(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, Trường Trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp trong việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp (DN). Với định hướng đó, chất lượng đào tạo và tỷ lệ học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp các hệ ra trường có việc làm ổn định đạt từ trên 85% trở lên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường Trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa:

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp

Những năm qua, Trường Trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp trong việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp (DN). Với định hướng đó, chất lượng đào tạo và tỷ lệ học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp các hệ ra trường có việc làm ổn định đạt từ trên 85% trở lên.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp

Các doanh nghiệp phỏng vấn, tạo cơ hội việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.

Trước tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang có xu hướng gia tăng, để thu hút HS vào học, yếu tố chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm và đặt lên hàng đầu. Nhà trường đã thường xuyên cử cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh; tổ chức cho giáo viên tham gia các hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, đồng thời có cơ chế, chính sách để tuyển chọn, thu hút giáo viên có trình độ, năng lực về công tác. Đến nay, 96% cán bộ, giáo viên có trình độ đại học (trong đó 25% có trình độ thạc sĩ). Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhà trường đã chỉ đạo các phòng, khoa, bộ môn chủ động nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu việc làm của xã hội, nhất là việc sử dụng lao động của các DN trong và ngoài tỉnh để có định hướng, xây dựng kế hoạch đào tạo ngành nghề phù hợp, sát với thị trường lao động, có đủ khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Cùng với đó, nhà trường còn đẩy mạnh liên kết đào tạo. Theo đó, hàng năm, để hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh UBND tỉnh và ngành giao, nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyển sinh đào tạo, trong đó giải pháp căn cơ được định hướng hoạt động đó là tăng cường phối hợp, gắn kết với các địa phương, DN trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Trên cơ sở tổ chức các lớp đào tạo tại các địa phương, DN và yêu cầu tuyển dụng, nhà trường đã hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng bổ sung, cập nhật thực tiễn, bản sắc vùng miền và những nội dung mới hiện đại vào chương trình, giáo trình giảng dạy; đồng thời đưa HS đến thực tập, kiến tập tại các DN có đội ngũ nhân lực, trình độ cao, được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Những năm gần đây, hàng năm nhà trường đã phối hợp với từ 20 đến 30 nhà hàng, khách sạn, tập đoàn cho HS thực tập, kiến tập, tham quan học tập kinh nghiệm, như: Tập đoàn FLC, Vingroup; Khách sạn Lam Kinh... Đồng thời đẩy mạnh đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của DN. Với cách làm này đã giúp nhà trường cơ bản chủ động về tài chính, chuẩn hóa về kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời giúp cho HS không phải lo về học phí, được đào tạo sát với thực tế, đúng chuyên ngành, phục vụ cho công việc sau này. Với lợi thế về các ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, những năm gần đây nhà trường đã thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng cho nhiều địa phương và DN như: Đào tạo nghiệp vụ du lịch gia đình nhằm phát triển du lịch cộng đồng cho các huyện: Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Quan Sơn, Quan Hóa. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa bàn phát triển du lịch và có các dự án lớn đầu tư như: Tĩnh Gia, Quảng Xương... Ký thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Vinpearl (Tập đoàn Vingroup); Tập đoàn FLC và một số khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị sử dụng lao động trong tuyển sinh đào tạo. Trong đó năm 2016 có 20 tập đoàn, DN; năm 2017 có 25 tập đoàn, DN và năm 2018 có 32 tập đoàn, DN.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, những năm gần đây số lượng HS đăng ký vào học đều đạt và vượt so với chỉ tiêu được giao. Trong 3 năm (từ 2016 - 2018), tổng số học viên, sinh viên thuộc các hệ đã được nhà trường tuyển sinh, đào tạo là trên 6.860 em. Trong đó, hệ trung cấp nghề chính quy gần 1.380 em (đạt 102,8% kế hoạch UBND tỉnh giao); tổng số HS được đào tạo chuyên ngành du lịch đạt trên 1.940 em... Với kết quả tuyển sinh trong những năm gần đây, nhà trường liên tục đứng tốp đầu trong hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh về kết quả tuyển sinh, đào tạo. Thương hiệu đào tạo của nhà trường ngày càng khẳng định, trong đó tỷ lệ học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp các hệ đào tạo ra trường có việc làm đạt tương đối cao. Cụ thể như, hệ trung cấp nghề đạt trên 85%; hệ sơ cấp nghề đạt trên 90%; hệ dạy nghề thường xuyên đạt 100%.

Theo ông Lương Văn Sinh, hiệu trưởng nhà trường, thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ, hợp tác với các DN, trong đó hàng năm sẽ gửi HS đi thực tập tại các tập đoàn, DN khoảng 3 tháng; mời các DN tham gia vào quá trình đào tạo và đánh giá HS qua các kỳ thi. Đối với những HS chuẩn bị ra trường sẽ được nhà trường tổ chức ngày hội tư vấn việc làm, tạo điều kiện để các em có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng việc làm tại các DN. Còn đối với những HS đã có việc làm, nhà trường sẽ thường xuyên theo dõi thu thập thông tin phản hồi từ phía DN, nhằm đánh giá chương trình đào tạo đã phù hợp chưa, hay còn bất cập để điều chỉnh kịp thời, sát với thị trường lao động. Tăng cường hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức quốc tế, giúp HS có điều kiện được chuyển tiếp học tập hoặc thực tập sinh, nâng cao kiến thức kỹ năng nghề.

Bài và ảnh: Duy Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]