết khó khăn cho các TTHTCĐ về kế hoạch mở lớp và giáo viên dạy...

Các trung tâm cần mở rộng liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, với các cơ sở sản xuất, kinh doanh... để cùng đào tạo nhân lực cho họ hoặc họ cử cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động giỏi tham gia đào tạo và trung tâm sử dụng chính cơ sở sản xuất, kinh doanh đó làm nơi thực hành hoặc thực tập cho học viên.

Các TTGDTX nhất thiết phải từng bước cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo hướng chỉ bố trí một số lượng phù hợp giáo viên cơ hữu ở những ngành, nghề, chuyên môn mà địa phương có nhu cầu cao. Đồng thời mở rộng liên kết đào tạo, lựa chọn và sử dụng rộng rãi giáo viên kiêm chức, những người có chuyên môn sâu, có nghiệp vụ tốt, có kỹ năng giỏi, bao gồm cả các doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất, cán bộ kỹ thuật và người lao động giỏi...

Đồng thời, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải có một hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp cùng với việc khẳng định vai trò, vị trí vô cùng quan trọng của các TTGDTX.

Trước hết cần xác định TTGDTX là cơ sở giáo dục mở nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân có nhiệm vụ chăm lo và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho mọi người (trước hết là người lao động), kết nối với giáo dục chính quy (giáo dục ban đầu) và các thiết chế giáo dục khác như: Dạy học trực tuyến, giáo dục từ xa, thông qua hệ thống phát thanh – truyền hình, các câu lạc bộ, nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, các trung tâm tin học, ngoại ngữ, trung tâm học tập cộng đồng...

Nhà nước phải đảm bảo các điều kiện chủ yếu cho các TTGDTX hoạt động có chất lượng và hiệu quả như cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, thực hành các thiết bị dạy nghề và xưởng trường; đảm bảo số lượng giáo viên cơ hữu tối thiểu và bộ máy quản lý trung tâm...

Nguồn lực tài chính phải đảm bảo cơ bản cho các hoạt động chủ yếu cùng với cơ chế xã hội hóa thật rõ ràng để huy động thêm nguồn lực từ các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ người học và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế... Cơ chế tài chính không nên quy định cấp định mức cào bằng cho mọi trung tâm mà phải từ quy mô, nội dung và hiệu quả hoạt động của mỗi trung tâm mà cấp kinh phí cho phù hợp.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy chế và điều lệ khung cho các TTGDTX để chính quyền cấp tỉnh còn bổ sung thêm cho phù hợp với đặc điểm của địa phương. Chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện quản lý Nhà nước trực tiếp hoạt động của các trung tâm nhưng cần và chỉ nên giao cho một ngành chịu trách nhiệm chính tham mưu và chỉ đạo cụ thể các hoạt động của trung tâm theo nguyên tắc một nhiệm vụ chỉ để một cơ quan phụ trách, không nên để tình trạng “cha chung không ai khóc”. Theo người viết, nên giao chức năng, nhiệm vụ này cho ngành giáo dục và đào tạo (sở và các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện) để phối hợp chặt chẽ với ngành lao động - thương binh và xã hội và các ngành chức năng khác quản lý trung tâm.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần này chỉ có thể thành công nếu xác định thật rõ ràng giáo dục chính quy và GDTX song song tồn tại, hỗ trợ, bổ sung và liên thông với nhau để đảm bảo cho mọi người được học tập suốt đời.

Nguyễn Đình Bưu

Nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]