(Baothanhhoa.vn) - Có phần lo lắng trước sự thay đổi của kỳ thi THPT năm nay, song, cả giáo viên và học sinh (HS) khối 12 các trường THPT trên địa bàn tỉnh vẫn chủ động, tích cực trong dạy và học để đạt kết quả tốt nhất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ động trong dạy và học trước sự thay đổi của kỳ thi THPT

Có phần lo lắng trước sự thay đổi của kỳ thi THPT năm nay, song, cả giáo viên và học sinh (HS) khối 12 các trường THPT trên địa bàn tỉnh vẫn chủ động, tích cực trong dạy và học để đạt kết quả tốt nhất.

Chủ động trong dạy và học trước sự thay đổi của kỳ thi THPT

Cô trò Trường THPT Nguyễn Thị Lợi (TP Sầm Sơn) tích cực học tập, ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như những năm trước, thay vào đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục đích của kỳ thi là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học (ĐH), cao đẳng sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 mà Bộ GD&ĐT đưa ra, kỳ thi gồm các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH). Trong đó, bài thi tổ hợp KHTN gồm 3 môn thành phần Vật lý, Hóa học và Sinh học; bài thi tổ hợp KHXH gồm 3 môn thành phần Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân (đối với thí sinh là HS giáo dục THPT) hoặc gồm 2 môn thành phần Lịch sử, Địa lý (đối với thí sinh là HS giáo dục thường xuyên (GDTX). Thí sinh là HS giáo dục THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH); thí sinh là học viên GDTX phải thi 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh GDTX có thể dự thi thêm bài Ngoại ngữ. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD&ĐT công bố...

Trước sự thay đổi của kỳ thi THPT 2020 năm nay, em Vũ Đình Minh, HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Lợi (TP Sầm Sơn) chia sẻ: “Bản thân em cảm thấy hơi lo lắng khi Bộ GD&ĐT chốt phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi ngoài thi tốt nghiệp em còn có nguyện vọng xét tuyển ĐH, nếu trường ĐH em đăng ký dự tuyển không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển, em phải tham gia thêm một kỳ thi nữa do trường ĐH tổ chức. Điều này sẽ là áp lực với em trong khi vừa học tập, vừa phòng, chống dịch bệnh như hiện nay. Trước mắt em sẽ tập trung ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Trong quá trình ôn tập, em sẽ tham khảo thêm phương án tuyển sinh của trường ĐH mà mình dự định đăng ký xét tuyển để chủ động học tập và ôn luyện”.

Ngay khi biết thông tin về phương án thi THPT năm nay chỉ là xét tốt nghiệp, em Lê Thị Mai Anh, HS lớp 12, Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Hoằng Hóa) thấy hoang mang, lo lắng, vì lâu nay Mai Anh đang học theo tư duy của chương trình, đề thi của những năm trước. Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa và có chủ trương tách điểm đầu môn trong tổ hợp bài thi KHTN và KHXH thì Mai Anh cũng như các bạn trong lớp cảm thấy tự tin hơn. Mai Anh cho biết: “Thời gian vừa qua, ngoài việc ôn kiến thức thi tốt nghiệp, em vẫn dành nhiều thời gian cho các môn khối thi ĐH mà em định xét tuyển. Em nghĩ việc ôn luyện kỹ kiến thức, giữ tâm lý ổn định sẽ giúp em có được một kỳ thi thành công. Riêng việc xét tuyển ĐH em sẽ căn cứ vào phương án tuyển sinh của các trường để lựa chọn nguyện vọng thích hợp”.

Cùng với sự nỗ lực của mỗi HS, các nhà trường, đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn thi đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ôn tập cho HS. Đồng thời, động viên các em cố gắng học tập, ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi. Cô Vũ Thị Trọng, giáo viên giảng dạy môn Sinh học, Trường THPT Đặng Thai Mai (Quảng Xương), cho hay: “Ngoài dạy học theo khung chương trình của năm học, tôi cũng như những giáo viên khác trong trường đều xây dựng kế hoạch, dành thời gian ôn tập cho HS theo cấu trúc và đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Đối với những HS có nguyện vọng xét tuyển ĐH, chúng tôi sẽ tăng cường thêm kiến thức nâng cao cho các em. Đồng thời, động viên các em ôn tập kỹ những kiến thức trọng tâm, tìm hiểu kỹ thông tin về việc tuyển sinh riêng của các trường ĐH để tránh gây tâm lý hoang mang”. Được biết, năm nay, Trường THPT Đặng Thai Mai có hơn 400 HS khối 12, qua khảo sát có khoảng 50% HS tham gia xét tuyển ĐH. Hiện, nhà trường cũng đã thành lập các nhóm HS có khả năng đạt từ 24 điểm trở lên ở 3 môn tham gia xét tuyển hoặc thi ĐH để xây dựng chương trình ôn luyện riêng cho các em.

Theo ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, để bảo đảm chất lượng dạy và học tại các nhà trường hướng tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT và cơ sở GDTX thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc dạy học qua internet, hướng dẫn HS học qua truyền hình. Cùng với việc chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động dạy, học trên lớp, từ ngày 11-5, Sở GD&ĐT phối hợp với Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh phát sóng chương trình dạy học trên truyền hình cho HS lớp 9 và lớp 12. Trong đó, đối với HS lớp 12, chương trình dạy học phát sóng vào sáng chủ nhật với lịch học cụ thể: Từ 7 giờ 15 đến 8 giờ 50 dạy học môn Ngữ văn; từ 8 giờ 55 đến 10 giờ 30 dạy học môn Toán. Buổi chiều chương trình phát sóng tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến chủ nhật với khung giờ từ 14 giờ đến 15 giờ 35 với lịch học cụ thể: Thứ 2 dạy học môn tiếng Anh; thứ 3 dạy học môn Địa lý; thứ 4 dạy học môn Lịch sử; thứ 5 dạy học môn Giáo dục công dân và Ngữ Văn (trong đó dạy học môn Giáo dục công dân từ 14 giờ đến 14 giờ 45, dạy học môn Ngữ văn từ 14 giờ 50 đến 15 giờ 35); thứ 6 dạy học môn Vật lý; thứ 7 dạy học môn Sinh học; chủ nhật dạy học môn Toán. Nội dung giảng dạy là ôn tập, củng cố kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, phù hợp với nội dung tinh giản chương trình, giúp HS có đủ kiến thức cơ bản và kỹ năng làm bài khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT...

Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã từng khẳng định, phương thức tổ chức thi THPT quốc gia dùng chung kết quả thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển ĐH, là ổn định và phù hợp. Bộ cũng đã có chủ trương duy trì phương thức thi này đến năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, do diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã phải liên tục đưa ra những thay đổi cho kỳ thi này, bao gồm giảm tải kiến thức học kỳ II, lùi thời gian tổ chức thi, mục đích thi, công tác coi thi, chấm thi và cách tính điểm bài thi... Nhiều người cho rằng, dù kỳ thi THPT có thay đổi như thế nào, nhưng với sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của cả giáo viên và HS, sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của mỗi nhà trường và toàn ngành giáo dục, chính quyền địa phương, chắc chắn kỳ thi sẽ thành công tốt đẹp.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]