(Baothanhhoa.vn) - Cơ sở vật chất trường lớp học là một trong những tiêu chí đánh giá sự nghiệp phát triển giáo dục. Điều đó đồng nghĩa với việc, đầu tư hoàn thiện hệ thống trường lớp học và nhà công vụ giáo viên là một trong những điều kiện quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu tư cơ sở vật chất giáo dục miền núi: Vẫn còn thiếu và yếu

Cơ sở vật chất trường lớp học là một trong những tiêu chí đánh giá sự nghiệp phát triển giáo dục. Điều đó đồng nghĩa với việc, đầu tư hoàn thiện hệ thống trường lớp học và nhà công vụ giáo viên là một trong những điều kiện quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Nhà chờ cho giáo viên ở điểm trường khu Buốc - Trường Tiểu học Lâm Phú đã xuống cấp.

Đầu tư lớn...

Những năm gần đây, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đang tiến hành một cuộc “cải tổ” hệ thống giáo dục miền núi, trong đó, tập trung thực hiện rà soát, dồn các điểm lẻ, lớp ghép, sáp nhập trường THCS và trường tiểu học (TH) có quy mô nhỏ thành trường TH và THCS, chuyển đổi các trường THCS đủ điều kiện thành trường phổ thông dân tộc bán trú THCS... Đến nay, tổng số trường học khu vực miền núi là 758 trường (231 trường mầm non (MN), 266 trường TH, 231 trường THCS và 30 trường THPT), với 10.862 phòng học (trong đó, phòng học kiên cố, cao tầng là 7.854 phòng, đạt tỷ lệ 72,3%). Chỉ tính riêng năm 2017, ngành GD&ĐT đã triển khai thực hiện nhiều dự án, đề án về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, như đề án xây dựng cơ sở vật chất các trường THPT đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020, với tổng kinh phí 233,5 tỷ đồng; đề án xây dựng nhà ở nội trú cho học sinh trường THCS và THPT các huyện vùng cao giai đoạn 2015-2020, với tổng kinh phí 199,25 tỷ đồng; xây dựng 347 phòng học cho các trường MN, TH địa bàn đặc biệt khó khăn bằng nguồn Trái phiếu Chính phủ, với tổng kinh phí 253 tỷ đồng; cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc, với kinh phí 22 tỷ đồng... Chỉ với một số dự án, đề án như vậy, nhưng nhẩm tính kinh phí đầu tư đã lên đến trên 700 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ, song vẫn chưa phản ánh hết bức tranh đầu tư cho giáo dục miền núi thời gian qua.

Bởi trên thực tế, khu vực miền núi nói chung là nơi tập trung hàng chục chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, trong đó, giáo dục là một phương diện phản ánh tương đối đầy đủ cả lượng và chất các chính sách này. Những năm trở lại đây, ngành GD&ĐT đã mở “cuộc đua tốc lực”, nhằm tận dụng tối đa các kênh vốn, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó phải kể đến Chương trình Mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số (theo Quyết định 1210/QĐ-TTg, ngày 5-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ), hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường THPT bán trú và các cơ sở giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng còn nhiều khó khăn, với tổng kinh phí trên 181 tỷ đồng; Đề án kiên cố hóa trường học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2012-2015 và lộ trình đến năm 2020 (theo Quyết định 1625/QĐ-TTg, ngày 11-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ), từ năm 2014 đến hết năm 2017 đã xây dựng được 385 phòng học MN và TH, với tổng kinh phí 287,35 tỷ đồng; Đề án đầu tư, hỗ trợ hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (theo Quyết định 1640/QĐ-TTg, ngày 21-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ), sau 5 năm triển khai (2011-2015) đã xây dựng được 16 phòng học bộ môn, 48 phòng làm việc ban giám hiệu, nhà thư viện, nhà đa năng và 5 công trình cấp nước sinh hoạt, với tổng kinh phí trên 25,9 tỷ đồng...

Có thể khẳng định, giáo dục khu vực miền núi ví như “túi đựng chính sách”, với nguồn lực đầu tư lớn và nhiều kết quả đạt được là không thể phủ nhận. Bởi, nhìn trên diện rộng, với nhiều con số chi tiết được ngành GD&ĐT thống kê, rõ ràng bức tranh giáo dục miền núi thể hiện ở diện mạo trường lớp và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị là tương đối sáng sủa. Tuy nhiên, đi vào cụ thể, với những địa phương và cơ sở giáo dục cụ thể, thì bức tranh ấy chưa hẳn đều là gam màu sáng.

... vẫn thiếu và yếu

Chúng tôi có mặt tại Trường MN Tam Văn (xã Tam Văn, huyện Lang Chánh) khi các lớp học đều đã đóng cửa. Song chính sự vắng vẻ này lại càng phô bày hết sự thiếu thốn, xuống cấp của cơ sở vật chất nhà trường. Tiếp chuyện chúng tôi, cô giáo Lê Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm học 2017 – 2018, trường có 287 học sinh với 7 lớp học, nhưng chỉ có 5 lớp học chính, 2 lớp học còn lại phải học trong nhà công vụ và phòng chờ giáo viên. Chưa kể, có lớp phải tổ chức học ghép từ 40 – 50 cháu dẫn đến tình trạng quá tải. Ở khu chính đã khó như vậy nên tình trạng các khu lẻ càng “bi đát” hơn. Nhà trường hiện có 3 khu lẻ tại bản Phá, bản Lót và bản U, nhưng hầu hết các phòng đều xuống cấp. Mặc dù hàng năm, nhà trường đều có kế hoạch tu sửa nhưng tất cả vẫn ở dạng “chắp vá”, hỏng đâu sửa đấy chứ không thể đồng bộ được. Việc thiếu thốn toàn diện cơ sở vật chất, gồm cả phòng học, phòng hiệu bộ, phòng chức năng và thiết bị dạy học, bên cạnh đội ngũ giáo viên cũng đang thiếu trầm trọng, đã khiến cho việc dạy và học của nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, Trường MN Tam Văn không phải là “điển hình” duy nhất về sự thiếu thốn cơ sở vật chất giáo dục trên địa bàn huyện Lang Chánh hiện nay. Trường TH Lâm Phú (xã Lâm Phú) hiện có 5 điểm trường, trong đó, ở một vài điểm trường, có một số phòng được gọi là “kiên cố” nhưng theo quan sát của chúng tôi, nếu lấy các tiêu chí nền cứng, mái cứng, cột cứng ra để so sánh thì các phòng học này cũng không khác gì... phòng tạm. Không chỉ phải học trong điều kiện thiếu thốn mà các điểm trường như điểm Nà Đang, học sinh các lớp 1 và lớp 2, lớp 4 và lớp 5 đang phải học ghép mới đủ phòng. Còn tại điểm trường trung tâm, tình trạng cũng không khá hơn do nhiều phòng đã xuống cấp hoặc có dấu hiệu xuống cấp. Trao đổi với thầy giáo Phạm Hồng Nhiên, Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi được biết: Năm 2017 – 2018 trường có 344 học sinh, dự kiến năm học 2018-2019 sẽ tăng thêm 40 em so với năm học trước. Trong khi đó, việc dồn trường ở một số khu lẻ càng khiến cho tình trạng thiếu phòng học của nhà trường càng trầm trọng.

Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, tính đến hết năm học 2017-2018, toàn huyện có 37 trường học, với 496 phòng học. So với nhu cầu hiện tại, huyện còn thiếu 132 phòng học, trong đó MN thiếu 61 phòng, TH thiếu 55 phòng, THCS thiếu 16 phòng. Số lượng là vậy, còn chất lượng cũng khó có thể đánh giá cao, khi số phòng học kiên cố hiện chiếm 67,3% (336 phòng), còn lại là phòng bán kiên cố và phòng xuống cấp. Ngoài ra, trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong các cơ sở giáo dục cũng thiếu nhiều hoặc đã lạc hậu, hư hỏng do được cấp từ năm 2004, đến nay không thể sử dụng được. Cùng chung thực trạng với huyện Lang Chánh, huyện Bá Thước hiện có 83 trường, với 906 phòng học; trong đó, số phòng học kiên cố mới chiếm 66% tổng số phòng học. So với nhu cầu thực tế, huyện còn thiếu 300 phòng học, trong đó MN thiếu 79 phòng, TH thiếu 125 phòng, THCS thiếu 20 phòng. Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, cho biết: Hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện chưa có đủ phòng học để bảo đảm dạy 1 buổi/ngày. Bên cạnh đó, các trường THCS và THPT còn thiếu nhiều phòng học bộ môn để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra hệ thống vệ sinh và nước sạch chỉ mới đáp ứng 50% nhu cầu. “Chúng tôi mong muốn tỉnh và huyện, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nước sạch cho giáo dục vùng dân tộc, miền núi, đặc biệt là các huyện thuộc diện 30a, khu vực 135, những vùng kinh tế kém phát triển. Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông để việc kết nối các điểm trường, nhất là điểm lẻ được thuận tiện hơn”, ông Tùng kiến nghị.

Việc mở rộng quy mô mạng lưới trường lớp học khu vực miền núi, phản ánh hiệu quả các chính sách đầu tư cho giáo dục của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Song, việc thiếu và yếu các điều kiện dạy và học ở nhiều địa phương, cũng phần nào cho thấy sự đầu tư vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục hiện nay. Trao đổi với chúng tôi về vấn này, ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Qua rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho giáo dục MN và giáo dục phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh (tính đến tháng 3-2018), nhìn chung, bậc học MN và TH đang thiếu phòng, các bậc THCS và THPT thừa thiếu cục bộ. Trong khi đó, số phòng bán kiên cố, phòng học tạm, phòng mượn vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao; các phòng chức năng, phòng hành chính, phòng tổ chức ăn, phòng đa năng và trang thiết bị, đồ dùng dạy học đều thiếu nhiều. Thực trạng này càng phổ biến ở khu vực miền núi, vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Để có thể đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất giáo dục nói chung, giáo dục khu vực miền núi nói riêng, trong giai đoạn 2017-2025, Thanh Hóa cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, lên đến gần 18.000 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh, thì phần lớn nguồn kinh phí này sẽ phụ thuộc vào ngân sách Trung ương hỗ trợ, thông qua các chương trình mục tiêu và vốn Trái phiếu Chính phủ.

Có thể nói, việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất giáo dục gắn với sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học đang và sẽ góp phần tái cơ cấu hệ thống GD&ĐT theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT hiện nay. Tuy nhiên, các mục tiêu đặt ra là không dễ, nếu nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn xã hội hóa giáo dục không được huy động kịp thời, đầy đủ và hiệu quả. Vậy nên, vấn đề thiếu, thừa – thiếu cục bộ hay vừa thiếu lại vừa yếu cơ sở vật chất giáo dục miền núi hiện nay, vẫn sẽ là câu hỏi khó đặt ra cho không chỉ riêng ngành GD&ĐT hay địa phương nào.


Bài và ảnh: Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]