(Baothanhhoa.vn) - Ngày 2-2-2018, tại hội nghị Quỹ Các-bon lần thứ 17 (CF 17) tổ chức tại Paris (Pháp), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bảo vệ thành công Văn kiện chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ER-P), được CF 17 ra Nghị quyết CFM/17/2018/2 thông qua và đưa vào danh mục đầu tư của quỹ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội trong thực hiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ tại Thanh Hóa

Ngày 2-2-2018, tại hội nghị Quỹ Các-bon lần thứ 17 (CF 17) tổ chức tại Paris (Pháp), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bảo vệ thành công Văn kiện chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ER-P), được CF 17 ra Nghị quyết CFM/17/2018/2 thông qua và đưa vào danh mục đầu tư của quỹ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Ban Quản lý Dự án FCPF2 tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo bảo đảm an toàn về môi trường và xã hội trong thực hiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ER-P) tại Thanh Hóa.

Mục tiêu của ER-P là “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua trực tiếp giải quyết các nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng và khuyến khích khôi phục rừng, quản lý rừng bền vững”, ER-P thực hiện từ năm 2019-2024 tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ, trong đó có Thanh Hóa. Một trong những yêu cầu bắt buộc của WB khi thực hiện ER-P là phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với con người và môi trường, đồng thời tăng cường các lợi ích từ các hoạt động can thiệp của ER-P.

Thanh Hóa có 626.709 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 56,31% diện tích tự nhiên với độ che phủ 52,8%, trong đó diện tích đăng ký tham gia ER-P là 238.179 ha tại 138 xã của 16 huyện. ER-P thực hiện thông qua 4 hợp phần: Một là tăng cường điều kiện cần thiết cho giảm phát thải; hai là thúc đẩy quản lý rừng bền vững và tăng trữ lượng các-bon; ba là thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững cho người dân sống dựa vào rừng; bốn là quản lý chương trình và giám sát phát thải. Các hoạt động can thiệp của ER-P sẽ tập trung chính vào các chủ rừng Nhà nước, do đó khi thực hiện ER-P các tác động tiêu cực về môi trường và xã hội rất dễ xảy ra trong bối cảnh các mối đe dọa tiềm ẩn đối với rừng là rất lớn, đặc biệt đối với các đơn vị đang xây dựng và thực hiện quản lý rừng bền vững.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, an ninh rừng được bảo đảm, hàng năm trồng mới hàng ngàn ha rừng, số vụ cháy rừng giảm,... Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn các rủi ro về an ninh rừng ở một số địa bàn, tình trạng người dân lén lút vào rừng khai thác trái phép tuy đã giảm rõ rệt nhưng vẫn còn xảy ra, đời sống người dân trong vùng đệm và vùng lõi còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng, nhu cầu sử dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên thị trường hiện nay rất lớn, trong khi đó tài nguyên chủ yếu tập trung tại các khu rừng đặc dụng. Ngoài ra, tình trạng săn bắt động vật hoang dã, cháy rừng vẫn còn tiềm ẩn xảy ra. Bên cạnh đó, các thách thức gián tiếp như người dân sống trong vùng đệm, vùng lõi thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm và thu nhập thấp, vấn đề tăng dân số, các tập tục địa phương, số hộ không thuộc đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ rừng nhưng sống gần rừng rất lớn và rơi vào đối tượng nghèo dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện, xung đột,... sẽ làm gia tăng các mối đe dọa tiềm ẩn làm phá vỡ hệ sinh thái rừng bền vững.

Trong bối cảnh đó, để đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo an toàn khi thực hiện ER-P cần phải xem xét hàng loạt tác động tiêu cực tiềm tàng đến môi trường và xã hội: Trồng cây ngoại lai ảnh hưởng đến chức năng của hệ sinh thái, trồng độc canh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học tăng năng suất cây trồng nhưng sẽ làm giảm đa dạng sinh học, các hình thức phát triển sinh kế (như xây dựng hạ tầng quy mô nhỏ...) cũng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái. Cộng đồng hạn chế tiếp cận đất rừng dẫn đến mất đất sản xuất ở vùng cao và ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế và an ninh lương thực, thiếu sự công nhận quyền sở hữu đất đối với đất rừng, đất nông nghiệp, xung đột tài nguyên đất hiện hữu có thể gia tăng, các giải pháp sinh kế thay thế cho hộ gia đình nghèo ở nông thôn bị hạn chế,...

Chính vì vậy, việc quan tâm, đánh giá đúng mức các tác động của ER-P để có những giải pháp can thiệp phù hợp sẽ làm giảm thiểu các rủi ro đến môi trường, xã hội, sinh kế của người dân tộc thiểu số, nhóm yếu thế trong cộng đồng, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng. Ngoài ra, sẽ gia tăng các lợi ích khác như: Cải thiện sinh kế ở địa phương, xây dựng cấu trúc quản trị rừng minh bạch, bảo vệ lãnh thổ và văn hóa của cộng đồng địa phương, của người dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định, nâng cao bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ và các nhóm thiệt thòi khác, duy trì đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái khác,...

Theo yêu cầu của Ngân hàng thế giới, thực hiện ER-P phải tuân thủ theo 7 nguyên tắc đảm bảo an toàn theo Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), bao gồm: Hoạt động REDD+ bổ sung cho hoặc nhất quán với các mục tiêu của các chương trình lâm nghiệp quốc gia và các công ước quốc tế liên quan; Cơ cấu quản trị rừng quốc gia minh bạch và hiệu quả, xem xét đến pháp luật và chủ quyền quốc gia; Tôn trọng kiến thức và quyền của các dân tộc bản địa và các thành viên của cộng đồng địa phương; Đảm bảo sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của các bên liên quan, đặc biệt là người dân bản địa và các cộng đồng địa phương; Các hoạt động REDD+ nhất quán với việc bảo tồn rừng tự nhiên và đa dạng sinh học, đảm bảo các hoạt động không được sử dụng để chuyển đổi rừng tự nhiên; Hành động để giải quyết các rủi ro; hành động để giảm dịch chuyển phát thải.

Trên cơ sở các yêu cầu nêu trên, trong thời gian qua Ban Quản lý Dự án FCPF2 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 1 hội thảo giới thiệu về ER-P và các biện pháp đảm bảo an toàn, tổ chức 2 hội thảo tham vấn cấp tỉnh, 3 cuộc tham vấn cấp huyện, 3 hội thảo tham vấn cấp xã và tham vấn (phỏng vấn) 3 nhóm cộng đồng thôn tại các huyện vùng thực hiện ER-P (Hậu Lộc, Lang Chánh và Thường Xuân). Các hội thảo tham vấn tập trung vào những nội dung đánh giá, tham vấn các bên liên quan có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến rừng khi thực hiện các nhóm hoạt động can thiệp về thể chế chính sách; về biện pháp kỹ thuật nông, lâm nghiệp của ER-P có tác động tiêu cực đến môi trường, đến cộng đồng, tác động đến các chính sách, chương trình phát triển lâm nghiệp của tỉnh Thanh Hóa như thế nào. Kết quả đã đánh giá và tham vấn 21 hoạt động của ER-P xác định được: Một là về mặt xã hội: Có 62 tác động tiêu cực tiềm tàng và đã có 65 đề xuất giải pháp tương ứng tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Chính sách và pháp luật; Biện pháp kỹ thuật nông, lâm nghiệp; sinh kế cộng đồng và thị trường sản phẩm nông, lâm nghiệp; Văn hóa truyền thống và giới; Hai là về mặt môi trường: Có 56 tác động tiêu cực tiềm tàng và có 60 giải pháp tương ứng tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Chính sách và pháp luật; Cơ chế phối hợp và phản hồi thông tin; Biện pháp kỹ thuật nông, lâm nghiệp; Sinh kế cộng đồng.

Đồng thời, các chủ rừng Nhà nước được lựa chọn tham gia ER-P cũng đã xác định được tầm quan trọng của vấn đề an toàn môi trường và xã hội trong công tác quản lý rừng nói chung và thực hiện ER-P nói riêng, do đó hàng loạt các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo ổn định hệ sinh thái rừng, ổn định cuộc sống của cộng đồng đã được triển khai như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 1685/2011/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII); Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8-8-2017 của Chính phủ; Kế hoạch hành động số 47/KH-UBND ngày 23-4-2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa và Kế hoạch số 26/KH-SNN&PTNT ngày 18-5-2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW. Hình thành mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền công tác bảo vệ rừng đến từng thôn, tăng cường sự tham gia của hội phụ nữ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phối hợp chính quyền các xã vùng đệm, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong cộng đồng, thực hiện có hiệu quả công tác khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh cho cộng đồng,...

Trong thời gian tới Ban Quản lý Dự án FCPF2 tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn cấp huyện và cấp xã tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn, đây là những cuộc tham vấn nhằm đánh giá trung thực, khách quan các tác động của ER-P đến cộng đồng người dân tộc và vấn đề tái định cư của người dân. Bên cạnh đó cũng sẽ có các cuộc tham vấn các cấp chính quyền, ngành và cộng đồng về các vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu nại và phản hồi thông tin của cộng đồng liên quan đến ER-P. Các kết quả đánh giá, tham vấn và các giải pháp đang được các chủ rừng Nhà nước triển khai nêu trên là những thông tin, dữ liệu, giải pháp hữu ích, phù hợp với thực tế tại các địa phương tham gia ER-P, góp phần hoàn thiện các khung quản lý môi trường và xã hội (ESMF), khung kế hoạch dân tộc thiểu số (EPF), khung chính sách tái định cư (RPF), chương trình hành động về giới (GAP), cơ chế phản hồi và giải quyết khiếu nại (FGRM). Đây là những công cụ cần thiết nhằm giúp các bên liên quan thực hiện, giám sát, đánh giá kịp thời, chính xác để có những giải pháp can thiệp phù hợp những vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn môi trường và xã hội, tránh những phát sinh không mong đợi xảy ra trong quá trình thực hiện ER-P.

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh, sự hỗ trợ của Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” do Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ, vấn đề đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội đang tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng các yêu cầu của WB. Đây là một trong những yếu tố then chốt, quyết định góp phần thực hiện thành công ER-P trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.


Bài và ảnh: Thu Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]