(Baothanhhoa.vn) - Ở xã Trung Sơn (Quan Hóa), trung bình cứ 10 học sinh đến trường thì có 2 em phải mang trên mình nỗi bất hạnh có phụ huynh, người thân dính dáng đến ma túy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để con chữ nảy mầm

Ở xã Trung Sơn (Quan Hóa), trung bình cứ 10 học sinh đến trường thì có 2 em phải mang trên mình nỗi bất hạnh có phụ huynh, người thân dính dáng đến ma túy.

18 năm gieo từng con chữ ở trường tiểu học Trung Sơn, thầy Thanh hiểu, muốn học trò của mình tiến bộ, trên hết, những người thầy cô phải biết đồng cảm và hi sinh.

Những đứa trẻ này đến lớp học, không chỉ kiếm tìm tri thức mà xem đó như là bến đỗ của bình yên. Ở đó, chúng tránh được đòn roi vô tình, khỏa lấp phần nào nỗi bất hạnh của tuổi thơ, thắp lên niềm tin ở một tương lai tốt đẹp hơn. Và, những thầy cô chào đón chúng bằng tất cả sự thấu hiểu, cảm thông, đôi khi họ còn sắm vai… “người cùng khổ”.

Chiều tối cuối thu se lạnh ở Bản Pạo, xã Trung Sơn. Bên trong căn nhà sàn nhỏ, xiêu vẹo, tuềnh toàng của gia đình em Lương Thị Diễm Quỳnh, 8 tuổi, bữa cơm tối được dọn ra với hai món ăn quen thuộc: rau rừng và muối. Không khí buồn bã và uể oải. Quỳnh nhìn mâm cơm rồi nén một tiếng thở dài. Không biết lần gần nhất gia đình em được ăn thịt từ khi nào? Chắc phải lâu lắm rồi. Chán nản là vậy, nhưng 3 mẹ con Quỳnh vẫn phải cố gắng ăn thật ngon lành, nhỏ nhẹ trong từng động tác để tránh sự chú ý từ phía người cha. Nhỡ làm ông phật ý thì sẽ ăn chửi như chơi.

Nhưng rồi, sự nhẹ nhàng, biết ý đó vẫn không đưa được bữa cơm kết thúc trong êm ấm, yên bình. Người cha sau khi uống hết nửa chai rượu thì bắt đầu gây chuyện. Ông đưa đôi mắt nhìn 3 mẹ con Quỳnh một lượt. Khi ánh mắt dừng lại ở người vợ tội nghiệp, tiếng chửi cũng bắt đầu cất lên. Ông chửi về việc học của Quỳnh và cô em gái sinh đôi Lương Thị Ngọc Châu. Kể từ ngày gia đình lâm vào cảnh nghèo khó, việc học của Quỳnh và Châu bắt đầu trở thành vấn đề gây mâu thuẫn trong gia đình. Mẹ muốn các em đi học, còn cha thì không. Mỗi người đều có một cái lí riêng. Cái lí của người mẹ: “Thương con. Chỉ mong mỗi ngày đến lớp, con sẽ học được thêm cái chữ. Con gái của mẹ sẽ biết ước mơ, biết lựa chọn hạnh phúc cho cuộc đời mình”. Còn, cái lí của người cha: “Cái chữ làm sao no được bụng. Ở nhà đi làm mới no được bụng. Con gái, học nhiều để làm gì? Lấy chồng rồi cũng ở nhà mà chăm chồng, nuôi con.” Mẹ Quỳnh suy nghĩ tiến bộ, nhưng bà chỉ biết bảo vệ quan điểm của mình bằng những giọt nước mắt yếu ớt. Còn người cha, ông mượn rượu để lấn át tất cả.

3 mẹ con Quỳnh chỉ biết cúi đầu chịu trận. Dù đã cố gắng kìm nén cảm xúc, nhưng những giọt nước mắt vẫn lăn dài xuống hai gò má đen xạm của Quỳnh. Đôi mắt em nhòe đi, hiện tại lẫn tương lai mờ mịt. Mỗi lúc như thế này, Quỳnh lại hồi tưởng về những ngày tươi đẹp của gia đình mình.

Thuở ấy, khi cha còn chưa nghiện ngập, gia đình em không túng thiếu, rạn vỡ như bây giờ. Một ngày làm việc của ông thường bắt đầu từ lúc chưa nhìn rõ mặt đất và trở về nhà lúc không còn trông rõ mặt người. Những con dốc cao, những khu rừng sâu thăm thẳm, không nơi nào thiếu dấu chân, giọt mồ hôi thậm chí cả máu của ông. Niềm hạnh phúc của ông mỗi đêm là được nằm kê cao gối nghe Quỳnh và Châu “ê” “a” con chữ. Ông đã từng quả quyết rằng, dù hoàn cảnh gia đình có khó khăn đến đâu, cũng không bao giờ bắt các con phải nghỉ học. Quỳnh vẫn còn nhớ như in cái cảm giác ấm áp lẫn tự hào, khi được cha chở đi học trên chiếc xe máy cũ. Hai chị em ngồi sau xe, dang đôi tay nhỏ nhắn của mình ôm chặt lấy cha, kể cho ông nghe đủ thứ chuyện vui buồn trên lớp. Nhưng rồi, những ngày hạnh phúc đó cũng vội vàng qua đi, cha của Quỳnh nghiện ma túy sau một chuyến đi rừng. Kể từ đó, cuộc sống của gia đình em rơi vào chuỗi ngày tăm tối và bế tắc…

Cách nhà Quỳnh chỉ vài chục nóc nhà, hoàn cảnh của hai chị em Phạm Thị Trà, 12 tuổi, Phạm Thị Bích, 10 tuổi còn bất hạnh hơn nhiều. Cả Trà và Bích đều không có nổi lấy một kỉ niệm ngọt ngào về gia đình để mà hồi tưởng mỗi lúc buồn chán thực tại. Cha nghiện ma túy từ khi tuổi của hai em mới chỉ lên 3 lên 5. Rồi đến lượt người vợ, cũng đi theo con đường lầm lỗi của chồng mình. Họ mãi chạy theo khoái cảm của nàng tiên nâu mà bỏ bê tất cả. Tiền bạc, đồ đạc trong nhà cứ lần lượt ra đi theo làn khói trắng. Thậm chí, khi đói thuốc, họ sẵn sàng trút giận lên Trà và Bích bằng những trận đòn roi. Khi đã hết sạch tài sản, niềm tin, tình yêu, thậm chí cả tương lai của các con thì cũng là lúc họ lặng lẽ rời bỏ bản làng mà đi.

Hai chị em Trà, Bích về ở với ông bà nội. Hai thân già ốm đau giờ đèo bòng thêm 2 đứa cháu nhỏ. Nghèo khó cứ thế bám riết từng ngày. Tôi hỏi chị em Trà, có trách móc, giận hờn cha, mẹ không? Cả hai em đều đồng loạt lắc đầu. Trà bảo, em chỉ mong dù ở phương trời nào, cha mẹ cũng sẽ nhớ về hai chị em. Em ước một ngày gần nhất, cha mẹ sẽ trở về, không còn nghiện nữa, họ sẽ dang rộng vòng tay ôm chặt hai chị em vào lòng, rồi khẽ nói: “Cha mẹ sẽ không rời xa các con nữa đâu!”…

Quỳnh, Châu, Trà, Bích mang thân phận đặc trưng của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở xã Trung Sơn trước vòng xoáy về ma túy. Ông Phạm Văn Thụ, Trưởng công an xã Trung Sơn cho tôi xem bản danh sách về tình hình ma túy của địa phương. Những con số khiến tôi không khỏi giật mình: “23 người đang thụ án liên quan đến ma túy, 44 người mãn hạn tù, 158 người nghiện và 19 người đang trong diện nghi nghiện”. Giữa những khó khăn, bất ổn về cuộc sống đó, trường học chính là bến đỗ bình yên cho những đứa trẻ nơi đây. Ở đó, chúng tránh được đòn roi của cha, mẹ nghiện ngập, khỏa lấp phần nào nỗi bất hạnh của tuổi thơ. Và quan trọng hơn cả, những đứa trẻ này khát khao đến trường để có thể thắp lên niềm tin ở một tương lai tốt đẹp hơn.

Những đứa trẻ ở Trung Sơn xem trường học là bến đỗ của bình yên, ở đó, chúng được yêu thương, trân trọng và được khuyến khích ước mơ.

Đón nhận, thấu hiểu và song hành cùng với các em, là những người thầy, cô nguyện cùng khổ. Sau 18 miệt mài với công việc của một giáo viên vùng cao, thầy Lê Ngọc Thanh vẫn không thể lo cho vợ con một ngôi nhà kiên cố. Đến tận năm 2017, bạn bè, đồng nghiệp phải động viên mãi thầy mới “liều” đi vay ngân hàng 300 triệu đồng, cộng thêm số tiền 100 triệu đồng vay mượn từ đồng nghiệp, ngôi nhà cấp 4, 3 gian, lợp tôn, mới có thể hình thành.

Số tiền 300 triệu đồng mà thầy Thanh vay của ngân hàng, sẽ phải trả trong thời hạn 3 năm. Có nghĩa là mỗi tháng, dù khó khăn, vất vả thầy vẫn phải đóng đủ cho ngân hàng 5,5 triệu cả gốc lẫn lãi. Thầy Thanh tính nhẩm nhanh số tiền chi tiêu của hai vợ chồng cho tôi nghe. Vợ thầy, với mức lương 5,5 triệu của cô giáo mầm non, chịu trách nhiệm lo chi phí sinh hoạt trong gia đình. Còn thầy sẽ dùng hơn 7 triệu đồng tiền lương của mình, để trả nợ ngân hàng và lo công việc ngoài xã hội.

“Phải chi li, chắt chiu họa may ra mới đủ” – thầy Thanh chốt lại hoàn cảnh của mình. Ấy vậy mà tháng nào thầy cũng bàn với vợ “cho phép” được giữ lại hơn 800.000 đồng bên người. Số tiền đó thầy dùng để mua cho học sinh của mình cái bánh, gói kẹo, vài ba bộ quần áo, sách vở... để động viên chúng học tập. “Các con đã ăn uống gì chưa?” - Câu nói đầu tiên của thầy Thanh với lũ trẻ của mình mỗi buổi sáng đến lớp. Nếu có em nào lắc đầu “chưa”, hay cúi gằm mặt xuống không nói, thầy lại tất tưởi đi mua cho chúng vài ba cái bánh, cái kẹo… “Có nhiều học sinh hoàn cảnh tương tự như các em Quỳnh, Châu, Trà, Bích nhà ở tận bản Pạo, cách trường 7 km, hoặc xa hơn, đi bộ phải mất 2 tiếng, 3 tiếng thậm chí 4 tiếng đồng hồ. Rồi có đứa để bụng đói đến lớp, nhìn người cứ xanh xao, gầy gò, mà xót. Tôi không thể chịu được khi dạy học, mà phải nhìn cảnh học sinh của mình như vậy” – thầy nói.

Tuy thâm niên dạy học ở Trung Sơn ngắn hơn thầy Thanh, nhưng chỉ với 5 năm gieo hạt mầm tương lai ở vùng đất thượng nguồn sông Mã này cũng đủ cho cô giáo Vi Thi Huệ thấm hết những khó khăn, vất vả của giáo dục nơi đây. 5 năm, quãng thời gian không phải là dài, ấy vậy mà, cô Huệ đã phải vượt quãng đường trung bình tới hơn 36.000 km để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm với gia đình và những học trò của mình. Nhà cô Huệ ở tận huyện Như Thanh, cách xa nơi đang công tác tới 180 km.

Cuối tuần nào cũng vậy, nếu không có công việc đột xuất từ phía nhà trường, cô đều lặn lội về với gia đình. “Chồng bảo, quãng đường xa quá, tôi nên ở lại, một tháng về 1 lần cũng được, anh ấy có thể chăm sóc các con. Nhưng tôi không nghe, tôi bảo với anh ấy là mình sẽ vượt qua được hết. Ai cũng hiểu, tình yêu của người vợ, hơi ấm của người mẹ quan trọng như thế nào trong gia đình mà” – cô Huệ nói.

Trước khi chia tay Trung Sơn, tôi có nán lại để chứng kiến tiết học môn Toán của hai chị em sinh đôi Quỳnh và Châu, thầy Thanh là người đứng lớp. Từng phép tính cụ thể được thầy ghi cẩn thận lên bảng. Ban đầu thầy giáo khuyến khích tinh thần xung phong của cả lớp. Nhưng chờ đợi mãi, vẫn không có cánh tay nào giơ lên. Tuy nhiên, thay vì khó chịu, la mắng, thầy lại nhìn những cô, cậu học trò của mình bằng ánh mắt đồng cảm, yêu thương hơn. Đằng sau những đứa trẻ đang ngồi ở đây là những hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau, mà có lẽ buồn nhiều hơn vui. Thầy hiểu và nhanh chóng đi xuống từng bàn gặng tìm hiểu lí do vì sao không thuộc bài của mỗi em. Sự ân cần, thiết tha hiện hữu lên gương mặt và trong từng động tác. Khi đã nắm bắt được nguyên nhân, thầy trở lại bảng với những lời giảng chậm hơn, tỉ mỉ hơn. Cứ thế, sự kiên trì của thầy cũng được đền đáp với việc học trò lần lượt nắm bắt được kiến thức và hồ hởi xung phong.

Quỳnh và Châu được thầy gọi lên giải bài, kết quả ngoài sự mong đợi, hai em được tuyên dương trước lớp. Tôi bắt gặp những nụ cười nở trên môi của thầy giáo, của Quỳnh và Châu. Vượt lên tất cả những hệ lụy của ma túy, đói nghèo, lạc hậu… những Quỳnh, Châu, Trà, Bích, thầy Thanh, cô Huệ… cho tôi vững tin hơn về một tương lai tươi sáng của bức tranh giáo dục nơi thượng nguồn sông Mã này.

Trường tiểu học Trung Sơn hiện có 23 giáo viên với 314 học sinh, giảng dạy ở 4 điểm trường: Pượn, Chiềng, Bó, Co Me.

3 năm gần đây, trường được UBND huyện Quan Hóa tặng giấy khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Năm học 2017 – 2018, trường được UBND tỉnh tặng bằng khen về hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc năm học.


Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!